Gửi bài:

Chương 4

16.

Nàng tự nhủ: Nếu mình đã có chồng thì sao? Như thế thì có gì khác đâu? Vậy là nàng đã đi vào con đường nguỵ biện: Song đôi khi nỗi buồn dai dẳng cứ xâm chiếm tâm hồn nàng.

Sao hắn chẳng hổ thẹn khi quỳ dưới chân nàng mà van xin: "Không thể kéo dài mãi tình trạng này, em ạ. Em thử nghĩ xem, anh đã làm gì với em. Em đang lăn xuống dốc. Thôi chúng mình hãy thú thật với mẹ đi. Anh sẽ cưới em".

Đoạn hắn khóc lóc, khẩn khoản năn nỉ, tựa hồ nàng cãi lại hay phản đối không bằng. Nhưng tất cả điều đó mới chỉ là những lời nói suông, và Lara thậm chí chẳng buồn nghe những lời uỷ mị, rỗng tuếch ấy nữa.

Và nàng vẫn choàng tấm khăn voan dài để hắn dẫn nàng vào các buồng riêng của cái tiệm ăn khủng khiếp ấy, nơi bọn đầy tớ và các khách ăn nhìn theo nàng chòng chọc như muốn lột trần nàng. Và nàng chỉ tự hỏi: phải làm cho bẽ mặt mới là yêu hay sao?

Một đêm nàng mơ thấy mình bị vùi dưới đất ngập hết người, chỉ còn trừ ra một phần vai với sườn bên trái và bàn chân phải. Từ vú bên trái mọc ra một túm cỏ, còn ở trên mặt đất vang lên tiếng hát: "Mắt huyền vú trắng" và "Masa hỡi, em chớ ra sông".

17.

Lara không phải người sùng đạo. Nàng chẳng tin vào các lễ nghì. Nhưng đôi khi, để chịu đựng cuộc sống, nàng thấy cũng cần phải có một điệu nhạc nội tâm nào đó. Điệu nhạc ấy đâu phải mỗi lúc có thể tự mình sáng tác ra. Điệu nhạc ấy là lời của Chúa nói về đời sống, và Lara đã đi nhà thờ để khóc thương trên lời nói đó.

Một lần vào đầu tháng chạp, khi tâm hồn Lara nặng trĩu như trường hợp nàng Katerina trong vở kịch "Giông tố" (1), nàng bèn đến nhà thờ cầu nguyện với cảm giác đất sắp nứt toác dưới chân nàng và vòm nhà thờ sắp đổ ụp xuống đầu nàng. Thôi cũng đáng tội. Thôi thế là xong. Chỉ tiếc rằng nàng lại rủ Olia Demina đi theo, cái cô ả cứ luôn miệng bép xép ấy.

- Prop Afanaxevich kìa, - Olia ghé tai Lara thì thầm.

- Suỵt để tớ yên nào, cậu vừa nhắc đến ai thế?

- Prop Afanaxevich Xocolov. Ông cậu họ nhà mình đấy. Người đang đọc ấy.

- À ra cậu định nói đến viên trợ tế, họ hàng với gia đình Tiverzin. Suỵt. Yên đi. Đừng quấy rầy tớ nữa, tớ van cậu.

Hai cô đến nhà thờ lúc bắt đầu làm lễ. Người ta hát thánh ca "Hỡi linh hồn tôi, hãy ngợi khen Chúa và tất cả con người của tôi, hãy ca tụng thành danh Người".

Hôm nay ít người đi lễ nên trong nhà thờ có vẻ trống trải. Chỉ có một tốp đứng dồn về phía tượng thánh, đang lầm rầm cầu nguyện. Ngôi nhà thờ này mới được xây dựng. Kính cửa sổ thuộc loại kính trong, chẳng tô điểm gì thêm cho con đường tuyết phủ màu xám ở bên hông nhà thờ và những khách bộ hành cùng xe cộ qua lại nơi đó. Cạnh cửa sổ, ông trùm nhà thờ bất chấp giờ hành lễ, đang oang oang trách mắng một mụ già ngớ ngẩn, rách rưới, nghễnh ngãng, và giọng nói của ông ta cũng tẻ nhạt, thường tình như ô cửa sổ và đường phố kia.

Trong lúc Lara cầm tiền đồng thong thả đi vòng các tín hữu để ra cửa mua mấy cây nến cho mình và cho Olia, rồi quay trở lại cũng cẩn thẩn như lúc trước để không làm phiền ai, thì Prop đã đọc xong cả chín đoạn cầu phúc như kể một câu chuyện hết thảy mọi người đều biết.

Hạnh phúc cho những kẻ nghèo đói về tinh thần... Hạnh phúc cho những ai đang khóc lóc... Hạnh phúc cho những ai khao khát điều công chính...

Lara đang đi bỗng giật mình đứng lại. Đấy là người ta đang nói về nàng. Prop đọc: "Số phận của những người bị vùi dập thật đáng thèm muốn. Họ có cái để kể về bản thân mình. Tất cả đang ở trước mặt họ. Đó là ý kiến của Người, của Đấng Kitô".

Chú thích:

(1) Của nhà soạn kịch Nga nổi tiếng A. Ostorovski (1823 - 1886)

18.

Những ngày đáng nhớ ở phố Presnaia. Nhà của mẹ con nàng nằm trong khu vực quân khởi nghĩa. Cách nhà một quãng. Ở đường Tver, người ta đã dựng chiến luỹ. Đứng ở cửa sổ phòng khách có thể nhìn thấy nó. Người ta xách nước từ sân nhà nàng đem tưới khắp mặt chiến luỹ, để cho nước đông lại sẽ làm vững chắc các thứ gạch đá đắp ở trên.

Sân nhà bên cạnh được dùng làm chỗ tập hợp nghĩa quân, tại đây bố trí một cái gì tương tự tramh cứu thương hoặc trạm tiếp tế.

Có hai thiếu niên vừa đi vào đó. Lara biết mặt cả hai. Một cậu là Nica Dudorov, bạn thân của Nadia, nàng đã quen cậu ta ở nhà Nadia. Cậu ta cũng thuộc một loại người như nàng: thẳng thắn, hiên ngang và ít nói. Cậu ta giống tính nàng, nên nàng không để ý đến cậu ta.

Còn cậu kia là Pasa Antipop, sống ở nhà bà Marfa, bà của Olia Demia. Những lần đến nhà bà, Lara dần dần nhận thấy Pasa có cảm tình với nàng. Pasa còn thật thà đến nỗi chưa biết giấu kín niềm sung sướng của cậu mỗi bữa nàng đến thăm, tựa hồ đối với cậu, Lara giống như một cánh rừng bạch dương trong những ngày hè, có lớp cỏ sạch mát, có bóng mây che, nơi cậu có thể tự do bày tỏ tấm tình hồn nhiên của mình mà không lo bị ai giễu cợt.

Từ lúc cảm thấy ảnh hưởng mình gây ra cho cậu, Lara đã vô tình tận dụng cái đó. Nhưng phải nói rằng việc thực sự uốn nắn cái tính nết mềm mỏng dễ bảo của cậu theo ý nàng, thì mấy trăm năm sau nàng mới lưu tâm, khi mà tình bạn giữa hai người đã bền chặt, khi mà Pasa hiểu rằng mình đã yêu Lara đến độ mê mệt, không thể lùi bước được nữa.

Hai cậu con trai đang chơi cái trò khủng khiếp hơn cả, người lớn hơn cả, đó là trò đánh nhau, một trò chơi có thể dẫn đến án lưu đày hay treo cổ. Nhưng cứ nhìn cái kiểu thắt các dải mũ basơ ở sau gáy các cậu, người ta cũng biết các cậu còn là trẻ con, được bố mẹ chăm sóc chu đáo. Lara đứng xem các cậu như người lớn xem trẻ con chơi đùa. Trò chơi nguy hiểm của hai cậu toát ra vẻ hồn nhiên rõ rệt. Cái vẻ hồn nhiên ấy bao phủ cả cảnh vật xung quanh cả buổi chiều đông giá rét, mặt đất khoác lột lớp tuyết dày đến nỗi màu trắng ngả dần thành màu đen. Cả cái sân màu xanh lơ. Cả toà nhà trước mặt, nơi hai cậu vừa vào khuất. Và nhất là, nhất là cả những tiếng súng ngắn nổ lụp bụp, liên hồi trong toà nhà đó. "Bọn con trai lại bắn", - Lara thầm nghĩ. Nàng không nghĩ đến Nica và Pasa, mà đến tất cả những ai đang bắn trong thành phố. "Những chàng trai tốt và trung thực, - Lara nghĩ. - Mà vì họ tốt, nên họ mới bắn".

19.

Người ta đưa tin rằng chiến luỹ có thể bị nã đại bác và nhà của mẹ con nàng hiện ở trong vòng nguy hiểm. Bây giờ mh chuyện ở nhờ một gia đình quen biết tại khu phố khác của Moskva thì đã muộn, bởi khu vực của mẹ con nàng đã bị vây chặt. Phải tìm một chỗ nào gần hơn, nằm trong vòng vây, Mẹ con nàng bèn nhờ tới khách sạn "Chernogori".

Hoá ra mẹ con nàng chẳng phải là người đầu tiên nghĩ đến chỗ đó. Khách sạn đã hết sạch chỗ, nhiều gia đình cũng lâm vào hoàn cảnh như mẹ con nàng. Nhưng nể mẹ con nàng là khách quen dạo trước, nên người ta hứa sẽ dành cho một chỗ trong kho chăn đệm.

Họ thu nhặt những đồ dùng thiết yếu nhét vào ba cái bọc lớn, vì xách vali lúc này có thể bị người ta để ý tới. Nhưng họ như chùng chình không muốn chuyển ngay, lần lữa ngày này sang ngày khác.

Vì các tập quán gia trưởng ở xưởng may, nên tuy các nơi đã đình công, xưởng này vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng một buổi chiều lúc trời chạng vạng, có người đến giật chuông gọi cửa. Người ấy đến trách móc và yêu cầu bà chủ ra gặp. Bà Fetisova bèn bước ra phòng ngoài để tìm cách dàn xếp. Lát sau, bà gọi các cô thợ tới: "Các em ơi, ra đây cả đi!", rồi bắt bà giới thiệu từng cô với người khách lạ. Ông ta bắt tay lần lượt với vẻ vụng về nhưng thân mật. Sau khi thoả thuận gì đó với bà Fetisova, ông ta đi ra. Các cô thợ quay vào xưởng, bắt đầu quàng khăn và mặc áo choàng.

- Có chuyện gì thế? - Bà Amelia Karlovna vừa bước vào vừa hỏi.

- Thưa bà, người ta bảo chúng tôi nghỉ việc. Chúng tôi đình công ạ.

- Nhưng tôi có... Tôi đã đối xử tàn tệ với các cô chăng? - bà Amelia oà lên khóc.

- Thưa bà, xin bà đừng buồn. Chúng tôi chẳng ghét gì bà, chúng tôi rất biết ơn bà. Nhưng vấn đề không phải là quan hệ giữa bà với chúng tôi hay ngược lại, mà là của tất cả mọi người. Đâu cũng thế cả, bà ạ. Ai dám chống chọi với tất cả kia chứ?

Tất cả đã bỏ ra về, kể cả Ôlia Fetisova. Trước khi về, bà Fetisova nói nhỏ cho bà chủ biết, rằng bà ta bày trò đóng kịch đình công này chỉ cốt mưu lợi cho bà chủ và xưởng may.

Nhưng bà Amelia vẫn không yên tâm.

- Bọn họ thật là vô ơn! Con thấy chưa, dùng người có thể lầm đến mức nào! Cái con bé Olia ấy, mẹ đã làm ơn cho nó biết bao nhiêu. Ừ thì cứ cho rằng nó còn trẻ người non dạ. Nhưng còn cái mụ già kia!

Lara an ủi bà.

- Mẹ ơi, mẹ nên thông cảm cho họ. Họ không thể làm một ngoại lệ đối với mẹ. Chả ai nỡ lòng oán trách mẹ đâu. Ngược lại hết thảy những gì xảy ra chung quanh ta lúc này đều là vì con người, để bênh vực những kẻ yếu, mưu ích cho phụ nữ và trẻ em. Vâng, đúng thế, mẹ đừng lắc đầu nghi ngờ như vậy. Nhờ chuyện này, một ngày kia mẹ con mình sẽ dễ sống hơn.

Song mẹ nàng chẳng hiểu gì hết. Bà vừa nói vừa sụt sịt:

- Cô bao giờ cũng chỉ được cái bộ thế thôi. Chưa đủ rối ruột hay sao mà cô còn nói những chuyện nghe điên cả đầu. Người ta đối xử với tôi tàn nhẫn như thế, cô lại bảo đấy là để mưu ích cho tôi. Không, đúng là tôi trở nên lẩm cẩm, lú lẫn mất rồi.

Rodion còn ở trường thiếu sinh quân. Chỉ có hai mẹ con lủi thủi trong căn nhà vắng vẻ. Đường phố không ánh đèn đang giương cặp mắt trống rỗng ngó vào các căn phòng. Các căn phòng cũng nhìn lại bằng cặp mắt như vậy.

- Mẹ ơi, mình sang bên khách sạn đi, trước khi trời tối hẳn. Thế nào, mẹ có nghe thấy con nói gì không? Phải đi ngay bây giờ thôi, đừng chần chừ nữa.

Hai mẹ con gọi bác đánh xe: "Philat, bác Philat ơi, bác hãy đựa chúng tôi tới khách sạn "Checnogori".

- Thưa bà chủ, vâng ạ.

- Bác hãy xách mấy cái bọc này và nghe lời tôi dặn đây: bác chịu khó trông nom nhà cửa giùm tôi. Mà đừng quên cho con chim Kirin ăn uống nhe. Khoá chặt các cửa vào. Và nhớ thỉnh thoảng lại thăm chúng tôi.

- Thưa bà, vâng ạ.

- Cảm ơn bác Philat. Chúa phù hộ bác. Nào, chúng ta ngồi xuống một tí trước khi từ giã. Thôi, mọi sự tuỳ ở Chúa.

Họ ra khỏi nhà và cảm thấy một bầu không khí xa lạ như người bệnh lâu ngày mới ra phố. Không gian giá lạnh, buốt như kim châm, dễ dàng truyền đi từ phía những âm thanh tròn trĩnh như mới ở trong máy tiện đưa ra. Những tiếng súng bắn từng loạt và bắn lử nghe như tiếng tặc lưỡi, tiếng mưa lộp độp hoặc tiếng lội bì bõm vọng từ phía xa tới.

Hai mẹ con cứ cho rằng đấy là người ta bắn đạn giả, mặc dù bác Philat nhất quyết bảo họ là không phải thế.

- Bác khờ quá, bác Philat ạ. Suy nghĩ một tí thì bác khắc biết. Chẳng đạn giả là gì, nếu ta không nhìn thấy người bắn là ai. Thế theo ý bác thì ai bắn nào, các vị thần bắn chắc? Nhất định là họ bắn đạn giả đấy thôi.

Đến một ngã tư, họ bị một tốp lính tuần tra chặn lại. Mấy tên kỵ binh đứng khám, cứ trâng tráo, sờ nắn họ từ chân lên đầu, vừa khám vừa cười tủm tỉm. Chiếc mũ có dải buộc xuống cằm, chúng đội lệch sang một bên tai, trông như một lũ chột.

Lara nghĩ thầm: may quá đi mất, thế là nàng sẽ khỏi giáp mặt với Komarovski suốt thời gian bị đứt liên lạc với các khu phố khác bên ngoài! Nàng không thể tuyệt giao với lão ta chỉ vì mẹ. Nàng không thể nói: mẹ ơi, đừng tiếp lão ta nữa! Nói thế thì mọi chuyện sẽ bị lộ ngay. Ử thế thì đã sao? Sợ gì kia chứ? Trời đất, chỉ mong sao mau chóng chấm dứt chuyện đó!

Ôi lạy Chúa, lạy Chúa, lạy Chúa! Nàng cảm tưởng sắp ngất đi vì kinh tởm, ngay bây giờ, giữa đường phố. Nàng vừa nhớ đến điều gì vậy? Đến cái bức hoạ khủng khiếp vẽ một gã mập ú người Rome trong căn buồng riêng mà nàng đã vào lần đầu tiên, tên bức hoạ ấy là gì nhỉ? "Đàn bà hay chiếc bình?". Đúng rồi. Một bức hoạ nổi tiếng. Hẳn thế. Và hồi ấy nàng chưa phải là đàn bà, để đem so sánh với chiếc bình quý giá nhường kia. Về sau này cơ. Nàng nhớ hôm đó bàn ăn được bày biện rất sang.

- Làm gì mà cô đi như ma đuổi ấy thế? Tôi đi theo mãi chẳng kịp, - bà Amelia kêu khóc ở phía sau, cố theo kịp con đến độ mệt bở hơi tai.

Lara bước nhanh. Một sức mạnh nào đó nhấc bổng nàng lên, tựa hồ nàng đang bay trong không trung, một sức mạnh kiêu kỳ, giục giã.

"Ôi những tiếng súng nổ mới giòn làm sao, - nàng nghĩ thầm. - Hạnh phúc cho những kẻ bị nhục mạ, hạnh phúc cho những ai bị dối lừa. Súng ơi! Cầu Chúa ban phúc lành cho các ngươi! Cứ bắn nữa đi, bắn nữa đi, các ngươi cùng đồng ý như vậy chứ?".

20.

Ngôi nhà của hai anh em Gromeko nằm ở góc phố Sipsep - Vragiec và một con hẻm. Alexandr và Nicolai đều là giáo sư hoá học. Alexandr dạy ở Học viện Petrov, còn Nicolai ở Đại học Tổng hợp. Nicolai sống độc thân, còn Alexandr thì làm bạn với Anna Ivanovna Cruyghe, con gái một kỹ nghệ gia có nhiều xưởng luyện kim và những mỏ quặng bỏ không khai thác nữa vì chẳng mấy lời lãi, trong khu rừng bao la, gần Yuriatin, ở vùng Ural.

Đấy là một ngôi nhà hai tầng. Tầng trên có các phòng ngủ, phòng học, phòng làm việc của Alexandr và thư viện, buồng riêng của Anna Ivanovna, buồng ở của Tonia, của Yuri, còn tầng dưới dùng để tiếp khách. Với những cái màn gió màu xanh, chiếc dương cầm bóng lộn, bể nuôi cá vàng, đồ gỗ màu ôliu và những cây cảnh giống như rong biển, tầng dưới tạo ra ấn tượng một vùng đáy biển xanh xanh với những luồng nước chập chà chập chờn ru ngủ.

Hai anh em Gromeko là những người có học vấn, mến khách, yêu và rất sành âm nhạc. Họ thường mời bạn hữu tới nhà tổ chức các dạ hội âm nhạc thính phòng, trình diễn các tam thanh khúc dành cho pianô, các bản sonat cho vĩ cầm, các tứ thanh khúc cho đàn giây.

Vào tháng giêng năm một ngàn chín trăm lẻ sáu, ít lâu sau ngày cha Nicolai Vedeniapin lên đường ra ngoại quốc, người ta tổ chức một buổi hoà nhạc ở ngôi nhà phố Sipsep - Vragiec. Theo chương trình, sẽ trình diễn một bản sonat mới, soạn cho vĩ cầm, của một nhạc sĩ trẻ thuộc trường phái Taneev và một tam thanh khúc của Traikovski.

Từ hôm trước người ta đã bắt đầu dọn dẹp, kê lại bàn ghế cho rộng chỗ. Ở góc nhà, bác thợ lên giây đàn cứ so đi thử lại hàng trăm lần cùng một nốt nhạc, rồi dạo suốt lượt các phím, nghe như một trận mưa hạt cườm. Trong bếp, người ta vặt lông gà vịt, rửa rau, trộn mù tạc với dầu để làm nước chấm và trộn xà lách.

Hôm đó, mới sáng sớm, bà Sura Sledinghe, bạn thân đồng thời là người được uỷ nhiệm của bà Anna Ivanovna, đã đến quấy rầy mọi người.

Bà Sledinghe gầy và cao, nét mặt cân đối và hơi có vẻ đàn ông, nhang nhác giống mặc Sa hoàng (1), nhất là khi đã vào nhà bà vẫn đội chiếc mũ lông cừu màu xám lệch sang một bên và chỉ vén tấm mạng che mặt lên chút xíu.

Trong những lúc đau buồn và bận rộn, các buổi chuyện trò giữa hai người bạn gái đã giúp cả đôi bên dịu bớt nỗi lòng.

Hai bà nói với nhau những lời lẽ chua chát, mỗi lúc một thêm cay độc, rồi một cơn giông tố nổi lên để rồi kết thúc bằng nước mắt, và hai bên lại làm lành với nhau. Những cuộc cãi cọ thường xuyên ấy làm dịu thần kinh, như những con đỉa làm dịu chứng xung huyết.

Bà Sledinghe đã kết hôn nhiều lần, nhưng vừa ly dị xong bà lập tức quên phăng chồng cũ, chẳng bận tâm gì đến họ nữa, nên trong cách sống bà vẫn giữ được tính linh hoạt lạnh lùng của một phụ nữ cô đơn.

Bà là một nhà thần trí học, nhưng đồng thời cũng thông thạo tất cả các nghi lễ chính thống giáo đến mức trong lúc toute transportée (2) bà không thể không nhắc cho các linh mục những lời họ phải đọc hay hát. "Lạy Chúa nghe thấu lời con", "Lạy Đấng ở khắp mọi thời", "Lạy Đấng Thánh trinh bạch" - chốc chốc lại nghe thấy câu nhắc bằng giọng khàn khàn, lắp bắp của bà.

Bà biết cả toán học, thần bí học Ấn Độ, cả địa chỉ của các giáo sư danh tiếng ở Nhạc viện Moskva, biết các cuộc gian díu và lạy Chúa, chuyện gì bà cũng tỏ tường. Bởi vậy, gặp mọi trường hợp khó xử lý trong đời, người ta dều mời bà đến phân xử và chỉ bảo.

Giờ hẹn đã tới, khách lục tục kéo đến: Adelaida Phijipovna, Ghinsơ, gia đình Phupkov, quý ông và quý bà Basuaman, gia đình Vecginski, đại tá Kapeasep. Bên ngoài tuyết đang rơi. Và mỗi khi cửa chính mở ra, một luồng gió tạt qua, những bông tuyết lớn nhỏ bay chéo như một tấm lưởi.

Khách đàn ông từ ngoài trời lạnh bước vào, lê đôi ủng cao, giả bộ bắt chưởc những đứa trẻ cao lớn vụng về và lơ đễnh; còn các bà vợ của họ ở ngoài lạnh lại tươi tỉnh hơn, mặc những chiếc áo lông để hở hai cúc cổ, quàng loại khăn lù xù các sợi tuyết len trên mái tóc hoa râm, thì cứ giả bộ bắt chước những cô ả nhẹ dạ, láu lỉnh và nham hiểm. Khi người nhạc sĩ dương cầm bước vào, vị này mới dược mời tới gia đình lần đầu, - mọi người thì thào: "Cháu ông Kiu đấy".

Đứng bên phòng khách, nhìn qua hai cửa hông mở sang phòng ăn, người ta thấy một chiếc bàn dài như con đường mùa đông, trên đã bày các món. Đập ngay vào mắt là những tia lấp lánh trên vảy thuỷ tinh của các chai rượu. Các bình dầu, bình dấm để trên những các giá nhỏ bằng bạc trông thật hấp dẫn.

Vẻ quyến rũ các các món thịt rừng và đồ nhắm, những chiếc khăn ăn gấp hình kim tự tháp đặt trên đĩa, những giỏ hoa màu tim hm toả mùi tránh hạnh đào như chọc ghẹo khẩu vị của mọi người. Để khỏi trì hoãn cái giây phút mong đợi tận hưởng những món ăn trần tục, người ta vội thưởng thức luôn món ăn tình thần. Ai nấy đã yên vị trên các dãy ghế. Nhạc sĩ dương cầm vừa ra ngồi trước đàn, tiếng xì xào lúc trước lại truyền đi "Cháu ông Kiu đấy!". Buổi hoà nhạc bắt đầu.

Người ta đoán trước là bản sonat sẽ buồn tẻ và chỉ làm mệt óc thính giả. Quả không sai, đã thế bản nhạc lại còn cái tội rườm rà nữa..

Trong lúc giải lao, nhà phê bình Kerimbekov và giáo sư Alexandr Gromeko bàn luận về giá trị bản Sonat. Nhà phê bình chì trích khắt khe, còn giáo sư thì bảo vệ nó. Xung quanh, khách khứa hút thuốc, đi lại và xê dịch ghế một cách ồn ào.

Nhưng rồi họ lại đưa mắt nhìn tấm khăn trải bàn trắng bóng bên phòng ăn, rồi đề nghị tiếp tục ngay phần thứ hai của chương trình. Nhạc sĩ dương cầm quay về phía thính giả và ra hiệu cho hai nhạc công cùng hoà tấu với ông. Nhạc sĩ vĩ cầm và nhạc sĩ xenlô Tyskevich đưa chiếc mã vĩ lên. Bản tam thanh khúc nức nở vang lên.

Yuri, Tonia và Misa Gordon ngồi ở dãy thứ ba. Misa bây giờ hầu như sống một nửa cuộc đời trong gia đình giáo sư Gromeko.

Yuri ghé tai nói nhỏ với giáo sư Alexandr ngồi ngay trước mặt cậu ở dãy trên.

- Thưa ông, Egorovna làm hiệu muốn trình ông điều gì đấy?

Egorovna là chị hầu phòng của gia đình này lúc ấy đang đứng ở ngưỡng cửa. Chị nhìn về phía Yuri với vẻ thất vọng, hất hàm quả quyết về phía giáo sư Alexandr, để tỏ cho Yuri biết chị có câu chuyện cần bẩm với ông chủ ngay.

Giáo sư Alexandr quay đầu ra, nhìn Egorovna tỏ ý quở trách rồi nhún vai. Nhưng chị hầu phòng không chịu rút lui.

Thế là một tấn kịch câm được diễn từ hai góc phòng khiến mọi người bắt đầu để ý. Bà Anna Ivanovna nhìn như muốn nuốt chửng ông chồng.

Giáo sư Alexandr đành phải đứng dậy vì không thể kéo dài cái lối nói chuyện như thế mãi. Ông đỏ mặt rón rén đi ra phía cửa.

- Chị không biết xấu hổ hay sao, Egorovna. Có việc gì gấp đến nỗi chị phải gọi tôi ngay lúc này? Nói ngay đi xem nào?

Chị hầu phòng thì thầm gì đó với giáo sư.

- Checnogori nào kia?

- Thưa ông, khách sạn Checnogori ấy ạ.

- Thế thì sao?

- Anh bồi phòng do khách sạn phái đến đòi gặp ông Tyskevich ngay. Người nhà ông ta sắp chết.

- Ơ hay, sao lại chết. Để tôi nghĩ xem nào. Không ổn. Sắp xong rồi, chỉ còn một khúc ngắn nữa thôi, lúc đó tôi sẽ báo cho ông ta biết. Chứ bây giờ thì không thể được.

- Anh bồi phòng đang chờ. Có sẵn cả xe đón. Tôi đã thưa với ông là có người sắp chết, ông nghe rõ chứ ạ? Một bà quý phái đang hấp hối!

- Không là không. Đợi dăm phút nữa cũng chẳng sao.

Giáo sư Alexandr lại rón rén đi sát tường trở về chỗ cũ. Ông ngồi xuống, nhíu mày, cau có đưa tay vuốt sống mũi.

Phần một của bản nhạc vừa xong, giữa tiếng vỗ tay tán thưởng, giáo sư Alexandr tiến lên chỗ các nhạc sĩ ông bảo Tyskevich là có người nhà đến tìm, hình như có tai nạn gì đó.

Nhạc sĩ phải ra về ngay, đành bỏ dở cuộc hoà nhạc ấy. Đoạn giáo sư giơ tay đề nghị cử toạ yên lặng và nói to:

- Thưa quý ông, quý bà. Bản tam thanh khúc bất đắc dĩ phải bỏ dở. Chúng ta thông cảm với nhạc sĩ Tyskevich. Nhạc sĩ gặp chuyện buồn, buộc phải tạm biệt chúng ta. Trong giờ phút thế này, tôi không muốn để nhạc sĩ về một mình. Sự có mặt của tôi thiết nghĩ có thể cần thiết cho nhạc sĩ. Tôi sẽ đi với nhạc sĩ. Cháu Yuri, Cháu ra bảo bác Semion đánh xe ra cổng nhé, có sẵn xe rồi đấy. Thưa quý ông bà, tôi chỉ đi một lát sẽ về ngay, xin các vị cứ ở lại chơi.

Yuri và Misa xin phép được đi theo giáo sư. Hai cậu muốn đi chơi ban đêm dưới trời tuyết giá.

Chú thích:

(1) Ngụ ý Nicolai đệ nhị.

(2) Tiếng Pháp trong nguyên văn, có nghĩa "hưng phấn cao độ"

21.

Sau sự kiện tháng chạp, tuy người ta đã trở lại với nhịp sống bình thường, nhưng đây đó vẫn bì bộp tiếng súng bắn nhau, và các đám cháy vẫn xảy ra luôn, như thể những đám trước đây cháy chưa hết thì nay cháy nốt.

Chặng đường đêm nay sao mới dài đằng đẵng. Chưa bao giờ họ có cảm tưởng đi xa đến thế. Sự thực, đường đâu có xa xôi gì cho cam: đại lộ Smolenski, đại lộ Novinski và một nửa phố Sadovoi là tới nơi. Nhưng cái rét dữ dội kèm theo sương mù như làm đảo lộn không gian, cách nó ra thành nhiều mảnh rời rạc, khác hẳn nhau, chẳng mảnh nào giống mảnh nào.

Những lớp khói của các đống lửa bị gió đánh tả tơi, tiếng vó ngựa va tiếng ríu rít của xe ngựa càng khiến họ có cảm tưởng rằng họ đã đi rất lâu và đang lạc lõng ở một nơi xa xôi dáng sợ.

Trước cửa khách sạn, họ thấy một con ngựa lưng phủ bao tải cổ chân được bọc vải, thắng vào một chiếc xe nhỏ lịch sự. Bác đánh xe ngồi trên ghế hành khách, tay đeo găng ôm lấy mặt cho đỡ rét.

Trong tiền sảnh rất ấm áp dễ chịu. Người gác cửa ngồi bên chiếc bao lớn ngăn cách lối vào với phòng gửi áo khoác. Bác ta ngủ gật giữa tiếng quạt thông gió chạy đều đều, tiếng lửa cháy ù ù trong bếp lò và tiếng sôi sùng sục của ấm samova. Chốc chốc bác ta lại giật mình choàng dậy bởi tiếng gáy khò khò của chính bác ta.

Bên trái, trong tiền sảnh, một bà đang đứng trước gương. Mặt bà thoa phấn dày như trát bột, trông phì phị. Bà khoác chiếc áo jắckét lông thú quá mỏng đối với thời tiết lạnh cóng bây giờ. Bà đang chờ ai đó từ trên lầu sắp xuống. Bà xoay lưng vào gương, quay đầu hết bên phải sang bên trái để nhìn trong gương xem phía lưng mình có đẹp chăng.

Bác đánh xe ở ngoài ló đầu vào, người run cầm cập vì rét. Cái kiểu áo captan của bác ta khiến bác ta giống như ổ bánh mì vẽ trên biển quảng cáo, từng luồng hơi thở ra bốc khói càng gợi thêm liên tưởng ấy. Bác ta hỏi bà đang soi gương.

- Mamzen, ông ấy sắp xong việc chưa ạ? Gặp vị khách như ông ấy và tiểu thư thì ngựa phải chết cóng vì chờ.

Đối với các nhân viên phục vụ trong khách sạn, chuyện xảy ra ở phòng số 24 chỉ là chuyện vặt so với những sự khó chịu thường ngày. Cứ chốc chốc lại có tiếng chuông réo và ở chiếc hộp dài lồng kính treo trên tường lại hiện lên con số chỉ số phòng có người gọi. Khách toàn những loại mất trí, chỉ làm khổ bồi phòng, lắm khi gọi người ta kêu rồi không biết mình đã gọi để làm gì nữa.

Hiện giờ cái mụ Amelia dại dột ở phòng số 24 đang được người ta tọng cho bao nhiêu là thuốc. Phải cho mụ uống thuốc mửa, phải rửa dạ dày, tẩy ruột cho mụ. Chị hầu phòng tên là Glasa vất vả chạy đi chạy lại mỏi rời cả chân để xách nước lau chùi sàn nhà. Song nguyên nhân cuộc đấu khẩu đang xảy ra ở khu nhà bếp thì đã bắt đầu từ trước cái cảnh chữa chạy bát nháo này: lúc đó người ta chưa nghĩ đến việc sai thằng Teresca gọi xe đi rước bác sĩ và gọi cái lão nhạc sĩ vớ vẩn kia. Lúc đó lão Komarovski cũng chưa đến và ngoài hành lang trước cửa phòng số 24 chưa túm tụm mấy kẻ vô công rồi nghề, làm vướng cả lối đi.

Nguyên do câu chuyện là thế này. Cậu bồi Xysoi vừa bước vội ra hành lang, tay phải bưng khay đồ ăn, thì một kẻ vô ý đụng vào người cậu ta, thế là khay đồ ăn đổ nhào, súp chảy lênh láng, vỡ mất ba chiếc đĩa sâu và một chiếc đĩa nông.

Xysoi nhất quyết là lỗi tại cô ả rửa bát, vậy chính cô ả phải đền. Lúc này đã hơn mười giờ đêm, một nửa số nhân viên khách sạn được ra về, vậy mà trận cãi nhau giữa đôi bên vẫn chưa chấm dứt.

- Cái đồ bị thịt, chân tay lóng nga lóng ngóng, lúc nào cũng ôm khư khư chai rượu như ông vợ không bằng. Nốc cho lắm vào rồi vấp ngã, còn đổ tội cho người ta làm vỡ đĩa? Thằng quỷ mắt lé kia, đứa nào mở miệng bảo bà đẩy ngã mày hả, quân ôn dịch! Ai làm mày ngã, thằng mặt mẹt?

- Này mụ Matrena, tôi đã bảo mụ hãy nói năng ý tứ một chút.

- Vỡ mấy cái đĩa vớ vẫn chứ quý báu to tát gì mà làm nhặng xị cả lên! Chỉ vì một mụ khách đàng điếm, quân đầu đường xó chợ, chán đời đi uống nhân ngôn tự tử. Thật từ ngày ở khách sạn này chưa thấy những trò mèo chuột gớm ghiếc thế bao giờ.

Yuri và Misa đi đi lại lại ngoài hành lang trước cửa phòng số 24. Giáo, sư Alexandr không ngờ câu chuyện lại xảy ra khác hẳn trí tưởng tượng của ông. Ông cứ ngỡ nhạc sĩ xenlô phải gặp một tấn bi kịch, một chuyện gì cao thượng và trong sạch kia. Thế mà lại dính dáng đến cái việc có quỷ sứ biết là gì này. Nhơ bẩn... xấu xa... Và tuyệt đối không nên để bọn trẻ biết.

Hai cậu thiếu nhiên vẫn đứng ngoài hành lang.

- Mời hai cậu cứ việc vào trong ấy đi cho. - Đây là lần thứ hai người bồi phòng bước tới, yêu cầu các cậu vào trong phòng, bằng giọng nói thong thả, trầm trầm. - Các cậu cứ vào đi việc gì mà ngại. Bây giờ bà ấy đỡ rồi, cứ yên tâm. Đâu vào đấy cả rồi. Đừng đứng đây vướng lối đi. Ấy lúc nãy vừa đổ vỡ bao nhiêu là chén đĩa đắt tiền. Các cậu bảo hầu hạ khách thì phải chạy cho nhanh chứ. Đứng thế này còn lối đâu mà chạy. Thôi các cậu vào đi cho.

Hai cậu nghe theo.

Phòng có hai gian, phân cách bằng một vách gỗ có mùi rệp. Cây đèn dầu hoả trao phía trên bàn ăn ở gian ngoài đã được hạ xuống, mang vào gian trong.

Gian trong là một buồng ngủ. Lối đi vào có tấm màn che đầy bụi. Lúc trước người ta đã vắt màn lên trên vách mà bây giờ quên chưa kéo xuống. Cây đèn dầu đặt trên thành chiếc ghế dài. Cái gian trong được chíếu sáng rất tỏ từ phía dưới lên, như bằng ánh sáng từ dãy đèn trước mép sân khấu.

Bà Amelia đã uống iốt để tự tử, chứ không phải uống nhân ngôn như cô ả rửa bát nói khi nãy. Một mùi hăng hắc từ gian trong đưa ra, giống mùi nhựa hạt bồ đào còn xanh mà khi sờ vào sẽ bị thâm xì cả tay.

Bên kia vách, cô hầu phòng đang lau sàn. Một bà nằm trên giường, ở trần nửa người, mình ướt đẫm nước, mồ hôi và nước mắt, tóc ướt xoã xượi, đang khóc nức nở và cúi đầu xuống chiếc bô. Cảnh tượng khó coi ấy khiến hai cậu thiếu niên ngượng ngùng quay mặt đi ngay. Song Yuri cũng đã đủ thời giờ quan sát và ngạc nhiên khi nhận ra rằng trong một vài dáng điệu miễn cưỡng, bất tiện do phải cong rướn người lên, do phải cố gắng căng thẳng, người đàn bà mất đi những nét uyển chuyển, mà các nhà điêu khắc vẫn quen miêu tả, biến thành một gã đô vật bắp thịt cuồn cuộn, chỉ mặc quần đùi để thi đấu. Sau cùng, có người ở gian bên ấy đã nghĩ ra được cái việc kéo tấm màn che lại.

Tiếng người đàn bà nói nghẹn trong nước mắt và cơn nôn ọe:

- Ông bạn Tyskevich ơi, tay ông đâu? Ông đưa tay cho tôi đi! Ôi tôi vừa trải qua một vụ khủng khiếp!... Tôi đã nghi ngờ... Tôi tưởng đã thấy... May quá, bây giờ tôi mới biết tất ca cái đó chỉ là chuyện ngu ngốc, tôi đã quá tưởng tượng. Ông Tyskevich ơi, thôi thế là xong rồi.., kết quả là... tôi vẫn sống.

- Bà Amelia, tôi xin bà, bà cứ yên lòng. Chuyện này bất tiện, thú thật là quá ư bất tiện.

Giáo sư Alexandr làu bàu bảo hai cậu thiếu niên:

- Ta sửa soạn mà về thôi.

Hai cậu đang ở gian ngoài, gần sát cửa, trong tình thế ngượng ngùng, mất hết tự nhiên. Đứng ở đấy, nhìn chỗ treo cây đèn dầu mà người ta đã đem vào gian trong, hai cậu thấy trển tường đầy những ảnh chụp, một cái giá để các bản nhạc, một cái bàn viết xếp nhiều giấy tờ và các tập anbum. Phía bên kia chiếc bàn ăn phủ khăn thêu, một thiếu nữ đang ngồi ngủ trên chiếc ghế bành, hai tay ôm quàng lấy lưng ghế và áp má vào nó. Chắc cô ta ngủ mệt lắm, vì những tiếng nói chuyện xôn xao, đi lại dọn dẹp ở gian trong vẫn không làm cô thức giấc.

Sự có mặt của ba thầy trò ở đây xét ra là vô ích, mà lại bất tiện cho gia chủ nữa, nên giáo sư Alexandr quay lại bảo hai cậu một lần nữa:

- Chờ nhạc sĩ ra ngoài này, ta chào rồi về ngay thôi.

Nhưng thay vì nhạc sĩ Tyskevich, lại có một người khác bước ra. Đó là một ông vạm vỡ, chững chạc, mày râu nhẵn nhụi vẻ đầy tự tin. Ông ta giơ cao cây đèn, đi tới chỗ bàn ăn, nơi cô gái ngủ, treo nó lên móc. Ánh đèn làm cô gái tỉnh dậy, cô mỉm cười nhìn hắn, nheo nheo mắt và vươn vai.

Trông thấy ông ta, Misa rùng mình và cứ nhìn ông ta chòng chọc. Cậu đưa tay bấm Yuri, định nói câu gì, song Yuri gạt đi, không muốn nghe.

- Nói chuyện thì thào ở nhà người ta, không sợ họ cười cho à. Họ sẽ nghĩ gì về cậu?

Trong khi ấy lão đàn ông và cô gái đang diễn màn kịch câm với nhau. Họ không nói gì, chỉ trao đổi những cái nhìn. Nhưng những cử chỉ thông cảm ấy giữa họ có một cái gì thần diệu đáng sợ, tựa hồ gã đàn ông là diễn viên điều khiển con rối, còn cô thiếu nữ là con rối đang ngoan ngoãn cử động theo nhịp ngón tay lão ta.

Nụ cười mệt mỏi hiện ra trên mặt cô gái đã buộc cô lim dim mắt và hé mở cặp môi. Nhưng trước ánh mắt giễu cợt của gã đàn ông, cô đáp lại bằng cái nháy mắt tinh quái của kẻ đồng mưu. Cả hai đều hài lòng rằng mọi sự đã êm xuôi, bí mật không bị tiết lộ và nạn nhân cũng đã thoát chết.

Yuri nhìn họ không chớp mắt. Từ chỗ tối chẳng ai trông thấy cậu nhìn cảnh đang diễn ra trong quầng sáng của ánh đèn, không thể rời mắt. Cảnh khuất phục cô gái thật vô cùng bí ẩn và cũng hiển nhiên không chút giấu giếm. Những cảm xúc trái ngược nhau dâng lên trong ngực, dồn ép trái tim cậu với một sức mạnh chưa từng thấy.

Đó chính là điều mà cậu, Misa và Tonia, từng đem ra tranh luận sôi nổi hàng năm trời, dưới cái tên vô nghĩa "sự thô lậu" một điều vừa đáng sợ vừa hấp dẫn mà ba cô cậu đã từng dễ dàng giải quyết trên lời lẽ, ở khoang cách an toàn. Nhưng lúc này cái sức mạnh kia đang hiển hiện trước mắt Yuri, rõ ràng và chi tiết như một vật thể, đồng thời cũng mờ ảo như một giấc mơ, vừa có sức phá phách tàn bạo, vừa than vãn kêu cứu. Thứ triết lý trẻ con của ba cô cậu đâu rồi và bây giờ Yuri biết làm sao đây?

Khi đã ra khỏi nhà, Misa hỏi Yuri:

- Cậu biết lão ta là ai không?

Yuri đang mải theo đuổi ý nghĩ của mình, không trả lời.

- Chính lão ta đã làm cho cha cậu say mèm, chính lão ta đã giết cha cậu đấy. Ở trên toa xe lửa ấy mà, nhớ chưa. Tớ vẫn hay kể cho cậu nghe chuyện ấy đấy.

Yuri nghĩ đến cô gái và tương lai, chứ không nghĩ đến cha và dĩ vãng. Thoạt đầu, cậu thậm chí chẳng hiểu Misa nói gì với cậu Trời rét quá, cũng khó nói chuyện với nhau.

- Rét quá phải không bác Semion? - Giáo sư Alexandr hỏi bác đánh xe.

Họ ra về.

Mục lục
Ngày đăng: 05/05/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục