Gửi bài:

Chương 16

Tháng Tư Năm 1982

BÀ TA LÀ GIÁO SƯ LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT Ở CANERGIE MELLON, VÀ đang đặt câu hỏi cho ông về vấn đề hình thể. Vẻ đẹp là gì? Bà ta muốn biết, bàn tay bà ta nắm lấy cánh tay ông, dẫn ông đi trên sàn nhà ốp gỗ sồi bóng loáng, giữa những bức tường trắng tinh treo đầy những bức ảnh của ông chụp. Liệu vẻ đẹp có thể tìm thấy trong hình thể hay không? Và ý nghĩa của nó? Nữ giáo sư quay lại, mái tóc hất ra sau lưng; bà ta đưa tay gài lọn tóc ra sau tai.

Ông cúi xuống nhìn bà ta chăm chú, nhìn mảng tóc bạc, khuôn mặt trắng xanh mịn màng của bà ta.

"Sự giao thoa", ông ôn tồn trả lời, liếc mắt về phía Caroline đang nấn ná trước một tấm ảnh chụp Norah trên bãi biển, trong lòng nhẹ nhõm khi thấy bà vẫn còn ở đó. Gắng hết sức, ông quay lại phía người giáo sư. "Sự hội tụ. Đó là điều tôi theo đuổi. Tôi không tiếp cận theo hướng lý thuyết. Tôi chỉ chụp lại những gì khiến tôi rung động."

"Không có ai nằm ngoài lý thuyết cả!" bà ta kêu lên. Nhưng rồi bà ta ngừng hỏi, mắt nheo lại, khẽ cắn bờ môi. Ông không nhìn thấy răng bà ta nhưng ông tưởng tượng ra chúng, thẳng tắp, trắng lóa và đều đặn. Căn phòng quay cuồng xung quanh ông, những tiếng nói rộ lên rồi lắng xuống, trong một khoảnh khắc im lặng ông nhận ra tim mình đang đập thình thịch, rằng mình vẫn còn đang cầm chiếc phong bì Caroline vừa đưa. Ông liếc về phía bên kia phòng một lần nữa – phải, tốt rồi, bà vẫn ở đấy - và cẩn thận nhét nó vào túi áo sơ mi; tay ông hơi run lên.

Tên bà ta là Lee, người phụ nữ tóc sẫm đang nói. Bà ta là nhà phê bình tự do, đến tham dự một hội nghị lưu trú. David gật đầu, chỉ nghe lơ mơ. Có phải Caroline sống ở Pittsburgh không nhỉ, hay bà đọc được quảng cáo về buổi triển lãm và đi từ nơi khác đến, từ Morgantown, Columbus hoặc Philadelphia? Bà đã gửi thư cho ông từ tất cả những nơi đó, rồi bà rời khỏi đám khán giả vô danh và bước lên phía trước, trông vẫn rất giống ngày xưa nhưng đã già hơn, có phần cứng rắn và cương quyết hơn, vẻ ủy mị thời trẻ không còn nữa. David, anh không nhận ra tôi sao? Và ông đã nhận ra, ngay cả khi ông không chịu ghi nhận thực tế đó.

Ông nhìn lướt khắp căn phòng để tìm bà lần nữa nhưng không thấy bà, và mối chỉ đầu tiên của nỗi sợ hãi bắt đầu xâu vào tim, nhỏ xíu, lan tỏa, như những sợi nấm náu mình trong khúc gỗ. Bà đã đi cả quãng đường dài, bà đã nói sẽ ở lại; chắc chắn bà sẽ không bỏ đi. Một người bê khay rượu sâm panh đi ngang qua và ông lấy một ly. Nhân viên tổ chức triển lãm lại xuất hiện, để giới thiệu ông với các nhà tài trợ của buổi triển lãm. David cố gắng tập trung hết mức để nói năng thật khúc chiết, nhưng ông vẫn không thôi nghĩ về Caroline, hi vọng có thể nhìn thấy bà ở một góc phòng. Ông đã rời đi với niềm tin rằng bà sẽ chờ, nhưng giờ đây, thật chẳng dễ dàng gì, ông chợt nhớ lại buổi sáng xa xưa ở lễ tưởng niệm, Caroline đứng trong cái rét căm căm, vận chiếc áo choàng màu đỏ. Ông nhớ cái giá lạnh của bầu không khí độ xuân về, bầu trời ngập nắng, và trong gió Paul đạp chân liên hồi dưới những lớp chăn. Ông nhớ rằng ông đã để bà ra đi.

"Xin thứ lỗi" ông thì thầm, ngắt lời người đang nói. Ông đi thẳng qua mặt sàn ốp gỗ cứng ra sảnh chờ ở cửa chính, đến đó ông dừng chân và quay lưng lại để bao quát cả khu triển lãm, sục sạo trong đám đông. Chắc chắn là, khi đã tìm thấy bà sau bao năm trời như thế, ông không thể để mất bà một lần nữa.

Nhưng bà đã ra đi. Bên ngoài cửa sổ, ánh đèn thành phố lấp lánh đầy mê hoặc, rải rác như kim sa trên sườn đồi sắc nét, nhấp nhô. Ở đâu đó, ngay tại đây hoặc gần đây thôi, Caroline Gill đang rửa bát quét nhà, dừng lại để nhìn qua ô cửa sổ tối om. Mất mát và nỗi đau: tất cả tràn qua ông như một đợt sóng, mạnh mẽ đến mức ông phải tựa lưng vào tường và gục đầu xuống, để chống lại cơn buồn nôn đang cồn lên trong ruột. Những cảm xúc của ông quá dạt dào, hỗn độn. Dù sao ông cũng đã sống mà không gặp Caroline Gill trong bao nhiêu năm trời rồi còn gì. Ông hít một hơi thật sâu, rồi nhẩm qua bảng tuần hoàn trong đầu mình- bạc catmi indi thiếc- nhưng dường như ông không thể giúp bản thân mình trấn tĩnh lại được.

David lần tay vào túi lấy ra chiếc phong bì bà đưa, có lẽ bà có để lại địa chỉ hoặc số điện thoại cũng nên. Bên trong là hai tấm ảnh Polaroid, giấy cứng, màu sắc khá tối, nhợt nhạt và nhuốm tông xám bàng bạc. Tấm đầu tiên chụp hình Caroline, đang cười, cánh tay quàng quanh một cô bé ngồi bên mặc váy xanh lơ vải cứng, eo thấp, với một dải đai buộc. Họ đứng ngoài trời, trước bức tường gạch của một ngôi nhà, bầu không khí ngập nắng nhuốm vàng cả khung cảnh. Con bé trông khỏe mạnh; chiếc váy vừa in với thân người nhưng không làm nó thêm xinh. Mái tóc rủ xuống mặt thành những dợn sóng mềm mại, và nó nở một nụ cười rạng rỡ, đôi mắt gần như nhắm tít lại, hớn hở trước cái máy ảnh hoặc ai đó đứng sau máy. Khuôn mặt nó to bè, trông có vẻ hiền lành, và dường như góc chụp làm đôi mắt nó hơi xếch lên. Phoebe trong ngày sinh nhật. Caroline đã ghi ở mặt sau. Tuổi mười sáu ngọt ngào.

Ông gài tấm ảnh thứ nhất bên dưới tấm ảnh thứ hai, chụp gần đây hơn. Lại là Phoebe, đang chơi bóng rổ. Cô bé chuẩn bị ném bóng, gót chân kiễng cao khỏi mặt sàn bê tông. Bóng rổ, môn thể thao mà Paul đã từ chối chơi. David nhìn vào mặt sau tấm ảnh và kiểm tra lại cả chiếc phong bì, nhưng không có dòng địa chỉ nào. Ông uống cạn ly sâm banh và đặt chiếc ly xuống mặt bàn đá cẩm thạch. Khu triển lãm vẫn đông nghịt người, lao xao tiếng nói chuyện. David dừng lại trên ngưỡng cửa và nhìn ngắm với vẻ dửng dưng khó hiểu, như thể khung cảnh này là thứ gì đó ông tình cờ nhìn thấy, chẳng liên quan gì đến ông cả. Sau đó ông quay đi, bước vào làn không khí êm dịu, mát lạnh, đẫm nước mưa. Ông nhét chiếc phong bì cùng những tấm ảnh vào túi áo ngực, và chẳng biết mình sẽ đi đâu, ông bắt đầu cất bước.

Oakland, khu trường học cũ của ông, đã có nhiều đổi thay, tuy vậy về cơ bản vẫn thế. Sân Forbes, nơi ông đã dành không biết bao nhiêu buổi chiều lom khom trên khán đài cao tít, tắm ngập trong ánh nắng, reo hò cuồng nhiệt khi gậy đập vào khiến trái bóng bay vút lên khỏi mặt sân xanh mướt rực rỡ, đã không còn nữa. Một tòa nhà đại học mới, vuông vức và tẻ nhạt, mọc lên giữa không gian nơi tiếng hò hét của hàng ngàn người đã một thời vang dội. Ông dừng lại, quay mặt ra phía Đại học Đường, một khối đá xám thanh thoát, một bóng đen in hằn lên nền trời đêm, để lấy lại bình tĩnh.

Ông đi tiếp, men theo những con phố nội thành tối tăm, đi qua đám người ùa ra từ các nhà hàng và rạp hát, Ông không thực sự nghĩ mình sẽ đi đâu, dù ông biết rõ. Ông thấy mình bị mắc kẹt, bị đông cứng suốt bao năm qua trong đúng khoảnh khắc giao con gái mình cho Caroline. Cuộc sống của ông xoay vần quanh hành động duy nhất ấy: một đứa trẻ sơ sinh trong tay ông – rồi ông vươn người ra để đem cho nó đi. Như thể ông đã chụp ảnh lại tất cả những năm qua để cố gắng mang lại cho một khoảnh khắc khác thứ phẩm chất, sức nặng tương tự. Ông đã muốn cố gắng để ghìm lại cái thế giới quay cuồng, và những dòng sự kiện, nhưng dĩ nhiên điều đó là không thể.

Ông đi tiếp, trong lòng rung động, chốc chốc lại lầm bầm với chính mình. Những gì chôn chặt trong tim ông suốt bao nhiêu năm qua đột nhiên trở lại sống động sau cuộc gặp gỡ của ông với Caroline. Ông nghĩ đến Norah, người đã trở thành một người phụ nữ độc lập và đầy quyền lực, người gặp gỡ khách hàng là các tập đoàn lớn với vẻ tự tin lấp lánh và trở về nhà sau bữa tối, người xông lên mùi rượu và mưa, dấu vết của tiếng cười, của chiến thắng và thành công vẫn đọng trên khuôn mặt bà. Bà đã có hơn một lần ngoại tình trong những năm qua, ông biết, và bí mật của bà, cũng như bí mật của chính ông, đã lớn dần lên thành một bức tường chắn giữa hai người bọn họ. Đôi khi vào buổi tối ông thoáng thấy, chỉ trong chớp mắt thôi, người phụ nữ mà ông đã lấy làm vợ: Norah, đứng bế đứa bé đỏ hỏn là Paul trên tay; Norah, đôi môi còn vương vết nước dâu, đang dở tay buộc chiếc tạp dề; Norah với tư cách là một nhân viên đại lý du lịch non nớt, thức rất khuya để quyết toán các khoản chi thu. Nhưng bà đã rũ bỏ từng lớp bản ngã như những lớp da, và giờ đây họ sống như hai kẻ xa lạ trong căn nhà rộng lớn của mình.

Paul đau khổ vì điều đó, ông biết chứ. David đã cố gắng hết sức để dành cho nó mọi thứ. Ông đã cố gắng để làm một ông bố tốt. Hai bố con cùng đi gom nhặt các mẫu hóa thạch với nhau, phân loại và dán từng món rồi trưng bày trong phòng khách. Ông tận dụng mọi cơ hội để đi câu cá với Paul. Nhưng dù có cố gắng đến đâu để giúp cuộc sống của Paul êm đềm và dễ dàng hơn, thì sự thật vẫn là David đã xây dựng cuộc sống đó trên nền tảng một sự dối trá. Ông cố gắng bảo vệ con trai khỏi những gì mình phải chịu đựng khi còn bé: nghèo đói, lo âu và đau đớn. Dẫu vậy những nỗ lực của ông đã gây ra nhiều mất mát mà David không bao giờ có thể lường nổi. Lời nói dối đã lớn dần lên giữa bọn họ như một tảng đá, ép họ thành ra méo mó theo, như những cái cây mọc cong queo quanh một hòn cuội.

Phố xá giao nhau, rồi hợp lại thành một ở những góc kỳ dị, khi thành phố thu hẹp lại ở điểm hai con sông lớn gặp nhau, sông Monongahela và sông Allegheny, hợp lưu của hai sông này tạo thành sông Ohio, sông Ohio tiếp tục chảy đến Kentucky và xa hơn nữa trước khi hòa mình vào sông Mississippi và biến mất. Ông bước ra sát mép nước. Khi còn là một chàng trai trẻ, một sinh viên, David Henry thường đến chốn này, đứng ở bờ đất, ngắm nhìn hai con sông hợp nhất. Đôi lúc ông đứng đâu, ngón chân lơ lửng trên dòng nước đen thẫm của con sông, thờ ơ tự hỏi không hiểu dòng nước đen kia lạnh giá đến thế nào, liệu ông có đủ sức bơi vào bờ nếu lỡ chân rơi xuống không. Giờ đây, cũng như ngày xưa, gió luồn qua lớp vải bộ quần áo ông đang mặc, và ông nhìn xuống, nhìn dòng sông đang cuộn chảy giữa hai mũi giày. Ông nhích ra thêm hai phân, đổi góc nhìn. Một thoáng nuối tiếc vụt qua giữa cảm giác mệt mỏi: đây sẽ là một bức ảnh đẹp, nhưng ông đã để lại máy ảnh ở khách sạn.

Xa tít bên dưới dòng nước cuộn xoáy, ngầu lên bọt trắng xóa vỗ quanh chân cột xi măng, rồi trôi xa. Gan bàn chân, đó là nơi David cảm nhận được sức ép của gờ bê tông. Nếu ông sảy chân rơi xuống hoặc nhảy xuống mà không thể bơi đến nơi an toàn, họ sẽ tìm thấy những thứ này: một chiếc đồng hồ đeo tay có tên bố ông khắc ở mặt sau, chiếc ví của ông với hai trăm đô tiền mặt, bằng lái xe, một viên sỏi nhặt được ở con suối gần căn nhà ông sống hồi nhỏ mà ông đã mang bên mình ba chục năm nay. Và những tấm ảnh, trong chiếc phong bì nhét trong túi bên trên trái tim ông.

Đám tang của ông sẽ đông nghịt người. Dòng người đưa đám có lẽ sẽ kéo dài mấy dãy nhà.

Nhưng tin tức chỉ đến thế là hết. Caroline có lẽ sẽ không bao giờ biết. Và cái tin cũng sẽ chẳng lan xa hơn, chẳng thể nào đến được vùng đất nơi ông đã sinh ra.

Kể cả có đi chăng nữa, sẽ không có ai ở đó nhận ra tên ông.

Một ngày nọ sau buổi tan trường, lá thư đang chờ ông, được gài sau lon cà phê rỗng đặt ở góc cửa tiệm. Không ai nói gì, nhưng mọi người đều nhìn ông chằm chằm, họ biết đó là cái gì; biểu tượng của Đại học Pittsburgh lồ lộ ra đấy. Ông đã mang chiếc phong bì lên gác và đặt lên bàn kê cạnh giường, quá hồi hộp không dám mở ra. Ông còn nhớ bầu trời xám xịt buổi chiều hôm đó, trống trải và nhợt nhạt bên ngoài cửa sổ, bị rạch ngang bởi những cành cây bạch đàn trụi lá.

Trong hai tiếng đồng hồ ông không cho phép mình được xem. Rồi ông đã xem, và đó là tin tốt: ông đã được nhận vào trường với một suất học bổng toàn phần. Ông ngồi trên mép giường, quá sững sờ, quá đề phòng trước tin tốt - như ông vẫn luôn thế, suốt cả cuộc đời mình - đến mức không cho phép bản thân tận hưởng chút niềm vui thực thụ. Chúng tôi rất vui mừng được thông báo với em...

Nhưng sau đó ông nhận thấy lỗi sai, một sự thật ảm đạm trỗi dậy và khỏa lấp vừa vặn vào đúng nơi ông chờ đợi, trong cái hố nông ngay bên dưới những đốt xương sườn của ông: cái tên trong thư không phải của ông. Địa chỉ đúng, mọi chi tiết khác từ ngày sinh cho đến số bảo hiểm xã hội của ông – tất cả đều chính xác. Và hai tên đầu của ông, David cho tên cha và Henry cho tên ông nội cũng đúng, được gõ chỉn chu bởi một cô thư ký, người có lẽ đã bị làm phiền bởi một cuộc điện thoại hay một người khách. Hoặc cũng có thể chính làn gió xuân dịu dàng đã khiến cô rời công việc ngẩng đầu lên, mơ màng tưởng tượng ra chính mình trong buổi tối hôm ấy, vị hôn phu của cô xuất hiện với bó hoa trên tay, khiến trái tim cô run rẩy như một chiếc lá. Rồi có tiếng cửa sập mạnh. Tiếng chân dội lại gần, sếp của cô. Cô giật mình, cố trấn tĩnh và trở về với thực tại. Vừa chớp chớp mắt, cô nhấn phím Return và quay lại với công việc.

David Henry cô đã gõ xong, chính xác.

Nhưng họ của ông, McCallister, đã bị bỏ xót.

Ông chưa từng nói cho ai biết. Ông đã đến trường đại học ghi danh, và không có ai từng biết. Dù gì thì đó cũng là tên thật của ông. Tuy vậy David Henry là một con người hoàn toàn khác so với David Henry McCallister, ông biết vậy, và có vẻ rõ ràng chính David Henry mới là người được đi học đại học, một người không có tiểu sử, không chút vướng bận bởi quá khứ. Một người với cơ hội để làm mới chính mình.

Và ông đã làm vậy. Cái tên cho phép ông làm thế; xét theo một phương diện nào đó, thì cái tên đòi hỏi phải làm thế: mạnh mẽ và hơi có chất con nhà dòng dõi. Chẳng phải đã có Patrick Henry, chính trị gia và nhà hùng biện đấy sao. Trong những ngày đầu, giữa những cuộc nói chuyện nơi ông có cảm tưởng như mình đang ở giữa biển khơi, bị bao quanh bởi những người giàu có và quan hệ rộng vượt xa mức ông có thể đạt tới, bởi những người sống hoàn toàn thoải mái trong cái thế giới mà ông đã phải cố gắng đến tuyệt vọng để hòa nhập, thỉnh thoảng ông cũng gợi chuyện bóng gió, dù không bao giờ nói trực tiếp, về một người họ hàng xa nhưng có dòng dõi thế phiệt, viện dẫn những vị cha ông tưởng tượng để đứng sau hỗ trợ cho ông.

Đó là món quà mà ông cố gắng đem đến cho Paul: một vị trí trong cuộc đời này mà không ai có thể nghi ngờ.

Dòng nước chảy giữa hai bàn chân ông ngầu lên một màu nâu, được viền quanh bởi lớp bọt trắng lờ lờ. Gió cuộn lên, và làn da ông bỗng trở nên xôm xốp như bộ đồ đang mặc. Gió luồn trong huyết quản ông, dòng nước cuồn cuộn quay cuồng, dâng lên gần hơn và rồi acid trào lên cổ họng khiến ông quỵ xuống, tì lên cả hai tay lẫn đầu gối, những phiến đá lạnh buốt dưới tay ông, ông nôn thốc nôn tháo xuống con sông xám xịt cuồng dại, nôn cho đến khi không còn thứ gì có thể thải ra được nữa. Ông nằm đó một lúc lâu, trong bóng tối. Cuối cùng, thật chậm chạp, ông đứng dậy, đưa mu bàn tay quệt ngang miệng, và quay về thành phố.

* * *

Ông ngồi ở ga Greyhound suốt đêm, lúc ngủ gà gật lúc thì giật mình choàng tỉnh, đến buổi sáng ông bắt chuyến xe buýt đầu tiên trở lại ngôi nhà thời ấu thơ ở Tây Virginia, đi sâu vào những quả đồi bao quanh ông như một vòng tay ôm ấp. Sau bảy tiếng, xe buýt đỗ ở nơi nó vẫn luôn dừng lại, ở góc phố Main và Vine, rồi rồ ga phóng đi, để lại David Henry trước cửa tiệm tạp hóa. Phố xá tĩnh lặng, một tờ báo dán trên bốt điện thoại công cộng, cỏ mọc lên qua những kẽ nứt trên vỉa hè. Ông đã từng làm việc trong cửa hàng này để đổi lấy phòng trọ trên tầng hai và tiền cơm hàng tháng, cậu bé sáng dạ rời những quả đồi xuống thị trấn học tập, sững sờ trước tiếng chuông và tiếng ồn của xe cộ, những bà nội trợ đi mua sắm, bọn học sinh túm tụm mua soda bên cạnh đài phun nước, tối tối cánh đàn ông tụ tập với nhau, nhổ bã thuốc, chơi bài và giết thời gian bằng chuyện gẫu. Nhưng tất cả đã không còn nữa, tất cả. Những hình vẽ graffiti màu đỏ và đen phủ kín những ô cửa sổ ốp gỗ ván nứt nẻ thành những hạt màu, không còn đọc ra nổi nữa.

Cơn khát thiêu đốt cổ họng David. Phía bên kia đường, hai người đàn ông, tầm trung tuổi, một người hói đầu, người kia có mái tóc bạc mỏng dính dài chấm vai, đang ngồi chơi cờ dưới hiên nhà. Họ ngước nhìn lên, vẻ tò mò, pha lẫn ngờ vực, và trong khoảnh khắc David bỗng nhìn thấy mình theo trong mắt họ, quần của ông lấm bẩn và nhăn nhúm, áo sơ mi đã mặc cả một ngày và một đêm, cà vạt không còn trên cổ, mái tóc bẹp rúm sau giấc ngủ chập chờn trên xe buýt. Ông không thuộc về nơi đây, chưa bao giờ. Trong căn phòng chật hẹp phía trên tiệm tạp hóa, sách vở bày la liệt ra giường, ông đã nhớ nhà đến không thể nào tập trung nổi, tuy vậy khi ông trở về núi, nỗi cồn cào cũng không vì thế mà bớt nguôi ngoai. Trong căn nhà ván ghép bé nhỏ của bố mẹ ông, được xây vững chãi trên sườn đồi, những giờ đồng hồ cứ kéo dài và trải rộng ra mãi, được đo bằng tiếng bố ông gõ tẩu lên thành ghế, tiếng thở dài của mẹ ông, cơn run rẩy của em gái ông. Có một cuộc sống ở dưới thung lũng và một cuộc sống khác ở trên đó, nỗi cô đơn xâm chiếm khắp nơi, như một bông hoa bí ẩn.

Ông gật đầu với mấy người đàn ông, rồi quay gót bước đi, vẫn cảm thấy cái nhìn chằm chặp của họ bám theo mình.

Cơn mưa nhỏ, dịu nhẹ như sương mù, bắt đầu rơi. Ông bước tiếp, dù cẳng chân nhức nhối. Ông nghĩ đến khu văn phòng sáng sủa của mình, cách đây cả một cuộc đời hoặc một giấc mơ. Khi ấy trời đã ngả chiều muộn. Norah có lẽ vẫn ở công ty, còn Paul thì chắc đang nhốt mình trong phòng, trút hết nỗi cô đơn và giận giữ vào âm nhạc. Họ nghĩ tối nay ông sẽ về, nhưng ông không về được. Ông sẽ phải gọi điện báo, để sau, cho đến khi nào ông biết mình đang làm gì đã. Ông có thể nhảy lên một chiếc xe buýt khác và quay trở về với họ ngay bây giờ. Ông biết thế, nhưng dường như cuộc sống đó không thể tồn tại trong cùng một thế giới với cuộc sống này được.

Dải vỉa hè mấp mô chẳng mấy chốc đã bị chia cắt bởi những bãi cỏ ở rìa thị trấn, một kiểu chấm-dứt-và-khởi đầu giống như một loại mã Morse, bị đứt đoạn ở một vài nơi rồi biến mất hoàn toàn. Những rãnh nước nông chạy dọc theo lề con đường hẹp; ông còn nhớ ở đó có lúc tràn ngập hoa hiên, từng dải màu cam nở rộ trải dài như đám lửa. Ông luồn tay xuống dưới cánh tay để sưởi ấm. Ở đây mùa thường đến sớm hơn. Hoa tử đinh hương ở Pittsburgh và cơn mưa ấm áp đã biến mất. Từng mảng tuyết nứt vỡ ra dưới chân ông. Ông đá những lưỡi băng đen sì xuống rãnh, nơi có nhiều tuyết đọng, điểm xuyết cỏ dại và gạch vụn.

Ông đến đường cao tốc của thị trấn. Xe cộ lao như điên ép ông đi sát vào lề cỏ bên vệ đường, dây khắp người ông một lớp bùn mỏng. Nơi đây từng là một con đường vắng lặng, tiếng động cơ vọng lại từ cách đó hàng dặm trước khi xe xuất hiện, và thường thì một khuôn mặt quen thuộc sẽ hiện ra sau kính chắn gió, xe đi chậm lại, rồi dừng hẳn, và một cánh cửa mở ra để cho ông vào. Mọi người biết ông, biết cả gia đình ông, rồi thì sau vài câu trò chuyện lặt vặt – Bố mẹ cháu có khỏe không; vườn tược năm nay thu hoạch khá không?- không khí im lặng sẽ bao trùm tất cả, khi đó người lái xe và những hành khách khác bắt đầu thận trọng cân nhắc xem nên và không nên nói gì với cậu bé thông minh đã nhận được học bổng, cậu bé có đứa em gái quá ốm yếu không thể đến trường được. Ở miền núi, mà có lẽ là trên toàn thế giới nói chung, có một thuyết về sự bù trừ trong đó cho rằng với tất cả mọi thứ có thêm sẽ có một thứ khác ngay lập tức hiển nhiên bị mất đi. Ừ thì cậu thông minh đấy, cho dù không bảnh trai bằng em họ cậu. Những lời khen, dẫu quyến rũ như một bông hoa, vẫn đầy gai góc của những điểm đối nghịch: Phải rồi, cậu cũng sáng dạ đấy, nhưng mà mặt thì xấu như quỷ; trông cô thì xinh mà đầu óc thì đần lắm. Sự bù trừ; cân bằng trong vũ trụ. David nghe thấy lời buộc tội trong từng câu khen ngợi thành tích học tập của ông – ông đã lấy đi quá nhiều, lấy đi tất cả - và trong những chiếc xe hơi và xe tải sự im lặng lớn dần lên cho đến khi dường như một giọng nói con người cũng không bao giờ có thể phá vỡ nổi.

Con đường rẽ ngoặt, rồi lại rẽ ngoặt tiếp: con đường nhảy múa của June. Sườn đồi dốc hơn, suối đổ xuống như thác, còn nhà cửa thưa thớt, xơ xác hơn. Những căn nhà lưu động dần hiện ra, nằm trên triền đồi như các món trang sức mờ xỉn trong một cửa tiệm rẻ tiền, màu xanh ngọc, bạc và vàng bợt đi thành màu kem. Đây là cây tiêu huyền, tảng đá hình trái tim, ngã rẽ nơi ba cây thập giá sơn trắng, được trang trí bằng hoa úa và ruy băng, đóng sâu xuống đất. Ông rẽ sang và đi dọc theo con suối tiếp theo, con suối của ông. Lối mòn đã bị cây cỏ mọc lên che khuất gần hết, nhưng vẫn chưa biến mất hẳn.

Phải mất gần một tiếng đồng hồ ông mới về đến ngôi nhà cũ, sau bao nhiêu năm mưa nắng dãi dầu đã phủ một màu xám nhạt, mái nhà võng xuống ở chính giữa thanh xà ngang và tấm ván lợp mái đã bay mất. David dừng bước, bị cuốn vào quá khứ mãnh liệt đến mức ông tưởng như sắp được nhìn thấy họ: mẹ ông bước xuống bậc thang, tay cầm một chiếc chậu thiếc mạ kẽm để múc nước giặt, em gái ông ngồi trên hiên nhà, tiếng rìu bổ vào gỗ vọng lại từ nơi bố ông chẻ củi, chỉ ở đâu đó ngay ngoài tầm mắt thôi. Ông đã rời nhà đi học, June đã mất, còn bố mẹ ông ở lại đây đến chừng nào có thể, do dự không muốn bỏ mảnh đất này. Nhưng cuộc sống của họ cũng chẳng khấm khá hơn là mấy, rồi sau đó bố ông mất, khi còn quá trẻ, và cuối cùng mẹ ông cũng chuyển về miền Bắc sinh sống, dọn đến với em gái cụ cùng lời hứa hẹn về một việc làm trong nhà máy ô tô. David hiếm khi đi từ Pittsburgh về thăm nhà và không bao giờ quay trở lại nữa kể từ ngày mẹ mất. Nơi này thân thuộc với ông như hơi thở nhưng cách xa cuộc sống của ông bây giờ như mặt trăng.

Gió thổi mạnh thêm. Ông bước lên bậc thềm. Cánh cửa gá vẹo vọ trên bản lề không khép kín lại được. Bầu không khí trong nhà lạnh giá, xông lên mùi mốc meo. Chỉ có căn phòng duy nhất, căn gác xép dung làm chỗ ngủ giờ được gia cố bằng một thanh xà cong oằn. Những bước tường loang lổ vì ẩm ướt; qua các kẽ hở, ông thoáng nhìn thấy bầu trời nhợt nhạt. Ông đã giúp bố cất nóc nhà, mồ hôi chảy đầm đìa trên khuôn mặt và nhầy nhụa đầy tay họ, tay búa của họ giơ cao trong nắng, trong mùi hương nồng gắt của gỗ tuyết tùng mới chặt.

Theo như David được biết, thì đã nhiều năm nay không có ai sống trong ngôi nhà này. Tuy vậy vẫn có một cái chảo rán nằm trên chiếc bếp lò cũ, lạnh tanh, lớp mỡ đã đóng váng lại, nhưng không hề có mùi ôi khi ông cúi xuống ngửi. Trong góc là chiếc giường sắt cũ, trên phủ một tấm chăn tả tơi giống tấm chăn bà ngoại và mẹ ông đã may. Lớp vải lạnh ngắt, âm ẩm dưới tay ông. Không có đệm, chỉ có mấy lớp chăn xếp chồng lên nhau trên tấm giát giường. Mặt sàn ốp ván đã được quét sạch, và có ba củ nghệ tây để trong chiếc lọ trên cửa sổ.

Có người đang sống ở đây. Một cơn gió nhẹ tràn qua căn phòng, lay động những hình cắt bằng giấy được treo khắp nơi - trên trần nhà, trên cửa sổ, trên đầu giường. David đi quanh nhà, ngắm nhìn chúng với cảm giác sửng sốt ngày càng tăng. Những hình này hơi giống với hình bông tuyết ông đã cắt ở trường, nhưng vượt xa về độ tinh xảo và tỉ mỉ, mô tả toàn bộ cảnh trí đến từng chi tiết nhỏ nhất: hội chợ tỉnh, một căn phòng khách gọn gàng trước lò sưởi, một buổi dã ngoại với những bông hoa pháo hoa rực rỡ. Tinh xảo và chính xác, chúng khiến cả căn nhà phảng phất một bầu không khí bí ẩn. Ông chạm tay vào mép răng cưa của một hình cắt cảnh xe thồ, các cô bé đội mũ có dải nơ, các cậu bé mặc quần sắn đến tận gối. Vòng đu quay, vòng tròn ngựa gỗ rung rinh, xe chạy trên đường lớn: những hình này được giăng trên đầu giường, khẽ lay động trên dây treo, mỏng manh tựa đôi cánh.

Ai đã cắt những hình này với sự khéo léo và kiên nhẫn nhường ấy? Ông lại nghĩ đến những bức ảnh của chính mình: ông đã cố gắng hết sức để chớp lại từng khoảnh khắc, ghim nó lại một chỗ, để nó tồn tại mãi, nhưng khi hình ảnh dần hiện lên trong buồng tối thì cũng là lúc chúng bị thay thế. Nhiều giờ, nhiều ngày đã trôi qua kể từ đó; ngay chính ông cũng đã trở thành một người hơi khác. Dẫu vậy ông vẫn khao khát giữ chặt tấm màn đang rung động, để giữ lại hình ảnh của vạn vật ngay cả khi chúng biến mất, một lần rồi lần nữa và lần khác nữa.

Ông ngồi trên chiếc giường cứng. Đầu ông vẫn còn ong ong. Ông nằm xuống và cuộn tấm chăn ẩm quanh người. Có một thứ ánh sáng xám nhạt tràn ngập khắp các ô cửa sổ. Chiếc bàn trơ trọi và cái bếp lò: tất cả xông lên mùi mông mốc. Bốn bức tường được bồi bằng nhiều lớp giấy báo đã bắt đầu bong tróc. Gia đình ông rất nghèo, tất cả những người họ biết đều nghèo cả. Đó không phải là tội, nhưng có lẽ nó chính là một cái tội. Đó là lý do tại sao mọi thứ đều được giữ lại, những động cơ cũ, vỏ lon thiếc và chai sữa nằm rải rác khắp bãi cỏ và sườn đồi: một câu thần chú chống lại những đòi hỏi, một hàng rào ngăn chặn những ham muốn. Khi David còn nhỏ, một thằng bé tên là Daniel Brinkerhoff đã chui vào cái tủ lạnh cũ và bị chết ngạt trong đó. David vẫn còn nhớ những tiếng rên rỉ, rồi xác của thằng bé bằng tuổi ông lúc đó được đặt nằm trong một túp lều rất giống căn nhà này, với những ngọn nến thắp sáng xung quanh. Bà mẹ vật vã khóc, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với ông; ông còn quá nhỏ để hiểu được nỗi đau, sự khủng khiếp của cái chết. Nhưng ông vẫn còn nhớ những gì đã được nói ra, ở bên ngoài nhưng vẫn trong tầm nghe của mẹ ông, bởi ông bố khốn khổ vừa mất đứa con trai: Tại sao lại là thằng con tôi? Nó lành lặn, nó khỏe mạnh. Sao không phải đứa con gái ốm yếu kia? Nếu có đứa nào chết, thì sao không phải con bé kia?

Ông nhắm mắt lại. Yên ắng quá. Ông nghĩ đến tất cả những âm thanh vẫn tràn ngập trong cuộc sống của mình ở Lexington: tiếng bước chân, tiếng nói trên hành lang, tiếng chuông điện thoại reo, quay cuồng trong tai ông; tiếng máy nhắn tin kêu bíp bíp giữa tiếng đài phát thanh trong lúc ông lái xe; và ở nhà, lúc nào cũng vậy, Paul dính chặt lấy chiếc đàn ghi ta còn Norah không rời điện thoại, dây điện thoại quấn quanh cổ tay trong lúc bà nói chuyện với khách hàng; và đến nửa đêm lại có thêm những cuộc gọi khác, mọi người cần có ông ở bệnh viện; ông phải đến. Và rồi, vùng dậy trong bóng đêm, trong giá lạnh, ông lao đi.

Không phải ở đây. Ở đây chỉ có tiếng gió lay động, những chiếc lá già và, xa xa, tiếng nước chảy róc rách khe khẽ của con suối bên dưới lớp băng. Một cành cây đập vào bức tường phía ngoài. Lạnh run, ông hơi oằn người lên, tì bằng gót chân và phần lưng trên để có thể cuộn tấm chăn lại và lèn chặt quanh người, Những tấm ảnh nhét trong túi khẽ chọc vào ngực khi ông trở mình để kéo sát chăn vào thêm. Tuy vậy, ông vẫn run lẩy bẩy mất vài phút, vì cái giá lạnh và tàn dư của quãng đường dài vừa đi, rồi nhắm mắt lại ông nghĩ đến hai con sông giao hòa, hợp làm một, và dòng nước đen cuộn xoáy. Không phải rơi mà là nhảy: đó là ý niệm đã treo lơ lửng ở kia trong thế thăng bằng.

Ông nhắm mắt lại. Chỉ vài phút thôi, để nghỉ ngơi. Bên dưới mùi không khí ẩm ướt và nấm mốc, dường như có mùi hương gì đó ngòn ngọt tựa đường. Mẹ ông đã mua đường dưới thị trấn, và ông gần như vẫn còn cảm thấy vị chiếc bánh sinh nhật trong miệng mình, màu vàng và rất đặc, béo ngậy và ngọt lịm đến độ tưởng như các mùi vị đang nổ tung trong miệng ông. Những người hàng xóm từ dưới núi lên, tiếng nói trải dài suốt quãng đường từ thung lũng, những chiếc váy đủ màu sặc sỡ vui mắt quét qua lớp cỏ cao. Những người đàn ông mặc quần tối màu và đi ủng, bọn trẻ con chạy lông nhông khắp sân, hò hét, rồi túm tụm lại với nhau để cùng làm kem, chúng cho kem vào hộp, ngâm trong bề nước muối dưới hiên nhà, ướp lạnh, cho đến khi chúng mở nắp hộp kim loại lạnh buốt ra và xúc đầy món kem mát lành ngọt lịm vào bát.

Có lẽ đó là sau khi June ra đời, hoặc cũng có thể là sau lễ rửa tội cho cô bé, cái ngày có món kem. June cũng giống như bao nhiêu đứa trẻ khác, đôi bàn tay nhỏ xíu huơ huơ trong không khí, cọ vào má ông khi ông cúi xuống hôn cô bé. Trong cái oi nồng của ngày hè hôm ấy, với món kem mát rượi dưới hiên nhà, họ đã cùng tổ chức tiệc mừng. Rồi thu qua, đông tới, June vẫn không ngồi dậy được và cứ như thế mãi, cho đến sinh nhật đầu tiên mà em vẫn còn quá yếu không thể đi xa được. Một mùa thu nữa lại tới, có người họ hàng đến thăm dắt theo đứa con trai, thằng bé cũng tầm tuổi June, nó không chỉ đi được mà còn chạy khắp các phòng và đã bắt đầu bập bẹ học nói, còn June thì vẫn ngồi một chỗ, lặng lẽ ngắm nhìn xung quanh. Khi đấy họ đã biết rằng có điều gì đó không ổn. Ông còn nhớ mẹ ông cứ nhìn mãi đứa cháu họ, nước mắt âm thầm chảy dài trên khuôn mặt cụ hồi lâu cho đến khi cụ hít một hơi thật sâu rồi quay lại căn phòng tiếp tục câu chuyện. Đó là nỗi đau mà ông đã mang bên mình bấy lâu, nặng nề như một tảng đá trong tim. Đó là nỗi đau mà ông cố gắng giải thoát cho Norah và Paul, nhưng lại gây ra thêm nhiều nỗi đau khác.

"David", hôm ấy mẹ ông đã nói, vừa đưa tay lên chùi vội nước mắt, không muốn để con thấy mình khóc, "con nhặt mấy tờ giấy trên bàn rồi ra ngoài lấy củi với nước đi. Làm ngay đi. Chịu khó động chân động tay vào."

Và ông vâng lời. Và họ đã tiếp tục sống, hôm ấy cũng như mọi ngày khác. Họ đã thu mình lại, thậm chí còn không đến thăm mọi người chỉ trừ những dịp lễ rửa tội hay ma chay hiếm hoi, cho đến ngày Daniel Brinkerhoff tự nhốt mình trong tủ lạnh. Họ rời đám viếng trở về nhà trong màn đêm, mò mẫm lần theo bờ suối bằng cảm giác, bằng trí nhớ, June nằm trên tay cha ông, và mẹ ông không bao giờ xuống núi nữa, cho đến ngày bà chuyển đến sống ở Detroit...

* * *

"Đừng tưởng ông sẽ làm gì được," có tiếng người nói, và David, vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, không biết là mình đang mơ hay nghe thấy tiếng nói trong gió nữa, ông trở mình bởi cổ tay bị giật mạnh và tiếng lầm rầm khe khẽ, đưa lưỡi liếm vòm miệng khô ran. Cuộc sống của họ đã rất khó khăn, những ngày dài đằng đẵng ngổn ngang công việc cần làm, không có thời gian và lòng kiên nhẫn cho nỗi đau. Bạn phải sống tiếp, đó là tất cả những gì bạn có thể làm được, và vì có nói về June cũng không thể làm em sống lại được, họ đã không bao giờ nhắc đến em lần nào nữa. David xoay người và thấy cổ tay đau nhói. Giật mình, ông bừng tỉnh, mắt mở ra và lờ đờ quét khắp căn phòng.

Cô ta đang đứng trước bếp lò, cách đó có vài bước chân, chiếc quần lính màu xanh ô liu ôm sát vòng hông nhỏ nhắn, hơi phồng ra ở đùi. Cô mặc một chiếc áo len màu gỉ sắt điểm những dải vàng cam sáng óng ánh, bên ngoài khoác một chiếc áo sơ mi nam vải flanen kẻ ca rô xanh đen. Cô đã cắt bỏ phần đầu ngón tay của đôi găng, di chuyển quanh chiếc bếp lò một cách uyển chuyển mềm mại, xọc nĩa vào mấy quả trứng rán trong chảo. Bên ngoài trời tối đen - ông đã ngủ khá lâu - nến đã được thắp lên khắp phòng. Ánh sáng vàng khiến mọi vật trông dịu đi. Những hình giấy tinh xảo khẽ phất phơ.

Mỡ cháy xèo xèo và tay cô gái vung lên cao. Ông nằm yên một lúc, ngắm nhìn cô, từng chi tiết đều thật sống động: hai quai chảo màu đen mẹ ông đã lau chùi, móng tay cắt cụt ngủn của cô gái, ánh nến lập lòe trên cửa sổ. Cô với tay lên chiếc giá treo trên bếp lò để lấy muối và hạt tiêu, và ông giật mình bởi cách ánh sáng quét lên làn da cô, mái tóc cô, khi cô đi ra đi vào khoảng tối, bởi vẻ uyển chuyển trong từng hành động của cô.

Ông đã để máy ảnh lại ở khách sạn.

Ông cố gắng nhỏm dậy, nhưng cổ tay lại bị dằn xuống. Hoảng hốt, ông ngoái đầu lại: một dải khăn voan đỏ mỏng tang cột chặt ông vào một cột giường, những dây vải xé từ một miếng giẻ lau buộc vào cột giường còn lại. Cô nhận thấy cử động của ông và quay lại, gõ nhẹ chiếc thìa gỗ lên lòng bàn tay.

"Bạn trai của tôi sẽ quay lại ngay," cô thông báo.

David thả đầu rơi phịch xuống gối. Trông cô khá non nớt, chắc không hơn tuổi mà có khi còn trẻ hơn Paul, lại ở đây trong một căn nhà bỏ hoang. Góp gạo thổi cơm chung à, ông thầm nghĩ, thắc mắc không biết cậu bạn trai thế nào, lần đầu tiên ông nhận ra rằng có lẽ mình nên lo lắng đi là vừa.

"Tên cô là gì?" ông hỏi.

"Rosemary," cô đáp, thoáng lo sợ. "Ông tin hay không thì tùy," cô nói thêm.

"Rosemary," ông nói, lại nghĩ đến bụi cây lá kim Norah đã trồng ở một khoảng đất nhiều nắng, những cái lá nhọn hoắt thơm ngát hương của nó. "Xin cô làm ơn cởi trói cho tôi."

"Không." Giọng cô nói nhanh và trong trẻo. "Không đời nào."

"Tôi khát," ông nói.

Cô nhìn ông một lúc; đôi mắt cô thật ấm áp, màu nâu ánh vàng, vẻ mệt mỏi. Rồi cô đi ra ngoài, khiến một luồng không khí lạnh buốt tràn vào phòng, lay động những hình giấy. Cô quay lại với một chiếc ca sắt đựng đầy nước múc từ suối lên.

"Cảm ơn cô," ông nói, "nhưng phải nằm thế này thì tôi làm sao uống được."

Cô quay lại bếp một lát, lật những miếng trứng đang cháy xèo xèo, rồi lục lọi trong ngăn kéo, lôi ra chiếc ống hút nhựa lấy từ một cửa hàng đồ ăn nhanh nào đó, một đầu lấm bẩn, và cắm nó và cái ca sắt.

"Tôi nghĩ ông sẽ dùng được thôi," cô nói, "nếu ông thực sự khát đến thế."

Ông quay sang và ngậm lấy ống hút, trong cơn khát ông không nhận thấy gì khác hơn ngoài vị đất lẫn trong ca nước. Cô trút trứng vào một chiếc đĩa kim loại màu xanh đốm trắng và ngồi vào chiếc bàn gỗ. Cô ăn rất nhanh, dùng ngón trỏ tay trái xiên những miếng trứng vào chiếc nĩa nhựa rất khéo, không chút bận tâm, như thể ông không hề có mặt trong căn phòng này vậy. Chính trong giây phút ấy ông lờ mờ đoán ra rằng có lẽ cậu bạn trai chỉ là nhân vật tưởng tượng. Cô sống ở đây có một mình.

Ông uống cho đến khi chiếc ống hút cũng cạn ráo, nước chảy vào họng ông như một dòng sông ngầu đục.

"Bố mẹ tôi từng sở hữu nơi này," ông nói khi vừa uống xong. "Thật ra, tôi vẫn sở hữu nó. Tôi có giấy tờ chứng nhận cất trong két. Về lý mà nói, cô đang xâm phạm tài sản cá nhân đấy."

Nghe vậy cô mỉm cười và cẩn thận đặt chiếc nĩa xuống chính giữa đĩa. "Vậy ra ông đến đây để khẳng định chủ quyền đấy hả? Về lý ấy?"

Mái tóc cô, đôi gò má cô, rực lên trong ánh sáng lập lòe. Cô trẻ quá, tuy vậy ở cô vẫn có nét gì đó quyết liệt và mạnh mẽ, đơn độc nhưng cứng rắn.

"Không." Ông nghĩ đến cuộc hành trình kỳ dị của mình từ một buổi sáng bình thường ở Lexington - Paul nhốt mình trong phòng tắm hàng giờ liền còn Norah cau mặt lại khi bà cân đối số séc cạnh quầy bếp, cà phê bốc khói nghi ngút - đến cuộc triển lãm ảnh, dòng sông, và giờ là nơi này.

"Thế thì sao ông không về nhà đi?" cô nói, đoạn đẩy chiếc đĩa ra giữa bàn. Bàn tay cô rất thô, móng tay nham nhở. Ông sửng sốt không ngờ chính bàn tay ấy có thể làm ra những tác phẩm nghệ thuật bằng giấy tinh xảo, phức tạp đang được treo khắp căn phòng này.

"Tên tôi là David Henry McCallister." Tên thật của ông, đã lâu lắm rồi chưa được nhắc đến.

"Tôi chẳng biết ai tên là McCallister cả," cô nói. "Nhưng tôi cũng không phải người ở đây."

"Cô bao nhiêu tuổi rồi?" ông hỏi. "Mười lăm à?"

"Mười sáu," cô chữa lại. Nói xong, cô nghiêm mặt, "Mười sáu hoặc hai mươi hoặc bốn mươi, tùy ông chọn."

"Mười sáu," ông lặp lại. "Tôi có một cậu con trai hơn tuổi cô. Tên là Paul."

Một cậu con trai, ông thầm nghĩ, và một đứa con gái nữa.

"Thế à?" cô đáp, vẻ thờ ơ.

Cô lại cầm chiếc nĩa lên, và ông ngắm cô ăn trứng, cắn những miếng nhỏ nhẹ và nhai rất kỹ, rồi đột nhiên, bằng một lực hút mãnh liệt, ông lại trở về sống trong một khoảnh khắc khác trong chính căn nhà này, ngắm nhìn June ăn trứng giống y như thế. Đó là năm em chết, và ngồi ở bàn là một việc khó khăn đối với em, nhưng em vẫn cố; em đã ăn cùng cả nhà mỗi buổi tối, ánh đèn hắt lên mái tóc vàng của em và đôi bàn tay em chuyển động chậm rãi, với vẻ duyên dáng khoan thai.

"Sao cô không cởi trói cho tôi," ông khẽ gợi ý, giọng khản đặc vì xúc động. "Tôi là bác sĩ. Vô hại mà."

"Phải rồi." Cô đứng dậy và đem chiếc đĩa kim loại bỏ vào bồn rửa.

Cô có thai, ông sửng sốt nhận ra, khi nhìn nghiêng lúc cô quay lại để lấy xà phòng rửa trên giá. Vẫn chưa lâu lắm, khoảng bốn hay năm tháng, ông ước chừng.

"Cô nghe này, tôi là bác sĩ thật đấy. Trong ví tôi có thẻ đấy. Cô xem xem."

Cô không đáp, chỉ rửa đĩa và nĩa rồi cẩn thận lau khô tay vào khăn. David thầm nghĩ thật kỳ dị khi ông lại ở đây, nằm ở nơi ông đã được thai nghén, sinh ra và nuôi nấng gần hết thời niên thiếu, thật kỳ dị khi gia đình của ông thì biến mất hoàn toàn còn cô gái này, thật trẻ trung, rắn rỏi và bơ vơ, lại trói ông vào giường.

Cô đi ngang qua căn phòng và rút chiếc ví trong túi ông ra. Cô rải từng thứ một lên bàn: tiền, thẻ tín dụng, những mẩu giấy tờ linh tinh và vài mảnh giấy.

"Ở đây ghi là nhiếp ảnh gia," cô nói, đọc chiếc thẻ của ông dưới ánh sáng tù mù.

"Đúng rồi," ông nói. "Tôi làm cả nghề đó nữa. Tiếp đi."

"Thôi được rồi," một lúc sau cô cất lời, tay cầm chiếc thẻ căn cước của ông. "Vậy ra ông là bác sĩ. Thế thì sao? Có gì khác không?"

"Nghĩa là tôi sẽ không làm hại cô, Rosemary ạ. Quan trọng nhất là không được làm gì gây tổn hại mà."

Cô liếc nhìn ông dò xét. "Đằng nào ông chả nói vậy. Kể cả ông có định làm hại tôi đi nữa."

Ông ngắm nhìn cô, mái tóc rối, đôi mắt sẫm trong trẻo.

"Có mấy tấm ảnh," ông nói. "Ở đâu đó quanh đây này..." Ông trở mình và cảm thấy góc phong bì chọc qua lớp vải túi áo sơ mi. "Xin cô. Cô xem xem. Đây là ảnh chụp con gái tôi. Nó cũng tầm tuổi cô thôi."

Khi cô luồn tay vào túi áo ông, ông lại cảm thấy hơi ấm của cô và ngửi thấy mùi hương trên người cô, một mùi hương tự nhiên nhưng sạch sẽ. Có phải mùi ngòn ngọt không nhỉ? Ông tự nhủ, nhớ lại giấc mơ của mình và chiếc khay đầy những viên kem đã lướt qua ông ở lễ khai mạc triển lãm.

"Tên cô ấy là gì?" Rosemary hỏi, xem xét tấm ảnh thứ nhất, rồi đến tấm thứ hai.

"Phoebe."

"Phoebe. Tên hay lắm. Cô ấy cũng dễ thương nữa. Cô ấy được đặt tên theo tên mẹ à?"

"Không," David đáp, nhớ lại cái đêm con bé ra đời, Norah đã nói cho ông những cái tên bà muốn đặt cho con ngay trước khi sinh. Khi ấy, Caroline đã lắng nghe, làm theo, và trân trọng cái tên. "Con bé được đặt tên theo bà trẻ. Bên đằng ngoại. Tôi cũng không biết bà này."

"Tôi được đặt tên theo tên của cả hai bà," Rosemary khẽ nói. Món tóc sẫm của cô rơi xuống ngang gò má nhợt nhạt, cô gạt nó ra sau gáy, ngón tay đeo găng nấn ná gần tai, và David tưởng tượng ra cảnh cô ngồi cùng gia đình mình quanh một chiếc bàn rực sáng ánh đèn khác. Ông bỗng muốn quàng tay quanh người cô, muốn đưa cô về nhà, bảo vệ cô. "Rose là tên bà nội, còn Mary là tên bà ngoại."

"Gia đình cô có biết cô đang ở đâu không?" ông hỏi.

Cô lắc đầu. "Tôi không quay về được," cô nói, cả sự đau đớn và giận dữ xoắn bện trong giọng nói của cô. "Tôi không bao giờ quay về được nữa. Tôi sẽ không về nữa."

Trông cô trẻ trung làm sao, cô ngồi bên chiếc bàn, hai tay nắm hờ và khuôn mặt u ám, lo âu. "Sao lại không?" ông hỏi.

Cô lắc đầu và gõ tay lên tấm ảnh chụp Phoebe. "Ông nói cô ấy tầm tuổi tôi à?"

"Xấp xỉ, tôi đoán thế. Con bé sinh ngày mồng sáu tháng Ba, năm 1964."

"Tôi sinh tháng Hai năm 1966." Tay cô hơi run lên khi đặt tấm ảnh xuống. "Mẹ tôi đã lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc cho tôi: tuổi mười sáu ngọt ngào. Bà bị nghiện những thứ rườm rà màu hồng."

David nhìn cô nuốt nước bọt, rồi lại gài tóc ra sau tai, mắt nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ tối om. Ông muốn làm gì đó để an ủi cô, như ông vẫn thường muốn xoa dịu những người khác - June, mẹ ông, Norah - nhưng giờ đây, cũng như mọi lần, ông không thể. Tĩnh lặng và chuyển động: ở đây có điều gì đó, có điều gì đó ông cần phải biết, nhưng suy nghĩ của ông vẫn rất rời rạc. Ông cảm thấy như mình đã bị tóm lại, bị đóng đinh vào đúng một thời điểm như trong những tấm ảnh mình chụp, cái khoảnh khắc đã ghim giữ ông vừa sâu sắc lại vừa đau đớn. Ông mới chỉ khóc cho June có một lần, khi đứng cạnh mẹ ông trên sườn đồi trong làn gió rét căm căm buổi đêm, tay giữ chặt cuốn Kinh Thánh trong khi nhắc lại lời Cầu Nguyện của Chúa trước nấm đất mới đắp. Ông khóc cùng mẹ, kể từ ngày đó cụ sinh ra căm ghét những cơn gió, rồi họ chôn chặt nỗi đau của mình và tiếp tục sống. Đời là thế, và họ chẳng hề thắc mắc.

"Phoebe là con gái tôi," ông nói, sững sờ khi nghe chính giọng mình nói ra, dẫu vậy vẫn cảm thấy cưỡng bách khi phải kể câu chuyện của mình, bí mật ông đã giữ kín suốt bao năm qua. "Nhưng tôi chưa từng thấy mặt nó kể từ ngày nó ra đời." Ông ngập ngừng, rồi lại ép mình phải nói tiếp. "Tôi đã đem cho nó. Nó bị hội chứng Down, nói cách khác là thiểu năng. Nên tôi đã đem cho nó. Tôi chưa bao giờ nói cho ai biết cả."

Ánh nhìn của Rosemary lia qua rất nhanh, rõ ràng bị sốc. "Tôi cho đó là làm hại rồi," cô nói.

"Phải," ông đáp. "Tôi cũng nghĩ vậy."

Họ im lặng hồi lâu. Đâu đâu David nhìn vào cũng nhắc ông nhớ đến gia đình mình: hơi thở ấm áp của June phả lên má ông, mẹ ông cất tiếng hát khi gấp quần áo bên chiếc bàn, những câu chuyện của bố ông vang vọng quanh bốn bức tường. Xa lắm rồi, tất cả đã xa rồi, và cả con gái ông nữa. Theo thói quen cũ, ông cố kìm nén nỗi đau, nhưng nước mắt cứ chảy dài trên má ông; ông không thể ngăn lại được. Ông khóc cho June, và ông khóc cho cái giây phút trong phòng khám khi ông đưa Phoebe cho Caroline Gill và nhìn cô bỏ đi. Rosemary ngồi bên chiếc bàn, nghiêm nghị và im lặng. Khi mắt họ gặp nhau, ông giữ chặt lấy ánh nhìn của cô, một khoảnh khắc gần gũi thật lạ thường. Ông vẫn nhớ khi Caroline đứng trên ngưỡng cửa ngắm nhìn ông khi ông đang ngủ, khuôn mặt cô dịu đi trong tình yêu dành cho ông. Lẽ ra ông đã có thể cùng cô bước xuống những bậc thềm viện bảo tàng và quay về với cuộc sống của cô, nhưng ngay cả khoảnh khắc ấy ông cũng đã để tuột mất rồi.

"Tôi xin lỗi," ông nói, cố gắng trấn tĩnh lại. "Đã lâu rồi tôi chưa về đây."

Cô không đáp và ông tự hỏi trong mắt cô ông có điên khùng lắm không. Ông hít vào một hơi thật dài.

"Bao giờ cô sinh?" ông hỏi.

Đôi mắt sẫm của cô trố ra ngạc nhiên. "Năm tháng nữa, tôi đoán thế."

"Cô đã bỏ anh ta lại, đúng không?" David khẽ nói. "Bạn trai cô ấy. Có lẽ anh ta không muốn có đứa bé."

Cô ngoảnh mặt đi, nhưng ông đã kịp thấy đôi mắt cô đẫm nước.

"Tôi xin lỗi," ông nói ngay. "Tôi không định tọc mạch."

Cô khẽ lắc đầu. "Không sao. Có gì đâu."

"Anh ta đâu rồi?" ông hỏi, cố giữ giọng thật mềm mỏng. "Nhà cô ở đâu?"

"Pennsylvania," cô đáp, sau một khoảng dài im lặng. Cô hít một hơi thật sâu, và David hiểu rằng câu chuyện của ông, nỗi đau của ông, đã cho cô động lực để bộc bạch câu chuyện của mình. "Gần Harrisburg. Tôi từng có một bà dì sống ở vùng này," cô nói tiếp. "Em gái của mẹ tôi, tên là Sue Wallis. Dì ấy mất rồi. Nhưng khi còn nhỏ chúng tôi đã đến đây, đến căn nhà này. Chúng tôi từng lang thang khắp các ngọn đồi. Ngôi nhà này lúc nào cũng để không. Chúng tôi từng đến đây chơi, khi còn bé tí. Hồi đấy là lúc vui nhất. Đây là nơi tốt nhất tôi có thể nghĩ đến."

Ông gật đầu, nhớ lại không khí xào xạc của rừng cây. Sue Wallis. Một hình ảnh mờ nhòe, một phụ nữ cuốc bộ lên đồi, tay ôm ổ bánh nhân đào gói trong chiếc khăn.

"Cởi trói cho tôi đi," ông nói, giọng vẫn rất khẽ.

Cô bật cười chua chát, đưa tay chùi mắt. "Tại sao?" cô nói. "Tại sao tôi phải làm thế, ở đây chỉ có mỗi hai người chúng ta, ngoài ra không có ai hết? Tôi đâu phải đứa ngu."

Cô đứng dậy lấy mấy chiếc kéo cùng một mớ giấy con con từ chiếc giá đóng trên bếp lò. Những vụn giấy trắng phau đua rơi dưới tay kéo của cô. Gió khẽ lay động, và ánh nến lập lòe sáng. Khuôn mặt cô nghiêm trang, kiên nghị, chăm chú và đầy quyết tâm hệt như Paul khi nó chơi nhạc, gồng mình lên chống lại thế giới của David và cố tìm kiếm một xứ sở khác cho riêng mình. Lưỡi kéo đi loang loáng và cơ hàm của cô hơi giật giật. Ông chưa từng có suy nghĩ rằng cô có thể làm gì hại đến ông.

"Mấy món bằng giấy cô làm," ông nói. "Đẹp lắm."

"Bà nội Rose dạy tôi đấy. Trò này gọi là scherenschnitte - cắt giấy. Bà lớn lên ở Thụy Sĩ mà, tôi nghĩ người dân ở đấy chắc hay làm những thứ này lắm."

"Chắc bà lo cho cô lắm đấy."

"Bà mất rồi. Bà mất năm ngoái." Cô im lặng, lại chú tâm vào việc của mình. "Tôi thích làm mấy món này. Mỗi lần làm tôi lại nhớ đến bà."

David gật đầu. "Cô có ý tưởng gì trước khi cắt không?" ông hỏi.

"Nó đã ở sẵn trên giấy rồi," cô đáp. "Tôi vừa sáng tạo ra nó, lại vừa tìm thấy nó."

"Cô tìm thấy. Phải rồi." Ông gật đầu. "Tôi hiểu. Khi tôi chụp ảnh cũng thế. Ý tưởng đã có sẵn ở đó, còn tôi chỉ việc tìm ra thôi."

"Đúng thế," Rosemary tán đồng, đoạn lật mặt giấy. "Chính xác là như vậy."

"Cô định xử lý tôi thế nào đây?" ông hỏi.

Cô không nói, chỉ tiếp tục cắt.

"Tôi muốn đi tiểu," ông nói.

Ông đã định nói gì đó thật sốc để bắt cô phải nói, nhưng đáng buồn thay đó là sự thật. Cô nhìn ông một lúc. Sau đó cô bỏ kéo và giấy xuống, rồi biến mất mà không nói năng gì. Ông nghe thấy tiếng cô sục sạo bên ngoài, trong bóng tối. Cô quay lại với một cái lọ thủy tinh đựng bơ lạc rỗng không.

"Xin cô," ông nói. "Rosemary. Làm ơn đi. Cởi trói cho tôi với."

Cô đặt chiếc lọ xuống vào lại cầm kéo lên.

"Sao ông lại nỡ đem cho cô ấy?" cô hỏi.

Ánh sáng hắt loang loáng trên lưỡi kéo của cô. David nhớ lại lưỡi dao mổ cũng lóe sáng như thế khi ông thực hiện thao tác rạch âm hộ, khi ấy ông đã rời khỏi chính thân xác mình để quan sát toàn bộ khung cảnh từ trên cao ra sao, những sự kiện trong đêm đó đã tác động đến cuộc đời ông như thế nào, từ tình huống này dẫn đến tình huống kia, những cánh cửa mở ra ở nơi không ai ngờ tới và những cánh cửa khác đóng sập lại, cho tới khi ông đi đến khoảnh khắc đặc biệt này, ở bên cạnh một người xa lạ đang tìm tòi những vẻ đẹp tinh tế giấu trên mặt giấy và chờ đợi câu trả lời của ông, còn ông thì không thể làm gì được và cũng chẳng có nơi nào để đi.

"Có phải đó là điều làm cô lo lắng không?" ông hỏi. "Rằng có thể cô sẽ mang cho đứa con của mình ấy?"

"Không bao giờ. Tôi sẽ không bao giờ làm thế," cô phản ứng quyết liệt, mặt cau lại. Vậy ra đã có người làm như thế với cô, dù cách này hay cách khác, và vứt cô như một món hàng bỏ đi, để mặc cô tự xoay xở. Mười sáu tuổi, có thai và cô độc, ngồi bên chiếc bàn này.

"Tôi nhận ra đó là một sai lầm," David nói. "Nhưng khi ấy đã quá muộn mất rồi."

"Không bao giờ là quá muộn cả."

"Cô mới có mười sáu tuổi thôi," ông nói. "Tin tôi đi, đôi khi, đã là quá muộn."

Mặt cô hơi cau lại trong một giây, cô không đáp, chỉ tiếp tục cắt, và trong khoảng không im lặng David bắt đầu nói, đầu tiên ông cố gắng phân bua về cơn bão tuyết, cú sốc và lưỡi dao lóe lên trong ánh sáng chói mắt. Ông đã thoát khỏi thân xác mình và nhìn thấy chính mình di chuyển như thế nào. Ông đã thức dậy mỗi sáng trong mười tám năm qua, luôn luôn với suy nghĩ rằng có lẽ hôm nay chính là ngày ông đưa mọi thứ về đúng chỗ của nó. Nhưng Phoebe đã biến mất và ông không thể tìm ra nó, vậy thì làm sao ông có thể nói cho Norah biết? Bí mật ấy đã ăn sâu bám rễ trong cuộc hôn nhân của họ, bện xoắn vào cuộc đời họ như một thứ dây leo quỷ quyệt; bà đắm mình trong rượu và bắt đầu ngoại tình, đầu tiên là gã cò nhà đất nhếch nhác kia hồi đi biển rồi đến những kẻ khác; ông cố vờ như không biết, cố gắng tha thứ cho bà, vì ông biết rằng thực chất ông có một phần lỗi trong đó. Tấm ảnh này nối tiếp tấm ảnh kia ra đời, như thể ông có thể khiến thời gian dừng lại hoặc tìm ra một hình ảnh khác đủ mạnh để làm lu mờ cái khoảnh khắc khi ông quay lại và đưa con gái mình cho Caroline Gill.

Giọng nói của ông lên bổng xuống trầm. Một khi đã nói ra ông không thể dừng lại được nữa, cũng như ông không ngăn được trời mưa, không ngăn được dòng suối chảy xuống sườn núi, hay những con cá, bền bỉ và trơn chuội như những ký ức, bơi dọc con suối dưới lớp băng dày. Cơ thể trong chuyển động, ông chợt nhớ lại, một chương cũ xì, nhàm chán trong sách Vật lý hồi phổ thông. Ông đã giao con gái mình cho Caroline Gill và hành động đó, sau bao nhiêu năm, đã dẫn ông đến ngày hôm nay, đến với cô gái này trong chuyển động riêng của cô, cô gái đã quyết định có, một khoảng khắc giải thoát ngắn ngủi khi ngồi ở ghế sau xe hay trong căn phòng của ngôi nhà tĩnh lặng, cô gái mà sau đó đã đứng dậy, chỉnh trang lại quần áo, mà không biết rằng chính giây phút đó sẽ nhào nặn cuộc đời của cô sau này.

Cô vẫn luôn tay cắt và lắng nghe. Sự im lặng của cô khiến ông thấy thoải mái. Ông nói như nước sông chảy, như bão lũ, lời lẽ tuôn trào trong ngôi nhà cũ với một sức mạnh và sự sống mà ông không thể ngăn lại được. Thỉnh thoảng ông bật khóc, ông cũng không thể kìm nổi. Rosemary không bình phẩm gì thêm. Ông nói cho đến khi từ ngữ chậm lại, giọng nhỏ dần, cuối cùng là tắt hẳn.

Im lặng bao trùm.

Cô không nói gì. Lưỡi kéo lóe sáng; tờ giấy đang cắt dở bay từ trên bàn xuống đất khi cô đứng lên. Ông nhắm mắt lại, nỗi sợ hãi dâng trào, vì ông nhìn thấy sự phẫn nộ trong mắt cô, vì tất cả những gì đã xảy ra đều là lỗi của ông.

Tiếng bước chân cô rồi một vật kim loại, lạnh và sáng như băng, lướt trên làn da ông.

Cổ tay căng nhức của ông được phóng thích. Ông mở mắt ra thì thấy cô đã lùi lại, đôi mắt cô, trong sáng và mệt mỏi, nhìn đăm đăm vào mắt ông, chiếc kéo trong tay cô lóe sáng.

"Được rồi," cô nói. "Ông được tự do."

Ngày đăng: 26/04/2013
Người đăng: Beoni
Đăng bài
Bạn thích truyện này?