Gửi bài:

Chương 6

15.

Việc dọn tuyết chiếm mất hết ba ngày đêm. Toàn bộ gia đình Zhivago, kể cả Niusa, đều hăng hái tham gia. Đây là giai đoạn thú vị nhất trong cuộc hành trình của họ.

Vùng này có một cái gì bí ẩn, tiềm ẩn điều chưa được nói đến cùng. Nó mang hơi hướng của cuộc khơi nghĩa của Pugachov qua cách miêu tả của Puskin(1) và chất Á Đông trong chuyện của Axakov(2), vẻ bí hiểm của vùng này càng làm tăng thêm bởi cảnh tàn phá, bởi thái độ hết sức kín đáo của số dân cư ít ỏi còn ở lại địa phương: họ có vẻ sợ sệt, né tránh các hành khách trên xe lửa và cũng chẳng nói năng gì với nhau vì sợ bị tố cáo.

Hành khách được phân loại thành từng đội riêng và được đưa tới chỗ làm cách biệt nhau. Khu vực làm việc có lính gác bảo vệ.

Đường tàu được dọn tại nhiều nơi cùng một lúc, mỗi đội dọn một khác. Mỗi khúc đều chừa lại vài mét ở hai đầu, tiếp giáp với đội bên cạnh. Phần chừa lại ấy, đến giờ phút cuối cùng mới dọn, sau khi hoàn thành việc dọn toàn bộ quãng dường bị tuyết phủ.

Mấy hôm nay trời trong sáng và lạnh giá. Ban ngày họ làm việc, chỉ trở về toa để ngủ đêm. Mọi người làm theo từng ca ngắn để khỏi bị mệt, vả lại xẻng thì ít, mà nhân công quá thừa. Việc dọn tuyết theo kiểu đó chỉ đem lại hứng thú.

Chỗ gia đình Zhivago xúc tuyết rất thoáng đãng và đẹp mắt. Ở chỗ đó, mặt đất chạy thoai thoải xuống phía Đông đường sắt, rồi uốn lên như sóng đến tận chân trời.

Trên một ngọn đồi có một ngôi nhà đơn độc, trống gió từ bốn phía, chung quanh có một vườn cây, chắc về mùa hè cây lá rậm rạp nhưng bây giờ thì cành lá thưa thớt, bị tuyết phủ, không còn khả năng che chở ngôi nhà.

Màn tuyết san bằng và nắn tròn vạn vật. Nhưng căn cứ vào những chỗ lồ lõm chính trên sườn đồị mà ngần ấy tuyết vẫn không hoàn toàn phủ kín được, thì hẳn là về mùa xuân người ta phải thấy có một con suối chảy xuống lạch nước của chiếc cầu cạn chạy dọc theo một đường khe ngoằn ngoèo, con suối ấy giờ đây đã bị khuất lấp hẳn dưới lớp tuyết sâu, như một đứa trẻ cuộn tròn dưới một tấm chăn lồng bồng.

Ngôi nhà có người ở hay bị bỏ hoang và đổ nát sau khi Uỷ ban ruộng đất của xã hoặc huyện trưng thu? Những người ở nhà đó bây giờ ở đâu? Số phận họ ra sao? Họ đã trốn ra ngoại quốc hay bị nông dân giết chết? Hay là họ đang sống ở huyện ly với tư cách các nhà chuyên môn có học vấn đáng khen ngợi? Nếu họ ở lại đây đến giờ phút cuối cùng, liệu Strelnikov có nể nang gì họ, hay đã bị đàn áp cùng với bọn kulak rồi.

Ngôi nhà trên đỉnh đồi gợi tính tò mò và giữ vẻ lặng lẽ u buồn. Nhưng bây giờ chả ai nêu câu hỏi và có hỏi cung không ai trả lời. Riêng mặt trời rọi xuống mặt tuyết bằng phẳng làm lóe lên thứ ánh sáng trắng chói loá. Lưỡi xẻng ấn xuống lớp tuyết ấy và hất lên ìtng tảng mới ngọt và đều đặn làm sao? Ở các vết cắt tuyết phát toả những tia sáng khô, ánh như kim cương, trông đẹp xiết bao! Tất cả cảnh ấy gợi nhở những ngày thơ ấu xa xôi. Thuở ấy, cậu bé Yuri Zhivago, đầu đội cái mũ nồi màu sáng có viền, mình mặc chiếc áo tưlúp lót da cừu có khoang đen, cứ ngồi ở sân gọt các hình kim tự tháp, hình lập phương, hình những chiếc bánh ga-tô, các pháo đài và các thành phố có hang động! Ôi, đời sống thuở ấy mới ngon lành làm sao! Vạn vật quanh mình mới đẹp mắt và ngon miệng làm sao!

Nhưng cả ba ngày sống ngoài trời thế này cũng đem lại cho họ cảm giác no nê. Và không phải vô cớ, buổi tối, những người đi làm về được phát một ổ bánh mì, còn nóng hổi, không biết được chở từ đâu tới và do ai đặt làm. Vỏ bánh thơm phức, có nhiều vết rạn nứt nhỏ ở hai bên, trông đã thấy ngon, và đáy chiếc bánh khá dày, được nướng rất khéo, còn dính những hạt than nhỏ xíu.

Chú thích:

(1) Trong chuyện "Con gái viên đại uý".

(2) Trong cuốn "Gia phả" kể chuyện vùng đài nguyên Baskiria.

16.

Người ta đâm ra yêu mến khu nhà ga đổ nát, như quyến luyến với nơi trú ngụ tạm thời trong một cuộc tham quan các núi tuyết. Vị trí, hình dáng bên ngoài, đặc điểm của mấy chỗ hư hại của nó cứ in sâu trong trí nhớ của họ.

Hàng ngày họ trở lại ga lúc mặt trời lặn. Dường như mặt trời trung thành với quá khứ, nên hôm nào cũng lặn ở chỗ cũ, phía sau cây bạch dương già mọc ngay trước cửa sổ buồng trực điện thoại.

Bức tường ngoài ở chỗ này đổ sập vào trong, lấp kín cả căn phòng. Nhưng góc sau của căn phòng, đối diện với cái cửa sổ còn nguyên vẹn, thì chưa bị đổ. Mọi thứ ở đó vẫn còn: giấy bồi tường màu cà phê, cái lò sưởi bằng sứ có ống thông hơi tròn, đậy bằng một cái mũ đồng, ngoắc với một đoạn dây xích nhỏ bản kê khai đồ đạc đóng khung đen móc vào tường.

Cũng hệt như trước ngày xẩy ra tai hoạ, mặt trời khi lặn xuống sát mặt đất lại với các lớp sứ của lò sưởi, lại hâm nóng lớp giấy bồi tựờng màu cà phê và lại in lên tường các cành bạch dương như phủ một tấm khăn san.

Ở phần khách của toà nhà, có một cái cửa ra vào đã bị chắn lại của phòng khám bệnh. Trên cánh cửa có dòng chữ hẳn được viết vào những ngày đầu cuộc Cách mạng tháng Hai hoặc trước đó ít lâu, nội dung như sau:

"Vì lý do thuốc men và bông băng, kính xin quý vị bệnh nhân tạm thời đừng lo phiền. Chiểu theo lý do vừa nói, tôi niêm phong cửa và xin kính cáo với quý vị về việc này. Chánh y sĩ tổng Ust - Nemda".

Khi người ta dọn nốt các đống tuyết còn chừa lại giữa các khúc đã dọn, thì trước mặt hiện ra con đường ray đều đặn, thẳng băng, chạy tít về phía xa như một mũi tên. Hai bên đường nhấp nhô những núi tuyết trắng, được tạo ra từ lớp tuyết hất dưới đường tàu, và được viền suốt chiều dài bằng hai bức tường rừng tùng đen đen.

Trong tầm mắt, ở những chỗ khác nhau trên đường ray, có từng tốp người cầm xẻng đang đứng. Lần đầu tiên họ nhìn thấy nhau đông dủ và ngạc nhiên về chuyện họ đông đảo đến ngần này.

17.

Được biết tàu sẽ chuyển bánh sau vài giờ nữa, dù chiều đã xế và đêm sắp buông. Trước khi tàu chạy tiếp, hai vợ chồng Zhivago đi ngắm lần cuối vẻ đẹp của tuyến đường vừa được dọn sạch. Trên mặt đường đã chẳng còn ai. Hai vợ chồng đứng một lúc, nhìn về phía xa, trao đổi vài lời nhận xét, rồi quay lại toa của họ.

Trên đường trở về, họ nghe thấy những tiếng hét giận đữ, khản cả cổ của hai người đàn bà đang chửi bới nhau. Họ nhận ra ngay đó là tiếng Ogryskova và Chiagunova. Hai chị kia cũng đi cùng chiều với vợ chồng Zhivago, từ đầu tàu về phía cuối tàu nhưng họ ở bên phía nhà ga, còn vợ chồng Zhivago ở bên phía rừng. Ngăn cách giữa hai cặp là bức tường dài các toa tàu . Hai chị kia luôn luôn hoặc vượt xa lên trước, hoặc tụt hẳn lại phía sau, so với vợ chồng Zhivago.

Hai phụ nữ ấy đang bị xúc động mạnh và đuối sức đi rõ rệt. Căn cứ vào giọng nói của họ mà đoán, lúc thì cụt ngủn và tru tréo, lúc lại thấp xuống thành tiếng thì thào, chắc là trong lúc đi họ bị thụt chân xuống tuyết hoặc cất bước không nổi. Rõ ràng Chiagunova rượt theo Ogryskova và mỗi lần đuổi kịp, có lẽ lại thọi cho cô kia vài quả.

Chị ta chửi như tát nước vào mặt tình địch, những câu chửi có bài bản hẳn hoi, ở miệng một con công cái và một tiểu thư như chị ta nghe còn trắng trợn gấp trăm lần tiếng chửi tục thô thiển và chói tai của cánh đàn ông.

- Này con đi đĩ kia! - Chiagunova thét. - Đồ đĩ rời đĩ rạc, đĩ có tàn có tán kia! Người ta đi đâu là thấy mặt con đĩ đi theo đấy, cái váy quét đất con mắt thì láo liên! Đồ đàng điếm, thằng già nhà tao ôm ấp mày chưa đủ thoả mãn hay sao, mà mày còn đi quyến rũ một thằng bé non nớt. Cứ cong tớn cái đuôi lên, nó phải làm hư một thằng bé mới thoả kia.

- Thế mày là vợ chính thức của Vasia chắc?

- Bà thì bà cho mày biết thế nào là chính với chả thức, đồ đĩ ngựa, con hủi cùn hủi cụt! Mày mà còn mở mồm ăn xằng nói bậy, thì bà cho mày ăn đất. Chớ có trêu gan bà!

- Này, này, buông tay ra, buông tao ra! Con điên! Mày muốn gì ở tao, đồ chó dại?

- Bà muốn mày bị chết đâm chết chém chứ còn muốn gì, đồ tứ chiếng giang hồ, quân mèo mả gà đồng, con thối thây kia.

- Ừ thì tao là mèo mả gà đồng, ừ thì tao là tứ chiếng giang hồ đúng như mày nói đấy! Thế còn mày thì sao? Mày là tiểu thư danh giá quá nhỉ. Mày sinh ra dưới cống, lấy chồng gầm cầu có bầu với chuột và đẻ ra con chim... Cứu tôi với, cứu tôi với các ông các bà ơi! Cái mụ thần đanh đỏ mỏ nó giết tôi mất thôi! Ôi xin các ông các bà hãy cứu một đứa con gái, một đứa trẻ mồ côi...

Tonia giục chồng:

- Mình đi nhanh lên anh. Em không chịu nổi đâu. Khó nghe quá. Chuyện này rồi sẽ dẫn đến hậu quả chả hay ho gì.

Mục lục
Ngày đăng: 05/05/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Mục lục