Gửi bài:

Chương 46 - Tái thượng ngưu dương không hứa ước (2)

Tiêu Phong chợt hiểu, một dòng lệ nóng trào ra, ròng ròng nhỏ xuống. A Châu nói:

- Thiếp xin chàng một điều, đại ca có bằng lòng không?

Tiêu Phong đáp:

- Nói gì một điều, dẫu có trăm điều, nghìn điều ta cũng bằng lòng.

A Châu nói:

- Thiếp chỉ có một đứa em gái, hai đứa từ nhỏ đã không được ở gần nhau, xin chàng trông nom cho nó, thiếp chỉ lo nó đi chẳng đi vào đường ngay nẻo chánh.

Tiêu Phong gượng cười:

- Đợi khi nào nàng khỏi rồi, mình sẽ đi kiếm để hai chị em được đoàn tụ vơi nhau.

A Châu mơ màng nói:

- Đợi em khỏi... ôi, đại ca, mình sẽ cùng nhau ra ngoài quan ngoại cưỡi ngựa đi săn, thả bò chăn cừu, chàng thử nghĩ liệu em gái thiếp có chịu đi theo không?

Tiêu Phong đáp:

- Dĩ nhiên là cô ta đi chứ, chị ruột và anh rể bảo đi không lẽ không đi?

Đột nhiên có tiếng cười khúc khích, từ dưới vòm cầu đá xanh một người bước ra, kêu lên:

- Sao không biết mắc cở? Cái gì mà chị ruột, anh rể là sao? Ta không đi đâu.

Người đó thân hình mảnh mai, mặc một chiếc áo tơi chính là A Tử. Tiêu Phong lỡ tay đánh A Châu một chưởng rồi, hết tâm hết ý lo cho nàng chứ với công phu của ông, làm gì không biết có người đang nằm phục ở dưới nước nhưng vì một mặt sấm chớp đùng đùng, mưa to gió lớn, thứ nữa tâm thần đại loạn, đến khi A Tử hiện thân lúc đó mới phát giác, không khỏi kinh ngạc kêu lên:

- A Tử, cô mau mau lại đây gặp chị cô.

A Tử dẩu môi nói:

- Ta náu dưới vòm cầu, cốt để xem ông đánh với cha ta cho vui, ai ngờ ông lại đánh trúng chị ta. Hai người tỉ tỉ tê tê chưa xong, ta đâu có muốn nghe, đàm tình thuyết ái việc gì phải lôi cả ta vào?

Nói xong đủng đỉnh đi tới. A Châu nói:

- Hảo muội muội, từ nay trở đi, Tiêu đại ca lo cho em, em... em cũng lo cho anh ấy...

A Tử cười khanh khách nói:

- Cái tên man tử thô lỗ khó coi kia, ta chẳng thèm đâu.

A Châu đang nằm trong lòng Tiêu Phong bỗng run rẩy, đầu ngoẹo xuống, mái tóc xổ tung ra phủ lên vai ông rồi không còn động đậy gì nữa. Tiêu Phong vô cùng kinh hãi, kêu to:

- A Châu, A Châu!

Ông vội giơ tay bắt mạch thì không còn nhảy nữa rồi, trái tim ông tưởng chừng cũng đứng lại, vội giơ tay thăm mũi thấy nàng không còn thở nữa. Ông gào lên:

- A Châu, A Châu!

Thế nhưng cho dù có gọi đến nghìn lần vạn lần, A Châu không còn thể nào đáp lời được nữa. Tiêu Phong vội vàng đem chân lực trút vào người nàng nhưng A Châu vẫn không hề cử động. A Tử thấy A Châu tắt thở, hết sức kinh hãi, không còn dỡn hớt được nữa, hoảng hốt rú lên:

- Ngươi đánh chết chị ta rồi, ngươi... ngươi đánh chết chị ta rồi!

Tiêu Phong đáp:

- Đúng đó, chính ta đánh chết chị cô, cô báo thù cho chị cô đi. Mau mau, giết ta cho xong!

Ông bỏ A Châu xuống, ưỡn ngực ra gào lên:

- Ngươi mau giết ta đi!

Ông chỉ mong A Tử rút dao ra đâm vào ngực mình, mọi việc như thế là xong, giải thoát khỏi niềm đau vô cùng vô tận. A Tử thấy Tiêu Phong nghiến răng nghiến lợi trông thật man dã ghê rợn, không khỏi sợ hãi, lùi lại mấy bước kêu lên:

- Ngươi... ngươi chớ có giết ta.

Tiêu Phong cũng tiến lên theo, tay đưa lên ngực, nghe soẹt một tiếng đã xé rách áo banh ngực ra, để lộ da thịt nói:

- Ngươi có độc châm, độc thích, độc chùy... mau mau đâm chết ta đi.

Dưới ánh chớp, A Tử thấy trên ngực ông ta xâm hình đầu một con chó sói xanh lè, răng nhe ra, hình mạo hung ác, lại càng khiếp vía, đột nhiên kêu rú lên quay mình chạy thục mạng. Tiêu Phong đứng chết sững trên cầu, hết sức thương tâm, lại thêm vô cùng hối hận, giơ chưởng lên bình một tiếng đã đánh vào lan can cầu, đá vỡ bay tung tóe.

Ông đánh hết chưởng này đến chưởng khác, muốn khóc nhưng không sao khóc được, bỗng nghe lạch cạch, phiến đá lan can rơi tòm xuống sông. Một ánh chớp lại bùng lên, chiếu lên mặt A Châu, nỗi thâm tình quan thiết của nàng vẫn còn vương trên khóe miệng.

Tiêu Phong lại kêu rống lên:

- A Châu!

Ông ôm xác người tình lên chạy như bay vào trong đồng không mông quạnh. Sấm chớp vẫn đùng đùng, mưa như trút nước, lúc thì chạy lên trên triền núi, lúc lại chạy xuống vực sâu, chẳng biết mình đang ở nơi đâu, đầu óc hỗn loạn trống rỗng không còn biết gì nữa.

Sấm chớp thưa dần nhưng mưa vẫn không ngớt. Phương đông trời đã hửng đỏ, bầu trời cũng sáng dần. Tiêu Phong đã chạy như điên trong hai giờ liền nhưng không hề mỏi mệt, chỉ muốn hành hạ thân xác mình, lại mong chết phứt cho rồi để mãi mãi ở bên cạnh A Châu. Ông rú lên từng chập, cuồng bôn loạn tẩu, không hiểu sao lại quay trở về chiếc cầu đá xanh.

Ông lẩm bẩm:

- Ta đi kiếm Đoàn Chính Thuần, bảo Đoàn Chính Thuần giết ta đi báo thù cho con gái.

Nghĩ thế bèn rảo bước chạy về phía Tiểu Kính Hồ.

Chẳng bao lâu Tiêu Phong đã đến bên bờ hồ, kêu lớn:

- Đoàn Chính Thuần, ta giết chết con ngươi, ngươi ra giết ta đi, ta không đánh trả đâu, mau ra đây, ra giết ta đi!

Ông ôm ngang A Châu, đứng trước khu rừng trúc, đợi một hồi trong rừng vẫn lặng như tờ, không thấy một ai. Tiêu Phong tiến vào khu rừng, đi đến trước căn nhà tre, giơ chân đá bung cửa, đi vào phòng la to:

- Đoàn Chính Thuần, ngươi mau ra giết ta đi!

Trong nhà trống không chẳng thấy một ai. Ông đi lùng tìm khắp nhà ngang, nhà sau không thấy Đoàn Chính Thuần hay những người bộ thuộc, đến cả người chủ là Nguyễn Tinh Trúc và A Tử cũng không thấy đâu. Trong nhà dụng cụ trần thiết vẫn y nguyên, tưởng như mọi người lật đật bỏ đi không kịp mang theo gì cả.

Ông nghĩ thầm: "Đúng rồi, A Tử chạy về báo tin, nói là ta muốn giết cha cô ta báo thù. Đoàn Chính Thuần chắc không chịu bỏ đi nhưng Nguyễn Tinh Trúc và những bộ thuộc của y ép y phải cao bay xa chạy. Ha ha, ta đâu có muốn đến giết ngươi, mà muốn ngươi giết ta đấy chứ." Ông lại gọi to mấy tiếng:

- Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Thuần!

Thanh âm truyền ra xa nhưng chỉ thấy tiếng gió thổi vào cành trúc nghe xào xạc, tuyệt nhiên không có tiếng người. Chung quanh Tiểu Kính Hồ cũng như trong khu rừng không còn một ai, Tiêu Phong tưởng chừng trời đất này chỉ còn một mình ông. Từ lúc A Châu tắt thở đến giờ, ông chưa để nàng xuống, không biết bao lần dùng chân khí tống vào trong người nàng, chỉ mong biết đâu trời thương, cũng may như hôm trước nàng bị Huyền Từ phương trượng đánh trúng, chỉ bị thương nặng mà không chết. Thế nhưng lần trước Đại Kim Cương Chưởng của Huyền Từ đánh vào chiếc gương đồng trong tay Tiêu Phong, A Châu chẳng qua chỉ bị chấn động, còn lần này chưởng của Tiêu Phong đánh thẳng vào giữa ngực, làm sao còn sống cho nổi? Dù cho ông đưa bao nhiêu nội lực truyền vào, A Châu vẫn không thể nào động đậy.

Ông ôm A Châu, ngơ ngơ ngẩn ngẩn ngồi trước nhà, từ sáng sớm đến tới tận trưa, rồi từ trưa ngồi cho tới tối. Lúc này sau cơn mưa trời trong vắt, ánh tà dương nhàn nhạt chiếu lên người Tiêu Phong và A Châu.

Khi ở Tụ Hiền Trang ông bị quần hùng vây đánh, mặc dù mọi người phản ông, tình thế hết sức nguy ngập, nhưng không chút nào nao núng, bây giờ chính mình lỡ tay làm nên một chuyện không thể nào sửa chữa được, càng thấy cô đơn, thật không còn muốn sống trên đời nữa. "A Châu chết thay cho cha nàng rồi, ta không thể nào đi kiếm y báo thù được nữa. Ta còn gì nữa để làm đây? Đại nghiệp của Cái Bang, hùng tâm tráng chí năm nào ta cũng chẳng còn phải nghĩ đến. Ta là người Khất Đan, có hùng tâm đại nghiệp gì đâu?"

Ông đi ra nhà sau, thấy góc tường có để một cái cuốc, trồng hoa nghĩ thầm: "Thôi ta ở đây mãi mãi với A Châu chăng?" Tay trái ôm A Châu, không muốn rời nàng chút nào, tay phải cầm chiếc cuốc đi ra ngoài rừng trúc, đào một cái hố rồi, đào thêm cái nữa, hai đống đất vun lại thành một, nghĩ bụng: "Cha mẹ nàng quay lại thể nào cũng đào lên xem thế nào. Ta phải làm mộ bia mới được." Ông chặt một khúc tre, chẻ ra làm hai, xuống nhà bếp lấy dao đẽo cho thẳng đem qua bên sương phòng phía tây. Tiêu Phong thấy trên bàn có để bút nghiên giấy mực, bèn để A Châu nằm ngang trên gối, chấm mực cầm bút lên tại một thanh tre viết: "Khất Đan mãng phu Tiêu Phong chi mộ."

Ông lại cầm thanh tre kia lên, trầm ngâm tự hỏi: "Mình phải viết gì đây? Tiêu môn Đoàn phu nhân chi mộ ư? Tuy nàng với ta có ước định phu thê nhưng chưa thành hôn, đến chết vẫn còn là một cô nương băng thanh ngọc khiết, gọi nàng là phu nhân không khỏi khinh mạn hay sao?"

Trong bụng không sao quyết định được, ngửng đầu suy nghĩ một hồi, mắt nhìn vào mấy hàng chữ tại một bức bút thiếp trên tường, thuận mắt đọc xuống:

Hàm tu ỷ túy bất thành ca, tiêm thủ yểm hương la.

Ôi hoa ánh chúc, thâu truyền thâm ý, tửu tứ nhập hoành ba.

Khán chu thành bích tâm mê loạn, phiên mạch mạch, liễm song nga.

Tương kiến thời hi cách biệt đa.

Hựu xuân tận, nại sầu hà?

Tay thon che mặt, lụa thơm hơi.

Chếnh choáng đê mê, luống cạn lời.

Miên man tựa ngọc, đèn thêm rạng,

Dặt dìu chén cạn, sóng đùa khơi.

Say men ngơ ngẩn, xanh thành đỏ,

Đắm sắc chau mày, biếng lả lơi.

Gặp nhau một chốc, xa đằng đẵng,

Chớ để xuân tàn, hãy tận vui.

Ông không được học nhiều, chữ nghĩa chẳng bao nhiêu nhưng bài từ này không mấy khó nên cũng hiểu được đây là một bài thơ tả tình yêu trai gái, đại khái nói chuyện uống rượu xướng ca, gặp nhau chẳng bao nhiêu mà xa nhau thì thật nhiều nên trong lòng buồn bã. Ông bâng khuâng nhìn bức thiếp, cũng chẳng có lòng dạ nào nghĩ bài từ nói cái gì, chỉ thuận miệng đọc hết thấy bên dưới viết hai hàng chữ:

"Thư thiếu niên du phó Trúc muội bổ bích. Tinh mâu trúc yêu tương bạn, bất tri thiên địa tuế nguyệt dã. Đại Lý Đoàn nhị túy hậu cuồng đồ."

(Đến chơi nhà Trúc muội viết để cho tường đỡ trống. Có người mắt sáng lưng eo làm bạn nên không còn biết gì đến trời đất tháng ngày. Đoàn nhị nước Đại Lý viết bừa sau cơn say.)

Tiêu Phong lẩm bẩm:

- Y quả là khoái hoạt. "Có người mắt sáng lưng eo làm bạn nên không còn biết gì đến trời đất tháng ngày. Đoàn nhị nước Đại Lý viết bừa sau cơn say." Đoàn nhị nước Đại Lý, ồ, thì ra đây là của Đoàn Chính Thuần viết tặng tình nhân Nguyễn Tinh Trúc. Chuyện gió trăng của cha mẹ A Châu, sao dám ngang nhiên treo ở đây, không biết xấu hay sao? À, đúng rồi, căn phòng này thuộc hạ Đoàn Chính Thuần không được vào.

Ông không để ý đến bức thiếp đó nữa, nghĩ thầm: "Mộ bia của A Châu ta viết gì đây?" Ông tự biết tài nghệ chữ nghĩa của mình quá ư nông cạn, càng nghĩ càng tắc tị nên đành viết bốn chữ "A Châu chi mộ." Tiêu Phong bỏ bút xuống, đứng lên, định đem trúc bài cắm trước mộ, chôn cất cho A Châu xong xuôi rồi sẽ tự sát.

Ông quay lại ôm xác A Châu, mắt lại liếc lên bức viết trên tường một lần nữa, đột nhiên nhảy dựng lên kêu "ối chao" lớn tiếng nói:

- Không đúng! Không đúng! Chuyện này xem ra không đúng!

Ông bước tới gần hơn, xem lại mấy hàng chữ trên bức thiếp, thấy nét bút tròn trịa đầy đặn, tuấn nhã tiêu sái. Ông tưởng như có tiếng từ đâu oang oang vọng tới:

- Phong thư kia, phong thư "đàn anh đứng đầu" viết gửi Uông bang chủ chữ viết đâu có giống thế này, hoàn toàn không giống.

Ông chỉ võ vẽ biết dăm chữ, đúng ra không thể biện nhận bút tích, thế nhưng bức thiếp này nét chữ rắn rỏi vuông vắn, cách quãng đều đặn, còn bức thư kia chữ xéo xéo xiên xiên, nét chữ gầy guộc, chỉ thoáng qua cũng biết ngay là do con nhà võ trên giang hồ chấp bút.

Hai bên sai biệt quá xa, ai cũng phải nhìn ra được. Ông trợn tròn đôi mắt, chăm chăm dán vào bức thiếp tưởng như muốn tìm trong những hàng chữ kia cái đại bí mật, đại âm mưu ở đằng sau. Đầu óc ông quay cuồng, trước mắt chỉ thấy lá thư trong rừng hạnh ngoài thành Vô Tích đêm hôm đó, phong thư mà "đàn anh đứng đầu" đã viết cho Uông bang chủ.

Lá thư đó Trí Quang đại sư đã xé khúc đuôi, nơi có thự danh nuốt mất rồi khiến không còn làm sao biết được ai là người viết, thế nhưng nét chữ trên tờ thư, đã in sâu vào đầu óc ông thật rõ ràng. Người viết lá thư đó, với kẻ xưng là "Đại Lý Đoàn nhị" trên bức thiếp này không thể cùng là một người, điều đó thật chắc chắn không còn ngờ gì nữa.

Hay là phong thư đó "đàn anh đứng đầu" nhờ ai viết giùm? Ông chỉ suy nghĩ một chút thấy không hợp lý. Thư pháp Đoàn Chính Thuần đẹp như thế này thể nào chẳng tự mình viết thư, bàn luận chuyện lớn như vậy gửi cho Uông bang chủ lẽ nào lại nhờ người viết thay? Còn viết một bài từ phong lưu lãng mạn cho tình nhân cũng không thể nào bảo ai làm giùm cho được.

Ông càng nghĩ càng nghi nan, luôn luôn tự hỏi: "Hay là đàn anh đứng đầu không phải Đoàn Chính Thuần? Hoặc giả bức thiếp này không phải Đoàn Chính Thuần viết? Không thể được! Không thể được! Nếu chẳng phải Đoàn Chính Thuần thì còn ai là Đại Lý Đoàn nhị viết một bài từ đầy vẻ gió trăng treo ở đây? Không lẽ Mã phu nhân nói láo? Sao lại thế được, bà ta có quen biết gì với Đoàn Chính Thuần đâu, người nơi trời bắc, kẻ ở cõi nam, một kẻ là sương phụ của thảo mãng thất phu, một người là vương công quí tộc, làm gì có thù oán mà cố ý nói điều giả dối đánh lừa mình."

Từ lúc ông biết được "đàn anh đứng đầu" là Đoàn Chính Thuần rồi, bao nhiêu nỗi nghi vấn đều hết sạch, ngày đêm chỉ nghĩ đến chuyện báo thù, bây giờ nhìn thấy bức thiếp này, bao nhiêu ngờ vực lại cuồn cuộn nổi lên: "Nếu phong thư kia không phải Đoàn Chính Thuần viết thì đàn anh đứng đầu không phải là y. Nếu không phải là y, vậy thì là ai? Vì cớ gì Mã phu nhân lại nói láo đánh lừa mình, bên trong còn có âm mưu ngụy kế gì nữa? Ta đánh chết A Châu, vốn là ngộ sát, A Châu chịu chết vì ta cũng là cam tâm tình nguyện. Như thế, nỗi oan của nàng không được giãi bày, nay lại thêm một tầng oan nghiệt nữa. Tại sao ta không nhìn thấy bức thiếp này từ trước? Chỉ vì bức thiếp này treo trong sương phòng, làm sao ta thấy được? Nếu như ta không bao giờ thấy, chết theo A Châu thì thế là xong, vì sao không sớm, không muộn ngay trước khi chết lại trông thấy?"

Ánh tịch dương khuất sau dãy núi, những tia nắng cuối cùng từ từ rời khỏi bàn chân ông, bỗng nghe thấy nơi có hai người từ bờ hồ Tiểu Kính đi về khu rừng trúc. Hai người đó còn rất xa, ông ngưng thần nghe ngóng, nhận ra đó là hai người đàn bà, nghĩ thầm: "Chắc hẳn là A Tử và mẹ cô ta đến đây. Ôi, ta phải hỏi Đoàn phu nhân cho rõ ràng, bức thiếp này có phải Đoàn Chính Thuần viết không? Bà ta thể nào cũng hận ta làm chết A Châu, muốn giết ta, ta... ta..." Ông vốn có ý định sẽ không chống trả nhưng lại nghĩ ngay: "Nếu quả A Châu chết oan, kẻ giết cha ta, mẹ ta là người khác thì tên đại ác này lại nợ thêm một món huyết cừu, thêm một mạng người nữa. A Châu chẳng phải là y giết chết thì còn ai? Ta không báo thù này lẽ nào lại đành chịu chết?"

Chỉ thấy hai người đàn bà kia đi thẳng vào khu rừng trúc càng lúc càng gần. Thêm một lúc nữa, tiếng nói chuyện cũng đã nghe thấy, một người nói:

- Phải cẩn thận, con tiện nhân này võ công tuy không cao nhưng lắm mưu nhiều kế.

Lại tiếng đàn bà còn trẻ nói:

- Mụ ta chỉ có một mình, mẹ con mình thể nào cũng thanh toán cho xong.

Người đàn bà lớn tuổi hơn nói:

- Đừng nói nữa, vừa gặp nó là hạ sát thủ ngay, không chần chờ gì cả.

Cô gái đáp:

- Thế lỡ cha con biết được...

Người đàn bà lớn tuổi hừ một tiếng:

- Ngươi còn nghĩ đến cha ngươi sao?

Tiếp đó không nghe thấy tiếng nói chuyện nữa chỉ nghe hai người rón rén đi vào, một người đi về hướng cửa chính, còn một người thì lẻn ra sau nhà hẳn là định tiền hậu giáp công.

Tiêu Phong hơi ngạc nhiên nghĩ thầm: "Nghe giọng thì hai người này không phải Nguyễn Tinh Trúc và A Tử nhưng cũng là hai mẹ con đến đây giết người đàn bà ở một mình, ồ, chắc là định giết Nguyễn Tinh Trúc nhưng cha cô gái lại không tán thành việc này." Ý tưởng đó chạy vụt qua đầu ông nhưng chẳng để ý tới nữa lại đứng ngơ ngẩn xuất thần.

Một lát sau, nghe kẹt một tiếng, ai đó đã đẩy cửa tiến vào. Tiêu Phong không thèm ngẩng lên, thấy một đôi bàn chân nhỏ nhắn, đi giày đen đến trước mặt ông, còn cách độ bốn thước thì ngừng lại. Kế đó cửa sổ bên hông mở ra, một người khác nhảy vào, đứng bên cạnh ông, nghe tiếng cũng biết là võ công không cao cường gì.

Tiêu Phong vẫn không nhúc nhích, hai tay ôm A Châu, cúi đầu suy nghĩ: "Thế thì đàn anh đứng đầu có phải là Đoàn Chính Thuần không? Trong ngôn ngữ của Trí Quang đại sư có điểm gì quái lạ? Từ trưởng lão có ngụy kế gì chăng? Lời của Mã phu nhân có điểm gì sơ hở?" Trong đầu ông những mối suy tư dâng trào như sóng biển, tâm thần loạn chuyển, rối như tơ vò.

Chỉ nghe người đàn bà trẻ hơn nói:

- Ồ, mi là ai? Con tiện nhân họ Nguyễn đâu rồi?

Giọng nói đã lạnh lẽo, giọng điệu lại vô lễ cùng cực. Tiêu Phong chẳng thèm để ý, tiếp tục suy nghĩ về những điều hồ nghi. Người đàn bà lớn tuổi hơn hỏi:

- Tôn giá và con tiện tì họ Nguyễn kia liên hệ thế nào? Người con gái này là ai? Mau nói cho ta nghe.

Tiêu Phong vẫn không ngẩng lên, người đàn bà nhỏ tuổi liền sẵng giọng:

- Ngươi điếc hay câm hả? Sao không trả lời?

Giọng nói cô ta đầy vẻ tức tối. Tiêu Phong vẫn mặc kệ, vẫn ngồi sừng sững như tượng đá. Cô gái nhỏ tuổi dậm chân, trường kiếm trong tay rung một cái, mũi kiếm phát tiếng u u, đâm xéo vào huyệt Thái Dương của Tiêu Phong, chỉ còn cách vài tấc, quát lên:

- Ngươi còn giả điếc, để ta cho ngươi nếm mùi cho biết.

Tiêu Phong không quan tâm gì đến nguy hiểm xảy ra bên ngoài, vẫn tiếp tục suy nghĩ về những vấn đề chưa có câu trả lời kia. Cô gái vung tay đâm trường kiếm ra sát vào cổ ông chỉ cách độ một tấc. Tiêu Phong nghe được đường đi của bạch kiếm, vẫn làm như không biết không tránh né. Hai người đàn bà cực kỳ kinh ngạc, người trẻ hơn lại nói:

- Mẹ ơi, không lẽ người này bị khùng? Cô gái y ôm trên tay dường như chết rồi.

Người đàn bà đáp:

- Chắc y giả vờ ngây ngô đó. Ở trong nhà con tiện nhân này có cái gì tốt lành đâu. Chém cho y một dao đã rồi tra khảo sau.

Bà ta chưa dứt lời, đao trong tay đã nhắm ngay đầu vai Tiêu Phong chém xuống. Tiêu Phong đợi cho lưỡi đao còn cách mình chừng nửa thước, tay phải phóng vụt tới hai ngón tay kẹp luôn vào sống đao, thanh đao liền bị giữ ngay lại không chém xuống được nữa. Ngón tay ông búng ra, cán đao liền đập ngay vào yếu huyệt trên vai người đàn bà, lập tức bà ta không còn cử động gì được nữa, lại thuận tay rung một cái, nội lực truyền vào cắc một tiếng, thanh cương đao đã gãy ra làm hai. Ông tiện tay vứt luôn xuống đất, trước sau vẫn không ngẩng lên xem bà ta là ai.

Cô gái thấy mẹ bị chế ngự, kinh hoảng nhảy ngược về sau, vụt vụt liên tiếp, bảy mũi đoản tiễn liên châu bắn vào Tiêu Phong. Tiêu Phong cầm thanh đao gãy gạt cả ra, tay lại vung lên, mảnh đao gãy phóng tới nghe bịch một tiếng, cán đao đập vào hông cô ta. Cô gái kia kêu lên một tiếng, huyệt đạo đã bị trúng rồi, người cũng lại đứng sừng sững như trời trồng.

Người đàn bà kinh hoảng hỏi:

- Con có sao không?

Cô gái đáp:

- Hông con đau lắm nhưng không bị thương. Mẹ ơi, con bị điểm huyệt Kinh Môn.

Người đàn bà đáp:

- Còn ta thì bị điểm huyệt Trung Phủ. Người... người này võ công cao cường quá.

Cô gái nói:

- Mẹ, người này là ai thế? Sao y không đứng lên mà đã chế ngự được mẹ con mình, xem chừng y có tà thuật.

Người đàn bà không dám nổi nóng nữa, đổi giọng dịu dàng quay sang nói với Tiêu Phong:

- Mẹ con chúng tôi và tôn giá không thù không oán, vừa rồi ra tay ngang ngược, đắc tội với ngài, quả thật chúng tôi có lỗi. Mong ngài khoan hồng đại lượng, giơ cao đánh sẽ cho.

Cô gái lập tức rối rít:

- Không, không đâu! Mình thua thì chịu thua, việc gì phải van xin ai? Ngươi có giỏi thì một đao giết cô nương đi, ta chẳng cần đâu.

Tiêu Phong loáng thoáng nghe hai mẹ con nói, biết được người mẹ xin tha, còn cô con gái thật là ngang tàng nhưng nói những gì thì ông không để vào tai. Lúc này trong nhà đã tối, một hồi nữa thì bóng đêm đã hoàn toàn bao phủ. Tiêu Phong trước sau vẫn bồng A Châu ngồi tại đó không cử động. Bình thời đầu óc ông cực kỳ linh hoạt, mỗi khi gặp chuện nghi nan, quyết đoán hết sức nhanh nhẹn nếu như việc không rõ ràng lập tức gác qua một bên, tạm thời không nghĩ tới chứ không do dự trì nghi. Thế nhưng hôm nay lỡ tay đánh chết A Châu, trong lòng đau xót, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, hoang mang rối loạn không còn hồn vía, chẳng khác gì người mất trí.

Người đàn bà nói nhỏ:

- Con thử vận khí tới huyệt Hoàn Khiêu xem sao, không chừng có thể đả thông kinh mạch giải được huyệt đạo bị đóng đó.

Cô gái đáp:

- Con đã làm rồi, chẳng thấy ăn thua...

Người đàn bà đột nhiên nói:

- Này, có người đến đó.

Chỉ nghe thấy tiếng chân loạt soạt, ai đó đã đẩy cửa vào, cũng lại là một người đàn bà nữa. Người kia dùng hỏa đao, hỏa thạch đánh mấy tiếng, châm vào bùi nhùi đốt chiếc đèn dầu lên, quay lại đột nhiên thấy Tiêu Phong, A Châu và hai người đàn bà kia, không khỏi kinh ngạc "a" lên một tiếng chân tay bủn rủn, đồ đánh lửa rơi xuống nghe loảng xoảng. Người đàn bà tới trước cũng hốt hoảng kêu lên:

- Nguyễn Tinh Trúc, thì ra là ngươi!

Người vừa mới vào chính là Nguyễn Tinh Trúc. Bà ta quay đầu lại thấy đó là một thiếu phụ trung niên, bên cạnh lại có một thiếu nữ mặc toàn đồ đen, cả hai đều khá đẹp, cô gái lại càng xinh xắn nhưng chưa từng gặp bao giờ. Nguyễn Tinh Trúc nói:

- Đúng đó, ta họ Nguyễn, hai vị là ai?

Người đàn bà trung niên không trả lời, mặt hầm hầm đầy vẻ tức tối. Nguyễn Tinh Trúc quay lại nói với Tiêu Phong:

- Kiều bang chủ, ông đánh chết con gái tôi rồi, lại còn tới đây làm chi? Tội nghiệp... tội nghiệp cho con ta!

Tới đây bà ta khóc òa lên, xông đến bên cạnh xác A Châu. Tiêu Phong vẫn ngồi ngẩn ngơ nơi đó, một lúc lâu sau mới nói:

- Đoàn phu nhân, ta tội nghiệt thâm trọng, xin bà lấy dao ra giết ta đi.

Nguyễn Tinh Trúc nói:

- Ta có đâm chết ông cũng đâu có cứu đứa con khốn khổ của ta sống lại được. Kiều bang chủ, ông bảo ta và cha của A Châu đã làm một chuyện sai lầm rất đáng hổ thẹn, khiến cho đứa trẻ phải một đời lênh đênh, đến cha mẹ ruột là ai cũng không biết. Ông nói thế cũng đúng, có điều... để cho hả nỗi tức, có giết thì giết Đoàn vương gia, không thì giết tôi cũng được chứ lẽ nào lại giết A Châu?

Giờ phút này đầu óc Tiêu Phong thật là chậm chạp, phải mất một lúc mới thấy bàng hoàng, hỏi lại:

- Chuyện gì mà lại sai lầm rất đáng hổ thẹn?

Nguyễn Tinh Trúc khóc đáp:

- Ông biết hai năm rõ mười rồi còn hỏi ta làm chi? A Châu... A Châu và A Tử đều là con tôi, tôi không dám về nhà, nên phải đem cho người ta.

Tiêu Phong run rẩy nói:

- Hôm qua ta hỏi Đoàn Chính Thuần, có phải đã làm một chuyện sai lầm đáng hổ thẹn, chính ông ta đã nhận như thế. Chuyện xấu hổ đó chỉ là việc đem A Châu... và A Tử cho người khác ư?

Nguyễn Tinh Trúc hầm hầm đáp:

- Chuyện đau lòng như thế ông thấy còn chưa đủ hay sao? Ông nghĩ ta là thứ đàn bà hư đốn đến mực nào mà chỉ chuyên làm chuyện xấu xa?

Tiêu Phong nói:

- Đoàn Chính Thuần hôm qua còn nói là "may trời còn thương, hôm nay cho ta gặp lại được... được đứa trẻ năm xưa không cha không mẹ." Y nói hôm nay may được gặp lại đứa trẻ không cha mẹ là nói về A Tử, không phải nói... không phải nói về ta hay sao?

Nguyễn Tinh Trúc giận dữ đáp:

- Anh ấy nói về ngươi làm gì? Ngươi đâu có phải là đứa trẻ anh ấy bỏ rơi cho người ta nuôi đâu? Ngươi... ngươi nói năng láo lếu gì thế? Ta đâu có sinh ra cái loại súc sinh như ngươi?

Bà ta hận Tiêu Phong cực độ, nhưng lại sợ võ công ông ta ghê gớm nên không dám ra tay chỉ chửi cho sướng miệng. Tiêu Phong nói:

- Thế ta hỏi hỏi y tại sao đến giờ phút này vẫn điều một điều hai tiếp tục làm chuyện ác y lại thừa nhận đức hạnh khiếm khuyết, làm điều không ngay thẳng?

Khuôn mặt đầy nước mắt của Nguyễn Tinh Trúc bỗng dưng ửng đỏ nói:

- Anh ta sinh tính phong lưu, trước nay vẫn thế. Anh ấy yêu một người rồi yêu hai người, rồi ba, rồi bốn người, hết người này đến người khác, thì... thì việc gì đến ngươi mà ngươi phải rỗi hơi xen vào?

Tiêu Phong lẩm bẩm:

- Sai rồi! Sai rồi! Sai bét rồi!

Ông lặng người đi một hồi, đột nhiên giơ tay ra, bốp bốp bốp bốp, đánh mình thật mạnh bốn cái tát. Nguyễn Tinh Trúc hoảng hồn, nhảy bật lên, lùi lại hai bước, thấy Tiêu Phong vẫn hết sức tự đánh vào mình, chưởng nào chưởng nấy cực mạnh mẽ, chỉ giây lát mặt mày đã sưng vù.

Lại nghe một tiếng "ồ" nữa, thêm một người đã bước vào kêu lên:

- Mẹ đã lấy được bức thiếp...

Chính là A Tử. Nàng chưa nói dứt câu, bỗng thấy trong nhà có người, lại thấy Tiêu Phong tay trái ôm xác A Châu, tay phải liên tiếp đánh vào mình, không khỏi kinh ngạc đến sững sờ.

Mặt Tiêu Phong sưng lên rồi vỡ ra, lập tức mặt mày tay chân đầy những máu là máu, văng tung tóe, vãi cả lên tường, lên bàn, lên ghế... chỗ nào cũng lấm tấm đỏ tươi, cả thân thể A Châu lẫn bức thiếp trên vách, cũng đầy những điểm hồng.

Nguyễn Tinh Trúc không nỡ nhìn khung cảnh ghê rợn đó, hay tay bưng mặt nhưng tai vẫn nghe những tiếng bốp bốp ròn tan, nhịn không nổi kêu lên:

- Đừng đánh nữa, đừng đánh nữa!

A Tử kêu ré lên:

- Chao ôi! Ngươi làm hỏng chữ cha ta viết rồi, ta bắt đền đó!

Cô ta nhảy lên bàn gỡ bức thiếp treo trên tường xuống. Thì ra hai mẹ con cô ta quay trở lại chỉ cốt để đem bức bút thiếp đi. Tiêu Phong ngạc nhiên, ngừng tay không đánh tiếp, hỏi lại:

- Thế thì "Đại Lý Đoàn nhị" quả thực là Đoàn Chính Thuần đấy sao?

Nguyễn Tinh Trúc nói:

- Ngoài anh ta ra thì còn ai vào đây nữa?

Bà ta nhắc đến Đoàn Chính Thuần, khuôn mặt lộ vẻ thâm tình lại thêm vài phần hãnh diện. Mấy câu đó đã giải hết những nghi vấn trong đầu Tiêu Phong, bức thiếp này quả đúng là do tay Đoàn Chính Thuần viết, phong thư gửi Uông bang chủ kia không phải là y, "đàn anh đứng đầu" hiển nhiên không phải Đoàn Chính Thuần.

Trong đầu ông liền nổi lên một ý niệm: "Mã phu nhân đổ tiếng oan cho Đoàn Chính Thuần, bên trong hẳn có ẩn tình thật ghê gớm. Nếu ta cởi được mối thắt này thì sẽ cạn ao bèo đến đất, mọi việc lộ ra ngay." Ông nghĩ như thế lập tức không còn ý định tự tận, mới đây tự hành hạ mình, tuy máu me đầy mặt nhưng hối hận bi thương trong lòng cũng có chỗ phát tiết, bèn ôm xác A Châu đứng lên.

A Tử lại thấy hai mảnh trúc bài ông viết để trên bàn, cười nói:

- Thảo nào bên ngoài có hai cái hố, ta đang ngạc nhiên không hiểu vì sao, thì ra ngươi định đồng tử hợp táng với chị ta, chậc chậc, quả thực đa tình quá lắm!

Tiêu Phong nói:

- Ta trúng phải độc kế của gian nhân làm chết A Châu, bây giờ muốn đi tìm kẻ gian đó để báo thù cho A Châu đã, sau đó sẽ theo nàng xuống suối vàng.

A Tử hỏi:

- Kẻ gian đó là ai thế?

Tiêu Phong nói:

- Giờ phút này ta chưa có manh mối chi cả, còn phải đi tìm.

Nói xong ôm A Châu, mạnh dạn đi ra. A Tử cười nói:

- Thế ngươi ôm xác chị ta đi tìm kẻ gian ư?

Tiêu Phong ngơ ngẩn, chưa biết tính sao, nghĩ đến chuyện ôm xác A Châu đi hàng nghìn dặm, đường xa diệu vợi, quả có điều không ổn, nhưng thực không nỡ lòng nào mà rời xa nàng. Ông bần thần nhìn mặt A Châu, nước mắt pha lẫn máu mê trên mặt nhỏ xuống, thành những giọt nước hồng, rơi trên khuôn mặt trắng bệch của A Châu, quả đúng là huyết lệ đầm đìa.

Nguyễn Tinh Trúc thấy tình trạng thương tâm của ông, bao nhiêu lòng thù ghét đều tiêu giải, nói:

- Kiều bang chủ, việc đã lỡ rồi, không còn cách gì cứu chữa được, ông... ông...

Bà ta vốn dĩ định khuyên Tiêu Phong bớt bi thương, nhưng chính mình cũng nhịn không nổi khóc òa lên, nức nở:

- Cũng tại ta mà ra, cũng tại ta chẳng ra gì... con ta ngoan ngoãn thế sao lại đem cho người khác?

Thiếu nữ bị Tiêu Phong điểm huyệt đứng kia bỗng xen vào:

- Đương nhiên là tại bà không ra gì! Vợ chồng người ta đang vui vầy, sao bà lại đến phá hại gia cang, chia uyên rẽ thúy?

Nguyễn Tinh Trúc ngẩng đầu lên, hỏi thiếu nữ kia:

- Sao cô nương lại nói thế? Cô là ai?

Thiếu nữ đáp:

- Bà là hồ ly tinh, làm mẹ tôi khốn khổ, làm cả tôi... làm cả tôi...

A Tử vung tay toan xông tới tát vào mặt cô gái, cô gái kia không cử động được, trước mắt thấy không thể nào tránh né. Nguyễn Tinh Trúc giơ tay lên gạt tay con ra nói:

- A Tử, không được làm càn.

Bà ta quay sang nhìn người đàn bà trung niên dò hỏi, lại nhìn cương đao trong tay bà ta, dưới đất một thanh đao gãy, lập tức hiểu ra nói:

- Phải rồi, bà sử dụng song đao, bà... bà... là Tu La Đao Tần... Tần Hồng Miên... Tần tỉ tỉ.

Người đàn bà đó chính là một trong những tình nhân của Đoàn Chính Thuần Tu La Đao Tần Hồng Miên, còn cô gái áo đen kia là con gái bà ta Mộc Uyển Thanh. Tần Hồng Miên không trách Đoàn Chính Thuần bẻ lá vin cành, đến đâu cũng ong kia bướm nọ, lại thù ghét những đàn bà khác hồ mị yêu dâm, chiếm đoạt tình lang của bà ta, thành thử khi được sư muội Cam Bảo Bảo cho hay tin rồi, liền cùng con gái Mộc Uyển Thanh đi hành thích vợ Đoàn Chính Thuần là Đao Bạch Phượng và một người tình nhân khác, kết quả chẳng thành công. Đến lúc nghe Đoàn Chính Thuần còn một người yêu khác là Nguyễn Tinh Trúc, ẩn cư nơi Phương Trúc Lâm bên cạnh Tiểu Kính Hồ nên lại cùng con gái đến tìm để giết.

Tần Hồng Miên thấy Nguyễn Tinh Trúc nhận ra mình, quát lên:

- Đúng đó, ta là Tần Hồng Miên, ai cho con tiện nhân kia gọi ta là tỉ tỉ?

Nguyễn Tinh Trúc chưa đoán ra Tần Hồng Miên đến đây có chuyện gì, lại sợ kẻ tình địch này gặp lại Đoàn Chính Thuần rồi "bén duyên tình cũ" nên cười nói:

- Phải rồi, ta nói sai, ngươi so với ta còn ít tuổi hơn nhiều, mặt mày xinh đẹp như thế, thảo nào Đoàn lang mê mẩn. Ngươi là muội tử của ta, không phải tỉ tỉ. Tần gia muội tử, Đoàn lang ngày nào cũng nhớ nhung ngươi, ghi lòng tạc dạ, ta thật thèm cái phúc phận của muội tử.

Tần Hồng Miên nghe thấy Nguyễn Tinh Trúc khen mình tuổi trẻ, xinh xắn, trong bụng lửa giận cũng đã bớt được ba phần, đến khi nghe Đoàn Chính Thuần ngày ngày thương nhớ mình, nộ khí lại giảm thêm ba thành nữa, bèn nói:

- Ai thèm nghe ngươi nói ngọt nói nhạt cốt để cho ta mát lòng mát dạ.

Nguyễn Tinh Trúc nói:

- Vị cô nương này, có phải là lệnh ái thiên kim chăng? Chậc chậc chậc, sao mà đẹp thế, không lẽ Tần gia muội tử sinh được...

Tiêu Phong thấy hai người đàn bà lải nhải chuyện phong lưu hoa nguyệt, không muốn nghe thêm, ông vốn là người cưa đứt đục suốt, chuyện đau lòng, nát ruột đã qua, lập tức nghĩ ngay đến việc làm sao giải quyết được chuyện lớn.

Ông ôm thi thể A Châu lên đi đến cái huyệt đã đào sẵn bỏ xuống, hai bàn tay to lớn liền cào đất, từ từ rắc lên mình nàng, chỉ chừa mặt không đổ xuống. Hai mắt ông chăm chăm nhìn xác A Châu, chỉ còn vài nắm đất nữa là từ nay không bao giờ còn thấy nàng được nữa. Tai ông mơ mơ hồ hồ còn nghe nàng ước định ra ngoài biên tái cưỡi ngựa săn thú, thả cừu chăn bò làm bạn với mình. Chưa đầy một ngày trước hai người còn nói với nhau, khi thì thâm tình, khi thì cười cợt, lúc chuyện đứng đắn, lúc chuyện lăng nhăng nhưng từ nay sẽ không bao giờ còn được nghe nữa. Giấc mơ cùng nhau chăn bò, thả cừu ở ngoài quan ngoại nay trở thành một trường huyễn mộng.

Tiêu Phong quì bên cạnh huyệt một hồi lâu, không nỡ lòng nào đổ đất xuống mặt A Châu. Đột nhiên ông đứng bật dậy hú lên một tiếng dài, không nhìn A Châu nữa hai tay cùng đẩy, bao nhiêu đất ở bên cạnh huyệt phủ xuống lấp lên rồi quay phắt lại đi vào sương phòng.

Đã thấy Nguyễn Tinh Trúc và Tần Hồng Miên hai người chị chị em em nói năng ríu rít. Nguyễn Tinh Trúc tuy vừa mới phải cảnh đau lòng nhưng miệng vẫn trơn như mỡ bốc Tần Hồng Miên khiến bà ta hết sức vui lòng, bao nhiêu thù hằn đều tiêu giải. Nguyễn Tinh Trúc nói:

- Kiều bang chủ, vị muội muội này đắc tội, chẳng qua chỉ là vô tâm, xin ông giải huyệt cho hai người.

Nguyễn Tinh Trúc là mẹ A Châu, lời bà ta nói Tiêu Phong cũng đã có mấy phần chiều theo, huống chi ông vốn đã có ý tha cho họ rồi nên lập tức đến gần, giơ tay vỗ lên vai Tần Hồng Miên và Mộc Uyển Thanh một cái. Hai người chỉ thấy một luồng nhiệt khí từ đầu vai chạy thẳng xuống huyệt đạo, tứ chi lập tức cử động bình thường. Hai mẹ con đưa mắt nhìn nhau, thấy công lực Tiêu Phong thâm hậu dường ấy, trong lòng không khỏi bội phục.

Tiêu Phong quay sang A Tử nói:

- A Tử muội tử, bức thiếp của cha cô cho ta coi một chút được không?

A Tử đáp:

- Tôi không thích ông gọi tôi là muội tử nọ, muội tử kia.

Miệng thì nói thế nhưng không dám cưỡng lại, vội vàng đưa cuộn thiếp cho ông ta. Tiêu Phong mở ra, xem kỹ những chữ Đoàn Chính Thuần viết mấy lượt. Nguyễn Tinh Trúc mặt đỏ bừng, sượng sùng nói:

- Cái bức thiếp này có gì đâu mà coi kỹ thế?

Tiêu Phong hỏi lại:

- Đoàn vương gia bây giờ đang ở đâu?

Nguyễn Tinh Trúc mặt liền biến sắc, lùi lại hai bước, ấp úng nói:

- Đừng... đừng... ngươi đừng đi kiếm anh ấy nữa.

Tiêu Phong nói:

- Tôi không kiếm ông ta để gây chuyện mà chỉ muốn hỏi vài chuyện thôi.

Nguyễn Tinh Trúc nào dám tin, nói:

- Ngươi đã lỡ tay đánh chết A Châu rồi, đừng đi kiếm anh ấy làm gì nữa.

Tiêu Phong liệu rằng bà ta chẳng thể nào nói ra đâu, cũng không hỏi thêm, cuộn bức thiếp lại trao trả A Tử nói:

- A Châu đã có di ngôn nhờ ta trông nom cho em nàng. Đoàn phu nhân, nếu sau này A Tử gặp chuyện khó khăn, nếu như Tiêu Phong có thể làm được thì cứ nói cho biết nhất quyết không chối từ.

Nguyễn Tinh Trúc mừng quá, nghĩ bụng: "A Tử có được một người đại bản lãnh như thế làm chỗ dựa, một đời ắt phùng hung hóa cát, ngộ nạn thành tường." Bà ta liền đáp:

- Thế thì xin đa tạ. A Tử, mau mau tạ ơn Kiều đại ca đi.

Bà ta đổi ngay "Kiều bang chủ" thành "Kiều đại ca" để cho A Tử và ông ta thêm phần gần gũi. Thế nhưng A Tử chỉ bĩu môi, mặt nhơn nhơn nói:

- Con có việc gì khó khăn mà cần y giúp đỡ? Con đã có sư phụ vô địch thiên hạ rồi, lại còn bao nhiêu sư ca, sợ gì ai hiếp đáp? Y là thứ tượng đất qua sông, ốc không mang nổi mình ốc, chuyện mình còn chưa đâu vào đâu, nói gì giúp con? Hứ, càng có y càng thêm hỏng chuyện thì có?

Cô ta mồm năm miệng mười, nói đâu ra đấy, Nguyễn Tinh Trúc mấy lần đưa mắt ngăn lại nhưng A Tử làm như không trông thấy. Nguyễn Tinh Trúc dậm chân nói:

- Hừm, thứ trẻ con, nói năng tầm xàm chẳng biết trên dưới gì cả, Kiều bang chủ, xin ông nghĩ đến A Châu, đừng để bụng làm gì!

Tiêu Phong đáp:

- Tại hạ họ Tiêu, không phải họ Kiều.

A Tử chen vào:

- Mẹ thấy chưa, người này đến họ gì cũng còn chưa tỏ tường, quả đúng là đần độn...

Nguyễn Tinh Trúc quát lớn:

- A Tử!

Tiêu Phong chắp tay chào nói:

- Thôi xin từ biệt.

Ông quay sang nói với Mộc Uyển Thanh:

- Đoàn cô nương, thứ ám khí độc địa, đừng dùng vô ích, nếu gặp phải đối thủ võ công cao cường hơn cô, e rằng chỉ có hại.

Mộc Uyển Thanh chưa kịp trả lời, A Tử lại láu táu:

- Tỉ tỉ, đừng nghe y nói bậy nói bạ, ám khí này cùng lắm không trúng đối phương, làm gì có hại được?

Tiêu Phong không thèm chấp, xoay mình đi ra, chân vừa bước vào ngạch cửa, tay áo bào bên phải phất một cái, kình phong kêu vút một tiếng, bảy mũi đoản tiễn Mộc Uyển Thanh mới rồi ném vào ông còn nằm dưới đất cùng bay vụt lên, thế nhanh như chớp bắn thẳng vào A Tử. A Tử chỉ lêu được một tiếng "ối trời" nhưng nào tránh kịp? Bảy mũi tên theo đỉnh đầu, cạnh cổ, ngang mình bay sượt qua, nghe lịch bịch cùng cắm cả vào bức tường phía sau lút đến tận chuôi.

Nguyễn Tinh Trúc vội vàng chạy tới ôm lấy A Tử, kinh hoảng kêu lên:

- Tần gia muội tử, mau đem thuốc giải ra đây.

Tần Hồng Miên cũng rối rít:

- Bị thương ở đâu? Bị thương ở đâu?

Mộc Uyển Thanh vội lấy giải dược từ trong túi ra, đến xem vết thương của A Tử. Một lát sau, A Tử mới hơi hoàn hồn nói:

- Không... không trúng con.

Bốn người đàn bà lúc ấy mới cùng nhìn lên bảy mũi đoản tiễn trên tường, ai nấy kinh hãi mặt mày tái mét. Thì ra Tiêu Phong nghĩ đến di ngôn của A Châu nhờ ông chiếu cố cho A Tử nhưng nghe nàng ta nói "Con đã có sư phụ vô địch thiên hạ rồi, lại còn bao nhiêu sư ca, sợ gì ai hiếp đáp?" nên mới dùng tụ phong bắn tên dọa cho A Tử một phen, để nàng biết được trời cao đất dày, khỏi coi trời bằng vung, khinh thường anh hùng hảo hán trong thiên hạ, sau này sẽ gặp chuyện không may.

Ông ta ra khỏi khu rừng trúc, đến bên bờ hồ, tìm một cây to cành lá xum xuê bên cạnh đường, nhảy lên trên đó. Ông muốn kiếm ra Đoàn Chính Thuần để hỏi cho rõ ràng, vì cớ gì Mã phu nhân cố ý hại ông ta, nhưng vì Nguyễn Tinh Trúc không cho biết ông ta đang ở đâu, nên đành phải tự mình ngấm ngầm theo dõi. Chẳng mấy chốc đã thấy bốn người đi ra, hai mẹ con Tần Hồng Miên đi trước, hai mẹ con Nguyễn Tinh Trúc đi sau xem ra vẻ Nguyễn Tinh Trúc tiễn khách về.

Bốn người đi đến cạnh bờ hồ, Tần Hồng Miên nói:

- Nguyễn tỉ tỉ, hai người mình mới gặp mà như quen đã lâu, bao nhiêu hiềm khích cũ bỏ qua hết, khiến cho ta bớt đi được một mối hận lòng. Bây giờ tiểu muội muốn đi kiếm con tiện tì họ Khang, tỉ tỉ có biết nó ở đâu không?

Nguyễn Tinh Trúc ngạc nhiên hỏi lại:

- Muội tử đi kiếm mụ ta để làm chi?

Tần Hồng Miên hậm hực đáp:

- Tiểu muội với Đoàn lang đang sống vui vầy bên nhau, chỉ tại con tiện tì hồ ly tinh đó giở trò...

Nguyễn Tinh Trúc ngẫm nghĩ rồi đáp:

- Con tiện nhân... Khang... Khang Mẫn đó, ôi, thật không biết nó ở đâu. Muội tử nếu tìm thấy y thì chém luôn cho nó thêm vài đao giùm ta.

Tần Hồng Miên đáp:

- Còn phải nói! Chỉ có điều không dễ gì kiếm thấy nó. Thôi được, xin từ biệt, sẽ gặp lại sau. Ôi, nếu tỉ tỉ gặp Đoàn lang...

Nguyễn Tinh Trúc chột dạ, hỏi:

- Thì sao?

Tần Hồng Miên đáp:

- Tỉ tỉ tát cho y hai cái rõ mạnh, một cái là để cho em, một cái là cho con gái em.

Nguyễn Tinh Trúc bật cười nói:

- Ta làm sao mà kiếm cho ra cái gã chết tiệt lòng lang dạ sói ấy được? Nếu muội tử gặp được y, cũng đánh giùm ta hai cái, một cái là thay ta, còn một cái là cho A Tử. Chưa, bợp tai không đủ, phải cho y thêm hai cái đá nữa. Sinh con ra chẳng ngó ngàng gì đến, để cho mẹ con chúng mình cô khổ lênh đênh...

Nói đến đây lại sụt sùi. Tần Hồng Miên an ủi:

- Thôi tỉ tỉ đừng đau lòng nữa. Để hai mẹ con em giết được con tiện tì họ Khang rồi sẽ quay lại làm bạn với chị.

Tiêu Phong ngồi trên cây, bao nhiêu chuyện hai người đàn bà nói với nhau đều nghe rõ ràng, nghĩ thầm Đoàn Chính Thuần võ công không phải dở, đối với bạn bè cũng có nhân có nghĩa, có điều đam mê nữ sắc không phải là kẻ anh hùng. Chỉ thấy Tần Hồng Miên dắt tay Mộc Uyển Thanh hành lễ từ biệt mẹ con Nguyễn Tinh Trúc rồi ra đi, Nguyễn Tinh Trúc cũng cầm tay A Tử trở về khu rừng trúc.

Tiêu Phong nghĩ thầm: "Nguyễn Tinh Trúc chắc hẳn đi kiếm Đoàn Chính Thuần, nhưng không muốn cho Tần Hồng Miên đi theo, lúc đầu bà ta bảo là trở lại lấy bức thiếp, Đoàn Chính Thuần chắc đợi ở đâu đó không xa. Ta phải ở đây rình xem sao."

Bỗng thấy trong lùm cây có tiếng động nhỏ, hai bóng người màu đen rón rén đi ra, chính là mẹ con Tần Hồng Miên đi rồi bây giờ quay trở lại. Nghe thấy Tần Hồng Miên hạ giọng:

- Uyển nhi, sao con sơ xuất đến thế, để mắc lừa người ta một cách dễ dàng? Dưới gầm giường trong ngọa thất Nguyễn gia tỉ tỉ có một đôi giày đàn ông, đầu mũi giày có thêu hai chữ bằng vàng, chân trái có một chữ Sơn, chân phải có một chữ Hà, chính là giày của cha con. Đôi giày còn mới, gót giày dính bùn chưa khô, chỉ thế cũng biết ngay là cha con ở gần đâu đó.

Mộc Uyển Thanh nói:

- À, hóa ra cái bà họ Nguyễn đó nói dối mẹ con mình.

Tần Hồng Miên nói:

- Đúng thế, làm sao bà ta dám để cho mình gặp cái anh chàng phụ bạc kia?

Mộc Uyển Thanh cãi lại:

- Cha con đâu có lang tâm, mẹ ơi, mẹ chẳng cần phải kiếm ông ấy làm gì.

Tần Hồng Miên lặng thinh không nói, một hồi sau mới đáp:

- Ta chỉ muốn thấy ông ấy nhưng lại chẳng mong ông ấy gặp ta làm gì. Qua bao nhiêu năm tháng, ông ấy cũng đã già, mà mẹ cũng già rồi còn gì.

Mấy câu đó nghe giọng thật bình thường nhưng bên trong chứa chất đầy vẻ ân tình. Mộc Uyển Thanh đáp:

- Vậy cũng được!

Trong thanh âm đầy vẻ thê lương. Từ khi nàng chia tay cùng Đoàn Dự đến nay, cái lòng nhung nhớ càng ngày càng nhiều nhưng biết rằng không đi đến đâu nên trước mặt mẹ không dám hở ra chút tâm sự gì. Tần Hồng Miên nói:

- Mẹ con mình rình ở đây, chẳng mấy chốc cha con thể nào cũng sẽ đến.

Nói xong vạch đám cỏ cao ẩn thân vào trong đó, Mộc Uyển Thanh cũng bắt chước nấp ở đằng sau gốc cây.

Dưới ánh trăng sao, Tiêu Phong thấy khuôn mặt trắng trẻo của Tần Hồng Miên ẩn sắc hồng, hiển nhiên cực kỳ xúc động, nghĩ thầm: "Tình quả là lụy con người, mới ra nông nỗi đó." Ông chợt nghĩ đến A Châu, trong lòng không khỏi dâng lên một nỗi xót xa. Chẳng bao lâu, trên đường truyền lại tiếng chân người đi nhanh, Tiêu Phong nghĩ thầm: "Người này không phải Đoàn Chính Thuần, có lẽ là bộ thuộc của ông ta." Quả nhiên khi người đó đến gần, nhận ra chính là người vẽ ở trên cầu Chu Đan Thần.

Nguyễn Tinh Trúc nghe thấy tiếng chân nhưng không phân biệt được, lại tưởng là Đoàn Chính Thuần nên gọi:

- Đoàn lang, Đoàn lang!

Bà rảo bước chạy ra đón, A Tử lẽo đẽo theo sau mẹ. Chu Đan Thần cúi rạp xuống nói:

- Chúa công sai thuộc hạ đến bẩm báo là người hiện có việc gấp, hôm nay không thể trở về được.

Nguyễn Tinh Trúc ngạc nhiên hỏi lại:

- Chuyện gấp gì thế? Bao giờ mới quay về?

Chu Đan Thần đáp:

- Việc này có liên quan đến nhà Cô Tô Mộ Dung, dường như đã tìm ra tung tích Mộ Dung công tử. Chúa công vạn lý bắc hành cũng cốt để đi tìm người này. Chúa công có dặn khi nào đại sự xong xuôi, sẽ quay về bên Tiểu Kính Hồ đoàn tụ, xin phu nhân chẳng phải trông chờ.

Nguyễn Tinh Trúc nước mắt rưng rưng, nghẹn ngào nói:

- Anh ấy lúc nào cũng bảo tức khắc quay lại ngay nhưng lần nào cũng ba năm, năm năm vẫn chưa thấy đâu. Anh ta có dễ gì tới, lại...

Chu Đan Thần hết sức bi phẫn vì việc A Tử làm cho Chử Vạn Lý uất lên mà chết nên khi truyền lại lời của Đoàn Chính Thuần rồi không muốn ở lâu, chỉ hơi khom lưng, quay đầu đi ngay, từ đầu chí cuối không nhìn A Tử đến một lần.

Nguyễn Tinh Trúc đợi y đi xa rồi, nói nhỏ với A Tử:

- Khinh công của con hơn mẹ xa, mau mau theo dõi y, trên đường để lại ký hiệu cho mẹ, ta đi sau.

A Tử lại dẩu môi cười nói:

- Mẹ bảo con đi theo dõi cha thì có gì thưởng cho con nào?

Nguyễn Tinh Trúc đáp:

- Cái gì của mẹ cũng là của con hết, còn gì đâu mà thưởng?

A Tử nói:

- Được rồi, con sẽ viết một chữ "Đoàn" nơi góc tường, rồi vẽ một mũi tên thế là mẹ biết.

Nguyễn Tinh Trúc ôm vai con vui mừng nói:

- Con gái ngoan lắm!

A Tử cười đáp:

- Mẹ mê trai!

Cô ta nhỏm dậy, chạy đuổi theo Chu Đan Thần. Nguyễn Tinh Trúc đứng bên bờ hồ một chốc, lúc đó mới theo đường mòn mà đi. Bà ta đi đã xa, mẹ con Tần Hồng Miên bấy giờ mới hiện thân, giơ tay ra hiệu cho nhau, rón rén đuổi theo.

Tiêu Phong nghĩ thầm: "A Tử đã để lại ký hiệu trên đường, kiếm được Đoàn Chính Thuần thật dễ quá." Ông đi được mấy bước, thấy ánh trăng soi bóng mình dưới hồ, cô đơn thê lương, trong lòng chua xót, lại muốn quay lại rừng trúc đến nơi mồ A Châu ngồi một lát. Thế nhưng ông chợt nghĩ lại, hào khí bốc lên, tung ra một chưởng, kình phong phóng xuống mặt hồ làm nước tung tóe khắp nơi, bóng dưới nước lập tức tan thành muôn mảnh. Ông hú lên một tiếng rồi rảo bước đuổi theo.

Mấy ngày liền như thế, ngày đi đêm nghỉ, uống rượu nhiều mà ăn chẳng bao nhiêu, đến thị trấn nào cũng thấy dưới góc tường có một chữ "Đoàn" A Tử để lại và một mũi tên chỉ hướng. Cũng có khi Nguyễn Tinh Trúc tìm thấy trước xóa đi nhưng vết vẫn còn nhìn ra được.

Con đường đi về hướng bắc, trời lạnh dần, hôm đó ra khỏi cửa không lâu chợt trời đổ một trận tuyết lớn. Tiêu Phong đi đến trưa, ngồi lại một quán rượu uống đến mười hai, mười ba bát, chưa đã thèm thì quán đã hết rồi. Ông cụt hứng lập tức bỏ đi một lúc sau đến một thành phố lớn, tới gần hơn liền sửng sốt, thì ra đó chính là Tín Dương.

Trên đường ông chỉ lo đi tìm ký hiệu A Tử để lại, lại thêm tâm sự ngổn ngang, cảnh vật chung quanh không để ý gì đến, thành thử quay lại Tín Dương cũng không hay. Ông muốn kiếm Đoàn Chính Thuần quả thực dễ như trở bàn tay, chỉ cần nhanh hơn một chút một bữa nửa ngày thì đã vượt lên trên rồi. Thế nhưng từ khi A Châu chết đi, đầu óc bỗng thấy trống không, chẳng biết làm sao cho hết ngày giờ, trong lòng chỉ nghĩ: "Đuổi kịp Đoàn Chính Thuần để làm gì? Tìm được hung thủ đích thực, trả xong mối thù, rồi sẽ ra sao? Một mình ta trở ra ngoài Nhạn Môn Quan, giữa cơn gió cát săn thú chăn bò, để làm gì?" Thành thử ông không tính chuyện đuổi cho nhanh.

Vào trong thành Tín Dương, thấy dưới chân tường có một chữ "Đoàn" viết bằng than, mũi tên bên cạnh chỉ về hướng tây. Trong đầu ông lại dâng lên một nỗi chua cay, nghĩ đến hôm nào mình cùng A Châu sánh vai đi cùng, đến phía tây thành Tín Dương tìm nhà Mã phu nhân để hỏi thăm tin tức, hôm nay nghĩ lại có ngờ đâu mỗi một bước lại là đưa A Châu tiến đến đến gần cõi âm thêm một bước.

Đi được sáu bảy dặm, gió bấc thổi mạnh, tuyết rơi xuống càng nhiều. Lần theo ký hiệu A Tử để lại đi về hướng tây, dấu hiệu nào cũng mới tinh viết chưa lâu, có khi là vỏ cây bị bóc ra viết lên trên đó, trên vết dao nhựa cây còn chưa kịp đóng cứng, ký hiệu chỉ đến chính là nhà Mã Đại Nguyên. Tiêu Phong thật lạ lùng, nghĩ thầm: "Không lẽ Đoàn Chính Thuần biết được Mã phu nhân hãm hại y nên đến tìm bà ta thanh toán? Đúng rồi, A Châu khi sắp chết nơi cầu đá xanh nói chuyện với ta đã từng nhắc đến Mã phu nhân, hẳn là A Tử nghe được, nên đã kể lại cho cha nghe. Thế nhưng mình chỉ nói là Mã phu nhân, làm sao biết được phu nhân họ Mã là người nào?"

Trên đường đi lòng ông uất ức nên cũng như người mất hồn, bây giờ gặp chuyện lạ lùng, lập tức tinh thần phấn chấn, hồi phục được nỗi cảnh giác khi giao phong với kình địch. Thấy bên đường có một chiếc miếu hoang, lập tức tiến vào, đóng cửa lại, nằm lăn ra ngủ ba giờ liền, đến canh hai mới ra khỏi miếu đi về phía nhà Mã phu nhân.

Khi đến gần ông ẩn thân sau gốc cây, quan sát kỹ chung quanh, chỉ một chốc đã nhếch mép mỉm cười, thấy nơi mái nhà phía đông bắc có hai người nằm phục đó, nhìn hình dáng thì là Nguyễn Tinh Trúc và A Tử. Kế đó lại thấy mẹ con Tần Hồng Miên nằm nơi góc nhà phía đông nam. Lúc đó đại tuyết chưa dứt, bốn người đàn bà ai nấy đều phủ một làn tuyết trắng. Sương phòng phía đông chiếu ra ánh sáng màu vàng nhạt nhưng tĩnh mịch không một tiếng động. Tiêu Phong bẻ một cành cây ném xuống, rơi chạm đất nghe cạch một tiếng nhỏ. Cả bốn người liền nhìn về phía có tiếng động, Tiêu Phong lập tức nhẹ nhàng nhảy xuống, đã tới bên cửa sổ phòng phía đông.

Trời lạnh ngắt, đất đông thành đá, cửa sổ nhà họ Mã có song gỗ bên ngoài, Tiêu Phong đợi đến lúc có gió bấc vù vù thổi vào cửa sổ liền nhẹ nhàng đẩy ra một chưởng, lách cách một tiếng nhỏ, chưởng lực hòa lẫn gió lập tức đánh gãy chấn song, cả giấy dán bên trong cũng rách toạc một đường. Tần Hồng Miên nà Nguyễn Tinh Trúc tuy ở gần nhưng chưởng phong và gió bấc cùng một lượt nên không phát giác, đến như người ở trong phòng cũng không biết được. Tiêu Phong ghé mắt qua khe giấy nhìn vào bên trong vừa thoạt trông đã đờ cả người, tưởng chừng không tin nổi mắt mình nữa.

Chỉ thấy Đoàn Chính Thuần áo ngắn, mũ con, ngồi xếp bằng trên giường, tay cầm chén rượu, cười hề hề nhìn một người đàn bà ngồi ở trường kỷ bên cạnh. Người đàn bà đó mặc áo toàn một màu trắng, trên mặt thoa một lớp phấn mỏng, đầu mày cuối mắt đầy vẻ xuân tình, khóe thu ba long lanh tưởng như sắp nhỏ lệ, trông như cười mà không phải cười, tựa như giận mà không phải giận, liếc xéo Đoàn Chính Thuần, chính là sương phụ Mã Đại Nguyên Mã phu nhân.

Mục lục
Ngày đăng: 15/07/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Ludo Saga - Cờ cá ngựa hay nhất hành tinh

Mục lục