Gửi bài:

Chương 38 - Tuy van thiên nhân ngô vãng hĩ

Dù cho hang hổ đầm rồng,

Vào sinh ra tử anh hùng nhẹ tênh.

Trông ra trời đất mông mênh,

Tấm thân bảy thước lênh đênh một mình.

* * *

Kiều Phong vận công một hồi lâu, bỗng nghe ở phía tây bắc có hai tiếng lạch cạnh truyền tới, biết là có người trong võ lâm chạy trên mái nhà, kế tiếp phía đông nam cũng có tiếng động. Khi nghe tiếng động phía tây bắc, Kiều Phong cũng không để tâm nhưng khi cả hai bên kẻ tung người hứng như thế, ắt hẳn có kẻ vì mình mà đến đây. Ông hạ giọng nói nhỏ với A Châu:

- Ta ra ngoài một lát, sẽ quay lại ngay, cô không việc gì phải sợ.

A Châu gật đầu. Kiều Phong không thổi tắt đèn, cửa phòng vốn dĩ mở he hé, ông nghiêng người lẻn ra, vòng ra ngoài cửa sổ hậu viện, đứng nép sát vào tường.

Chỉ nghe từ một căn phòng trong khách điếm ở phía đông có tiếng người vọng ra:

- Có phải Hướng bát gia đấy chăng? Xin mời xuống đây.

Người ở phía tây bắc cười nói:

- Quan Tây Kỳ lão lục cũng đã đến rồi.

Người trong phòng đáp:

- Hay lắm! Hay lắm! Xin tất cả vào đi.

Trên nóc nhà hai người lần lượt nhảy xuống, đi vào trong phòng. Kiều Phong nghĩ thầm: "Quan Tây Kỳ lão lục được người đời gọi là Khoái Đao Kỳ Lục, là một hảo hán nổi tiếng đất Quan Tây. Còn Hướng bát gia kia là Hướng Vọng Hải đất Tương Đông, nghe nói y là người trượng nghĩa sơ tài, võ công cao cường. Hai người này đâu phải là phường gian hiểm, cũng chẳng dây dưa gì đến ta, ắt không phải vì mình mà đến đây, hóa ra mình nghi lầm. Người trong phòng giọng nghe quen quen, không biết là ai?"

Chỉ nghe Hướng Vọng Hải nói:

- Diêm Vương Địch Tiết Thần Y đột nhiên phát thiếp anh hùng, mời tất cả đồng đạo giang hồ, chắc hẳn có chuyện khẩn bách, trong đó nói là "anh hào kiến thiếp, tiện thỉnh giá lâm." Bào đại ca, liệu ngươi có biết chuyện gì chăng?

Kiều Phong nghe đến "Diêm Vương Địch Tiết Thần Y" lập tức vừa mừng vừa lo: "Tiết Thần Y cũng ở gần đây sao? Ta vẫn tưởng y ở tận Cam Châu, nếu như ở vùng này thì cô tiểu a đầu A Châu có cơ cứu được."

Ông đã từng nghe Tiết Thần Y là thánh thủ số một trong y giới hiện nay, chỉ vì hai tiếng "thần y" quả nổi tiếng nên cái tên thật của y là gì người ta cũng không biết nữa. Truyền thuyết trên giang hồ vốn dĩ hay thổi phồng, nói là đến người chết y cũng cứu sống được, còn người sống thì dù bị thương nặng tới đâu, bệnh khó tới mức nào, y cũng có cách chữa, thành thử Diêm Vương ở dưới âm tào địa phủ cũng khó chịu, mỗi lần sai quỉ vô thường đi bắt người đều bị Tiết Thần Y ở bên cạnh ngăn trở, chặn đường đoạt mất. Tiết Thần Y y đạo đã như thần mà võ công cũng ghê gớm. Y thích kết giao cùng bằng hữu giang hồ, mỗi khi trị bệnh cho ai đều thỉnh giáo đối phương một vài chiêu võ công. Đối phương cảm cái ân cứu mạng, khi truyền thụ dĩ nhiên chẳng dấu diếm gì nên dạy y những công phu đắc ý nhất.

Lại nghe Khoái Đao Kỳ Lục hỏi:

- Bào lão bản,(19.1) lâu nay có buôn bán được món gì khá không?

Kiều Phong nghĩ thầm: "Thảo nào người trong phòng nghe tiếng quen quá, thì ra là Một Bản Tiền(19.2) Bào Thiên Linh. Người này chuyên lấy của người giàu cho người nghèo, cũng có đôi chút hiệp danh, năm xưa khi ta tiếp nhiệm chức vụ bang chủ Cái Bang, y cũng có đến tham dự."

Ông biết được trong phòng có ba người Hướng Vọng Hải, Kỳ Lục, Bào Thiên Linh nên không màng tới việc nghe lén chuyện của người khác nghĩ thầm: "Sáng mai mình đến xin gặp Bào Thiên Linh, hỏi y xem Tiết Thần Y hiện đang ở đâu." Ông vừa toan quay về phòng, bỗng nghe Bào Thiên Linh thở dài một tiếng nói:

- Ôi, mấy hôm nay lòng ta thật xót xa, chẳng còn hứng thú mua bán gì nữa, hôm nay lại nghe thêm y giết cha, giết mẹ, giết thầy bao nhiêu là chuyện ác, càng thêm bực bội.

Nói tới đây y giơ tay vỗ mạnh lên bàn một cái. Kiều Phong nghe nói đến "giết cha, giết mẹ, giết thầy", trong lòng chột dạ tự hỏi: "Y nói đến ta chăng?" Hướng Vọng Hải nói:

- Kiều Phong trước nay tiếng tăm thật lừng lẫy, giả nhân giả nghĩa, biết bao nhiêu người bị y lừa, có ai ngờ đâu y dám làm những tội ác tầy trời như thế.

Bào Thiên Linh nói:

- Năm xưa khi y xuất nhiệm bang chủ Cái Bang, ta với y cũng đã có duyên gặp gỡ. Người đó xưa nay ta vẫn mười phần bội phục. Nghe Triệu lão tam nói y là dòng giống Khất Đan, chính ta cũng hết sức cãi lại, khiến cho Triệu lão tam đỏ mặt tía tai, giận đến hai bên đánh nhau một trận. Ôi, giống người Di Địch, quả nhiên có khác gì cầm thú, y có dấu được một thời nhưng rồi về sau tính tình hung dữ lại bộc phát ra.

Kỳ Lục nói:

- Nào ai biết rằng y xuất thân từ phái Thiếu Lâm, Huyền Khổ đại sư lại là sư phụ của y.

Bào Thiên Linh nói:

- Chuyện này vốn dĩ cực kỳ bí mật, đến người trong phái Thiếu Lâm cũng chẳng mấy ai biết đến. Thế nhưng Kiều Phong giết sư phụ y rồi, phái Thiếu Lâm đâu có còn dấu được nữa. Tên ác tặc họ Kiều kia tưởng rằng giết cha giết mẹ giết thầy là có thể dấu được lai lịch xuất thân của y, gặp ai cứ chối biệt là xong, có ngờ đâu khéo quá hóa vụng, tội nghiệt càng lúc càng to.

Kiều Phong đứng bên ngoài song cửa, nghe Bào Thiên Linh đoán già đoán non bụng dạ mình nghĩ thầm: " Một Bản Tiền Bào Thiên Linh với ta nghĩ ra cũng có chút giao tình, người này đâu có phải bạ đâu nói đó, thế mà chính y cũng còn nhận định như vậy, huống hồ người khác thì còn tin tới đâu. Ôi, Kiều mỗ bị cái tiếng oan không sao rửa sạch, việc gì phải phí công giãi bày cùng ai? Chi bằng từ nay mai danh ẩn tích, mươi năm sau thì bằng hữu giang hồ chẳng còn ai nhớ tới mình, thế là xong." Chỉ trong một thoáng bao nhiêu hùng tâm tan ra mây khói.

Lại nghe Hướng Vọng Hải nói:

- Cứ như huynh đệ đoán, Tiết Thần Y gửi Anh Hùng Thiếp, chắc là để thương nghị làm thế nào đối phó với Kiều Phong. Vị Diêm Vương Địch này ghét kẻ ác như kẻ thù, lại nghe y với hai vị Huyền Nạn, Huyền Tịch đại sư của chùa Thiếu Lâm giao tình rất hậu.

Bào Thiên Linh nói:

- Đúng thế! Ta cũng nghĩ là trên giang hồ gần đây ngoài hành vi tàn ác của Kiều Phong ra có còn chuyện gì lớn nữa đâu. Hướng huynh, Kỳ huynh, mau mau lại đây, tối nay bọn mình uống cạn vài cân rượu trắng, gác chân nói chuyện một phen.

Kiều Phong nghĩ thầm bọn họ nói chuyện đến sáng mai, chắc cũng chỉ thêm dầu thêm mỡ chửi rủa mình suốt đêm mà thôi, không muốn nghe thêm, quay trở về phòng A Châu. A Châu thấy ông mặt mày tái nhợt, trông thật khó coi liền hỏi:

- Kiều đại gia, ông gặp phải kẻ địch chăng?

Nàng tỏ vẻ lo lắng sợ ông bị nội thương. Kiều Phong lắc đầu, A Châu lúc ấy mới yên tâm hỏi thêm:

- Ông không bị thương đấy chứ?

Kiều Phong từ khi bước chân vào chốn giang hồ chỉ có bạn bè kính trọng, địch nhân sợ hãi, làm gì có bao giờ như mấy hôm nay bị người ta khinh bỉ coi thường, nghe A Châu hỏi han như thế, lập tức tính cao ngạo nổi lên lớn tiếng nói:

- Không sao. Cái bọn vô tri tiểu nhân vu oan giá họa cho Kiều mỗ thì dễ chứ ra tay đả thương ta thì chẳng dễ đâu.

Ông đột nhiên chợt nảy ra một mối hùng tâm khí khái bèn nói:

- A Châu, ngày mai ta sẽ đi kiếm một danh y nổi tiếng nhất thiên hạ về trị thương cho cô, cô cứ yên tâm ngủ đi.

A Châu thấy thần thái cao ngạo và tính khí của ông, trong lòng không khỏi kính ngưỡng, lại cũng sợ hãi, thấy người trước mặt mình đây hoàn toàn khác hẳn Mộ Dung công tử dẫu rằng hai người đều chẳng sợ trời, không sợ đất, đều cùng kiêu ngạo, lại cùng thần khí uy nghi. Thế nhưng Kiều Phong hùng tráng hào khí ngất trời chẳng khác gì một con hùng sư, còn Mộ Dung Phục nho nhã tiêu sái như một con phượng hoàng.

Kiều Phong tâm ý đã quyết, không còn nghĩ ngợi gì thêm, ngồi xuống ghế liền ngủ ngay. A Châu nhìn ánh đèn vàng vọt chiếu trên mặt ông, chỉ một chốc đã nghe tiếng ngáy khò khò, bỗng nhiên thấy Kiều Phong nghiến răng, bắp thịt trên mặt hơi giựt giựt, quai hàm vuông gồng cứng lên. A Châu cảm thấy người đàn ông hùng tráng trước mặt mình xem ra thật đáng thương, so với mình còn bất hạnh hơn nhiều.

Sáng sớm hôm sau, Kiều Phong dùng nội lực tiếp khí cho A Châu, trả tiền quán xong rồi sai tiểu nhị đi thuê một cỗ xe lừa. Ông đỡ A Châu ngồi lên xe, sau đó đi đến bên ngoài phòng của Bào Thiên Linh, lớn tiếng nói:

- Bào huynh, tiểu đệ Kiều Phong bái kiến.

Bào Thiên Linh, Hướng Vọng Hải và Kỳ Lục ba người ngồi chửi Kiều Phong cả đêm, mệt quá còn đang nằm ngủ, lúc đó chưa dậy, nghe tiếng Kiều Phong bên ngoài, ai nấy hoảng hồn, cùng nhảy khỏi giường, kẻ rút đao, người cầm kiếm, kẻ nhặt tiên. Ba người binh khí trong tay rồi, ai nấy ngơ ngẩn, thấy binh khí của mình người nào cũng có gắn một mảnh giấy nhỏ, trên viết bốn chữ "Kiều Phong bái thượng."(19.3) Ba người nhìn nhau, trong bụng kinh hãi, biết rằng đêm qua khi đang ngủ đã bị Kiều Phong đùa một mẻ, nếu như muốn lấy mạng ba người thật dễ như trở bàn tay.

Trong ba người thì Bào Thiên Linh quả thật hổ thẹn, y có ngoại hiệu là Một Bản Tiền ban ngày đi rình nhà này nhà khác, tối đến phi thiềm tẩu bích(19.4) lẻn vào, lấy tiền trộm bạc là bản lĩnh độc đáo của y, ngờ đâu đêm hôm lại bị Kiều Phong chơi khăm, đến sáng bạch mới hay biết.

Bào Thiên Linh quấn nhuyễn tiên vào lưng, biết rằng nếu như Kiều Phong muốn lấy mạng mình thì đêm qua đã ra tay rồi, nên xông ra trước của nói:

- Cái đầu trên cổ của Bào Thiên Linh này, Kiều huynh lúc nào muốn lấy thì cứ tự tiện mà lấy. Bào mỗ làm cái nghề không vốn, sống chết trong tay Kiều huynh, cũng chẳng đáng gì. Các hạ đến phụ thân, mẫu thân, sư phụ cũng chẳng tha, cái giao tình nhạt như vôi với Bào mỗ ra tay còn phải dung tình gì nữa?

Y nhìn thấy mảnh giấy gắn trên nhuyễn tiên nên đã có chủ ý, biết ngày hôm nay sự việc cực kỳ hung hiểm, thà rằng cứ ngang tàng hết sức rồi đến đâu thì đến chứ chạy cũng không xong, chi bằng đem tính mạng giao cho y còn hơn. Kiều Phong vòng tay nói:

- Ngày nào nơi phủ Thanh Châu đất Sơn Đông từ biệt nhau, thắm thoát đã mấy năm rồi, Bào huynh phong thái vẫn còn như xưa, quả thật đáng mừng.

Bào Thiên Linh cười ha hả đáp:

- Cũng là sống lây lất đến ngày hôm nay mà chưa chết đấy thôi.

Kiều Phong nói:

- Nghe nói Diêm Vương Địch Tiết Thần Y phát thiếp anh hùng nên tại hạ cũng muốn đến xem một chút, đi cùng với ba vị liệu có được chăng?

Bào Thiên Linh ngạc nhiên, nghĩ thầm: "Tiết Thần Y phát thiếp anh hùng chính là để đối phó với ngươi, bộ ngươi không muốn sống nữa hay sao mà lại một thân một mình vác xác tới chẳng biết có dụng ý gì? Ta thường nghe Kiều bang chủ của Cái Bang gan đã to mà lại tinh tế, trí dũng song toàn, nếu chẳng phải ỷ mình không sợ thì lẽ nào đưa thân vào lưới, ta đời nào để mắc hỡm của ngươi."

Kiều Phong thấy y ngần ngừ không trả lời bèn nói:

- Kiều mỗ có việc phải cầu đến Tiết Thần Y, xin phiền Bào huynh dẫn đường.

Bào Thiên Linh nghĩ bụng: "Ta đang lo chạy không thoát độc thủ của y, đem y dẫn đến anh hùng yến, quần hào vây đánh, dù có ba đầu sáu tay thì cũng quả bất địch chúng. Có điều cùng y đi chung một đường thì vẫn là chín phần chết một phần sống." Tuy y trong bụng phập phồng nhưng nghĩ dẫn Kiều Phong đến Anh Hùng Hội cũng vẫn hay bèn nói:

- Bữa tiệc anh hùng đại yến đó ở Tụ Hiền Trang, ở phía đông bắc cách đây bảy mươi dặm. Kiều huynh muốn đi thì thật hay lắm. Bào Thiên Linh này có lời nói trước, cái hội này cũng chẳng phải hay ho gì, mà bữa tiệc này cũng chẳng vui vẻ, Kiều huynh đi đến đây dữ nhiều lành ít, đừng trách Bào Thiên Linh này không nói từ đầu.

Kiều Phong thản nhiên cười nói:

- Hảo ý của Bào huynh, Kiều mỗ xin tâm lãnh. Anh hùng yến thết tại Tụ Hiền Trang, vậy thì chủ nhân có phải Du thị song hùng chăng? Tụ Hiền Trang ở đâu hỏi thăm cũng dễ, vậy xin ba vị đi trước, tiểu đệ để một giờ nữa, chầm chậm đi theo cũng chưa muộn, cũng để cho mọi người có thời gian chuẩn bị.

Bào Thiên Linh quay lại nhìn Kỳ Lục và Hướng Vọng Hải, hai người chậm rãi gật đầu. Bào Thiên Linh nói:

- Nếu đã vậy, ba người chúng ta ở Tụ Hiền Trang cung kính đón chờ đại giá của Kiều huynh.

Bào, Kỳ, Hướng ba người lật đật trả tiền trọ, nhảy lên ngựa, ra roi chạy thẳng về phía Tụ Hiền Trang. Trên đường hết sức rong ruổi, thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn lại chỉ sợ Kiều Phong cưỡi khoái mã, từ sau chạy đến, nhưng may sao trước sau vẫn không thấy ai đuổi theo. Bào Thiên Linh dĩ nhiên là người tâm cơ linh mẫn, còn Kỳ Lục và Hướng Vọng Hải cũng là những nhân vật hào khách giang hồ lịch duyệt nhiều, kiến văn rộng rãi. Thế nhưng trên đường ca ba bàn tán, suy luận nhưng vẫn không hiểu được tại sao Kiều Phong lại một thân một mình xông vào anh hùng yến để làm gì.

Kỳ Lục bỗng nói:

- Bào đại ca, đại ca có thấy cỗ xe lớn ở bên cạnh Kiều Phong chăng? Bên trong hẳn có chuyện gì kỳ lạ.

Hướng Vọng Hải nói:

- Không lẽ bên trong có mai phục một nhân vật nào lợi hại chăng?

Bào Thiên Linh đáp:

- Dẫu rằng trong xe có chất thật đầy, lèn không thở nổi cùng lắm cũng chỉ được bảy tám mạng, thêm Kiều Phong nữa chung qui cũng chỉ mười người, đến anh hùng yến thì cũng có khác gì thuyền con vào trong sóng cả, có làm được gì đâu?

Còn đang nói chuyện, trên đường đi ba người gặp võ lâm đồng đạo mỗi lúc một đông, ai ai cũng đi đến Tụ Hiền Trang để tham dự anh hùng yến. Lần này anh hùng yến cận ngày mời bất ngờ, người mời cũng không để tên, trên thiếp lại không để tên khách, ai nhận được miễn là người trong võ lâm thì đều được hoan nghênh.

Người nhận được thiếp cũng suốt ngày đêm dùng khoái mã chuyển giao cho bạn bè quen biết, người nọ truyền người kia, chỉ mới một ngày một đêm mà đã truyền đi thật xa. Thế nhưng vì thời giờ cấp bách, những người đến Tụ Hiền Trang được phần lớn là ở trong khoảng vài trăm dặm phía tả chùa Thiếu Lâm. Thế nhưng Hà Nam là đất trung châu, ngoài người võ lâm bản địa, phía bắc phía nam ai nghe được tin này cũng đều lên đường đi ngay thành ra số người tham gia không phải là ít.

anh hùng yến lần này do Du Thị Song Hùng của Tụ Hiền Trang liên danh với Diêm Vương Địch Tiết Thần Y cùng mời. Mặc dầu Du Thị Song Hùng Du Ký, Du Câu giàu có hào hiệp, giao du rất rộng, võ công đã cao siêu mà tiếng tăm cũng vang dội nhưng cũng không có một thế lực đáng kể trong võ lâm, không thể coi là đức cao vọng trọng để mời được bấy nhiêu anh hùng hảo hán. Thế nhưng Tiết Thần Y lại là người mà ai ai cũng muốn kết giao. Người học võ ai ai chẳng tự phụ nhưng cũng chẳng mấy người dám tự cho mình là thiên hạ vô địch thủ, mà dẫu có thực là võ công đệ nhất đời nay, cũng không thể nào nói rằng suốt đời không bệnh tật, bị thương. Nếu được kết bạn với vị Tiết Thần Y này thì có khác gì có thêm một tính mạng nữa, nếu không chết ngay tại chỗ, Tiết Thần Y đã ra tay chữa rồi thể nào cũng chết đi sống lại.

Thành thử những ai nhận được thiếp của Du Thị Song Hùng cũng thấy mình được nở mày nở mặt, huống hồ lại có cả tên Tiết Thần Y trên đó, thật có khác gì một đạo bùa cứu mệnh đâu. Ai nấy nghĩ thầm, hôm nay có dịp làm quen với ông ta, người sống trên đàu đao mũi kiếm ai dám chắc mình không có chuyện gì, đến khi sơ xẩy lẽ nào Tiết Thần Y lại bỏ mặc không lý tới?

Trên danh thiếp ngoài Tiết Mộ Hoa, Du Ký, Du Câu ba cái tên đó chỉ có thêm một hàng chữ nhỏ: "Du Ký, Du Câu phụ bạch: Tiết Mộ Hoa tiên sinh nhân xưng Tiết Thần Y."(19.5)

Nếu như không có hàng chữ nhỏ đó, người nhận được thiếp chắc cũng chẳng biết Tiết Mộ Hoa là cao nhân phương nào, số người đến Tụ Hiền Trang mười phần chắc chưa được ba bốn.

Bào Thiên Linh, Kỳ Lục, Hướng Vọng Hải ba người đến được trang rồi, Du lão nhị, Du lão câu đích thân ra đón. Vào đến đại sảnh, trong phòng đã ngồi đầy những người. Bào Thiên Linh có người quen, có người không quen nhưng vừa bước chân vào bốn phía đã nhao nhao lên, ai cũng:

- Bào lão bản, phát tài chứ?

- Lão Bào, độ này làm ăn khá không?

Bào Thiên Linh luôn tay vái chào, hỏi thăm anh hùng các lộ. Y không dám sơ suất chút nào, trong số nhân vật giang hồ đông đảo thế này, kẻ tâm địa hẹp hòi cũng không phải là ít, chỉ cần quên gật đầu chào, hay thiếu một nụ cười đáp lễ, không chừng gây chuyện với người ta để sau này mang họa vào thân, có khi mất mạng, cũng không phải là chuyện lạ gì.

Du Câu đưa y đến người ngồi chủ vị phía đông, Tiết Thần Y liền đứng lên nói:

- Bào huynh, Kỳ huynh, Hướng huynh ba vị đại giá quang lâm, thực chẳng khác gì nạm vàng lên mặt lão hủ, thật là cảm kích.

Bào Thiên Linh vội vàng đáp lễ nói:

- Tiết lão gia tử đã gọi đến, Bào Thiên Linh này dù có bệnh liệt giường liệt chiếu cũng phải cho người dìu đến.

Du lão đại Du Ký cười nói:

- Nếu quả như bệnh liệt giường liệt chiếu thì lại càng cần cho người dìu đến gặp Tiết lão gia tử.

Người chung quanh nghe thế ai nấy cười ha hả. Du Câu nói:

- Ba vị đường xa khổ cực, xin mời ra hậu sảnh ăn lót dạ.

Bào Thiên Linh nói:

- Điểm tâm ăn chậm một chút cũng không sao, tại hạ có việc muốn hỏi. Tiết lão gia tử và hai vị Du gia lần này mời khách, có Kiều Phong trong đó không?

Tiết Thần Y và Du Thị Song Hùng nghe thấy hai chữ "Kiều Phong" ai nấy mặt mày biến sắc. Du Ký nói:

- Chúng tôi phát thiếp vô danh, ai thấy thì mời đến. Bào huynh đề cập đến Kiều Phong, là có ý gì vậy? Bào huynh và gã Kiều Phong cũng có chút giao tình, phải vậy không nào?

Bào Thiên Linh đáp:

- Gã Kiều Phong kia nói là sẽ đến Tụ Hiền Trang để tham dự anh hùng đại yến.

Y vừa nói ra, quần hùng ai nấy rúng động. Trong đại sảnh mọi người vốn dĩ đang tràng ba khoát bảy, ăn to nói lớn, đột nhiên ai nấy im phăng phắc. Một số người ngồi xa xa không nghe Bào Thiên Linh nói gì, bỗng thấy mọi người bặt tiếng đang nói dở chừng cũng ngừng lại lắng nghe. Chỉ trong giây lát, trong đại sảnh không còn một tiếng ong ve đến nỗi tiếng người đang ăn uống dưới hậu sảnh cũng truyền theo hành lang vọng lên tận nhà trên.

Tiết Thần Y hỏi:

- Bào huynh làm sao biết được là Kiều Phong sẽ đến?

Bào Thiên Linh đáp:

- Thì chính tại hạ lẫn hai vị Kỳ huynh, Hướng huynh đều chính tai nghe thấy. Nói ra quả hổ thẹn, tối qua chúng tôi bị một mẻ rõ thật ê chề.

Hướng Vọng Hải nhìn y liên tiếp nháy mắt, muốn dặn y đừng kể lại chuyện xấu đêm rồi. Thế nhưng Bào Thiên Linh biết Tiết Thần Y và Du Thị Song Hùng đều là những người tinh minh lanh lợi, trong anh hùng hội cũng vô khối kẻ tài trí, mình dẫu có muốn dấu thì chỉ làm người ta sinh nghi. Đây là việc vô cùng hệ trọng, mình đã bị mắc vào trong vũng nước xoáy rồi, chỉ cần sơ sẩy không khéo một chút là sẽ thân bại danh liệt ngay. Y chậm rãi cởi ở thắt lưng ra cây nhuyễn tiên, mảnh giấy có viết bốn chữ "Kiều Phong bái thượng" kia vẫn còn dính nơi đó. Y liền hai tay nâng chiếc roi đưa cho Tiết Thần Y, nói:

- Kiều Phong sai ba người tại hạ đến chuyển lời rằng hôm nay sẽ đến Tụ Hiền Trang.

Sau đó y kể lại đã gặp Kiều Phong ra sao, nói năng những gì nhất nhất thuật lại không dấu một mảy. Hướng Vọng Hải đứng bên cạnh liên tiếp dậm chân, mặt mày đỏ như gấc chín.

Bào Thiên Linh kể hết đầu đuôi rồi, sau cùng mới nói:

- Gã Kiều Phong kia là giống cẩu chủng Khất Đan, dẫu có đại nhân đại nghĩa chăng nữa thì chúng ta cũng phải trừ đi, huống chi ác tính đã lộ ra rồi, để càng ngày càng thêm nặng. Nếu như y cao chạy xa bay thì cũng chẳng dễ gì đuổi bắt. Thế nhưng trời cao có mắt, y lại tự mình bước vào chỗ lưới đang giăng.

Du Câu trầm ngâm đáp:

- Vẫn thường nghe Kiều Phong trí dũng song toàn, tài ba đủ để làm việc đại ác, đâu phải kẻ mãng phu lẽ nào lại dám đến anh hùng đại yến hay sao?

Bào Thiên Linh đáp:

- E rằng y đã có gian mưu nên không thể không đề phòng. Lắm người nhiều kế, tất cả bên mình cùng nhau bàn thảo tính toán xem ra thế nào.

Còn đang nói chuyện bên ngoài đã đến thêm rất nhiều anh hùng hào kiệt, trong đó có cả Thiết Diện Phán Quan Đơn Chính cùng năm người con trai, hai vợ chồng Đàm công, Đàm bà lẫn cả Triệu Tiền Tôn. Chẳng mấy chốc, phái Thiếu Lâm có Huyền Nạn, Huyền Tịch hai vị cao tăng, ai ai cũng được Tiết Thần Y cùng Du thị huynh đệ đón tiếp một cách vui vẻ. Kể lại những điều tàn ác của Kiều Phong người nào cũng hết sức phẫn nộ.

Bỗng nhiên quản gia đón khách tiến vào bẩm báo:

- Cái Bang Từ trưởng lão tất lãnh Truyền Công, Chấp Pháp cùng bốn vị Tống Hề Trần Ngô các trưởng lão cùng đến bái trang.

Mọi người ai nấy rùng mình. Cái Bang là bang hội lớn nhất giang hồ, quả thật đáng gờm. Hướng Vọng Hải nói:

- Cái Bang tất cả kéo đến đây, chắc hẳn là để thanh viện cho Kiều Phong.

Đơn Chính nói:

- Kiều Phong đã phá môn xuất bang rồi, không còn là bang chủ Cái Bang nữa, chính mắt tại hạ thấy bọn họ đã quay mặt đá nhau rồi.

Hướng Vọng Hải nói:

- Thế nhưng tình xưa nghĩa cũ, chưa hẳn đã quên đâu.

Du Ký nói:

- Các vị trưởng lão Cái Bang ai cũng là những nam tử hiên ngang khẳng khái, lẽ nào không phân trái phải lại đi bảo hộ cho kẻ thù? Nếu như đến để tương trợ cho Kiều Phong thì chẳng hóa ra thành kẻ Hán gian bán nước hay sao?

Mọi người ai nấy gật đầu, cùng nói:

- Dẫu có là phường chẳng ra gì cũng chẳng ai lại cam tâm để thành kẻ giặc Hán gian bán nước.

Tiết Thần Y và Du Thị Song Hùng cùng bước ra ngoài trang đón khách, thấy Cái Bang đến chỉ độ mười hai, mười ba người nên cũng yên bụng, nghĩ thầm: "Chẳng nói gì bọn ăn mày đến không phải để bảo hộ Kiều Phong, mà dẫu chúng có bụng không tốt thì mười hai mười ba người cũng chẳng làm được trò trống gì." Quần hùng cùng Từ trưởng lão chỉ chào hỏi qua loa rồi mời vào đại sảnh, thấy người trong Cái Bang mặt mày không vui, rõ ràng trong bụng có điều gì phải lo âu.

Hai bên chia chủ khách ra ngồi, Từ trưởng lão mở lời trước:

- Tiết huynh, Du gia hai vị lão đệ, hôm nay kêu gọi quần hùng đến đây, có phải để đối phó với cái mầm họa mới của võ lâm là Kiều Phong đó chăng?

Mọi người nghe ông ta gọi Kiều Phong là "mầm họa mới của võ lâm", ai nấy đưa mắt nhìn nhau, không ai bảo ai cùng thở phào một tiếng. Du Ký đáp:

- Chính là thế đó. Từ trưởng lão và chư vị trưởng lão của quí bang cùng đến, quả thực đại hạnh cho võ lâm. Chúng tôi muốn giết tên Phiên cẩu đó thì phải được sự chấp thuận của chư trưởng lão, nếu không lỡ có chuyện gì sai sót, làm tổn thương hòa khí thì không khỏi cả đôi bên đều ăn năn.

Từ trưởng lão thở dài một tiếng nói:

- Gã đó táng tận lương tâm phát điên phát cuồng, hành động càn rỡ. Vốn dĩ y đã lập nhiều đại công cho bản bang, gần đây nhất chúng tôi bị gian nhân ám toán cũng nhờ y ra tay cứu cho. Thế nhưng đại trượng phu lập thân xử thế, cốt lấy đại thể làm trọng, cái tiểu ân tiểu huệ kia cũng đành phải gác qua một bên. Y là kẻ tử thù của Đại Tống chúng ta, các trưởng lão bản bang tuy ai cũng đã từng được y đối đãi tử tế, nhưng đâu có thể vì ơn riêng mà bỏ nghĩa công cho được. Người ta có câu đại nghĩa diệt thân,(19.6) huống chi y nào có phải thân thích gì của người trong bản bang đâu.

Ông ta nói ra câu đó, quần hùng ai nấy vỗ tay khen ngợi. Du Ký lúc đó mới nói đến việc Kiều Phong muốn đến tham dự anh hùng đại yến, các trưởng lão nghe xong ai nấy ngạc nhiên, mọi người ai cũng đã theo Kiều Phong lâu ngày, biết ông xưa nay không bao giờ hành sự hữu dũng vô mưu, nếu quả đơn thương độc mã đến Tụ Hiền Trang thì quả là một chuyện lạ.

Hướng Vọng Hải đột nhiên nói:

- Tôi nghĩ gã Kiều Phong kia cố ý bày nghi trận, để cho tất cả chúng ta ngồi đây ngóng cổ chờ, còn y cúp đuôi chạy mất tiêu đâu rồi. Cái đó gọi là kế Kim Thiền Thoát Xác.

Ngô trưởng lão giơ tay đấm một cái thật mạnh lên bàn, chửi liền:

- Thoát cái mả mẹ ngươi chứ Kim Thiền với chả Kim Thiền. Kiều Phong là hạng người như thế nào mà lại nói ra rồi không giữ lời cơ chứ?

Hướng Vọng Hải bị y chửi mặt đỏ tía tai, giận dữ đáp:

- Ngươi định bênh Kiều Phong đấy hả? Hướng mỗ đây nhất định không chịu, có giỏi ra đây hai đứa thử một keo cho biết.

Ngô trưởng lão nghe nói Kiều Phong giết cha, giết mẹ, giết sư phụ rồi lại đại náo chùa Thiếu Lâm, trong lòng hết sức uất ức, bụng nóng như thiêu, chưa biết đổ lên đầu ai, gã Hướng Vọng Hải này lại ở đâu nhảy ra khiêu chiến, quả thật cầu còn chưa được. Y lạng người một cái, nhảy vọt ngay vào đình viện trước sảnh, lớn tiếng nói:

- Kiều Phong là cẩu chủng Khất Đan hay đường đường là người Hán, lúc này đã ai biết chắc đâu? Nếu quả y là Khất Đan Hồ Lỗ, Ngô mỗ sẽ là người đầu tiên sống mái với y. Muốn giết Kiều Phong đến thứ một nghìn cũng chưa đến lượt thằng khốn kiếp kia. Ngươi là cái giống gì mà đến đây rức lác ỏm tỏi, thoát cái vỏ ve sầu thối con bà ngươi ấy à? Vác xác lại đây để ông dạy cho mày một trận.

Hướng Vọng Hải vốn dĩ đã tím mặt rồi, nghe roạt một tiếng rút ngay đơn đao ra khỏi bao, nhìn đến binh khí lập tức nhớ đến tờ giấy có ghi "Kiều Phong bái thượng", không khỏi ngẩn ngơ. Du Ký vội can:

- Hai vị đều là tân khách của Du mỗ, xin nể mặt họ Du này, đừng để mất hòa khí.

Từ trưởng lão cũng nói:

- Ngô huynh đệ, hành sự không nên ngang ngược, phải giữ thanh danh cho bản bang.

Trong đám người bỗng dưng có kẻ nào đó lẩm bẩm nói:

- Cái Bang có được một nhân vật như Kiều Phong, thanh danh quả là lừng lẫy, phải cố làm sao giữ cho chu toàn.

Quần hào Cái Bang nghe nói thế, ai nấy lao xao quát hỏi:

- Đứa nào nói gì thế?

- Có giỏi thì thò mặt ra, trốn trong đám đông có gì là hảo hán?

- Thằng chó đẻ khốn kiếp nào đó?

Kẻ kia nói xong câu đó rồi im bặt nên chẳng ai biết đó là người nào. Bọn Cái Bang bị người ta mỉa mai phúng thích ai nấy cực kỳ bực tức nhưng vì không kiếm ra thủ phạm nên cũng đành chịu chẳng làm sao hơn. Cái Bang tuy là đệ nhất đại bang trên giang hồ nhưng bang chúng đều là dân bị gậy, có biết gì là lễ nghĩa đâu nên kẻ thì chửi rủa, có người lại lôi tổ tông mười tám đời ra mà réo.

Tiết Thần Y nhíu mày nói:

- Các vị tạm nén giận, nghe lão hủ nói một lời.

Người trong Cái Bang nghe thế mới dần dần dịu lại. Trong đám người bỗng lại nghe một giọng lạnh tanh:

- Giỏi thật, Kiều Phong phái bao nhiêu là tay lợi hại như thế đến nằm vùng, thể nào mình chẳng được coi một màn tuồng thật hay.

Bọn Ngô trưởng lão nghe nói thế lại càng bực tức, loạt soạt liên tiếp, ánh sáng lập lòe, rất đông người đã rút binh khí ra cầm trên tay. Các tân khách lại tưởng Cái Bang sắp giở trò gì nên cũng vội lấy võ khí, tiếng quát tháo la ó rầm rầm như chợ vỡ. Tiết Thần Y và Anh em nhà họ Du vội vàng khuyên nhủ mọi người bình tâm nhưng tiếng của ba người chỉ càng làm đại sảnh thêm huyên náo.

Trong khi mọi người còn đang nhốn nháo, một người quản gia lại chạy vào đến bên cạnh Du Ký, ghé tai nói nhỏ mấy câu. Du Ký mặt liền biến sắc, hỏi lại gì đó. Gã quản gia chỉ về phía cửa, trên mặt đầy vẻ kinh hãi lẫn ngạc nhiên. Du Ký lại nói thầm với Tiết Thần Y một câu, mặt Tiết Thần Y cũng lập tức thay đổi. Du Câu đến bên cạnh anh, Du Ký cũng nói với y một câu, Du Câu cũng xem chừng hoảng hốt. Cứ thế một người truyền ra hai, hai người truyền ra bốn, bốn truyền ra tám càng lúc càng nhanh, chỉ trong giây lát tất cả đại sảnh đều lặng yên không một tiếng động. Tất cả người nào người nấy đều nghe cùng một câu:

- Kiều Phong bái trang!

Tiết Thần Y quay sang nhìn anh em họ Du gật đầu, lại quay sang Huyền Nạn, Huyền Tịch hai nhà sư liếc một cái nói:

- Xin mời vào!

Gã quản gia kia liền quay người hấp tấp đi ra.

Quần hào ai nấy trống ngực đánh thình thình, tuy biết rằng bên mình người đông thế mạnh, tất cả cùng xông cả lên thì chỉ chớp mắt đã băm vằm Kiều Phong ra thành trăm mảnh nhưng người đó uy danh không phải nhỏ, một mình đến đây, hiển nhiên hữu thị vô khủng(19.7) không đoán được ngoài ra y còn có âm mưu gì khác.

Tất cả yên lặng đợi chờ, chỉ nghe tiếng vó lộp cộp cùng tiếng bánh xe nghiến trên đường đá lào xào, một cỗ xe lừa chậm rãi vượt qua đại môn tiến thẳng vào trong. Hai anh em họ Du nhíu tít đôi lông mày, xem chừng kẻ kia không hề úy kị, cực kỳ vô lễ.

Lại nghe lạch cạch mấy tiếng, chiếc thùng xe đã vượt qua ngạch cửa, ngồi tại vị trí đánh xe là một đại hán roi cầm trong tay. Chiếc xe lừa màn che phủ xuống, không biết bên trong có chứa những gì, nhưng quần hào không hẹn mà cùng đăm đăm nhìn vào xa phu.

Người đó mặt vuông thân hình cao to, vai rộng ngực nở, ánh mắt đầu mày không giận mà đầy vẻ uy nghiêm(19.8) chính là tiền nhiệm bang chủ Cái Bang Kiều Phong.

Kiều Phong để chiếc roi nơi chỗ ngồi, xuống xe ôm quyền thi lễ nói:

- Đã nghe Tiết Thần Y cùng Du thị huynh đệ thiết anh hùng đại yến tại Tụ Hiền Trang, Kiều mỗ chẳng được dự phần hào kiệt Trung Nguyên nên nào dám mặt dạn mày dày đến dự. Chỉ vì hôm nay có việc gấp phải đến cầu Tiết Thần Y nên mạo muộn tới đây, mong được thứ tội.

Nòi xong vái một cái thật sâu, thần thái cực kỳ cung kính. Kiều Phong càng tỏ ra lễ mạo, mọi người càng tin là ông đã an bài âm mưu ngụy kế. Du Câu vẫy tay một cái, bốn tên môn hạ đệ tử lẳng lặng lẻn ra xem xét trước sau trang viện xem có gì khác lạ. Tiết Thần Y chắp tay đáp lễ nói:

- Kiều huynh có chuyện gì khiến tại hạ phải lập công?

Kiều Phong lùi lại hai bước, vén chiếc màn xe, đưa tay đỡ A Châu ra nói:

- Chỉ vì tại hạ hành sự lỗ mãng khiến cho tiểu cô nương này bị trúng phải chưởng lực của người khác nên bị trọng thương. Trên đời này ngoài Tiết Thần Y ra, không ai có thể chữa nổi nên đành mạo muội chạy đến đây xin thần y cứu mạng.

Quần hào khi thấy chiếc xe lừa bụng đầy nghi hoặc, đoán già đoán non, bên trong phải có điều gì quỉ quái, kẻ thì cho rằng chứa độc dược thuốc súng, người thì tưởng độc xà mãnh thú chi đây, hoặc giả cha mẹ vợ con của Tiết Thần Y bị Kiều Phong bắt được đem đến làm con tin, không ai dám ngờ đây chỉ là một cô gái mười sáu, mười bảy đưa đến nhờ trị thương thành ra ai nấy đều kinh ngạc.

Thiếu nữ mặc áo màu vàng nhạt, gò má nhô cao quả thực khó coi. Thì ra A Châu nghĩ rằng nhà Mộ Dung có rất nhiều ân oán giang hồ, nếu vị Tiết Thần Y kia biết được lai lịch có khi không chịu chữa thành thử ở Hứa Gia Tập mua quần áo, ngồi trong xe sửa đổi dung mạo, chỉ vì thầy thuốc ắt phải xem mạch coi bệnh, giả thành đàn ông hoặc đàn bà trung niên thì không xong.

Tiết Thần Y nghe ông nói mấy lời đó, quả thật ra ngoài dự liệu. Trong đời ông, việc thiên hạ đường xa vạn dặm chạy đến cầu chữa bệnh là chuyện hết sức bình thường, ngày nào gần như cũng có, thế nhưng ở đây mọi người đang toan tính việc bắt giết Kiều Phong thì kẻ hung đồ vô ác bất tác, thần nhân cộng phẫn kia lại tự nhiên đến nạp mạng, khiến cho khó có ai tin nổi.

Tiết Thần Y đưa mắt nhìn trên nhìn dưới tính toán xem A Châu xem hạng người nào, thấy nàng dung mạo xấu xí, còn ít tuổi, Kiều Phong không thể nào bị sắc đẹp của đứa trẻ con đó làm cho mê hoặc. Ông ta đột nhiên tự hỏi: "Hay cô gái này là em y chăng? Hừ, không thể được, đến cha mẹ cùng thầy dạy y còn hạ độc thủ, lẽ nào lại vì đứa em gái mà mạo hiểm cái vạ sát thân. Không lẽ đây là con gái y? Thế nhưng có nghe nói gì về việc y lấy vợ đâu?"

Ông ta tinh thông y đạo, thể chất hình mạo dù ai cũng chỉ trông qua là biết ngay có gì đặc biệt, thấy Kiều Phong và A Châu hai người, một người tráng kiện to cao, người kia yểu điệu ốm yếu, không có chút nào tương tự, xem ra không có máu mủ ruột thịt gì. Ông hơi trầm ngâm, hỏi lại:

- Cô nương này tôn tính là gì? Có liên hệ gì với các hạ chăng?

Kiều Phong ngỡ ngàng, ông từ khi biết A Châu(19.9) chỉ biết gọi nàng là A Châu, không biết có phải họ Châu hay không, bèn quay lại hỏi:

- Cô họ Châu phải không nhỉ?

A Châu mỉm cười đáp:

- Tôi họ Nguyễn.

Kiều Phong gật đầu nói:

- Tiết Thần Y, thì ra cô ta họ Nguyễn. Tới lúc này tôi mới biết.

Tiết Thần Y lại càng kỳ quái, hỏi thêm:

- Nếu như thế, các hạ và cô nương này không phải chỗ thâm giao?

Kiều Phong đáp:

- Cô ta là a hoàn của một vị bằng hữu.

Tiết Thần Y nói:

- Thế vị bằng hữu của các hạ là ai? Ắt hẳn hai người tình như cốt nhục, nếu không đâu có lẽ nào quí nhau đến thế.

Kiều Phong lắc đầu:

- Vị bằng hữu đó tại hạ chỉ mới thần giao, trước nay chưa hề gặp mặt.

Ông vừa nói câu đó ra, quần hào trong sảnh ai nấy "ồ" lên một tiếng. Có đến quá nửa số người không tin trên đời có chuyện như thế, chẳng qua ông chỉ lấy cớ để làm trò quỉ quái gì đây. Thế nhưng cũng lắm người biết Kiều Phong xưa nay không hề nói láo nên dẫu đã có những hành vi tàn nhẫn ác độc nhưng tự trọng thân phận lẽ nào lại công khai dối trá đánh lừa người ta.

Tiết Thần Y giơ tay ra bắt mạch cho A Châu, thấy nàng mạch nhảy rất yếu nhưng trong người lại có chân khí thúc đẩy, hai đằng không tương xứng chút nào, đưa tay bắt thêm mạch bên trái, hiểu ngay lý do, quay sang nói với Kiều Phong:

- Vị cô nương này nếu chẳng nhờ có linh dược trị thương của Đàm công Thái Hàng Sơn, lại được các hạ dùng nội lực tục mệnh thì đã chết vì Đại Kim Cương chưởng lực của Huyền Từ đại sư từ lâu rồi.

Quần hùng nghe thế lập tức rúng động. Đàm công, Đàm bà mặt mày ngơ ngác nghĩ thầm: "Cô ta sao lại có được linh dược trị thương của chúng ta?" Huyền Nạn, Huyền Tịch nhị tăng lại càng lạ lùng, bụng bảo dạ: "Phương trượng sư huynh có khi nào lại dùng Đại Kim Cương Chưởng đánh một cô gái nhỏ bao giờ? Nếu quả thực cô ta trúng phải chưởng lực của sư huynh thì làm sao còn sống cho được?" Huyền Nạn nói:

- Tiết cư sĩ, phương trượng sư huynh của chúng tôi mấy năm qua chưa hề ra khỏi chùa, mà chùa Thiếu Lâm xưa nay không cho đàn bà con gái vào thăm, môn Đại Kim Cương Chưởng này quyết không phải do sư huynh chúng tôi hạ thủ.

Tiết Thần Y nhíu mày nói:

- Trên đời này lẽ nào còn có ai khác biết sử dụng Đại Kim Cương Chưởng?

Huyền Nạn, Huyền Tịch lặng thinh không đáp. Hai người ở trong chùa Thiếu Lâm đã mấy chục năm nay, cùng với Huyền Từ học chung một thầy, dụng công không phải không cần, dụng tâm không phải không khổ, thế nhưng chỉ vì thiên tư hữu hạn môn Đại Kim Cương Chưởng này vẫn không sao luyện thành.

Hai người không vì thế mà tiếc nuối, biết rằng phái Thiếu Lâm hàng trăm năm mới có một kỳ tài luyện được chưởng pháp này. Cũng may là yếu quyết luyện công các loại đều được các cao tăng đời trước ghi chú kỹ càng trong võ kinh, thành thử có khi cả chùa không ai luyện được nhưng tuyệt kỹ đó không thất truyền.

Huyền Tịch định hỏi: "Có quả thực cô ta trúng phải Kim Cương Chưởng hay chăng?" nhưng lời vừa ra đến cửa miệng liền cố nén lại, vì câu hỏi đó đưa ra có khác gì nghi ngờ y đạo của Tiết Thần Y, như vậy quả là đại bất kính nên quay sang hỏi Kiều Phong:

- Đêm hôm qua ông lẻn vào chùa Thiếu Lâm giết hại sư huynh ta là Huyền Khổ đã thử đỡ một Đại Kim Cương Chưởng của sư huynh ta. Chưởng đó nếu đánh vào tiểu cô nương thì còn làm sao sống được?

Kiều Phong lắc đầu:

- Huyền Khổ đại sư là ân sư của tại hạ, đại ân của sư phụ chưa báo đáp được, Kiều mỗ thà phải bỏ mình cũng chẳng dám động một ngón tay vào ân sư.

Huyền Tịch giận dữ nói:

- Ngươi còn chối nữa chăng? Thế còn việc ngươi bắt cóc nhà sư Thiếu Lâm thì sao? Việc đó không lẽ cũng không phải ngươi làm?

Kiều Phong nghĩ thầm: "Nhà sư Thiếu Lâm kia ta bắt cóc đang ở ngay trước mặt chứ đâu" bèn nói:

- Đại sư bảo mỗ bắt cóc một cao tăng chùa Thiếu Lâm, thế vị đại sư đó là ai thế?

Huyền Tịch và Huyền Nạn hai người nhìn nhau, ấp a ấp úng không ai nói được. Đêm hôm qua, Huyền Từ, Huyền Tịch, Huyền Nạn ba người hợp kích Kiều Phong, nhưng ông ta chạy thoát được, quả thực thấy ông ta bắt theo một nhà sư thế nhưng sau kiểm tra tăng chúng thì lại không thiếu một ai, việc đó quả là quái lạ, suy nghĩ mãi cũng không ra.

Tiết Thần Y xen vào:

- Kiều huynh một thân một mình, đêm qua vào chùa Thiếu Lâm mà không tổn một sợi lông, sợi tóc, lại còn bắt được một vị cao tăng đem đi, quả thật là lạ. Trong đó ắt có điều gì khác lạ, những điều ông nói ra hẳn có điều chưa nói hết, chưa nói thật.

Kiều Phong đáp:

- Huyền Khổ đại sư không phải do tại hạ làm hại, mà đêm hôm qua tại hạ cũng chẳng bắt một vị cao tăng trong chùa ra. Các vị có nhiều điều chưa rõ ràng, tại hạ cũng có nhiều điều còn thắc mắc.

Huyền Nạn nói:

- Nói gì thì nói, tiểu cô nương này không thể do phương trượng sư huynh chúng ta đả thương. Phương trượng sư huynh là một cao tăng hữu đạo, địa vị chưởng môn một phái, lẽ nào lại ra tay đánh một cô bé con? Dù tiểu cô nương đây có muôn vàn chuyện sai quấy thì sư huynh chúng ta cũng không chấp nhất.

Kiều Phong trong bụng nảy ra một ý: "Hai nhà sư này kiên quyết không chịu nhận rằng A Châu bị Huyền Từ phương trượng đả thương thì lại càng tốt. Nếu không, Tiết Thần Y nể mặt phái Thiếu Lâm sẽ không chịu chữa bệnh cho cô ta." Ông thuận nước đẩy thuyền liền tiếp:

- Đúng đó, Huyền Từ phương trượng lòng dạ từ bi, quyết không thể nào ra tay hại một tiểu cô nương như thế. Chắc hẳn có kẻ nào mạo xưng cao tăng chùa Thiếu Lâm, khích bác xúi bẩy ra tay đánh người bừa bãi.

Huyền Tịch và Huyền Nạn nhìn nhau, chầm chậm gật đầu bụng nghĩ: "Gã Kiều Phong kia tuy gian ác thật nhưng mấy câu này quả là hữu lý." A Châu trong lòng cười thầm: "Kiều đại gia nói không câu nào sai cả, quả là có người mạo xưng làm sư chùa Thiếu Lâm, khích bác xúi bẩy ra tay đánh người bừa bãi. Thế nhưng nào có phải mạo xưng Huyền Từ phương trượng mà là nhà sư Chỉ Thanh." Thế nhưng Huyền Tịch, Huyền Nạn, Tiết Thần Y và những người khác làm sao đoán ra được những ẩn ý trong câu nói đó.

Tiết Thần Y nghe thấy Huyền Tịch, Huyền Nạn hai vị cao tăng cùng quả quyết như thế ắt hẳn không sai liền nói:

- Thì ra trên đời này cũng còn có người khác biết sử dụng Đại Kim Cương Chưởng. Người đó khi ra tay bị vật gì chắn đỡ nên chưởng lực mười phần bị tiêu giảm đến bảy tám cho nên Nguyễn cô nương mới không chết ngay tại chỗ. Người này chưởng lực hùng hồn, xem ra cũng ngang ngửa với Huyền Từ phương trượng.

Kiều Phong trong lòng bội phục: "Quả thực chưởng của Huyền Từ phương trượng bị ta dùng tấm gương đồng chặn lại, làm tiêu giảm quá nửa chưởng lực. Vị Tiết Thần Y này quả là y đạo như thần, chỉ mới bắt mạch A Châu không thôi đã nói được tình hình hai bên ra chiêu động thủ không sai một mảy, xem ra ông ta quả có tài trị bệnh cho A Châu." Ông nghĩ thế mặt lộ vẻ vui mừng nói:

- Nếu vị tiểu cô nương này chết vì chưởng lực Đại Kim Cương thì thanh danh của phái Thiếu Lâm thể nào cũng bị hoen ố, xin Tiết Thần Y mở dạ từ bi.

Nói xong ông vái một cái thật dài. Huyền Tịch không đợi Tiết Thần Y trả lời, hỏi A Châu:

- Ra tay đả thương cô nương là ai thế? Thí chủ bị thương ở địa phương nào? Người đó bây giờ đang ở đâu?

Ông ta cố bảo toàn thanh danh của phái Thiếu Lâm, lại tưởng trên đời nếu quả có người biết sử dụng Đại Kim Cương Chưởng thì phải hỏi cho ra lẽ, tới nơi tới chốn. Thiên tính A Châu cực kỳ ngang bướng đâu có phải như Kiều Phong câu nào cũng phải mực thước chín chắn, còn nàng nói năng trên trời dưới đất, qua lại vặn vẹo như cơm bữa, trong lòng tính toán: "Những nhà sư này đều ngại công tử nhà ta, chi bằng nói ra cho bọn họ sợ một mẻ." Nàng liền nói:

- Người đó là một thanh niên công tử, tướng mạo thật tiêu sái anh tuấn, tuổi chừng hăm tám hăm chín. Tiểu nữ đang cùng Kiều đại gia ở trong khách điếm đàm luận y thuật xuất thần nhập hóa của Tiết Thần Y, không nói gì đời nay không ai sánh kịp mà phải nói là không tiền tuyệt hậu, tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả, đến cả thần tiên trên trời cũng chưa bằng...

Ở đời có ai lại không ưa nghe người khác nịnh mình, Tiết Thần Y từ trước đến nay nghe không biết bao nhiêu người tán dương xưng tụng nhưng thanh âm líu lo réo rắt từ miệng một thiếu nữ thì đây mới là lần đầu, huống chi nàng lại hết sức khoa trương khiến cho người thầy thuốc nghe mà bất giác vuốt râu mỉm cười. Kiều Phong nghe vậy lại nhíu mày: "Làm gì có chuyện đó? Con nhãi con này chỉ giỏi ba hoa thiên địa."

A Châu lại tiếp:

- Khi đó tiểu nữ mới nói rằng: "Nếu trên đời này có một người như vị Tiết Thần Y kia, chúng mình việc gì phải học võ làm chi?" Kiều đại gia mới hỏi: "Sao lại thế?" Tiểu nữ đáp: "Đánh chết ai Tiết Thần Y đều cứu sống lại được, thế thì luyện quyền học kiếm có ích gì đâu? Ông giết một người thì ông ta cứu một người, ông giết hai người thì ông ta cứu cả đôi thế có phải là công toi hay sao?"

Nàng lanh mồm lanh miệng, thanh âm réo rắt, tuy đang bị trọng thương lại bắt chước thổ âm Tứ Xuyên của bọn phái Thanh Thành, nhưng những lời nàng nói ra nghe trong như tiếng trân châu rơi trên mâm ngọc, thật là dễ nghe. Mọi người ai nấy đều hoan hỉ, có kẻ lại bật cười thành tiếng.

Thế nhưng A Châu không cười vẫn tiếp tục:

- Ngồi gần bên có một gã công tử từ nãy đến giờ chỉ ngồi nghe chúng tôi nói chuyện, đột nhiên cười khẩy nói: "Chưởng lực trong thiên hạ đa số nhẹ như bông không có sức nên gã thầy lang họ Tiết kia mới có được cái hư danh. Để ta đánh một chưởng xem y có trị khỏi không nào?" Y vừa nói xong liền nhắm ngay tôi lăng không đánh tới. Tiểu nữ thấy mình cách xa y đến mấy trượng, lại tưởng y thuận mồm nói chơi nên cũng không để ý. Kiều đại gia kinh hãi...

Huyền Tịch hỏi lại:

- Thế y giơ chưởng ra đỡ hay sao?

A Châu lắc đầu:

- Không phải. Nếu như Kiều đại gia giơ chưởng ra đỡ thì gã thanh niên kia làm sao đánh trúng tôi được. Kiều đại gia cách tiểu nữ thật xa, không lại cứu kịp, vội nhặt một chiếc ghế ném ngang qua. Kình lực của ông ta sử dụng thật là chính xác, chỉ nghe lách cách mấy tiếng, chiếc ghế đã bị Phách Không Chưởng của người thanh niên kia đánh tan nát. Gã công tử khẩu âm nghe ngọt ngào giọng Tô Châu ngờ đâu công phu lại chẳng dịu ngọt chút nào. Tiểu nữ chỉ thấy người nhẹ lâng lâng, tưởng chừng như bay vào trong đám mây không còn một chút lực khí nào nữa. Lại nghe gã công tử kia nói: "Ngươi đến bảo Tiết Thần Y lục lọi thêm sách thuốc, luyện tập thêm một bậc nữa để sau này chữa cho Huyền Từ đại sư khỏi phải luống cuống."

Huyền Nạn cau mặt hỏi:

- Y nói thế là có ý gì?

A Châu đáp:

- Y dường như muốn nói, sau này y sẽ dùng Đại Kim Cương Chưởng đả thương Huyền Từ đại sư.

Quần hùng ai nấy kêu lên kinh ngạc, có kẻ buột miệng:

- Dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân.

Có người lại nói:

- Quả nhiên là Cô Tô Mộ Dung.

Sở dĩ nói "quả nhiên" chứng tỏ y đã liệu được trước là ai rồi. Có ai biết đâu A Châu đã đổ oan cho Mộ Dung công tử gây chuyện với phái Thiếu Lâm, nhưng sớm muộn gì hai bên cũng sẽ tranh chấp nên mới thổi phồng để dọa họ một phen tăng gia uy phong cho chủ mình.

Du Câu liền nói:

- Kiều huynh vừa nói có người mạo xưng cao tăng phái Thiếu Lâm, khích bác xúi bẩy, đả thương cô nương này. Thế nhưng cô nương đây lại bảo rằng người đả thương cô ta là một thanh niên công tử, vậy thì hai người ai nói thật?

A Châu vội đáp:

- Nói về kẻ mạo xưng cao tăng chùa Thiếu Lâm thì quả là có. Chính mắt tôi thấy có hai người tự nhận là sư chùa Thiếu Lâm đi ăn trộm của nhà người ta một con chó mực, làm thịt ăn.

Nàng biết mình nói láo bị lộ tẩy nên vội nói trớ ra, đổi qua đề tài khác. Tiết Thần Y biết lời nàng không hoàn toàn là thực, nên cũng chưa biết mình có nên chữa thương cho cô ta hay không, quay sang nhìn Huyền Tịch, Huyền Nạn rồi lại đưa mắt nhìn Du Ký, Du Câu, sau đó nhìn Kiều Phong và A Châu ngẫm nghĩ. Kiều Phong nói:

- Tiết tiên sinh hôm nay cứu mạng cho cô nương này, Kiều Phong ngày sau không dám quên đại đức đó.

Tiết Thần Y cười khẩy mấy tiếng nói:

- Ngày sau không dám quên đại đức ư? Không lẽ hôm nay ngươi còn tin rằng mình sẽ sống mà ra khỏi Tụ Hiền Trang này được chăng?

Kiều Phong đáp:

- Thì sống mà ra được cũng hay, có chết mà ra được cũng hay, hai đằng cũng không khác nhau mấy tí. Thương thế của cô nương này xin thần y mở lòng chữa trị cho.

Tiết Thần Y lạnh nhạt hỏi lại:

- Vì cớ gì ta phải trị thương cho cô ta?

Kiều Phong đáp:

- Người đời có câu: "Dù xây chín đợt phù đồ, Sao bằng làm phúc cứu cho một người." Tiết tiên sinh đã nổi tiếng về công đức trong võ lâm, không lẽ thấy một cô gái vô tội chết oan như thế này lại không nổi lòng trắc ẩn hay sao?

Tiết Thần Y đáp:

- Dù bất cứ ai đem cô gái này lại ta cũng chữa. Hừ, còn ngươi đem lại đây thì ta không chữa.

Kiều Phong biến sắc, buồn bã nói:

- Các vị hôm nay quần tập tại Tụ Hiền Trang, hẳn là để thương nghị đối phó với Kiều mỗ, họ Kiều này không lẽ không biết hay sao?

A Châu xen vào:

- Chao ôi! Kiều đại gia, nếu thế hóa ra ông đã vì thiếp mà không ngại mạo hiểm đến đây đấy ư?

Kiều Phong đáp:

- Ta tưởng các vị đều là đường đường trượng phu, thị phi phân minh, có giết thì cũng chỉ giết một mình Kiều Phong chứ tiểu cô nương này có liên quan gì đâu? Tiết tiên sinh nếu đem lòng thống hận Kiều mỗ trút lên đầu Nguyễn cô nương có phải là giận cá chém thớt hay sao?

Tiết Thần Y bị ông nói cứng họng không trả lời được, một lát sau mới nói:

- Chữa hay không chưa bệnh cho ai là do ta vui buồn giận ghét chứ có phải người ngoài cưỡng cầu mà được đâu? Kiều Phong, ngươi tội đại ác cực, bọn ta đang toan tính vây bắt ngươi để băm vằm ra đem tế cha mẹ, sư phụ. Ngươi tự mình vác xác tới đây, quả thật tốt quá. Ngươi nên tự xử đi là hơn.

Ông ta nói tới đây tay phải liền phất một cái, quần hùng cùng lên tiếng reo lên, binh khí rút ra kêu loảng xoảng. Trong đại sảnh ánh sáp lấp lánh lóa cả mắt, dường như đủ loại trường đao đoản kiếm, song phủ đơn tiên đều có cả. Kế đó lại có tiếng lao xao ở trên cao, mái nhà góc chái đâu đâu cũng có người cầm binh khí chặn giữ mọi ngả.

Mục lục
Ngày đăng: 15/07/2015
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Ludo Saga - Cờ cá ngựa hay nhất hành tinh

Mục lục