Gửi bài:

Ăn tết một mình

Năm nay, Ni sẽ đón Tết ở Sài Gòn, trong căn hộ mới mua trả góp của mình.

***

Hơn mười năm ở Sài Gòn, cô luôn tự hỏi cái Tết ở đây như thế nào. Cô chỉ biết có đường hoa Nguyễn Huệ. Cái này năm nào tivi cũng chiếu. Vậy thôi. Còn Tết ở nhà thì năm nào cũng như vậy: Chùi rửa phờ phạc cho đến tối giao thừa. Cả nhà ăn một bữa cơm tất niên. Coi tivi. Đúng 0 giờ, bật bài Happy New Year, cả nhà chúc Tết nhau, ba má lì xì rồi lùa cô và con bé em đi ngủ để sáng hôm sau đi lễ sớm. Mùng một đi lễ về, cả nhà cùng ăn sáng rồi ra thăm bà nội. Sau đó thì đường ai nấy đi, khách ai nấy tiếp. Hết mùng ba là hết Tết.

an-tet-mot-minh

Ni xa nhà từ nhỏ nên không có nhiều bè bạn, có những năm cô nằm nhà coi phim suốt ba ngày Tết. Năm vừa rồi Ni vác hẳn một dàn karaoke về nhà hát cho qua Tết, ai dè hát một mình chán quá, lại chỉ biết ngủ vùi. Bởi vậy, Ni quyết định sẽ bịa ra một lý do để ở lại ăn Tết ở Sài Gòn. Phải bịa, vì cô không có can đảm nói thật với ba má là cô sẽphá hỏng cái quỹ đạo đón Tết quen thuộc của gia đình. Má Ni thường nói đêm giao thừa không được ở bên người thân chính là đêm buồn nhất cuộc đời.

Siêu thị những ngày giáp Tết đông nghìn nghịt. Ni mua đầy đủ lệ bộ: Cũng dưa hấu, giò thủ, chả lụa, chai nước mắm ngon, dưa hành, đòn bánh tét, lại lấy thêm chai dầu ôliu trộn rau ăn cho đỡ xót ruột mấy ngày Tết. Siêu thị Tết khác với chợ Tết. Năm nào cô cũng đi chợ Tết với má nên thấy rất rõ điểm này. Ni nghiệm đi nghiệm lại, quái, trong siêu thị cái gì cũng bán giống như ngoài chợ, sao cái "mùi Tết" thì mất đi đâu. Rồi Ni chợt nghĩ ra cái "mùi Tết" mà cô đang thấy thiếu đó chính là mùi hương trầm, mùi mồ hôi chen lấn, mùi của trời đất cuối năm hòa với mùi hoa, mùi quất...

Chung cư cuối năm thật thưa vắng. Hầu như dân cư ở đây là người độc thân hoặc những gia đình trẻ. Họ đã lục tục về quê từ khoảng một tuần nay, nhà này nối tiếp nhà kia. Hai gia đình hàng xóm sát bên biết Ni ở lại, đều hớn hở đưa chìa khóa nhờ Ni sang tưới cây trong những ngày đi vắng. Cô vui vẻ nhận lời, nhưng lòng thấy chùng đi một chút khi nhìn họ khấp khởi mang hành lý đứng chờ thang máy.

Ni bò toài ra chà từng góc nhà, giặt rèm, giặt áo bộ xa-lông vải, lau phủi từng cuốn sách, kỳ cọ cửa sổ dù tất cả đều còn rất sạch, rất mới. Tết nào về nhà, bị má bắt lau chùi từng kẽ nhà, Ni cũng làu bàu. Má chỉ cười nói: "Có dọn dẹp mới thấy ra ngày Tết". Đến bây giờ cô mới chấp nhận là má đúng. Xong xuôi, cô ra tiệm cây cảnh gần khu chung cư, sắm một chậu đỗ quyên và một chậu mãn đình hồng đem về đặt trong phòng khách. Cô đi tới đi lui ngắm nghía căn phòng, thấy cũng ra dáng Tết lắm rồi.

Tối ba mươi, Ni đi dạo đường hoa. Nhìn đâu cũng thấy người là người. Sài Gòn ngỡ tưởng chỉ có sự đông đúc huyên náo, ngờ đâu ngày cuối năm cũng có cái không khí đông đúc đoàn viên. Cô đứng mân mê hồi lâu bên những chậu quất lúc lỉu trái, chợt bật cười một mình. Năm ngoái, thằng Pôn, con bà chị họ của cô, gọi đây là "cây quých nhiều nhiều". Năm nay chắc thằng nhóc đã nói sõi hơn, diễn đạt tốt hơn. Nó có một đặc điểm rất buồn cười là nếu chỉ vào một cô gái nào mặt mũi xa lạ và hỏi "Dì nào đây?" thì nó sẽ đáp "Dì Ni". Với tất cả mọi đứa em, đứa cháu trong đại gia đình, Ni trở thành một thứ khái niệm sống của sự xa lạ.

Ni về nhà sớm, khoảng gần 22 giờ. Cô ăn hai khoanh bánh tét với một ít chả lụa, nửa nằm nửa ngồi trên xô-pha xem phim qua kênh HBO. Cứ xem được năm phút là Ni lại chuyển kênh liên tục và thở dài quay về kênh cũ, coi tiếp. Cô bỏ qua những kênh cầu truyền hình cuối năm. Không cầu truyền hình gì hết! Cô đang đón một cái Tết khác biệt.

Rồi Ni nhổm dậy, đi thắp một cây nhang vòng để ngôi nhà có mùi ấm áp. Ni để vòng nhang vắt qua một cái lọ thủy tinh trang trí, đặt ở góc nhà. Nhà cô không có bàn thờ nào cả. Hồi vừa mua nhà, má dặn Ni làm một cái bàn thờ ông Địa nhỏ để ở góc, nhưng Ni vờ ừ hử rồi lờ tịt đi, thấy mấy cái chuyện thành tâm giữ trong lòng là được rồi, chứ thờ cúng góc này góc nọ nó "âm lịch" sao sao đó.

Mùi trầm bay ngây ngất. Ni ngủ quên trên xô-pha lúc nào không hay. Điện thoại reo liên tục. Hóa ra là đã giao thừa, cả nhà đang gọi cho cô. Ni nhấc máy, giọng má lo lắng, con sao rồi, chiều nay có về nhà thư thả để đón giao thừa không. Ni đáp qua quýt bằng giọng mũi. Má hỏi sao giọng con nghèn nghẹt vậy, trời ơi, ai đời con gái lớn rồi, đón Tết một mình có một năm mà đã khóc sụt sùi rồi sao. Ni thấy má đang cố cho rằng Ni đang rất buồn, rất nhớ nhà. Chuyện phải lâm ly bi đát như vậy má mới yên lòng là Ni chưa "quên lãng gia đình", chưa "đủ lông đủ cánh thì đã quên ba quên má". Cô nói chuyện gần nửa giờ với cả nhà. Trước khi cúp máy, má dặn Ni sớm mai nhớ đi lễ khai niên. Cô dạ, tự biết mình sẽ không làm như vậy.

Đã gần một giờ sáng. Ni không còn buồn ngủ chút nào nữa. Cô đi ra ban công đứng nhìn bầu trời đêm. Gió thốc hù hù. Chắc bé Út năm nay ngủ một mình buồn lắm. Mọi giao thừa trước, dù đã bị lùa lên giường nhưng hai chị em còn rúc rích hồi lâu cho đến khi ba ra nhắc mới chịu ngủ. Tự nhiên Ni thấy nước mắt chảy vòng quanh. Những dây đèn trang trí giăng quanh chung cư từ Noel tới giờ bỗng nhòa đi trước mặt.

Sáng mùng một, Ni thức dậy bởi tiếng chuông lễ khai niên của nhà thờ gần đó. Tuần tự, Ni đi tưới cây, cây nhà cô, cây nhà hàng xóm bên phải, cây nhà hàng xóm bên trái. Chậu bìm bìm nhà hàng xóm bên phải nở một bông màu biếc, rung rinh trong nắng sớm. Nhà hàng xóm bên trái chỉ toàn trồng những cây mà Ni nghĩ mười thế kỷ nữa cũng không ra hoa nổi, à mà chắc gì chúng đã có hoa. Nhà Ni, những nụ mãn đình hồng còn sót lại cũng đã bung hết. Thật cây lá mà cũng "biết điều" dữ, sáng mùng một nở chi đến... ba hoa. Ni đếm đi đếm lại, cười thầm.

Bữa ăn sáng một mình qua đi nhanh chóng. Ni bật một đĩa nhạc rồi đi tới đi lui trong nhà, không biết tiếp theo sẽ nên làm gì. Hay là đi ra ngoài? Cô ngó ra cửa sổ. Nhưng trời nắng quá.

Ni lẹp kẹp xuống tầng một, định sẽ đi dạo một vòng, coi như xuất hành đầu năm. Ngày Tết có khác. Cái siêu thị mini đóng cửa, không có bóng nhân viên quét dọn, không có lũ con nít nhảy nhót inh ỏi, nói chung là không có cái gì giống ngày thường.

- Hello, Ni!

Tiếng ai đó vang lên bên tai Ni. Đó là Glyn, một ông bạn già độc thân người Anh sống cùng khu chung cư. Cô hay gặp và nói chuyện với ông khi họ cùng ngồi uống cà phê ở bên hông chung cư mỗi buổi sáng cuối tuần. Glyn đã đi du lịch hầu như khắp thế giới, cuối cùng ông dừng chân ở Việt Nam, sắm một căn hộ và "chờ ngày thiên thần đến mang tôi về nước Chúa" – ông hay đùa.

- Tôi tưởng cô về quê ăn Tết – Glyn bước đến ngồi lên thành bồn hoa. Có vẻ như ông vừa chạy bộ về.

- Năm nay tôi đón Tết ở đây – Ni mỉm cười trả lời.

Lác đác vài gia đình vừa đi chúc Tết về rồ máy phóng vào hầm giữ xe. Bọn con nít vừa leo xuống xe xúng xính quần áo mới, ríu rít khoe nhau những phong bì đỏ. Ni và Glyn đều ngẩng ra nhìn. Ni nói với ông bạn già, nghe tiếng mình buồn gì đâu.

- Coi kìa, hôm nay chúng ta đều là những kẻ cô đơn!

Ni mời Glyn lên nhà ăn trưa. Ông về thay áo quần thật lịch sự rồi gõ cửa nhà Ni, tay cầm một chai vang Pháp. Họ ăn uống, nói chuyện rất vui vẻ. Khi chai rượu đã gần cạn, Ni cao hứng nói với Glyn:

- Ông biết không, có lẽ năm sau, tôi sẽ đón ba má tôi vào đây sống. Từ bé đến giờ, tôi không ở gần họ bao nhiêu.

Glyn chợt dừng lại, xoay xoay cái ly trong tay hồi lâu, giọng buồn buồn:

- Ba má cô thật may mắn. Còn tôi, tôi không có con cái...

Trong một khoảnh khắc nào đó rất điển hình của đời sống, người ta cảm thấy tất cả những chuyện buồn của đời mình như góp lại, cùng buốt đau một lượt.

Có lẽ vì chút rượu, chiều hôm đó, tiễn Glyn ra cửa xong, Ni ngủ vùi. Mở mắt ra, cô thấy bóng tối đã giăng mờ những đầm hồ trước mặt. Giờ này cả nhà đang làm gì? Và Ni thì đang làm gì đây?

Cô ngồi dậy, vào nhà tắm rửa mặt rồi gọi điện đặt vé xe sớm nhất về nhà. Rồi Ni chạy lên nhà Glyn, nhờ ông tưới giùm cây cỏ trong những ngày vắng, cho cả ba ngôi nhà. Suốt thời gian đứng trong thang máy, Ni tự hỏi không biết sẽ nói sao để hạn chế hết mức nỗi cô độc bất chợt dâng lên trong lòng ông bạn già nhạy cảm. Dù sao, Ni vẫn có một nơi lúc nào cũng chờ đón cô về.

Nguyễn Thiên Ngân

Ngày đăng: 15/01/2014
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Andersen
 

Xé một cuốn sách như vậy thật đáng tiếc. Bác là con người khôn ngoan và thực tế, nhưng đối với thơ ca, bác cũng chỉ hiểu biết đại khái như cái sọt này mà thôi!

Nói như thế cũng khá vô lễ, nhất là đối với cái sọt..

Con quỷ sứ của ông hàng tạp hóa - truyện cổ Andersen

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage