Gửi bài:

Quê hương

 "Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi...". Nhưng quê hương thời kinh tế thị trường cũng có biết bao thay đổi. Cái đẹp đi cùng cái chưa đẹp. Cái dở đi cùng cái hay. Vì thế mà niềm yêu thương cùng sự trăn trở luôn ám ảnh. Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi, lúa đồng vẫn xanh và hoa lục bình vẫn tím...

 

Tôi vẫn thích cái cảm giác thư thái khi bước trên con đường làng, con đường nằm giữa hai hàng nhãn nhìn xuống cánh đồng. Mỗi lần đi xa về tôi không thích đi xe mà đi bộ trên "con đường nhãn" về nhà. Để nhìn làng xóm, cánh đồng, hàng cây. Thích cảm giác bình yên, tĩnh lặng của nơi đây. Thích những buổi chiều khói bếp quẩn quanh trên những nóc nhà, những hàng cây, lãng đãng, mờ ảo. Thích giấc ngủ dài và sâu không chút lo toan. Về đây, tôi như được trút đi mọi gánh nặng bon chen nơi đô thành nhộn nhịp.

Mỗi khi thất bại trong cuộc sống, bế tắc trong đường đời, tôi lại trở về với vùng quê nghèo này. Để tìm lại sức mạnh niềm tin, bù đắp, chắp vá lại những vết thương nơi tâm hồn. Khi nhìn những ruộng lúa, dòng sông đầy hoa lục bình, lòng tôi thấy yên tĩnh. Nó đúng là Tara của đời tôi (*).

 Nhớ phiên chợ Bình theo bà mua bánh. Nhớ đêm 30 ra chùa thắp hương hái lộc. Nhớ đêm trung thu rước đèn, phá cỗ. Nhớ mùi bánh đúc, ngô bung của mẹ. Nhớ những ngày đi học sớm trộm vải, trộm nhãn ven đường. Và nhớ nụ cười em, cô gái tuổi trăng tròn với bước chân sáo qua cổng trường chuyên năm xưa, nhớ những chiều thứ 7 cùng em về quê trên đường đê ven sông Trà Lý. Nhớ... và nhớ...

Ở đây có những con người thân thuộc, mộc mạc, chất phác dễ gần. Nụ cười luôn tươi mới dù cuộc sống cũng bao nhọc nhằn. Tôi không bao giờ quên buổi tối trước ngày vào đại học. Bà con xóm làng kéo đến chia vui, ân cần dặn dò động viên. Bỗng nhớ đến những vần thơ đầy "chí khí":

 "Con trai sinh viên vào ký túc

Thề với lòng "vứt hết" yêu thương

Ngày lên đường hứa thầm với mẹ

Xa nhà con chỉ nhớ quê hương

 

Nhớ quê mình cũng có một mái trường

Một đàn em với tuổi thơ khó nhọc

Ngày đến lớp bùn còn vương trên tóc

Đẹp dịu hiền những nét chân quê".

Quê tôi vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, cái khó. Bố vẫn thở dài bên khói thuốc lào, tóc mẹ bạc thêm sau mỗi lần con gửi thư về. Nuôi một đứa con học đại học vẫn là một sự nỗ lực lớn lao với người dân quê tôi.

Tôi vẫn tin vào tương lai tươi sáng của miền quê mình, chỉ sợ rằng nó có mãi còn là nơi tiếp thêm sức mạnh cho tôi sau mỗi chặng đường?!

 Đôi chút băn khoăn ấy là vì những năm trở lại đây, quê tôi đang dần thay đổi. Cuộc sống dường như nhộn nhịp hơn, con người bận bịu, lo toan nhiều hơn. Khát vọng làm giàu và sự thay đổi cuộc sống đã bắt đầu giúp cho bộ mặt của làng quê thêm sinh khí, thêm nhuận sắc, nhưng cũng làm mất đi ít nhiều vẻ thanh bình vốn có.

 Người ta không còn nhiều thời gian tâm tình bên chén nước chè mỗi buổi trưa hè. Phiên chợ quê tôi bây giờ mua một trò chơi điện tử dễ hơn tìm hàng bánh đúc. Trẻ con không còn biết chơi pháo đất, chọi gà, cái trò "kim kỉm kìm kim" sẽ chỉ là dĩ vãng. Thay vào đó là "đế chế", là half-life, là football. Một cậu bé 12 tuổi có nick yahoo: kẻ ăn xin đa tình.

 Chúng cũng không còn biết làm sáo diều, chỉ thả những chiếc diều nilon bán sẵn. Đi tìm tiếng sáo diều trong gió chiều tắt nắng liệu sẽ mãi chỉ là giấc mơ?.

 Ngôi chùa làng không còn  như trước. Những kèo những cột được thay bằng bê tông cốt thép, mái đình chẳng cong vì lợp bằng ngói xi măng. Tôi thèm đến nao lòng không khí Tết của buổi sáng mùng một năm xưa. Xác pháo đầy sân, hương trầm nghi ngút, nước mùi già như rửa sạch mọi vương vấn lo toan...

 Ông ngoại không còn đan rổ vì làng chẳng còn tre. Bà không còn thả vó vì ao làng lấp dần và tôm cá đi đâu hết. Mẹ chẳng còn nấu bánh đúc và ngô bung vì đã có bao món ăn khác thay thế.                                               .

 Bước chân sáo cũng đã đôi lần lạc lối. Nụ cười em không trong trẻo như trong nỗi nhớ. Chút âu lo già dặn in dần lên khuôn mặt, em sẽ chẳng còn nghĩ về con đê ngày ấy. Như hoa lục bình, em đến vào một chiều gió thổi và vào ngày nước nổi, em lại theo dòng đi xa để đậu lại ở một bến khác. Bờ tôi chẳng thể giữ em. Bởi em không còn là... ngày ấy.

 Làng tôi thay đổi và chính tôi cũng đang thay đổi. Cậu bé ngày xưa chai tay cuốc đất, khom lưng gặt lúa, đếm từng gầu nước với mẹ đêm hè. Cái mơ ước rời khỏi luỹ tre làng để giúp gì đó cho sự thay đổi của làng quê này đã không còn cháy bỏng. Cậu ta đã thay đổi, thực dụng hơn và nghĩ về mình nhiều hơn. Ngày càng xa làng quê hơn và càng ít khi trở về, đôi lúc  thấy xa lạ lạc lõng giữa con đường thân thuộc. Lời hứa thầm xưa kia với mẹ con đã không thể làm.

 Mọi cái đã thay đổi như quy luật của cuộc sống. Chỉ có lúa đồng vẫn xanh và hoa lục bình vẫn tím...

Nguyễn Đức Hạnh

 (*) Một địa danh trong tác phẩm nổi tiếng "Cuốn theo chiều gió" – Margaret Mitchell.

Ngày đăng: 23/09/2015
Người đăng: Quản Phương Thanh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Andersen
 

Xé một cuốn sách như vậy thật đáng tiếc. Bác là con người khôn ngoan và thực tế, nhưng đối với thơ ca, bác cũng chỉ hiểu biết đại khái như cái sọt này mà thôi!

Nói như thế cũng khá vô lễ, nhất là đối với cái sọt..

Con quỷ sứ của ông hàng tạp hóa - truyện cổ Andersen

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage