Gửi bài:

Chương 2

4.

- Đấy là vụ hè thu bị bỏ phí ngoài đồng. Vừa gieo xong thì tai hoạ ập đến. Khi cô Polia ra đi. Chú còn nhớ cô Polia chứ?

- Không, chưa bao giờ chú biết cô ấy cả. Cô ấy là ai vậy?

- Sao lại chưa biết. Cô Chiagunova ấy! Cùng đi tàu với chúng ta ấy. Người có khuôn mặt niềm nở, mập mạp, trắng trẻo.

- Cái cô cứ luôn luôn gỡ tóc ra rồi tết vào thành bím phải không?

- Bím tóc, bím tóc! Đúng, đúng đấy! Bím tóc!

- À, thế thì nhớ rồi. Hượm đã. Mà này, sau đó chú có gặp cô ấy ở Sibiri, tại một thị trấn, lúc đang đi ngoài phố.

- Có thể thế được ư? Chú gặp cô Polia?

- Ơ hay, cháu làm sao vậy, Vasia? Sao cháu cứ lắc tay chú như một thằng điên thế? Khéo không gãy tay chú bây giờ. Mà sao lại đỏ mặt lên như con gái vậy?

- Cô ấy ra sao? Chú kể nhanh đi.

- Lúc chú gặp thì cô ấy vẫn khỏe mạnh. Cô ấy có kể về cháu. Hình như cô ấy đã ở chơi nhà cháu thì phải. Nhưng chú không nhớ rõ đâu, chú có thể lẫn lộn.

- Không, đúng đấy, đúng đấy! Cô ấy có ở nhà cháu? Ở nhà cháu? Mẹ cháu quý cô ấy như em ruột vậy. Cô ấy hiền lành. Chịu khó. Khéo tay khéo chân lắm. Hồi cô ấy còn ở nhà cháu, gia đình rất đầy đủ. Nhưng người ta cứ đơm đặt nói xấu, khiến cô ấy phải bỏ làng cháu mà đi vì không yên tâm nổi với bọn họ.

Trong làng có thằng cha Khaclam khốn kiếp. Hắn săn đón tán tỉnh cô Polia. Một tên hớt lẻo tồi tệ. Nhưng cô ấy đâu thèm để mắt đến hắn. Hắn để bụng thù cô ấy. Hắn rêu rao nói xấu cô Polia với cháu. Hắn vu khống đủ thứ, đến mức cô Polia phải bỏ đi. Kế đó xảy ra một chuyện.

Một vụ giết người kinh khủng đã xẩy ra ở gần đây. Một phụ nữ goá chồng, sống cô độc ở một cái trại ven rừng, gần làng Buiscoie. Chị ta đi đôi giày đàn ông, có sỏ giây cao su. Chị ta nuôi một con chó dữ, buộc dây xích, nó thường chạy dọc hàng rào thép gai quanh trại, tên nó là Gorlan. Chị ta tự làm lấy việc nhà, việc nông trại, không cần ai phụ giúp. Thế rồi mùa đông ập đến bất ngờ. Tuyết rơi quá sớm. Chị ta lại chưa bới hết khoai. Chị ta đến làng và bảo "Các người hãy giúp tôi, tôi sẽ trả tiền hoặc một phần khoai bới được".

Cháu nhận đến bới khoai cho người ta. Cháu đến trại, thì thấy thằng cha Khaclam đã có mặt ở đấy. Hắn nhận làm giúp trước cháu. Chị ta, không nói cho cháu biết điều đó. Nhưng chẳng lẽ đi đánh lộn để tranh việc. Cháu với hắn bèn làm chung. Đúng hôm thời tiết xấu nhất. Vừa mưa vừa tuyết, bùn đất nhão nhoẹt. Bới được khoai rồi, còn phải đốt lá rụng và xông khói ấm cho khô khoai. Công việc xong xuôi, chị ta thanh toán công xá tử tế. Chị ta bảo Khaclam ra về, còn cháu, chị ta nháy mắt ra ý bảo "tôi còn muốn nhờ cậu chút việc, cậu hãy ở lại hoặc ghé đến sau cũng được".

Lần khác, cháu đến gặp chị ta. Chị ta nói, "tôi không muốn giao số khoai còn thừa cho đội trưng thu lương thực của nhà nước. Cậu là một chàng trai tử tế", chị ta bảo thế, "tôi biết cậu sẽ không tố cáo tôi. Đấy cậu xem, tôi không hề giấu giếm gì cậu. Kể ra, tôi cũng có thể tự mình đào hố giấu khoai, nhưng cậu xem, thời tiết xấu thế nào. Tôi để muộn quá, mùa đông đến mất rồi. Mình tôi không kham nổi. Cậu hãy đào hố giúp tôi, cậu sẽ được đền bù xứng đáng. Tôi với cậu sẽ sấy khoai và cất xuống đó".

Cháu đào giúp chị ta một cái hố bí mật, đáy phình ra, trên miệng hẹp lại, như một cái bình. Hai chị em cùng hun khói nóng cho khô và ấm trong lòng hố. Đúng cái hôm có bão tuyết. Khoai được giấu xuống đó cẩn thận, rồi lắp đất kín bên trên. Khỏi chê. Dĩ nhiên, cháu không hé môi kể cho ai biết cái hố ấy. Kể cả mẹ và hai em cháu, cháu cũng không nói cho biết.

- Không một ai biết được cả?

Thế nhưng chưa đầy một tháng sau, trại của chị ta bị cướp phá. Những bà con bên làng Buiscoie kể rằng khi họ đi ngang qua trại, họ thấy cửa nhà tanh bành, đồ đạc bị dọn sạch, chị goá biến mất tăm, con chó Gorlan thì giật đứt xích trốn đi.

Ít lâu sau, khi trời ấm lại đợt đầu, lúc ấy sắp sang năm mới, vào kỳ vọng lễ thánh Basin, trời mưa rào mấy trận, rửa sạch các đống tuyết, tuyết tan trơ mặt đất ra. Con chó Gorlan chạy về trại, cứ lấy chân bới khu đất, đúng chỗ giấu khoai. Nó bới mãi chỗ miệng hố, hất đất sang xung quanh, và từ dưới hố lôi ra hai cái chân của chủ nó đi đôi giày có dây buộc. Chú bảo có khiếp không!

Ở làng cháu ai cũng thương xót chị ta. Chả ai nghi cho thằng Khaclam. Mà nghi sao được? Mà tin sao được cơ chứ?

Nếu hắn giết, thì hắn đâu còn dám can đảm ở lại làng mà cứ đi nghênh ngang như thế? Thì hắn phải cao chạy xa bay khỏi làng rồi.

Đám kulak đầu tiên trong làng lấy làm hể hả về vụ giết người ở trại. Bọn chúng lợi dụng để gây rối trong làng. Chúng nói, bà con thấy chưa, bọn người thành thị khôn khéo chưa.

Đấy là chúng muốn đe dọa, cho bà con một bài học: chớ có mà giấu lúa, chôn khoai. Vậy mà thiên hạ ngu ngốc cứ đồn rằng họ thấy tụi cướp trong rừng kéo ra cướp trại. Dân quê đến là khờ dại! Bà con cứ nghe theo bọn người thành thị nữa đi. Chúng sẽ làm cho bà con khốn khổ, chết đói nhăn răng ra. Dân làng muốn yên thân thì hãy đi theo chúng tôi. Chúng tôi sẽ chỉ bảo cho. Khi nào chúng lột sạch những gì quý báu, những gì bà con phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được, thì bà con cứ bảo chúng rằng chẳng làm gì có lúa khoai dư thừa. Cùng lắm thì mang chàng nạng ra mà chống cự. Ai làm trái ý dân làng thì liệu thần hồn. Ông già bà lão cứ khen phải rối rít, hội họp tùm lum. Thằng cha hớt lẻo Khaclam chỉ chờ có thế. Nó lẳng lặng lên tỉnh để trình báo. Ở làng người ta đang làm loạn như thế này thế nọ, vậy mà các vị ngồi đây khoanh tay à? Phải lập Uỷ ban dân nghèo ở đó. Nếu các vị cho phép, tôi sẽ xử chúng đâu ra đấy trong nháy mắt. Sau đó hắn trốn biệt khỏi làng, chả thấy mặt hắn đâu nữa.

Mọi chuyện tiếp diễn một cách rất tự nhiên. Không ai gây sự, cũng chẳng ai có lỗi. Trên tỉnh phái về làng một toán Hồng quân. Và lập toà án lưu động. Cháu bị bắt ngay lập tức. Thằng cha Khaclam đã vu cho cháu. Nào là cháu đã bỏ trốn đợt lao công chiến trường, nào là cháu xúi bẩy dân làng nổi loạn, nào là cháu giết chị phụ nữ goá chồng. Cháu bị giam giữ cẩn thận.

May thay, cháu đã nghĩ cách nạy ván sàn trốn thoát. Cháu xuống trốn trong hang đất ở bờ sông. Làng xóm bốc cháy trên đầu cháu, cháu đâu có thấy, mẹ cháu gieo mình xuống sông, cháu cũng chẳng hay. Mọi chuyện cứ tự nhiên xảy ra. Toán lính Hồng quân đóng trong một ngôi nhà gỗ, đua nhau nốc rượu say bí tỉ. Ban đêm họ vô ý chuyện củi lửa, thế là nhà cháy thành tro, lây lan sang các nhà bên cạnh. Dân làng chạy thoát ra khỏi các ngôi nhà đang cháy, còn toán lính Hồng quân thì rõ ràng bị thiêu sống không thoát một mống. Không ai xua đuổi dân làng đi khỏi đống tro tàn. Tự họ bỏ làng ra đi tứ tán, vì họ sợ còn xảy ra những tai ương khác. Bọn nhà giàu đầu têu lại tung tin nói rằng người ta sẽ xử bắn một phần mười dân làng.

Lúc cháu trở lên làng, cháu không còn gặp một ai. Bà con đã bỏ làng đi hết, chắc đang lang bạt đâu đó.

5.

Zhivago và Vasia đến Moskva vào mùa xuân năm một ngàn chín trăm hai mươi hai, đầu thời kỳ chính sách kinh tế mới. Trời trong sáng, ấm áp. Những vệt nắng, phản chiếu từ các vòm tròn dát vàng của nhà thờ Chúa Cứu Thế, hắt xuống cái quảng trường lát các viên đá hình chữ nhật, có cỏ mọc ở các kẽ đá.

Các lệnh cấm tư nhân kinh doanh đã được bãi bỏ, người ta cho phép buôn bán tự do trong phạm vi quy định chặt chẽ.

Những kẻ buôn bán đồ cũ ở chợ trời thực hiện các dịch vụ trao đổi hàng hoá. Quy mô nhỏ bé của các dịch vụ ấy thúc đẩy việc đầu cơ trục lợi và đưa đến tình trạng lạm dụng. Trò móc nối vặt vãnh của đám dân buôn chẳng đem lại cái gì mới và cũng chẳng tạo ra thêm chút hàng hoá nào cho tình thế kiệt quệ ở thành thị. Nhưng cứ mua đi bán lại các món hàng đến hàng chục lần với giá mỗi lúc mỗi cao cũng giúp họ làm giàu.

Những người có được một vài thư viện tư nhỏ bé đã tập trung sách của họ về một chỗ. Họ xin Xô viết thành phố cho mở các hợp tác xã mua bán sách báo. Họ xin được một địa điểm. Đó là một cái kho giày dép bị bỏ hoang từ mấy tháng đầu cách mạng hoặc một cái nhà ấm của hội trồng hoa cũng đã đóng cửa từ mấy năm nay. Dưới vòm nhà rộng rãi ấy, họ bày bán các bộ sách mỏng lượm lặt ở các nơi mang về.

Các bà vợ giáo sư, thời kỳ khó khăn từng bí mật làm loại bánh mỳ trắng đem bán, bất chấp lệnh cấm, bây giờ đem bán công khai trong một xưởng xe đạp nào đó từng hoạt động suốt những năm ấy. Bây giờ các bà đã chuyển hướng, chấp nhận cách mạng và thay vì nói "Vâng" hoặc "Được", họ bắt đầu nói:

"Đồng ý" hoặc "Tán thành".

Tới Moskva, Zhivago bảo Vasia:

- Có lẽ cháu nên làm một việc gì đó, Vasia ạ.

- Cháu cũng nghĩ thế, cháu nên đi học.

- Hẳn thế.

- Cháu còn một mơ ước nữa. Cháu muốn vẽ chân dung mẹ cháu theo trí nhớ.

- Hay lắm. Nhưng muốn vậy, phải biết vẽ. Cháu đã thử vẽ lần nào chưa?

- Hồi ở khu Apracsin, khi chú không để mắt tới, cháu vẫn chơi trò dùng than vẽ hình.

Vasia không có năng khiếu đặc biệt về môn vẽ, nhưng cũng đủ khả năng để học hội hoạ ứng dụng. Nhờ chỗ quen biết, Zhivago đã gửi cậu ta vào phân khoa phổ thông của trường Stơrôganov cũ, rồi từ phân khoa ấy cậu ta được chuyển sang khoa ấn loát. Tại đó cậu ta học kỹ thuật in thạch bản, nghề in typô, nghề đóng bìa sách và nghệ thuật trang trí sách.

Zhivago và Vasia cộng tác với nhau. Bác sĩ viết các tập sách mỏng, độ hai chục trang, về các vấn đề hết sức khác nhau, còn Vasia thì đem đến trường để in như một cách làm bài thi được tính cho cậu khi mãn khoá học. Những cuốn sách mỏng, được in một số bản theo kiểu đó, đã được mang bán tại các tiệm sách cũ mới mở và do các người quen của hai thầy trò làm chủ.

Trong các tập sách ấy, Zhivago trình bày triết lý của chàng, các quan điểm y học của chàng, các cách xác định sức khỏe và bệnh tật, các tư tưởng về thuyết biến hình và tiến hoá, về nhân cách như là cơ sở sinh lý học của cơ thể, các ý kiến của chàng về lịch sử và tôn giáo, không khác bao nhiêu so với các ý kiến của cậu Nicolai và cô Seraphima, các bài ký về những vùng khởi nghĩa Pugachev mà chàng từng đi qua, các bài thơ và truyện ngắn của chàng.

Các tác phẩm ấy được tnnh bày dễ hiểu, theo hình thức đàm thoại, song rất xa với mục tiêu mà các nhà truyền bá kiến thức phổ thông chủ trương, bởi vì chúng chứa đựng những quan điểm tùy tiện, chưa được kiểm chứng đầy đủ, song được cái rất sống động và độc đáo. Sách bán chạy và được những nhà hoạt động nghiệp dư đánh giá cao. Thời đó, làm thơ, dịch truyện, tất cả trở thành nghề chuyên môn, có các công trình nghiên cứu lý luận về đủ mọi thứ, có các viện nghiên cứu dành cho tất cả mọi thứ. Xuất hiện các thứ Cung tư tưởng, Hàn lâm viện tư tưởng nghệ thuật, Zhivago là tiến sĩ nằm trong biên chế của một nửa các thứ hàn lâm viện vô danh ấy.

Chàng và Vasia chung sống hoà thuận với nhau trong một thời gian dài. Họ thay đổi chỗ ở xoành xoạch, chỗ nào cũng khó ở và thiếu tiện nghi theo nhiều cách khác nhau.

Ngay khi về Moskva, Zhivago đã tới ngôi nhà của gia đình ở đường Sipsep Vragiec, ngôi nhà cũ mà người ta bảo chàng rằng các người thân của chàng từ hồi về Moskva không ghé đến lần nào. Do họ bị trục xuất, những căn phòng đứng tên chàng và gia đình đã được cấp cho người khác đến ở, mọi đồ đạc của riêng chàng và gia đình cũng không còn một thứ gì. Thấy chàng, mọi người xa lánh chàng như một người quen nguy hiểm.

Macken đã lên chức và không còn ở đường Sipsep nữa. Bác đã cử làm quản trị trưởng khu cư xá Hàng Bột, nơi bác ta cùng gia đình có quyền chiếm căn hộ của viên quản lý cũ. Tuy nhiên, bác ta chọn căn buồng của người gác cửa cũ, nền đất, có vòi nước và cái lò sưởi lớn kiểu Nga chiếm một nửa căn buồng.

Tất cả các dãy nhà trong khu cư xá về mùa đông đều bị nứt ống dẫn nước và ống lò sưởi, chỉ riêng căn buồng của người gác cửa là ấm áp và nước không bị đóng băng hoặc lạnh giá.

Rồi đến giai đoạn quan hệ giữa Zhivago và Vasia trở nên lạnh nhạt. Vasia đã phát triển nhanh lạ lùng. Cậu ta bắt đầu nói và nghĩ khác hẳn lời nói lẫn cách nghĩ của cậu bé chân đất, tóc tai rối bù ở làng Veretenich trên sông Penga ngày nào.

Tính chất hiển nhiên, tuyệt đối của những chân lý do cách mạng đưa ra ngày càng lôi cuốn cậu ta. Lời lẽ bóng bẩy, không hoàn toàn dễ hiểu của bác sĩ, bị cậu cho là luận điệu sai trái, đang bị lên án, một luận điệu đuối lý nên tìm cách lảng tránh.

Bác sĩ tới lui nhiều cơ quan khác nhau. Chàng làm đơn xin đề nghị họ giải quyết hai việc. Một là về mặt thanh minh chính trị cho gia đình để gia đình chàng được quyền hợp pháp trở về Tổ quốc, mặt khác, chàng xin hộ chiếu cho mình sang Paris đoàn tụ với vợ con.

Vasia ngạc nhiên về sự uể oải và kém hăng hái của Zhivago trong việc lo liệu xin xỏ đó. Zhivago chưa chi đã cho rằng mọi cố gắng bỏ ra đều vô ích, chàng cũng quá tự tin và hài lòng khi luôn miệng tuyên bố rằng mọi nỗ lực chạy chọt tiếp theo cũng chỉ uổng công mà thôi.

Vasia ngày càng hay chỉ trích chàng. Chàng cũng không phật lòng về những lời chỉ trích hữu lý đó. Nhưng quan hệ giữa chàng với Vasia đã bị tổn thương. Cuối cùng họ từ bỏ nhau.

Zhivago để lại căn phòng hai người thuê chung cho Vasia, còn chàng thì dọn đến khu cư xá Hàng Bột, nơi Macken đầy quyền thế cấp cho chàng một góc khu nhà cũ của gia đình Sventitski.

Chỗ này ở cuối khu nhà, gồm một buồng tắm cũ không ai dùng, căn phòng có một cửa sổ ở sát buồng tắm và một cái bếp xiêu vẹo nối liền với cái cửa hậu đã bị đổ đến lưng chừng. Zhivago dọn đến đây, bỏ hẳn nghề y, bắt đầu sống bừa bãi, ngừng đi lại với những người quen biết và lâm vào cảnh đói nghèo.

Mục lục
Ngày đăng: 28/04/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục