Gửi bài:

Chương 2

5.

Mùa xuân năm một ngàn chín trăm lẻ sáu, trước khi qua năm cuối cùng ban trung học, Lara đã đi lại với Komarovski tính ra được sáu tháng rồi, nàng không thể chịu đựng thêm nữa. Hắn rất khéo lợi đụng tâm trạng ủ ê của nàng, và khi cần đến, hắn lại kín đáo và tế nhị gợi nhắc nàng về sự ô nhục của nàng. Những sự gợi nhắc ấy đẩy Lara vào cái tình trạng bối rối mà những kẻ hảo ngọt dâm đãng, muốn có ở người đàn bà.

Tình trạng bối rối ấy cứ đẩy nàng đi sâu mãi vào cơn ác mộng nhục dục, một cơn ác mộng khiến nàng rợn tóc gáy mỗi lúc tỉnh ra. Những mâu thuẫn trong cơn điên rồ ban dêm thật vô cùng khó hiểu, lúc ấy mọi sự đều đảo lộn và vô lý: giữa lúc đang đau nhói lại cười ha hả, giằng co và từ chối lại có nghĩa là ưng thuận, và bàn tay kẻ hành hạ lại được phủ đầy những cái hôn hàm ơn.

Tưởng chừng chuyện đó sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng vào mùa xuân, trong một buổi học cuối niên khoá, Lara ngồi nghĩ miên man, rằng đến mùa hè sắp tới, cái cảnh ấy sẽ còn xảy ra thường xuyên hơn vì nàng được nghỉ hè, không đến trường, mà trường học vốn là chỗ trú ẩn cuối cùng của nàng để tránh mặt Komarovski. Thế là nàng nhanh chông đi tới một quyết định sẽ thay đổi cuộc đời nàng trong một thời gian dài.

Buổi sáng hôm đó trời oi bức, báo hiệu sắp có giông. Các cửa sổ lởp học đều mở rộng. Ngoài kia, thành phố rì rầm, lúc nào cũng một điệu nghe như tiếng đàn ong bay quanh tổ. Từ sân trường vọng vào tiếng trẻ con chơi đùa. Mùi cỏ dưới đất và mùi mầm cây non làm váng đầu như mùi bánh rán bị xém và mùi rượu vốtca trong ngày lễ tống tiễn mùa đông.

Thầy dạy sử đang giảng về cuộc chinh phạt Ai Cập của Napoléon. Lúc thầy kể đến cuộc đổ bộ ở Phơrêgluyt, trời bỗng tối sầm, rồi những tia chớp sáng lòe nhằng nhịt, những tiếng sấm xé toang bầu trời. Cùng với không khí mát dịu, các luồng cát và bụi cũng qua cửa sổ tràn vào lớp học. Hai cô nữ sinh vốn quen tính bợ đỡ liền tranh nhau chạy ra hành lang gọi người đóng cửa sổ. Khi hai cô mở cửa chạy ra, một luồng gió đã cuốn tung tất cả các tờ giấy thấm làm cho chúng bay lả tả khắp phòng.

Các cửa sổ đã được đóng lại. Mưa rào đổ xuống, một trận mưa rào ở thành phố, bẩn thỉu, trộn đầy bụi bậm, Lara xé một tờ giấy trong cuốn vở và viết cho cô bạn Nadia Kologrivova ngồi cùng bàn:

"Nadia ơi, mình cần tổ chức một cuộc sống độc lập với mẹ mình. Nadia hãy giúp mình tìm chỗ dạy tư ở nhà nào trả lương kha khá một chút. Gia đình cậu quen biết nhiều người giàu có".Nadia cũng dùng cách đó trả lời:

"Ba mẹ mình đang tìm cô giáo cho con Lipa. Hãy đến nhà mình mà ở. Như thế sẽ rất tuyệt! Cậu biết đấy, ba mẹ mình rất quý cậu!"

6.

Lara sống đã hơn ba năm ở gia đình Kologrivov như sau một luỹ đá che chở: Không ai, kể cả mẹ và em trai, có thể đến đây quấy phá nàng. Càng ngày nàng càng thấy xa họ, và họ cũng chẳng cho nàng hay tin gì về họ.

Lavrentin Mikhailovich Kologrivov là một nhà kinh doanh lớn thuộc thế hệ mới, có óc thực tế, tài giỏi và thông minh. Đối với cái chế độ đang lỗi thời, ông có cái ác cảm vừa của một triệu phú thừa khả năng mua đứt cả ngân khố quốc gia, vừa của một thường dân đã vươn tới đỉnh cao sang. Ông che giấu ở nhà mình những người hoạt động bí mật, ông thuê luật sư bào chữa cho các bị cáo chính trị, và như người ta vẫn nói đùa, chính ông cấp vốn cho cách mạng, tổ chức đình công ngay trong xưởng máy của ông, để lay chuyển chính cái địa vị tư bản của ông. Lavrenti là một tay thiện xạ, rất mê săn bắn, và suốt mùa đông năm một ngàn chín trăm lẻ năm, ngày chủ nhật nào ông cũng đến khu rừng Seribriarylyi và đảo Losin để tập bắn cho anh em nghĩa quân.

Đấy là một người tuyệt vời. Bà Seraphima Philipovna, vợ ông, cũng xứng đôi với ông. Lara rất kính phục hai ông bà. Và mọi người trong gia đình Kologrivov cũng đều yêu mến nàng như người ruột thịt.

Lara sống yên ổn, vô tư ở gia đình ấy được hơn ba năm, thì bỗng nhiên một hôm cậu em trai Rodion đến gặp nàng.

Cậu ta đứng nhún nhẩy trên đôi cẳng dài như một gã công tử bột, nói giọng mũi và kéo dài từng tiếng cho thêm phần quan trọng, cậu ta kể cho bà chị biết rằng đám học viên sĩ quan cùng khoá đã góp tiền để mua tặng phẩm cho viên giám đốc nhà trường, họ đã trao tiền cho cậu ta đi chọn mua món quà đó. Và số tiền ấy, cậu ta đã nướng sạch vào sòng bạc từ ngày hôm kia.

Kể đến đấy, cậu ta gieo cái thân xác cao lênh khênh xuống chiếc ghế bành mà khóc hu hu.

Nghe chuyện, Lara thấy lạnh cả gáy. Rodion lại sụt sịt kể tiếp:

- Hôm qua, em có đến gặp ông Komarovski. Ông ta nhất định không cho vay, nhưng ông ta bảo rằng nếu chị muốn... Ông ta bảo, tuy chị không còn yêu gia đình nữa, chị vẫn còn quyền lực rất mạnh đối với ông ta... Chị Lara ơi... Chị chỉ cần nói một tiếng là được... Chị hiểu cho, nếu không xong việc này, thì em sẽ nhục nhã biết chừng nào, sẽ bôi nhọ danh dự sĩ quan đến chừng nào... Chị hãy tới gặp ông ta đi... chị có mất gì đâu kia chứ? Nhờ ông ta... Chắc chị không muốn để em phải trả bằng máu cái số tiền bị mất ấy...

- Hừ... trả bằng máu... Danh dự sĩ quan... - Lara phẫn uất nhắc lại; vì quá xúc động, nàng đứng dậy đi lại trong phòng. - Thế còn tôi, tôi không phải là sĩ quan, tôi không có danh dự, và người ta muốn làm gì tôi thì làm hả? Cậu có hiểu cậu đòi hỏi tôi điều gì không? Cậu có hiểu lão ta đề xuất cái gì với cậu hay không? Mấy năm trời nay tôi cắm cúi làm lụng, mất cả ăn ngủ mới xây dựng nên, đùng một cái người ta đến đạp đổ cái rụp, cóc cần gì hết. Thôi, xéo đi đâu thì xéo, bắn một phát vào đầu mà tự tử cho xong. Việc gì đến tôi? Thế cậu cần bao nhiêu?

Sau đôi chút ngập ngừng. Rodion trả lời:

- Sáu trăm chín mươi rúp và ít lẻ, thôi cứ gọi cho tròn bảy trăm.

- Rodion! Cậu đúng là điên rồi! Cậu có hiểu cậu vừa nói gì không? Cậu nướng hết những bảy trăm rúp kia ư? Rodion! Rodion! Cậu có biết, một người bình thường, như tôi chẳng hạn, nếu có làm ăn lương thiện, thì phải mất bao nhiêu lâu mới dành dụm nổi ngần ấy tiền hay không?

Ngừng một lát, nàng nói thêm, giọng lạnh nhạt, xa lạ:

- Thôi được! Để tôi thử xem. Ngày mai cậu tới đây. Và nhớ mang theo khẩu súng mà cậu định dùng để tự sát. Cậu phải giao nó cho tôi quyền sử dụng. Với một số đạn kha khá vào nhớ đấy!

Món tiền ấy, nàng đã vay của ông Lavrenti Kologrivov.

7.

Công việc ở gia đình Kologrivov không đến nỗi vất vả gì. Lara vẫn có thời giờ học hết ban trung học, theo học đại học với kết quả khả quan và năm sau là năm một ngàn chín trăm mười hai, nàng sẽ thi lấy bằng.

Mùa xuân năm 1911, cô Lipa, học trò của nàng đã tốt nghiệp trung học. Cô đã đính hôn với một kỹ sư trẻ tuổi tên là Phrizenden thuộc một gia đình khá giả. Cha mẹ cô cùng đồng ý với sự lựa chọn của cô, nhưng chưa bằng lòng cho cô kết hôn quá sớm như thế và khuyên cô hãy đợi ít lâu nữa. Điều đó đã gây ra cảnh xích mích đáng buồn. Lipa là một thiếu nữ quen được chiều chuộng, tính nết đỏng đảnh. Cô con gái yêu của gia đình cứ cãi lại dấm dẳn với cha mẹ và khóc lóc ầm ĩ.

Ở gia đình giàu sang này, Lara được coi như ruột thịt, mọi người không hề nhắc nhở gì đến món nợ mà nàng đã vay để đưa cho Rodion.

Món nợ ấy, đáng lẽ Lara đã trang trải xong từ lâu, nhưng nàng có những khoản tiêu pha thường xuyên mà nàng giấu không cho ai biết tiêu vào việc gì.

Nàng giấu Pasa, kín đáo gửi tiền cho cha của chàng là bác Pavel Antipop đang bị lưu đày ở xứ Sibiri; nàng giúp đỡ mẹ chàng, một người đàn bà khó tính và hay đau ốm. Ngoài ra, nàng giúp luôn cả Pasa, bằng cách kín đáo giấu cậu, trả bù những khoản tiền ăn và tiền buồng mà chàng phải trả cho chủ trọ.

Pasa kém Lara một hai tuổi, yêu Lara mê mệt và nàng bảo gì cũng nghe. Cũng vì nàng nằn nì mà sau khi tốt nghiệp trung học, chàng đã học thêm tiếng La tinh và Hi Lạp để thi vào ban Văn trường Tổng hợp. Lara mơ ước kết hôn với chàng trong năm tới, khi cả hai đoạt được văn bằng của chính phủ, rồi đưa nhau đến một tỉnh lỵ nào đó ở miền Ural làm nghề dạy học - chàng ở trường nam, nàng thì ở trường nữ sinh.

Pasa sống trong một căn phòng mà Lara đích thân tìm thuê cho chàng, tại một ngôi nhà mới xây của một cặp vợ chồng người chủ nhà đằm tính, nằm trên đường Camecghe, gần rạp hát Nghệ thuật.

Mùa hè năm 1911, Lara đã đi Dublianka nghỉ lần cuối cùng với gia đình Kologrivov. Nàng mê nơi đó hơn cả gia đình chủ nhân. Mọi người biết vậy, nên mỗi dịp đi nghỉ hè là lại có một mật ước với nàng. Khi chuyến xe lửa nóng bức và lem luốc khói than đã rời cái ga xép, chuyển bánh chạy tiếp, và trước clnh bao la, yên tĩnh, ngát hương, Lara cảm động tới mức không nói nên lời. Thường thì mọi người để nàng đi bộ một mình đến khu trại Dublianka. Trong khi ấy, người ta chất hành lý lên chiếc xe ngựa, và bác xà ích của trại mặc sơ mi đỏ bên trong chiếc gilê bắt đầu kể cho ông bà chủ vừa leo lên xe những tin tức ở địa phương trong thời gian vừa qua.

Lara đi dọc đường xe lửa, trên con đường mòn in dấu chân bao nhiêu kẻ lang thang và khách hành hương, rồi quẹo xuống con đường chạy tắt cánh đồng dẫn tới khu rừng. Đến đây nàng dừng lại, lim dim mắt, khoan khoái hít lấy hít để không khí thơm tho, trong lảnh của cảnh quan quanh nàng.

Không khí ấy, Lara cảm thấy nó thân thiết hơn cả cha mẹ, êm dịu hơn cả người tình, ý nhị hơn sách vở. Trong giây lát, ý nghĩa của sự tồn tại mở ra với nàng. Nàng đến đây, nàng nhận thức là để tìm hiểu vẻ đẹp mê hồn của đất và gọi đúng tên mọi sự vật còn nếu nàng không đủ sức làm việc ấy, thì vì tình yêu cuộc sống, nàng sẽ sinh những đứa con thay nàng làm việc đó.

Mùa hè năm ấy, khi về đến Dublianka, nàng cảm thấy kiệt sức vì quá nhiều công việc mà trước đó nàng đã tự chuốc vào thân mình. Tính nết nàng thay đổi một cách dễ dàng.

Động một tí là nàng nghi ngờ, trái hẳn bản tính vốn có của nàng. Xưa nay nàng được tiếng là không chấp vặt, thế mà bây giờ nàng đâm ra để ý đủ chuyện nhỏ nhặt.

Ông bà Kologrivov không muốn để nàng rời khỏi gia đình họ. Nàng vẫn được yêu mến như cũ. Nhưng từ khi Lipa tự lực được rồi, thì Lara thấy mình thành người thừa trong gia đình này. Nàng từ chối nhận tiền công. Người ta ép nàng phải nhận. Mà nàng thì cũng cần tiền. Trong khi làm khách ở đây, lại đi tìm công ăn việc làm ở ngoài thì e không tiện, và thực ra cũng là một điều không thực hiện nổi.

Nàng thấy địa vị mình thật oái oăm và không thể kéo dài mãi. Nàng cứ nghĩ rằng mình là gánh nặng cho mọi người, có điều là người ta không để lộ cho nàng biết điều đó. Nàng đâm ra căm ghét chính mình. Nàng muốn lánh đi đâu đấy, trốn xa gia đình Kologrivov, chạy trốn chính nàng, nhưng theo ý nàng, trước khi lánh đi phải trả cho xong món nợ kia đã, mà hiện giờ thì nàng chẳng biết lấy đâưra tiền để trả nợ. Nàng cảm thấy mình là một con tin vì lỗi của Rodion, vì số tiền đã bị cậu ta tiêu phí một cách ngu xuẩn kia, và sự phẫn uất vì bất lực khiến lòng nàng bồn chồn không yên.

Chuyện gì nàng cũng ngỡ là dấu hiệu chứng tỏ người ta coi khinh nàng. Nếu những người quen của gia đình Kologrivov tới thăm, có tỏ thái độ quan tâm hơn một chút đến nàng, thì nàng ngỡ họ coi nàng như một "đứa con nuôi" ít hy vọng, một miếng mồi dễ kiếm. Còn nếu họ không nói đến nàng, thì nàng cho rằng họ coi nàng chỉ là một con số không, chẳng đáng để ý đến làm gì.

Dù vậy, những cơn buồn bực, nghi ngờ ấy cũng không cản trở Lara tham dự các cuộc giải trí của nhóm bạn hữu đông đúc thường tụ họp ở trại Dublianka. Nàng tắm sông, bơi lội, đi chơi thuyền, dự các buổi picnic tổ chức ban dêm ở bên kia sông, nàng cùng mọi người đốt pháo bông và khiêu vũ. Nàng đóng vai trong các vở kịch nghiệp dư và đặc biệt hăng hái tham gia các cuộc thi bắn bia bằng súng Mauser (tuy nhiên, nàng thích dùng khẩu súng của Rodion vì nó nhẹ hơn), nàng bắn rất trúng và đôi khi nói đùa rằng nàng lấy làm tiếc mình phận nữ nhi, không được phép đấu súng với kẻ khác. Nhưng Lara càng vui đùa bao nhiêu thì lại càng thấy buồn chán bấy nhiêu. Chính nàng cũng không biết nàng muốn gì nữa.

Tâm trạng ấy càng trở nên tồi tệ hơn khi trở về Moskva. Ngoài sự buồn bực, lại còn thêm các mối bất hoà nho nhỏ với Pasa (nàng tránh không để xảy ra cãi cọ nặng nề với Pasa, vì nàng coi chàng là nơi nương tựa cuối cùng của mình. Gần đây Pasa tỏ ra tự tin hơn. Thỉnh thoảng trong câu chuyện, giọng chàng có vẻ dạy đời, khiến nàng thấy tức cười và buồn phiền.

Pasa, Lipa, ông bà Kologrivov, tiền bạc - tất cả những thứ đó quay cuồng trong đầu óc nàng, Lara chán đời. Nàng bắt đầu điên. Nàng tính vứt bỏ hết thảy những gì quen thuộc, đã từng nếm trải, và khởi đầu một cái gì mới lạ. Với tâm trạng ấy, trong ngày Nôen năm 1911, nàng đã đi đến một quyết định tai hại. Nàng nhất quyết rời bỏ ngay gia đình Kologrivov , xây dựng một cuộc sống độc lập và cô độc, và yêu cầu Komarovski phải xuất tiền cho nàng thực hiện ý định đó. Nàng tưởng rằng sau tất cả những chuyện đã xảy ra giữa hai người, và sau mấy năm nàng giành được tự do kia, thì Komarovski phải giúp đỡ nàng một cách hào hiệp, trong sạch và không vụ lợi, khỏi cần giải thích dài dòng.

Với mục đích ấy, chiều tối ngày hai mươi bảy tháng chạp, nàng đến phố Petrovka. Lúc ra đi, nàng đã lắp đạn vào khẩu súng của Rodion, kéo chốt an toàn xuống rồi nhét vào trong cái bao tay, với ý định sẽ bắn Komarovski nếu hắn từ chối, hiểu nhầm lếu láo hoặc hạ nhục nàng.

Trong tâm trạng cực kỳ bối rối, nàng đi qua những dãy phố đang mừng lễ mà chẳng để ý gì xung quanh. Phát súng dự định đã nổ trong tâm hồn nàng, hoàn toàn không cần biết nó nhắm vào ai. Phát súng ấy là điều duy nhất nàng ý thức được.

Nàng nghe thấy tiếng nổ của nó suốt dọc đường. Đó là phát súng nhắm vào Komarovski , vào chính nàng, vào số phận của nàng và vào cây sồi mọc ở khu rừng thưa tại Dublianka với cái mặt bia khắc trên vỏ cây đó.

8.

Mụ Emma Ernestovna định giơ tay giúp nàng cởi áo. Nàng vội nói:

- Chớ có động đến cái bao tay đấy!

Mụ Emma bỡ ngỡ, chỉ biết kêu lên những tiếng ồ, à.

Komarovski đi vắng. Mụ Emma vẫn tiếp tục mời Lara vào trong phòng và cởi áo khoác ngoài.

- Không. Tôi vội lắm. Ông ấy đâu?

Mụ Emma đáp rằng ông chủ được mời đi dự cây Nôen.

Cầm địa chỉ trong tay, Lara vội chạy xuống dưởi nhà, qua chiếc cầu thang tối, có những hình hiệu nhiều màu trên kính cửa sổ, cái cầu thang nhắc rằng nhớ đến rõ ràng mọi chuyện.

Nàng đi đến khu cư xá Hàng Bột, tìm tới gia đình Sventitski.

Trở ra phố lần thứ hai này, Lara mới để ý đến cảnh vật xung quanh. Nàng đi giữa thành phố, giữa mùa đông, giữa chiều tối.

Trời lạnh buốt. Đường phố bị phủ một một lớp băng đen, dày như đáy chai bia vỡ. Riêng việc thở cũng thấy đau đau rồi.

Không khí chứa đầy sương giá xám xịt, tựa hồ nó dùng bộ râu lởm chởm mà quệt mà cọ, y hệt chiếc khăn quàng cổ bằng lông màu xám cứ cọ cọ vào miệng nàng. Nàng bồi hồi rảo bước trên những đường phố vắng vẻ. Có các làn khói bốc ra ở cửa các quán cà phê và quán ăn rẻ tiền. Từ trong sương mù nhô ra những bộ mặt của khách bộ hành, bị giá lạnh đỏ như tôm luộc, những cái mũi ngựa, nhiều mồm chó xồm xoàm đầy tuyết đóng. Những cưa sổ phủ một lớp tuyết dày trông như trát phấn, và trên mặt kính mò thấy chập chờn ánh sáng chiếu ra từ các cây Nôen thắp đèn xanh đỏ, hình bóng những người đang vui đùa trong phòng, trông như các bức tranh mờ chiếu lên mặt vải trắnh căng trước ảo đăng.

Đến phố Camecghe, Lara dừng lại.

- Không thể đi nổi nữa, gục xuống đây mất.

Câu nói bật ra thành tiếng ở miệng nàng.

- Mình sẽ lên nhà kể tất cả cho chàng biết, - nàng nghĩ thế sau khi đã trấn tĩnh và đẩy cánh cửa nặng nề của chiếc cổng lớn.

9.

Mặt đỏ lên vì cố gắng, lưỡi đưa sang một bên má, Pasa đứng trưởc gương, đang vất vả và luồn cái cổ áo và cài chiếc khuy cứ tuột mãi, không chịu vào trong lỗ khuyết bột cứng quèo của cái yếm sơ mi. Chàng sửa soạn đi chơi, chàng còn trong sạch và thực thà đến nỗi khi Lara đẩy cửa bước vào không gõ lrước, chàng lấy làm bối rối vì bị bắt gặp đang loay hoay với cái khuy áo. Chàng nhận thấy ngay vẻ xúc động của nàng. Nàng đi không vững. Chân nàng lúng nhùng trong cái gấu váy như thể đang lội nước.

Chàng lo lắng vội chạy ra đón:

- Em làm sao thế? Có chuyện gì vậy?

- Anh hãy ngồi xuống đây với em. Cứ để nguyên áo thế mà ngồi xuống đây. Cứ mặc dở thế cũng được. Em đang vội. Đừng động đến cái bao tay. Anh đợi em chút xíu. Nào, quay mặt ra đằng kia!

Chàng nghe theo. Lara đang mặc bộ y phục kiểu Anh-cát- lợi. Nàng cởi áo jắckét, mắc lên chiếc đinh, rút khẩu súng của Rodion ở bao tay ra bỏ vào túi áo jắckét rồi trở lại ngồi trên đi- văng và bảo Pasa:

- Bây giờ anh có thể quay lại. Thắp cho em cây nến và tắt điện đi.

Lara thích trò chuyện trong ánh sáng mờ ảo của ngọn nến. Pasa luôn trữ sẵn cho nàng một bao nến còn nguyên.

Chàng thay một cây nến mới vào mẩu nến còn lại trên chân nến, đặt ở bệ cửa sổ rồi thắp lên. Một luồng ánh sáng êm dịu toả khắp phòng. Lớp băng phủ bên ngoài kính cửa sổ bắt đầu tan thành một vòng tròn đen đen.

- Anh Pasa này, - Lara nói - Em đang gặp nhiều khó khăn. Anh cần giúp em vượt qua mới được. Đừng lo sợ, cũng đừng hỏi han cặn kẽ, chỉ cần anh chớ nghĩ rằng chúng mình cũng như hết thảy mọi người. Anh đừng có sao nhãng. Em luôn luôn ở trong tình thế nguy ngập. Nếu anh yêu em và muốn em khỏi bị chết, ta nên kết hôn ngay.

- Thì anh vẫn luôn luôn ước mong điều đó mà, - Pasa ngắt lời nàng. - Em cứ định luôn bây giờ, lúc nào cũng được, anh sẵn sàng. Nhưng em thử nói qua cho anh biết, em làm sao thế đừng để anh phải đoán mò khổ lắm.

Nhưng Lara đã lảng sang chuyện khác, kín đáo né tránh câu trả lời trực tiếp Họ còn ngồi trò chuyện khá lâu, toàn là về những vấn đề chẳng đính dáng gì tới nguyên nhân gây ra nỗi buồn của Lara.

10.

Mùa đông năm đó, Yuri bận viết một luận văn về hệ thống thần kinh võng mạc, để dự kỳ thi tuyển của trường Đại học Tổng hợp, mong đoạt huy chương vàng. Tuy chỉ học liệu pháp đại cương, song về mắt thì Yuri hiểu biết sâu xa như một bác sĩ nhãn khoa tương lai.

Hứng thú đối với môn sinh lý thị giác đó thể hiện các phương diện khác trong bản tính của chàng - năng khiếu sáng tạo và các suy tưởng của chàng về bản chất của hình tượng nghệ thuật, về cách xây dựng ý tưởng lô-gic.

Tonia và Yuri đang đi xe trượt tuyết đến dự cây Nôen ở gia đình Sventitski. Hai người đã trải qua sáu năm bên nhau từ cuối thờ thơ ấy sang tuổi thanh niên. Họ biết nhau từng li từng tí. Họ có những thói quen chung, có lối trao đổi riêng những câu ý vị ngắn ngủi và cách trả lời nhau bằng một tiếng khịt mũi nhẹ. Lúc này họ cũng đang nói chuyện với nhau theo kiếu ấy môi mím lại vì lạnh, chỉ trao đổi vào nhận xét ngắn ngủi. Và mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Yuri thì nhớ ra là ngày thu tuyển luận văn đã tới gần nên chàng phải khẩn trương viết cho xong, nhưng trong cảnh bận rộn của dịp lễ cuối năm, - cảnh này cảm thấy rõ ràng ngoài đường phố, - dòng suy nghĩ của chàng cứ nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác.

Các sinh viên ban Văn khoa xuất bản một tờ tạp chí in bằng máy quay tay do Misa Gordon đứng chủ bút. Cách đây đã lâu, Yuri có hứa viết cho họ một bài về Blok(1). Toàn bộ giới thanh niên ở hai kinh đô(2) đều mê thơ Blok, nhưng chàng và Misa thì mê đặc biệt.

Tuy nhiên, dòng tư tưởng của Yuri không ngừng lại ở đó. Chiếc xe vẫn chạy, hai người chúi cằm vào trong cổ áo lông, xoa xoa đôi tay cóng lạnh va mỗi người nghĩ một đằng. Song ý nghĩ của họ gặp nhau ở một điểm.

Câu chuyện xảy ra hôm rồi ở phòng bà Anna Ivanovna đã biến đổi cả hai người. Tựa hồ họ sáng ra và nhìn nhau bằng con mắt khác trước.

Tonia, người bạn cố giao, người mà Yuri vẫn tưởng mình đã hiểu vô cùng tường tận ấy, hoá ra lại là một đối tượng khó hiểu và phức tạp nhất trong số hết thảy những gì chàng có thế hình dung, - Tonia là phụ nữ. Nếu cố gắng tưởng tượng đôi chút, Yuri có thể hình dung mình là một anh hùng từng leo tới đỉnh Ararát (3) một nhà tiên tri, một người chiến thắng một cái gì cũng được, nhưng không thể là một người phụ nữ.

Thế mà cái trách nhiệm khó khăn và cao cả hơn tất thảy đó, Tonia đã nhận gánh vác trên đôi vai gầy gò, yếu ớt của nàng (giờ thì chàng thấy Tonia có vẻ mảnh dẻ, yếu đuối, dù nàng vẫn là một cô gái hoàn toàn khoẻ mạnh). Và chàng thấy tràn ngập lòng thông cảm tha thiết cùng sự ngạc nhiên dè dặt, vốn là khởi đầu của sự say mê.

Những thay đổi đúng như thế cũng đã xảy ra trong quan hệ của Tonia đối với Yuri.

Yuri nghĩ rằng họ bỏ nhà đi chơi như thế là điều không nên. Mong sao không xảy ra chuyện gì trong lúc họ vắng mặt.

Và chàng nhớ lại, khi hay tin và Anna trở bệnh, hai cô cậu lúc ấy đã sắp ra xe, bèn đến ngay phòng bà Anna xin được ở lại nhà. Một lần nữa bà Anna lại làm ầm lên, bắt cô cậu phải đi.

Yuri và Tonia luồn ra phía sau tấm màn che, chỗ khung cửa sổ lõm vào, để xem ngoài trời thế nào. Lúc họ bước ra, hai mảnh tấm màn tuyn vướng vào quần áo họ. Thứ vải màn nhẹ và dễ mắc, vướng theo Tonia mấy bước, trông như chiếc khăn choàng mỏng của cô dâu. Ai nấy cười rộ lên. Chưa ai nói gì, song mọi người trong phòng lúc này đều có liên tưởng như vậy Yuri nhìn quanh và thấy đúng những gì lúc nãy, trước chàng, Lara đã thấy. Tiếng động do xe trượt tuyết của họ phát ra ồn ào đến mức phi tự nhiên, và cứ vang vọng quá lâu dưới những hàng cây bị tuyết phủ ở trong vườn và ngoài phố.

Những cửa sổ có ánh sáng bên trong chiếu ra qua lớp tuyết bám trên mặt kính, giống như những hộp trang sức đựng toàn loại ngọc tôpát màu khói. Bên trong các cửa sổ ấy là sinh hoạt ấm cũng, thiêng liêng của Moskva, với những cây thông ngày lễ sáng nhấp nháy, có khách khứa tụ họp nhau, mang mặt nạ, vui đùa như điên và chơi trò ú tim, tìm vòng.

Bỗng Yuri chợt nghĩ rằng Blok chính là hiện tượng Lễ Giáng sinh trong mọi lĩnh vực của đời sống nước Nga, trong sinh hoạt của thành phố phía Bắc (4) và trong văn chương hiện đại dưới bầu trời đầy sao của đường phố thời nay và quanh cây nến sáng trưng ở phòng khách của thế kỷ này. Yuri cho rằng khỏi cần bất cứ bài báo nào về Blok, mà chỉ nên vẽ cảnh sùng kính các vị pháp sư theo kiểu người Nga, tương tự các bức hoạ của người Hà Lan, có băng tuyết, lũ thó sói và cánh rừng thông âm u.

Xe chạy trên đường Camecghe, Yuri chú ý đến hốc mắt đen giữa đám tuyết bao phủ một cửa sổ. Ánh lửa của cây nến rọi qua hốc mắt ấy, chiếu xuống đường phố như một ánh mắt có ý thức tựa hồ ngọn lửa dõi theo khách qua lại để rình bắt ai vậy "Cây nến cháy sáng trên bàn. Cây nến cháy sáng"... - Yuri thầm thì đoạn mở đầu một cái gì mơ hồ, chưa thành hình, với hy vọng phần tiếp theo sẽ tự nó đến một cách thoải mái, khỏi gượng ép. Nhưng nó không đến.

Chú thích:

(1) A. A. Blok (1880 - 1921), nhà thơ Nga nổi tiếng.

(2) Ngụ ý Petersburg và Moskva.

(3) Ngọn núi lửa, cao 5165 mét ở Thổ Nhĩ Kỳ, giáp giới Armenia và Iran.

(4) Ngụ ý thành Petersburg, nơi Blok sống.

Mục lục
Ngày đăng: 05/05/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục