Gửi bài:

Chương 04.3

Trong thời gian gần một năm, cô chưa từng ăn một bữa cơm ngon lành cùng bố mẹ, bố mẹ cũng đã lâu không cười trước mặtcô. Bố lấy trà thay rượu, Phổ Hoa và mẹ nâng chén trà, chúc mừng cô đỗ vào lớp trọng điểm của khối mười một.

Sau bữa cơm này, ba người nhà họ Diệp đã đạt được mục đích bước đầu, Phổ Hoa học tự nhiên, sau đó bố mẹ ký tên xác nhận, Phổ Hoa điền vào bảng nguyện vọng chọn ban của mình. Thành tích kỳ thi cuối kỳ và bảng xếp hạng rất nhanh liền có, ba học sinh ưu tú được chọn làm cán bộ lớp cũng đã được xác định trong cùng một ngày, nhưng những việc này đều không liên quan tới Phổ Hoa.

Phổ Hoa cầm bảng xếp hạng, cô nhất thời có chút sửng sốt, thấp hơn dự đoán rất nhiều, lại cùng điểm với Cầu Nhân, xếp trong mấy thứ hạng cuối của lớp. Chủ nhiệm tìm Phổ Hoa, qua thảo luận với các giáo viên bộ môn, đề xuất cô suy nghĩ lại việc chọn ban tự nhiên.

Mức thay đổi lớn như vậy khiến Phổ Hoa thực sự trở tay không kịp. Buổi trưa, cô và Quyên Quyên bàn bạc trên tầng thượng cũng không có kết quả.

Buổi tối,cô ngồi trên giường rút thăm, chọn năm trong tám, có bốn cái đều là ban xã hội. Cô tính điểm số không được lý tưởng trên bảng thành tích, dùng bút chì mô phỏng chữ ký của mẹ, sau lại xóa, nằm trên giường vẫn chưa có chủ ý của riêng mình.

Hôm hết hạn nộp bảng nguyện vọng, tan học Phổ Hoa bất ngờ thấy mẹ đợi ở cổng trường. Từ khi học tiểu học, trừ năm lớp một, mẹ chưa bao giờ đến đón Phổ Hoa. Bà hiếm khi mặc một bộ quần áo trịnh trọng như vậy, chiếc váy là trong lễ biểu dương của xưởng hồi xưa Phổ Hoa mới thấy bà lôi ra mặc. Điềukhác nhất là vẻ mặt mẹ, lờ mờ ẩn giấu chuyện gì đó.

Mẹ đưa cô về chỗ bố, bố đã làm một bàn thức ăn ngồi đợi, trong đó có vài món Phổ Hoa rất thích nhưng phải đợi dịp lễ tết mới được ăn, thậm chí bố còn gói bánh sủi cảo, đặt một bát giữa bàn.

Ba người ngồi vào vị trí quen thuộc quanh bàn, Phổ Hoa trấn tĩnh tinh thần, cố mỉm cười, tay cầm đũa bất giác hơi run. Bữa cơm này rất lặng lẽ, ngoài chiếc ti vi trong phòng khách đang phát tin tức buổi tối, ba người đều không nói chuyện. Bố mẹ thay phiên nhau gắp thức ăn, múc canh cho cô, đợi tin tức tối phát xong, trong phòng chỉ còn tiếng đũa bát chạm vào nhau.

Đúng tám giờ, thu dọn nhà bếp xong, bố gọi Phổ Hoa vào phòng khách. Mẹ ngồi ở vị trí thường ngày, Phổ Hoa đứng giữa hai người. Bố rút ra một phong thư từ trong túi, đặt trên bàn đẩy tới trước mặt Phổ Hoa.

"Hoa Hoa, cái này cho con".

Phổ Hoa bước lên trước mở phong thư ra, trong đó là năm trăm tệ. Cô không hiểu tiền này là thế nào, cũng không dám cầm, sợ hãi vòng tay ra sau lưng.

"Hoa Hoa, bây giờ, ban tự nhiên và xã hội cũng đã chọn xong, hai năm sau còn một chặng đường rất dài, tự con phải cố gắng, bố mẹ không giúp con được nhiều, chúng ta quả tình không theo kịp thời đại rồi. Giờ con cũng sắp mười sáu tuổi rồi, học lớp mười một coi như đứa trẻ lớn, có vài chuyện cha mẹ không định giấu con nữa, chỉ hy vọng không ảnh hưởng tới thành tích và việc học sau nàycủa con". Mẹ nhìn bố một cái, lại đẩy phong thư ra, "Hoa Hoa, bố và mẹ ... đã quyết định chia tay, hôm nay chính thức nói cho con biết. Sau này, con sống với mẹ ở nhà ông ngoại, khi nào muốn gặp có thể qua thăm. Sắp nghỉ hè rồi, tự con thu dọn đi nhé, chuyển quần áo và sách thường dùng đi".

Trong đầu Phổ Hoa "ầm" một tiếng, cả người lảo đảo, tưởng mình nghe nhầm. Bố nhét phong thư vào tay Phổ Hoa, vỗ vỗ mu bàn tay cô, "Cầm đi con, có việc thì về đây, bố..." nói tới một nửa, cuối cùng bố nghẹn ngào rời phòng khách. Bố lẻ loi đứng trên ban công không trở lại, bóng lưng bố không còn khỏe mạnh như cô vẫn quen thuộc và dựa dẫm nữa, xem ra bố đã già rồi, không chỉ đơn giản là tóc bạc.

Mẹ bước tới xoa đầu Phổ Hoa, ôm cô vào lòng, cô ngây ngốc đứng nghe lời an ủi rập khuôn của mẹ. Bức thư và số tiền trong tay đều rơi xuống đất. Tối đó, Phổ Hoa và mẹ chen chúc trên chiếc giường nhỏ của cô, sau khi tắt đèn,trong bóng tối mẹ kéo tay cô, cô láng máng nghe thấy tiếng nghẹn ngào của mẹ, buông tay xoay người nằm quay lưng với mẹ, nhắm mắt cũng không thể nào ngủ nổi.

Sáng hôm sau, bố mẹ chưa dậy, Phổ Hoa đã thu dọn cặp sách ra khỏi nhà, đạp xe tới nhà ông ngoại, gom hết quần áo và sách bình thường để bên đó vào trong một cái túi, trước khi ra khỏi cửa lại xin ông ngoại hai mươi tệ.

Cô không đi học mà mang túi quần áo, sách vở, đạp xe từ nhà ông ngoại về con ngõ nhỏ nhà mình, lại đạp từ nhà mình về ngõ nhà ông ngoại. Buổi trưa cô đạp xe đến mệt, trở lại trường dùng số tiền hai mươi tệ mua hai mươi cốc phô mai ở cửa hàng Kiến Nhất, đến ven hồ, nhìn hồ nước đọng, cô chảy nước mắt ăn từng miếng lớn. Cuộc đời vốn nên chua ngọt giống phô mai, nhưng cuộc đời cô lại đổi vị, cô bất lực trước mọi thứ xảy ra trước mắt, chỉ có thể nuốt nghẹn vị chua ngọt, nếm nước mắt của chính mình.

Trước khi nghỉ hè, Phổ Hoa giấu người lớn điền vào bảng nguyện vọng chọn ban xã hội, tuy có đi ngược với ước nguyện ban đầu của cô nhưng giây phút cuối cùng giao nộp bảng nguyện vọng, cô cảm thấy không nên hối hận. Cuộc sống trước kia đều là người khác lựa chọn cho cô, lần này cô muốn lựa chọn một lần vì mình.

Bảng phân lớp phát xuống đúng hôm nghỉ hè, Phổ Hoa cầm bảng danh sách một mình ra khỏi lớp, ngồi trên tầng thượng, nhìn mặt trời chói chang. Ánh nắng gay gắt thiêu đốt toàn thân, cô rút ra những đồng tiền lẻ nóng bừng trong túi, đếm từng tờ, đếm rồi lại quên là bao nhiêu, đằng sau vọng lại tiếng bước chân, có người đứng sau lưng cô, lặng lẽ dùng cơ thể nắng cho cô. Cô ngẩng đầu nhìn vầng thái dương, bướng bỉnh từ chối bóng dáng che phủ ấy, thậm chí giơ tay đẩy cậu ấy, ra hiệu bảo cậu ấy rời đi.

Ánh mặt trời lại thiêu đốt đỉnh đầu cô, cậu ấy lùi lại, lặng lẽ ngồi cách chỗ cô không xa, phơi nắng cùng cô, đưa từng tờ tiền cô trải dưới chân cho cô. Phần lớn thời gian nghỉ hè, Phổ Hoa đều làm thêm ở những nơi được cô của mình giới thiệu, bố gần như đón cô hàng tối, hai bố con cùng từ chỗ làm thêm về nhà, có lúc giải quyết bữa tối ở quán ven đường. Mẹ lại đến nói chuyện với Phổ Hoa vài lần, thử thuyết phục cô cùng tới ở nhà ông ngoại, nhưng đều bị cô từ chối.

Trước khi vào năm học, Phổ Hoa lấy mấy trăm tệ tiền đi làm thêm cộng với tiền mừng tuổi cô cậu cho thành một nghìn tệ đưa bố. Bố xoa đầu con gái nghẹn ngào, bố lấy một chút trong tiền tích lũy bao năm ra, trước khai giảng hai ngày lắp điện thoại cho gia đình.

Đối với nhà họ Diệp khi đó, điện thoại là thứ đồ vô cùng xa xỉ, bố bình thườngv ốn dĩ không cần dùng, lắp điện thoại hoàn toàn là để Phổ Hoa vui vẻ. Ông thấy con gái hàng ngày làm thêm, học tập một cách bình thản, nhưng lại không cảm thấy cô vui vẻ. Điện thoại quả thực khiến Phổ Hoa hưng phấn hai ngày, cuộc điện thoại đầu tiên cô gọi cho ông ngoại, khéo léo nói với mẹ rằng cô muốn ở cùng bố. Sau đó, Phổ Hoa gọi cho Quyên Quyên, còn Kỷ An Vĩnh, tuy thuộc làu số nhà cậu ấy nhưng cuối cùng cô vẫn lựa chọn không gọi.

Kỷ An Vĩnh ủng hộ việc cô chọn ban xã hội, cậu ấy tặng cô một quyển thơ song ngữ Trung - Anh Tuyển tập Tagore để chúc mừng cô, trang bìa phía trong còn trang trọng ký tên cậu ấy. Phổ Hoa bọc bìa thật đẹp, đặt ở chỗ có thể thuận taylấy, học mệt liền mở ra đọc một bài thơ của Tagore.

Cô thích nhất bài Khoảng cách xa nhất trên thế giới, có thể đọc thuộc lòng một đoạn: Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải khoảng cách giữa sự sốngvà cái chết, mà là em đứng trước anh, nhưng anh lại không biết em yêu anh; Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải em đứng trước anh nhưng anh không biết em yêu anh, mà là yêu đến cuồng si nhưng không thể nói rằng em yêu anh;

Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải em không thể nói em yêu anh mà là nhớ anh đến đau thấu tim gan nhưng chỉ có thể giấu sâu vào tận đáy lòng; Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải em không thể nói em nhớ anh mà biết rõ yêu nhau nhưng không thể ở bên nhau; Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải yêu nhau nhưng không thể ở bên nhau, mà là rõ ràng không thể ngăn cản hơi thở này, nhưng phải cố ý giả vờ không chút quan tâm.

Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải rõ ràng không thể ngăn cản hơi thở này, nhưng phải cố ý giả vờ không chút quan tâm, mà là dùng trái tim lạnh lùng, đào một con kênh không thể vượt qua giữa em và người yêu em; Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải khoảng cách giữa cây và cây mà là nhánh cây cùng sinh trưởng trên cùng một gốc nhưng không thể nương tựa vào nhau trước những cơn gió;

Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải những nhánh cây không thể nương tựa vào nhau mà là những vì sao nhìn nhau nhưng không có quỹ đạo gặp gỡ; Khoảng cách xa nhất trên thế gới không phải quỹ đạo giữa các vì sao mà là cho dù có quỹ đạo gặp gỡ thì trong chớp mắt cũng không cách nào tìm kiếm;

Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải trong chớp mắt không cách nào tìm kiếm mà là chưa gặp nhau đã định sẵn không cách nào ở bên nhau; Khoảng cách xa nhất trên thế giới là khoảng cách giữa cá và chim, một con trên trời, một con lại lặn sâu dưới đáy biển.

Khoảng cách giữa cô và Kỷ An Vĩnh rốt cuộc bao xa, là trong chớp mắt không cách nào tìm kiếm? Không có quỹ đạo gặp gỡ? Hay đã định sẵn không cách nào ở bên nhau? Phổ Hoa hiểu, sau này không còn cùng lớp, rất nhiều việc cô kỳ vọng nhưng việc chưa từng xảy ra cuối cùng sẽ không có kết quả.

Cô không có dũng khí để cậu ấy biết, cũng không thể đường đột nói ra. Điều cô có thể làm chính là chờ đợi. Cảm xúc trong bài thơ và hiện thực khiến cô chìm sâu trong sự chờ đợi buồn khổ mà không cách nào tự thoát khỏi, không biết những ngày tháng nhưvậy bao giờ mới kết thúc.

Người phản ứng mạnh nhất đối với việc cô học ban xã hội là Thi Vĩnh Đạo. Hôm cầm bảng thành tích, cậu ấy ngồi bên cô mấy tiếng đồng hồ, cô không quay lại nhìn cậu ấy, không để cậu ấy nhìn thấy cô khóc, cậu ấy cũng không nói gì, gấp tiền lẻ thành con thuyền nhỏ, bảo tháp, máy bay, quần áo, cuối cùng là một trái tim nhàu nhĩ.

Tan học, cậu ấy đạp xe theo cô cả đường, đến nỗi cô đành không về nhà mà đạp xe men theo đường lớn, đi tới nỗi lạc cả đường, dừng bên hồ. Cậu ấy ngồi cùng cô trên bờ, cách một đoạn, luôn luôn canh phòng, hình như cho rằng cô muốn làm việc gì ngu xuẩn. Thực ra, cô chỉ nhặt vài viên đá ném xuống hồ, khiến nước bắn tung tóe. Cậu ấy cũng ném theo, lực ném rất mạnh, bắn cả vào người lạ đang câu cá bên hồ, bị người ta mắng cho vài câu.

"Thi Vĩnh Đạo, cậu muốn làm gì?". Cô không hiểu.

"Sao cậu lại học xã hội!". Cậu ném một đống đá sang bờ bên kia, "Mình không chịu nổi chính trị và lịch sử... làm thế nào...".

Thực ra cậu ấy muốn nói: "Nếu không có hai môn chết tiệt ấy, mình chắc chắn sẽ theo cậu học xã hội!", nhưng cô lại hiểu rằng cậu ta ghét ban xã hội.

"Cậu thực sự... không có tố chất học xã hội!".

Cô rất thẳng thắn nói ra suy nghĩ trong lòng, "Thi Vĩnh Đạo, cậu là thiên tài môn hóa, sau này... đừng lãng phí thời gian đợi mình!".

Cô nói như vậy, cũng làm như vậy, đạp xe vào ngõ nhỏ gần nhất, không ngừng thay đổi phương hướng để cắt đuôi cậu ấy. Tuần nghỉ hè cuối cùng, họ không hề có bất cứ liên hệ nào. Ngoài Quyên Quyên, Phổ Hoa không thân với mọi người trong lớp 10 (6), bao gồm cả Kỷ An Vĩnh. cũng trở nên trầm mặc kiệm lời, quen chìm đắm trong thế giới một mình.

Sau khi những món đồ cuối cùng của lớp 10 (6) chuyển khỏi khu nhà ba tầng, Phổ Hoa chính thức tạm biệt tập thể lớp đã chung sống hai năm, cầm giấy thông báo đi tìm phòng học lớp văn mới trong tòa nhà. Lịch sử truyền thống của trường học là sau lớp mười một thì lớp xã hội và lớp tự nhiên không cùng tầng, Phổ Hoa bị đưa vào lớp 11 (7), vẫn ở tầng cũ, còn lớp 11 (6) được điều lên tầngcao nhất vì là lớp trọng điểm. Điều này có nghĩa là cơ hội gặp mặt càng ít hơn, cho dù cô và Quyên Quyên, Kỷ An Vĩnh hay Thi Vĩnh Đạo. Quyên Quyên hỏi cô: "Cam lòng không?".

Phổ Hoa nói: "Đây có lẽ là việc hay". Phổ Hoa mang theo vầng hào quang thành tích bước gần tới lớp 11 (7), thực ra cũng mang theo nỗi lo sợ và bất an bước vào một môi trường xa lạ. Đa phần học sinh lớp xã hội đều rất nhanh chóng chấp nhận cô, cũng có một bộ phận nhỏ vẫn giữ thái độ xem thường và đố kỵ có ý cô lập cô. Lần thi môn xã hội đầu tiên, Phổ Hoa đứng thứ thứ bảy trong lớp, lần thứ hai đứng thứ ba, lần thứ ba đứng đầu.

Quyên Quyên cảm thấy vui mừng vì sự nở mày nở mặt của cô, đồng thời lại tiếc vì cô đã bỏ ban tự nhiên. Phổ Hoa dẩu môi, không khóc cũng chẳng cười, chỉ nói: "Mình không hối hận".

Nói nhiều như vậy, tự cô cũng đã tin. Học xã hội hay học tự nhiên, ngày tháng cũng như cũ. Vài tuần sau, Quyên Quyên mang đến một lời đồn đại bất ngờ, Kỷ An Vĩnh "lại lần nữa" yêu rồi, mà nhân vật chính lần này lại là Cầu Nhân.

Trong lúc giải lao của trận thi đấu bóng rổ giữa lớp xã hội và lớp tự nhiên, biết được việc như vậy, Phổ Hoa không thể không kinh ngạc, lại muốn bản thân biểu hiện bình tĩnh. Người cô kết bạn trong lớp xã hội - Mộc Hải Anh cũng ngồi bên cạnh, nhưng dường như đã tỏ trong lòng từ lâu. Sự thật chứng minh, tất cả mọi người đều đã biết, chỉ có cô vẫn bị che mắt, không biết chút gì.

Nghỉ giải lao giữa hiệp, Phổ Hoa nhìn xuyên qua mọi người thấy Kỷ An Vĩnh và Cầu Nhân đang nói chuyện ngoài sân, Cầu Nhân chính tay bưng nước khoáng, KỷAn Vĩnh để chiếc khăn lau mồ hôi lên vai cô ấy. Năm đó trong buổi tổng duyệt tiết mục chào mừng ngày Quốc khánh của trường, Phổ Hoa một lần nữa chứng thực lời của Quyên Quyên. Là bạn nhảy, Kỷ An Vĩnh và Cầu Nhân phối hợp ăn ý, cách trao đổi ánh mắt của họ là thứ Phổ Hoa chưa từng nếm thử.

Đọc chán tập thơ của Tagore, Phổ Hoa đổi sang cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, cô mượn của bạn học Tưởng Trung Thiên. Tuổi cô vẫn chưa thể hoàn toàn lĩnh ngộ được tư tưởng trong sách nhưng ngày tháng thực sự như nước chảy vội vã không quay trở lại.

Mộc Hải Anh nói, cả một mùa thu Phổ Hoa đều có chút u buồn không vui, hàng ngày không nề hà phiền phức cầm chìa khóa chạy đi chạy lại giữa hòm thư và lớp học. Cô không làm cán sự môn tiếng Anh nhàn hạ, nhưng lại đảm đương chức cán bộ đời sống. Mỗi lần tay không từ cổng trường trở về, cô như người mất hồn, có thể một mình đi trên hành lang, đứng ngơ ngẩn rất lâu.

Quyên Quyên không ngừng mang đến những chuyện của lớp 11 (6), hy vọngviệc tám chuyện có thể cuốn đi nỗi buồn của Phổ Hoa, ví dụ như Lý Thành Tự đã yêu, Doãn Trình và một người nào đó trong lớp xã hội cũng thành đôi, Thi Vĩnh Đạo lên báo trường... nhưng Phổ Hoa thường nghe xong rồi quên, điều cô muốn biết nhất là lá thư thứ ba cô viết cho Kỷ An Vĩnh, cậu ấy đã nhận được chưa. Cùng với lá thư chìm trong biển lớn, mùa đông lớp mười một năm đó khiến Phổ Hoa cảm thấy vô cùng lạnh, chưa đến tháng mười hai đã có một trận tuyết rơi.

Cô ngã bị thương ở cổ tay phải trên đường đi học, trước liên hoan Noel vẫn phải đeo dây cố định. Các lớp đều trang trí một cách khí thế ngất trời để chìm đắm trong không khí ngày lễ, nhưng Phổ Hoa lại cầm thiệp chúc mừng nhận được trốn ra ngoài. Côngồi trên bệ cửa sổ có lò sưởi, vẽ trái tim có hai nửa vỡ trên cửa kính, chờ trái tim tan vỡ ấy biến thành những giọt nước. Sau khi quen một mình, cô dần dần không cảm thấy thế nào là cô đơn, thế nào là không cô đơn nữa.

Ngày đăng: 25/04/2013
Người đăng: Alex Chu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?