Gửi bài:

Chương 44

Trong các gương mặt mới tại trại lính, đại uý Nakamura, sĩ quan tình báo, khác hẳn với các đồng đội ham mê gái gú của tôi và sống cô độc. Dù cấp bậc cao nhưng anh là đề tài của những lời đùa cợt táo gan nhất mà không biết, nhiều khi tự anh biến mình thành vai hề kyogen (1).

Đến nhà hàng, thường khi anh uống liền tì tì hai chục chai sakê rồi lăn ra ngủ, ngáy ầm ĩ. Một hôm, chúng tôi quyết định trả thù cái kiểu ngủ om sòm như vậy. Tôi đưa khuỷa tay thúc anh dậy. Như một thiền sư hỏi học trò, tôi hỏi:

- Ăn, uống, chơi gái, là những trò phù phiếm của giác quan. Đại uý hãy cho biết, sự phù phiếm của linh hồn là gì?

Anh đứng dậy như một con ma ra khỏi nấm mồ, thản nhiên trước tiếng cười của chúng tôi, lẩm bẩm:

- Tiếng kêu của côn trùng

Yếu dần đi

Mùa thu đi qua

Tôi ghét sự trốn chạy.

Nên sẽ biến đi trước lúc thu tàn...

Đúng rồi, sự phù phiếm của linh hồn là cái chết!

Tôi cố nín cười hỏi tiếp:

- Đại uý, phù phiếm của phù phiếm là gì?

Anh sửng sốt gãi đầu:

- Thế giới ta đang sống

Chỉ tồn tại thoảng qua

Như ánh trăng sáng ấy

Trong vốc nước tay ta (2)

Phù phiếm của phù phiếm... phù phiếm của phù phiếm là...

Để trêu anh hơn nữa, tôi nhấn từng tí một:

- Phù phiếm là hư vô. Phù phiếm của phù phiếm là hai lần hư vô. Phù phiếm triệt tiêu phù phiếm. Phù phiếm của linh hồn là cái chết. Chúng ta là gì giữa cái sống và cái chết?

Anh nhìn tôi. Vẻ mặt sửng sốt của anh khiến cả bọn cười lăn cười bò.

Một chiều sang phòng anh chơi, tôi thấy anh có bộ bàn cờ vây. Chúng tôi bèn làm một ván. Tôi ngạc nhiên thấy khi chơi cờ anh khéo léo và ung dung tự tại vô cùng, khác hẳn một Nakamura ngày thường rối rắm và vụng về. Trong trại người ta coi anh là dở người, nhìn đâu cũng thấy âm mưu. Trên bàn cờ, nỗi ám ảnh này trở thành sự thận trọng quá mức.

Sau khi thua, đại uý mời tôi ăn tối. Vài cốc sakê nhanh chóng biến chúng tôi thành những người bạn thân thiết. Chúng tôi nói chuyện về văn học Trung Hoa. Anh ngạc nhiên khi biết tôi nói được tiếng quan thoại. Bên bàn cờ vây, chúng tôi là đối thủ nhưng bàn cờ cũng khiến chúng tôi có niềm tin vào nhau ngoài đời. Tôi tâm sự với anh chẳng do dự gì.

Một phụ nữ Bắc Kinh theo chồng du học tại Tokyo. Chồng chết vì ung thư để bà ta lại một mình với đứa con mới sinh. Bà chỉ biết vài từ tiếng Nhật, lại không có tiền nên đã gõ khắp các cửa để tìm việc làm. Mẹ tôi nhận bà vào làm chăn nuôi trẻ. Đó quả là món quà của Đức Phật. Cha mẹ tôi cũng như nhiều người Nhật khác, nuôi dạy con cái một cách nghiêm khắc. Hơi sai sót một tí là tôi bị tát ngay. Mỗi khi má nóng bừng bừng, nước mắt dàn dụa và lòng đầy tủi thân, tôi lại được bà má Trung Hoa vỗ về. Bà khóc theo những nỗi khổ của tôi. Để tôi bớt buồn, bà ôm tôi và kể tôi nghe những truyền thuyết của quê hương bà. Tiếng Trung Quốc quả là thứ tiếng tôi yêu quý và an ủi tôi nhiều. Lớn hơn một chút, bà dạy tôi đọc thuộc lòng những bài thơ đời Đường và viết văn. Bà dạy tôi sách Luận ngữ của Khổng Tử, cho tôi khám phá Hồng Lâu Mộng. Khi tôi cao giọng đọc những đoạn văn này, thổ âm Bắc Kinh của tôi làm bà bật khóc vì vui. Bà nuôi em trai, em gái tôi bằng dòng sữa của mình, tình âu yếm dịu dàng của bà làm chúng tôi say mê. Rồi một sớm bà biến mất. Một năm sau, mẹ báo tin làm tan vỡ hy vọng của tôi: bà má Trung Hoà đã quay về nước và chẳng bao giờ trở lại nữa.

Tâm sự của tôi khiến đại uý thở dài. Anh rót một ly sakê và đứng dậy. Anh bắt chước một diễn viên kịch nô, chiếc đũa trong tay thay cho chiếc quạt, anh hát:

"Dù cho anh còn ở trên cõi đời này,

Chẳng có gì mất mà chỉ là biến đi

Sống lâu hơn anh để làm gì

Khi hình ảnh của anh lúc ẩn lúc hiện trong mắt tôi

Chập chờn như các thói tục cuộc đời

Cuộc đời con người thật khốn cùng

Giống như bông hoa tươi rực rỡ

Bị cuốn theo ngọn gió vô thường

Thổi mãi trong đêm

Đêm của cái chết và sự sống

Như mây che phủ ánh trăng bất định

Dưới mắt tôi là nỗi cùng cực của cuộc đời (3)..."

Lòng thấm buồn, tôi vỗ tay. Đại uý nghiêng mình, lại uống thêm một ly

Anh đổi chuyện:

- Cậu có biết là trung tâm thành phố có một chỗ mà người dân hay tụ họp để chơi cờ vây không? Thật là một cảnh tượng kỳ quặc. Người chơi ngồi ở các bàn có bàn cờ khắc sẵn và chờ có kẻ đến thách đấu. Cậu nói tiếng Trung Quốc tốt, lại có giọng Bắc Kinh tuyệt thế, cậu nên hoá trang thành dân thường đến đấy mà chơi một ván.

Anh làm một hơi sakê nữa rồi thêm:

- Tôi lạ về lối chơi của họ từ lâu rồi nhưng không dám đến gần. Mấy tay chỉ điểm của tôi ra sức thề rằng đó chỉ là những người dân hiền lành. Tôi chẳng tin, ngược lại thì có. Từ khi bọn khủng bố thâm nhập thành phố, tôi phải để mắt đến tất cả mọi người. Bọn này đang âm mưu hại chúng ta. Cờ vây chắc chỉ là cái cớ để che đậy thôi: chính là ở cái quảng trường này mà kẻ thù của chúng ta, dưới danh nghĩa chơi cờ vây, đang bày ra những trò quái chiêu nhất.

Mặt đỏ hồng, đại uý mơ màng trong tưởng tượng. Tôi giả bộ quan tâm:

- Tôi giả trang như thế nào được? Hay phải thuê một phòng khách sạn để thay đồ chăng?

Anh coi lời tôi là nghiêm túc:

- Việc này chỉ có chúng ta biết với nhau thôi. Tôi sẽ làm lá chắn cho cậu. Ngay ngày mai, cậu sẽ gặp người của tôi là chủ một tiệm ăn Tàu. Hắn ta sẽ cho cậu mượn các đồ cần thiết và giải thích cho cậu làm thế nào để lừa được mắt cảnh giác của người Trung Quốc. Tuy bọn khủng bố đã rút ra khỏi thành rồi nhưng tay chân của chúng vẫn còn khắp nơi. Chúng đang âm mưu một cuộc nổi dậy mới. Nhưng lần này tôi sẽ thắng chúng. Rất cám ơn cậu vì dành thời gian nghỉ ngơi phục vụ Tổ quốc. Nào thiếu uý, ta nâng cốc vì sự vinh quang của Thiên hoàng.

Đến đây thì tôi mới hiểu đó chẳng phải chuyện đùa. Rút lui bây giờ đã muộn. Tôi cạn ly sakê và thoả thuận xong. Thực ra, đại uý là một tay tinh ranh và vẻ ngoài kỳ quặc của anh chính là một thứ mồi nhử. Ngay từ lúc tôi vào phòng anh, anh đã biết sẽ biến được tôi thành gián điệp cho anh. Vừa chơi cờ, anh vừa tung lưới vây tôi và xiết tôi đến mức này: tôi buộc phải biến mình thành một người Trung Quốc.

-------------------------------------------------

1. Trong kịch Nô, kyogen là các vai hề diễn trên sân khấu giữa hai hồi kịch.

2. Hai bài thơ trích từ "Nói từ Heiji" tiểu thuyết Nhật, thế kỷ 16, bản dịch của Rene Sieffert.

3. Trích đoạn kịch nô, "Đảo vàng", của Zeami (1363-1444), bản dịch của Rene Sieffert.

Ngày đăng: 25/03/2013
Người đăng: Alex Chu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc