Gửi bài:

Quyển XXXXVII - Đồi thiên thu - Phần I

Giấc ngủ kéo dài hơn dự kiến, có lẽ do thời tiết mát mẻ, mà cũng có thể do cơn mệt của một ngày đường đi qua những đoạn đầy bụi và gập ghềnh, nên Mỹ Uyên ngủ say chưa từng thấy. Lúc tỉnh giấc, Uyên đưa tay xem đồng hồ thì không khỏi giật mình, đã hơn 1 giờ sáng! Như vậy cô đã ngủ đến hơn 6 giờ liền!

Vừa lúc ấy, có tiếng gọi khẽ ngoài phòng:

- Cô Út ơi, cô dậy chưa?

Biết đó là tiếng của chị người làm Tư Sương, nhưng Uyên vẫn còn vươn vai trên giường chưa chịu lên tiếng. Phải cho chị ta lặp lại lần thứ hai thì Uyên mới đáp:

- Dậy rồi. Có gì không chị Tư?

- Dạ, nãy giờ tôi gọi cả chục lần mà cô không lên tiếng, tôi đoán cô còn ngủ nên thôi. Tôi muốn dọn mâm cơm ra, sợ để trong phòng kiến, gián bâu.

Lúc này Mỹ Uyên mới nhớ ra, hồi 6 giờ chiều chị ta có dọn vào phòng cô mâm cơm nóng sốt, mời cô ăn, nhưng lúc đó do mệt nên Uyên dự tính nằm nghỉ một lúc sẽ ngồi dậy ăn, bởi thật sự lúc ấy cô đang đói... nhưng ngủ quên luôn tới giờ.

- Mâm cơm hả?

Uyên lúc này mới chịu nhảy xuống giường và mở cửa phòng trong tư thế mắt nhắm mắt mở:

- Chị vào lấy ra hâm lại giùm tôi, tôi ngủ quên...

Tư Sương rất mến cô chủ nhà này, nên vui vẻ bảo:

- Ngủ ngon hơn ăn mà cô!

Bước tới chỗ đặt mâm cơm, bỗng chị ta kêu lên:

- Ủa, cô Út... ăn rồi mà?

Mỹ Uyên giật mình:

- Ăn hồi nào? Sau lúc chị đem cơm vào là tôi ngủ liền một mạch tới giờ này, ăn uống gì đâu!

Chỉ mâm cơm đã sạch thức ăn, Tư Sương cười:

- Tưởng cô Út chê đồ ăn nấu vội của tôi, nào ngờ cô ăn ngon miệng quá!

Uyên bước tới nhìn vào mâm cơm, ngạc nhiên kêu lên:

- Tôi đâu có ăn!

Tới phiên Tư Sương ngạc nhiên:

- Vậy ai ăn?

Chị ta quay về phía cửa hỏi:

- Cô ngủ có đóng cửa không?

Uyên đáp quả quyết:

- Tôi khóa rồi còn gài chốt nữa! Vừa rồi tôi mở ra thì chốt khóa còn nguyên mà.

Nhìn lại cửa sổ vẫn còn chốt bên trong, Tư Sương cau mày:

- Đâu có ai lọt vào đây được? Mà cô Út...

Chị ta định hỏi lại xem cô chủ mình có lầm lẫn, ăn rồi mà quên... nhưng Mỹ Uyên như đã đoán được ý của chị, vội nói ngay:

- Bụng tôi còn đói cồn cào nè, sao có chuyện kỳ vậy?

Uyên hỏi lại:

- Nhà này bộ lâu nay ai muốn vào thì vào hay sao chị?

Tư Sương xua tay:

- Dạ, đâu có cô Út! Ở đây là biệt lập, vả lại khu vực này mọi người tôn trọng ông chủ, nên chưa bao giờ có ai dám bước vào trang trại này, chứ đừng nói là trộm đạo. Mà chuyện này tôi nghĩ có lẽ... hay là...

Chị không tìm ra được cách nói nào cho đúng. Bởi trộm nếu vào phòng thì lấy của cải, chứ sao lại chỉ ăn cơm? Còn kẻ gian khác thì...

Chị nhìn quanh rồi hỏi:

- Cô Út xem có mất mát gì không?

Uyên nhìn qua một lượt, thấy chiếc va li để ở đầu giường vẫn còn nguyên, cô nói:

- Đồ đạc tôi còn chưa lấy ra thì đâu có gì để mất!

- Vậy ai vào đây?

Tư Sương đứng thừ người ra một lúc, chị dọn mâm ra mà còn lầm bầm:

- Chuyện chưa từng xảy ra...

Ngồi lại trong phòng, chính Mỹ Uyên cũng không thể hiểu nổi:

- Sao có chuyện kỳ lạ này?

Lát sau, mâm cơm khác được bưng vào, Tư Sương hơi ngại nói:

- Do không chuẩn bị thức ăn sẵn, nên chỉ còn lạp xưởng với mấy cái trứng, cô Út ăn đỡ được không!

Uyên ngồi ngay vào bàn ăn:

- Tôi đang đói cồn cào, có bấy nhiêu đây là quý rồi!

Cô ăn một cách ngon lành. Lúc này Tư Sương mới tin thật là cô chủ mình không hề đụng tới mâm cơm kia. Chị ta ngồi nhìn Uyên ăn vừa thắc mắc:

- Chuyện này kỳ quá cô Út? Phải chăng...

Chị ta bước tới cửa sổ quan sát thật kỹ rồi lắc đầu nói:

- Tôi nghi có con gì đó nhảy vào đây ăn vụng, nhưng cửa sổ cao và chốt chặt thế này thì con gì vào được? Cô có nghi ai không cô Út?

Vốn tính không đa nghi, nên Uyên xuề xòa:

- Chuyện cũng đã xảy ra rồi, nghi ngờ mà làm gì! Có thể là... chuột bọ gì đó cũng nên!

- Cũng có thể... nhưng phòng này nào đến giờ không thấy chuột...

Quá đói, nên Mỹ Uyên ăn một loáng đã hết sạch mâm cơm với thức ăn đơn sơ. Cô còn khen:

- Chị chiên trứng có nghề đó nghen!

Được khen, Tư Sương cười toe toét:

- Lâu lắm rồi mới có người khen tôi, cám ơn cô Út!

Để không khí bớt căng do chuyện vừa rồi, Mỹ Uyên nói đùa:

- Sao chị không kiếm một người... để người ta khen cho. Chị mà gật thì chắc ở xứ này thiếu gì các anh chàng nhào vào, phải không chị Tư!

Tư Sương thẹn thùng, lúng túng:

- Cô Út này... ai mà chịu tôi cô ơi!

Uyên ăn xong thì đồng hồ tay của cô chỉ hơn 2 giờ. Định không ngủ tiếp nên Uyên lấy va li ra soạn đồ để treo lên móc, cô giật mình khi phát hiện trong va li của mình có một cành hoa hồng còn tươi đặt trong đó!

- Kỳ vậy?

Mỹ Uyên không hề đặt cành hoa này vào chung với quần áo của mình, vả lại nếu có đặt vào đó thì qua chặng đường hơn 5 tiếng đồng hồ, cánh hoa hồng không còn tươi như mới hái được!

Mà loại hồng vàng này không phải nơi nào cũng có. Cánh to, thân cao, lá nhỏ, là đặc trưng của loại hồng mà nếu Uyên nhớ không lầm thì chỉ có ở ngay trong nhà mình đây, do trước kia lúc còn sinh thời cha cô đã lấy giống từ nước ngoài về ươm và cho hoa. Nhưng vài năm nay thì do không có người chăm sóc nên hầu như bốn chậu hồng vàng nhà cô đã chết và tuyệt chủng luôn!

Vậy mà...

Điều làm cho Uyên sững sờ lúc này là việc ai đã đặt cành hoa vào va li mình và đặt vào lúc nào mà cô không hay biết. Nó có liên quan tới mâm cơm hồi đầu hôm không?

Bao nhiêu câu hỏi khiến cho suốt từ đó đến sáng, Mỹ Uyên không tài nào ngủ lại được. Cô cũng không buồn sắp xếp đồ đạc, mà chỉ biết ngồi ngẩn ngơ. Hồi nãy cô không quan tâm lắm vụ mâm cơm, nhưng bây giờ chỉ một cành hoa nhỏ, cô lại không yên trong lòng. Chắc chắn là có điều gì đây...

- Cô Út ơi, dậy sớm tập thể dục đi, rồi vào ăn cháo. Tôi có nấu nồi cháo cá ngon lắm để cô ăn, bù bữa đạm bạc đêm qua!

Nghe tiếng Tư Sương, Mỹ Uyên phải nói vọng ra:

- Được rồi, cám ơn chị, lát nữa tôi ăn.

Cô thấy cần một cuộc tản bộ với không khí trong lành buổi sáng để khuây khỏa cho bớt căng thẳng, nên thay đồ thể dục, Uyên đi ra sau vườn. Mảnh đất mà ngôi biệt thự của cha cô tọa lạc rộng có đến 5-6 héc-ta, một phần chung quanh nhà thì được vây quanh bởi tường rào cao, có cửa thông ra phần đất phía sau khá rộng, dẫn tới dãy đồi tít tắp đằng xa. Ít khi nào Uyên một mình đi lên phía sườn đồi thoai thoải kia, mặc dù vào những buổi sáng nơi đó rất đẹp, đặc biệt là lúc mặt trời lên. Có lần Mỹ Uyên đã nhìn thấy cha đứng trên đó nhìn về phía vầng thái dương vừa nhô lên, ông nhìn có vẻ say sưa lắm... đến khi bắt gặp con gái mình nhìn mình từ sau thì bỗng dưng ông nổi nóng, xua Uyên vào nhà ngay! Sau đó Uyên có hỏi cha tại sao như vậy thì ông lúc ấy có vẻ bình tâm lại, đã vỗ vai cô bảo:

- Chỗ ấy mặt trời lên đẹp lắm, nhưng... có lẽ không nên xem. Nhất là con còn nhỏ...

Uyên hỏi:

- Nhỏ thì đâu có ai cấm nhìn mặt trời lên đâu ba?

Cha cô không vừa lòng lắm cách hỏi của con, nhưng ông chỉ nói:

- Con biết vậy là đủ rồi.

Rồi chẳng hiểu sao, ông ra lệnh cho mọi người trong nhà kể cả cô:

- Từ nay không ai được ra chỗ sườn đồi, nhất là phía gần vực. Nơi đó nguy hiểm.

Ông chỉ nói thế thôi, nhưng người nhà từ Tư Sương, Sáu tài xế và cả mấy người làm vườn nữa, không ai dám trái lại. Có lần Tư Sương còn nói với Uyên:

- Mỗi lần tôi đứng bên sườn đồi đó mà nhìn xuống vực sâu, tự nhiên tôi chóng mặt liền!

Từ ngày đó cho tới nay đã hơn năm năm. Cha cô đã mất, nhưng mấy lần về ở đây, có lúc đến vài tháng, nhưng chưa lần nào Mỹ Uyên có dịp ra đây. Cho đến sáng nay cũng thế, cô chỉ muốn đi một vòng ở phần vòng rào của ngôi nhà, cho nên khi vừa đi tới tường phía sau thì Uyên quay lại. Tuy nhiên khi vừa xoay người đi, chợt cô nghe tiếng đàn ở đâu vọng lại.

Một bản nhạc rất quen thuộc mà vừa thoạt nghe Uyên đã phải dừng lại ngay: Bản Love Story!

Ban đầu Uyên ngỡ đó là nhạc từ máy radio, nhưng khi nghe kỹ thì không phải. Ai đó đang đánh đàn guitar, mà lại lúc chơi lúc ngừng.

Sáng sớm mà được nghe điệu nhạc quen thuộc, lại là bản tình ca Mỹ Uyên đã thuộc nằm lòng và thường hát một mình mỗi khi ngẫu hứng, bởi vậy Uyên lặng im và chăm chú lắng nghe. Quãng thời gian người chơi đàn ngừng lại là những lúc Uyên cụt hứng, làu bàu:

- Chơi thì chơi cho trọn...

Nhưng Uyên không phải chờ lâu, ngay lúc đó tiếng đàn lại trỗi lên. Lần này lại có kèm theo tiếng hát nữa! Mà là giọng của một chàng trai!

Mỹ Uyên hơi tò mò, cô nhìn qua song sắt cổng sau, hướng về phía ngọn đồi gần đó. Rõ ràng là tiếng đàn hát phát ra từ đó.

- Ai mà mới sáng sớm đã lên đó?

Tự hỏi và dĩ nhiên là không có câu trả lời, nhưng sự tò mò đã khiến Uyên theo quán tính đã mở chốt cửa bước ra phía ngoài. Sương sớm còn đọng lại trên đầu ngọn cỏ, nên Uyên bước tới đâu sương ướt thấm vào da lạnh buốt. Tuy nhiên lúc này Uyên không ngại sương, thứ mà cô rất ngại trước đây. Có lẽ do tiếng đàn hát mỗi lúc một rõ hơn và... quyến rũ hơn!

Như con mồi nhỏ bị thôi miên trước ánh nhìn của con mãnh hổ, Uyên bước thẳng lên đồi mà không kiểm soát được bước đi của mình! Cô đi khá nhanh, cho đến khi tiến rất gần với tiếng đàn hát thì chậm lại, và gần như bất động khi tiếng đàn hát ngừng lại.

Nghĩ là nó lại tiếp tục như lần trước, nhưng qua gần ba mươi giây không nghe lại âm thanh quyến rũ kia, Uyên tắc lưỡi:

- Sao lại...

Cô chờ thêm khá lâu nữa, vẫn im lặng... Lần này không đứng im nữa, Uyên bước nhanh tới trước. Cô quyết xem thử người vừa đàn hát đó là ai?

Nhưng khi đã lên tới đỉnh đồi rồi Uyên chẳng nhìn thấy ai. Đây là đồi cỏ chứ rất ít cây to, nên tầm mắt có thể phóng rất xa, nhìn rộng khắp một vùng... Vậy mà chẳng thấy bóng người nào.

- Kỳ vậy...

Mỹ Uyên nhìn lại chỗ gốc cây cổ thụ duy nhất ở đỉnh đồi nơi ngọn cỏ còn rạp xuống chứng tỏ có người vừa ngồi xong. Vậy anh ta đi đâu mà biến mất quá nhanh, trong khi nếu muốn biến khỏi tầm mắt trên đỉnh đồi này ắt phải đi gần năm phút.

Thất vọng vì nguồn cảm hứng buổi sáng bị cắt ngang, Mỹ Uyên vẫn chưa muốn rời đi. Cô bước lại chỗ gốc cây và tự dưng muốn ngồi lại nơi ấy. Tuy nhiên vừa ngồi xuống thì Uyên đã bật dậy ngay, bởi cô vừa ngồi lên một vật gì đó. Bật dậy và nhận ra vật đó chính là một chiếc nhẫn bằng chất liệu giống như ngà voi. Nhẫn khá lớn, cỡ tay của đàn ông!

- Chắc là của anh ta...

Mỹ Uyên không định cầm lên, nhưng vừa muốn quay đi thì cô lại đổi ý, cúi xuống nhặt chiếc nhẫn lên, sau khi ngắm qua một lượt, cô cho vào túi áo và quay trở lại.

Vừa bước qua một mô đất cao, chợt Uyên giật mình khi thấy trước mặt mình là cả một rừng hoa hồng vàng! Những đóa hồng vàng nở rộ đón ánh bình minh khiến cho Uyên phải sững sờ một lúc. Rồi cô lẩm bẩm:

- Những cánh hoa này sao giống...

Cô đã nhận ra, hồng vàng ở đây rất giống với cành hoa mà cô bắt gặp trong va li của mình!

- Thì ra...

Cô muốn nói thì ra hoa là ở nơi đây! Nhưng khi nghĩ tới người đem nó vào phòng mình thì Uyên lại ngừng ngay ý nghĩ. Không thể nào...

Tiện tay Uyên ngắt một cành hoa và mải mê nhìn nó như bị thôi miên. Mãi gần nửa phúc sau cô mới rời nơi đó.

Lúc đi lên, dù độ dốc, nhưng Uyên đi nhanh hơn khi xuống. Một phần bởi không có mục tiêu chinh phục, nhưng một phần có lẽ do vừa bước đi mà Uyên cứ thỉnh thoảng quay lại nhìn...

Khi xuống hết triền đồi, một cách ngẫu nhiên Uyên đưa tay sờ vào túi, cô giật mình kêu lên:

- Đâu rồi?

Chiếc nhẫn cô cẩn thận bỏ vào lúc nãy giờ đã biến mất? Túi của bộ áo khoác thể thao là áo mới, không có lỗ rách, vậy nó đi đâu?

Định trở lại để tìm, nhưng khi sờ xuống túi quần thì Uyên thở phào, bởi chiếc nhẫn lại ở đó.

- Kỳ lạ!

Uyên chỉ còn biết kêu thầm rồi bước trở vào nhà mà hình như đang muốn nghe lại tiếng đàn hát lúc nãy...

Khi vào nhà gặp Tư Sương, Uyên hỏi liền:

- Chị có nghe tiếng đàn hát hồi này không?

Sương ngạc nhiên:

- Ủa, đâu có nghe gì?

Uyên kể sơ lại sự việc và hỏi:

- Gần nhà mình có ai hay đàn hát không?

Tư Sương cũng lắc đầu:

- Tôi đâu có biết ai. Xóm này ít người, phần đông là thợ rừng, thợ săn, họ đi làm xa, nhiều khi cả năm không thấy về nhà. Nếu có chơi đàn thì họ chơi đàn cò, đàn kìm hay ca vọng cổ, chứ làm gì biết đàn nhạc ngoại gì đó như cô nói. Nhiều khi cô nghe họ hát băng hay radio gì đó không chừng!

Uyên quả quyết:

- Tôi chắc chắn đó là người hát. Tôi còn...

Cô định nói là mình nhặt được chiếc nhẫn, nhưng kịp ngừng lại. Rồi cô đưa cành hoa hồng vàng cho Tư Sương xem và kể:

- Tối qua tôi gặp một cành hồng giống như cành này trong va li của tôi, chị thấy có lạ không?

Tư Sương trố mắt:

- Cô nói thật hả?

- Mà chị có biết trong vườn mình ở đâu có nhiều hồng vàng này không?

- Ở trên đồi. Mà cũng lạ, ngày trước ông chủ trồng quanh nhà, chỉ bởi thiếu tưới có một thời gian ngắn là hỏng chết khô hết, vậy mà đám hồng vàng này không ai tưới tiêu gì hết lại sống tốt ở trên đồi, chẳng biết sao nữa?

- Ai trồng nó trên đó?

Có vẻ suy nghĩ, một lúc Tư Sương mới đáp:

- Hồi trước hình như cũng do ông chủ trồng.

Rồi cô hạ thấp giọng kể:

- Có chuyện này ít ai biết, hồi còn khỏe, mỗi khi lên trên này thì hầu như ngày nào ông chủ cũng lên trên đồi đó ở cả ngày! Ông chủ còn cho xây một cái nhà mát trên đó nữa để nghỉ trưa, có khi ngủ cả tối, chỉ một mình ông thôi. Cái nhà mát đó chỉ mới bị tháo dỡ đi vài năm nay, chỉ vì...

- Sao lại dỡ bỏ?

Tư Sương ngập ngừng một lúc mới chịu nói:

- Chuyện này là do bà chủ... Tôi nói cho cô nghe thôi, cô đừng nói lại cho bà chủ nghe...

Uyên động viên chị ta:

- Chị biết tính tôi rồi, có bao giờ tôi đứng về phía ba má tôi mà gây ác cảm với người làm trong nhà đâu?

Tư Sương mạnh dạn:

- Bởi vậy tụi tôi trong nhà này ai cũng quý mến cô và luôn hết lòng vì cô, kể từ khi cô thay quyền ông bà chủ cai quản cơ ngơi này. Chuyện này thật ra bà chủ bảo tôi phải giấu... Chính bà đã ra lệnh cho tôi mướn người dỡ bỏ cái nhà mát trên đồi. Chỉ vì...

Như sợ có người ngoài nghe được, Sương nói thật nhỏ:

- Trong ngôi nhà đó có ma!

Lần đầu tiên nghe chuyện đó, nên Uyên giật mình:

- Có chuyện đó sao? Mà từ nào giờ có nghe mẹ tôi nói gì đâu?

- Bà giấu dữ lắm. Đến cả tôi mà bà cũng không cho biết, mặc dù từ lúc ông chủ còn sống, chính tôi là người mỗi ngày lên trên đồi để quét dọn ngôi nhà mát cho ông.

- Chị cũng biết là trong ngôi nhà có ma?

Sương lắc đầu:

- Nói thật với cô là tôi không hề hay biết. Hình như ma cỏ gì đó chỉ nhát có mỗi mình bà mà thôi!

Uyên càng nghe càng rối:

- Chị nói gì tôi không hiểu. Sao ma chỉ nhát có mỗi mẹ tôi? Mà mẹ tôi đâu có sống trên này. Cũng giống như bây giờ, bà luôn ở nhà tại Sài Gòn mà?

- Đúng là thỉnh thoảng bà mới lên đây chơi và chỉ ngủ lại vài đêm thôi. Vậy mà...

Thấy Tư Sương có vẻ ấp úng, Uyên khó chịu:

- Chị nói chị quý tôi, vậy mà chuyện gì trong nhà này chị cũng giấu hết. Vậy là sao?

Chị ta đành phải thú thật:

- Không giấu gì cô... tiếng đàn hát mà cô vừa nói đó tôi nghe đã lâu rồi! Nó phát ra từ trong ngôi nhà mát trên đồi chính bà chủ cũng có nghe và có lần bà đã gặp một cô gái trên đó, chính cô ta!

Uyên phản đối:

- Người hát và đánh đàn là một, và người ấy chắc chắn là đàn ông. Bằng chứng là...

Cô muốn nhắc tới chiếc nhẫn bằng ngà, nhưng kịp ngừng lại, chỉ nói chung chung:

- Hồi sáng nay khi lên trên đồi, tôi đã nhìn thấy dấu vết còn lại là của đàn ông, mà giọng hát cũng là đàn ông một trăm phần trăm!

Tư Sương im lặng một lúc rồi tiếp:

- Tôi cũng đã nghe giống như cô nghe vậy, nhưng chính bà chủ đã nói với tôi là bà gặp... ma nữ. Nó đuổi bà không cho tới đó!

Uyên sửng sốt:

- Tới đó là tới đâu?

- Thì ngôi nhà mát trên đồi!

Uyên lắc đầu:

- Càng khó tin, bởi chị cũng biết rồi, mẹ tôi bị tai biến liệt nửa người từ mấy năm nay rồi, chỉ ngồi xe lăn, vậy làm sao bà lên trên đồi được? Mỗi lần lên đây bà chỉ ở trong phòng, còn cao lắm là nhờ con A Lìn đẩy xe đi vòng vòng quanh sân này thôi.

- Chính con Lìn đó đã đưa bà lên đồi!

Câu nói của Sương làm cho Uyên bị kích động:

- Chị Lìn đẩy xe đưa mẹ tôi lên đó làm gì?

- Có lẽ do bà ra lệnh. Tội nghiệp con nhỏ, chính vì làm việc ấy nên nó mới... chết ngay trên đồi đó!

- Trời ơi! Chị Lìn bị... bị chết trên đó?

Tư Sương bắt đầu hé lộ những điều mà Uyên không bao giờ nghĩ tới:

- Một lần, khi đẩy bà chủ lên đó rồi, tự dưng con Lìn vụt chạy về phía triền dốc bên kia, chỗ vực sâu và... nhảy xuống đó!

- Trời ơi! Rồi... rồi chị ấy...?

- Chết mất xác luôn! Lúc ấy ông chủ vẫn còn sống và bị sốc dữ lắm!

Uyên hiểu ra:

- Bởi vậy sau đó ba tôi cấm không cho ai đi lên đồi!

- Đúng vậy. Nhất là từ lúc bà chủ lên đây và gặp...

Chị ta lại nói hớ, sợ sệt nín bặt. Uyên hỏi tới:

- Chị nói tôi nghe xem, mẹ tôi thấy gì mà đến đỗi bà ra lệnh dỡ bỏ ngôi nhà mát trên đó?

- Tôi... tôi...

Tư Sương nói xong thì vụt chạy đi trước sự ngơ ngác của Uyên. Cô bực bội gọi giật lại, nhưng Sương đã lẫn mất ở đâu đó...

***

Mỹ Uyên tức tốc trở về Sài Gòn để gặp mẹ mình. Những nghi vấn trong lòng cô đã khiến Mỹ Uyên phải làm như vậy, mặc dù biết rằng lúc này mẹ mình đang bệnh nặng nằm liệt một chỗ.

Cũng may, khi Uyên trở về thì bà Mỹ Nhung tỉnh táo hơn bình thường. Bà nhìn con và nở nụ cười héo hắt, thều thào hỏi:

- Con... đi đâu về...

Uyên đã có chủ tâm, nên cô không giấu:

- Con lên trên nhà nghỉ của mình trên Đơn Dương.

Đang yếu đến độ không tự ngồi dậy được, vậy mà khi nghe Uyên nói bà đã rướn người lên và líu lưỡi hỏi:

- Con... lên... lên đó... làm... làm gì...?

Uyên đỡ mẹ dậy, cho bà nằm dựa vào gối, rồi lại tiếp:

- Con bây giờ quản lý cơ ngơi đó thì phải lên xuống trông chừng chứ. Con còn tính cho xây dựng lại cái nhà mát trên đồi nữa. Ở đó mà có nhà mát ngồi chơi hay tiệc tùng thì nhất trên đời, không đâu bằng! Con không hiểu ngày xưa tại sao lại phá nhà cũ đi?

- Con... con không... không được...

Bà chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi thì lịm đi. Uyên hốt hoảng gọi to:

- Mẹ! Mẹ sao vậy?

Cô không ngờ lời nói khích của mình lại gây hậu quả như thế, nên quýnh lên, lo thoa dầu để cứu mẹ mình. Phải lâu lắm sau đó bà mới tỉnh lại. Nhưng vừa nhìn thấy Uyên thì bà lại hốt hoảng:

- Đừng... đừng con...

- Mẹ bảo con đừng cái gì? Con có làm gì đâu?

Bà cố hết sức nắm lấy tay Uyên như muốn lay mà lay không nổi, miệng bà mấp máy liên hồi nhưng phát không thành tiếng... Uyên phải chủ động hỏi:

- Có phải mẹ bảo con đừng xây cái nhà mát trên đồi hay không?

- Ừ... ừ...

Hiểu ý mẹ mình, nhưng Uyên giả vờ như không biết, lại hỏi:

- Cái nhà mát đó đâu có cản trở gì ai mà tại sao nó bị phá? Ít ra mẹ cũng nói cho con biết chứ... Nếu không thì con cứ xây lại, bởi con chuẩn bị chuyển về trên đó ở luôn. Con đưa mẹ lên cùng ở, có chị Tư Sương sẽ chăm sóc cho mẹ.

Bà Mỹ Nhung cố hết sức lực còn lại, cố đưa cả hai tay lên, ý phản đối:

- Không... đừng...

Nhưng rõ ràng bà không còn đủ sức để nói gì thêm. Hai tay bà rớt xuống và mắt trợn trừng.

- Mẹ!

Bà Mỹ Nhung đã rơi vào cơn mê sâu...

***

Cuối cùng thì Mỹ Uyên đã chẳng hỏi thêm được ở mẹ mình một chi tiết nào câu chuyện quanh những bí ẩn của ngọn đồi kỳ lạ trong phần đất nhà. Sau một buổi hôn mê, bà Mỹ Nhung đã trở lại trạng thái nửa mê nửa tỉnh như trước. Bác sĩ điều trị căn dặn kỹ:

- Tránh đừng để cho bệnh nhân bị xúc động mạnh. Những ai từng gây cho bà sự kích động thì không nên đối diện với bà, nhất là trong lúc này.

Do vậy, đêm hôm ấy tuy ở lại nhà nhưng Mỹ Uyên không túc trực bên giường bệnh của mẹ, mà ngủ ở phòng riêng. Tối đó, sự tò mò đã thôi thúc Uyên mò sang phòng mà ngày trước ba cô làm việc và thường ngủ lại ở đó. Phòng này không phải là phòng ngủ, nhưng do ba cô hay thức khuya làm việc, đôi khi quá mệt, ông hay ngủ lại nên trong phòng có để sẵn một giường nệm nhỏ. Tủ hồ sơ, bàn làm việc thì đầy. Kể từ khi ba chết, chưa bao giờ Uyên bước vào đây, một phần là vì cô tôn trọng nguyên tắc của ba cô, không nên táy máy đồ đạc của người khác, và một phần là do khi còn khỏe mạnh, mẹ Uyên cũng nghiêm cấm con cái không đứa nào được tự tiện bước vào phòng của cha. Kể cả bà, đã nhiều lần bà tuyên bố: Mẹ không đụng tới bất cứ cái gì của riêng ông ấy!

Lời tuyên bố đó đã cho Uyên hiểu một chút rằng: giữa ba và mẹ mình có điều gì đó lấn cấn, mà chẳng qua ông bà khéo léo không để cho con cái biết.

Kể từ ngày ba mất, Uyên là người duy nhất sau mẹ được quyền sở hữu chùm chìa khóa của căn nhà, nên việc cô vào căn phòng làm việc của ba mình rất dễ dàng. Là một doanh nhân thành đạt, làm chủ nhiều đồn điền, nên phòng làm việc của ông rất nhiều những tủ đựng hồ sơ kinh doanh. Lúc ông sắp mất, tuy Uyên chưa đủ lớn nhưng sau này chính vị luật sư nhận quản lý tài sản đã nói riêng với cô rằng ông đã có căn dặn: Chỉ có Mỹ Uyên là người được xem và quản lý những gì ba cô để lại.

Lúc này, khi đứng trong phòng của cha rồi Uyên mới nhận ra sự thiếu sót của mình. Đúng ra cô đã phải vào phòng này từ mấy năm nay, để xem cha mình để lại những gì, rồi căn cứ theo đó mà quản lý tài sản, việc kinh doanh. Bấy lâu nay Uyên chỉ dựa vào kinh nghiệm học được ở trường và óc thông minh riêng để quán xuyến công việc... Bởi vậy khi kéo ngăn tủ bàn làm việc của cha ra Uyên đã nhận thấy ngay điều mình cần học là ở đây! Xấp hồ sơ trên cùng đã có ghi sẵn đòng chữ: Những điều mà Mỹ Uyên nên xem!

Thì ra cha đã dành sẵn cho cô ở đây!

Vừa giở tập hồ sơ ra xem Uyên đã giật mình! Ngay tờ giấy đầu tiên đã có bút tích của cha: Mỹ Uyên nên làm ngay giúp cha...

Cô lật tiếp bên dưới thì hơi hụt hẫng, bởi ngoài tờ giấy đó thì chẳng còn giấy tờ gì khác. Mà ở cùi hồ sơ còn có dấu của việc bị xé vội, một mảnh giấy còn sót lại.

- Ai đã hủy đi những hồ sơ này?

Bên dưới hồ sơ là các giấy tờ khác sắp xếp theo thứ tự, đó là những công nợ của các mối làm ăn của công ty, mà trong di chúc để lại ông Minh cha cô đã có ghi. Hầu hết là công nợ mà chủ nợ là cha cô, tức cô là người thừa kế duy nhất, sẽ tiếp tục là chủ nợ của họ. Hầu hết là sắp đến hạn họ phải trả. Uyên buột miệng:

- Cũng may là mình xem kịp thời!

Và rõ ràng, người nào lấy cắp hồ sơ chỉ nhắm vào một loại giấy tờ nào đó. chứ không đụng đến giấy tờ có liên quan đến tiền bạc.

Ở một ngăn kéo khác, cũng phải dùng chìa khóa Uyên mới mở được, cô bắt gặp ngay một bức ảnh chân dung của một cô gái trẻ, đẹp, có nụ cười thật tươi, nhưng đôi mắt thì thật là buồn. Tấm ảnh không lộng khung, nên Uyên lật phía sau và đọc được dòng chữ: Kỷ niệm trên đồi Thiên Thu!

- Đồi thiên thu?

Nhìn kỹ thì bức ảnh này có bối cảnh phía sau là một khung cảnh nào đó quen quen... người chụp đã cắt từ một bức ảnh chụp ngoài trời, để phóng thành một ảnh chân dung...

- Phải rồi, trên ngọn đồi đó!

Uyên nhận ra và nhớ lại cảnh trên đỉnh đồi nhìn sang phía bên kia, nơi mà cha cô từng cấm không cho đứng ngắm!

Thì ra bức ảnh này được chụp nơi ấy và phải chăng là do chính cha cô chụp? ở một ảnh thứ hai thì đã là câu trả lời: vẫn tấm ảnh đó nhưng còn nguyên, chụp chung với một người đàn ông. Mà người đó chính là... cha của Uyên!

- Thảo nào...

Uyên kết nối những sự việc và lờ mờ nhận ra một chút ánh sáng trong bóng đêm dày đặc quanh cha mẹ mình...

- Người phụ nữ trẻ đẹp này phải chăng là đầu dây mối nhợ của sự lấn cấn giữa cha mẹ mình? Nhưng tại sao? Bao nhiêu câu hỏi lại dồn dập kéo về, khiến cho Uyên càng muốn khám phá thêm những điều của cha mà cô còn chưa biết. Sau hơn một tiếng đồng hồ lục lọi, Uyên đã có thêm bằng chứng để khẳng định rằng cha cô và người phụ nữ kia là một cặp đôi gắn bó cho đến ngày cha cô qua đời. Trong đó có một lá thư ngắn do cha cô viết chỉ cách ngày ông trút hơi thở cuối cùng khoảng một tuần lễ, gửi cho người phụ nữ tên Thiên Thu, báo cho cô ấy biết rằng ông đang hấp hối, sắp lìa xa, mong gặp được cô lần cuối ở tại ngôi nhà trên đỉnh đồi!

- Nhưng sao lá thư này còn ở đây?

Sau khi nhìn kỹ Uyên hiểu ra: Lá thư này cha cô đã gửi đi cho người con gái tên là Thiên Thu, nhưng bị trả lại và người phát thư có ghi: Người nhận đã chết, nhà không có ai nhận thay!

- Trời ơi!

Tự dưng Uyên kêu lên và sững sờ. Thì ra cha cô và cô người yêu này đã chết ở những thời điểm không xa nhau. Và tất cả lại có liên quan tới ngọn đồi mà ông gọi là đồi Thiên Thu! Mà phải chăng do người phụ nữ kia có tên là Thiên Thu nên cha cô đã đặt tên ngọn đồi là tên ấy?

Thêm một chút ánh sáng nữa lại vụt tắt ngay. Bởi sau đó, những gì liên quan tới cô gái đã không còn nữa trong đống hồ sơ khá nhiều trong phòng. Hình như có ai đó cố tình lấy đi, hay hủy hoại.

Uyên cố tìm thêm nhưng vẫn không có gì. Giở trở lại xấp hồ sơ có ghi: Những điều Mỹ Uyên nên xem... Uyên chợt hiểu, cô thốt lên:

- Đấy chính là những điều cha muốn nói về những ẩn tình giấu kín. Những trang nhật ký của ông! Ai đã làm chuyện này? Họ đã lấy đi điều mà cha mình muốn mình biết... mà người đó là ai, nếu không là...

Uyên chợt nghĩ ra, cô kêu lên khẽ:

- Mẹ!

Lúc ấy đã là nửa đêm. Chung quanh yên ắng, đặc biệt là trong ngôi nhà mà giờ đây chỉ có Uyên, mẹ và cô y tá trực. Uyên cho tất cả những đồ đạc của cha vào chỗ cũ, chỉ giữ mấy bức ảnh.

Cô đứng yên một lúc rồi bước qua phòng mẹ đang hôn mê. Không phải là không tôn trọng mẹ, nhưng Mỹ Uyên phải quyết định lẻn vào phòng riêng của bà là ở tình thế bắt buộc. Cô phải biết điều tối hệ trọng cho mắt xích cuối cùng, mà thiếu nó thì mọi vướng mắc trong lòng cô sẽ chẳng bao giờ được nối kết và sáng tỏ ra.

Bà Mỹ Nhung vẫn trong tình trạng hôn mê, hai cô y tá mà Uyên chi tiền để họ túc trực lo cho mẹ luôn là những người mẫn cán, họ túc trực theo ca rất nghiêm túc về giờ giấc. Nhưng với cô là người trả tiền công cho họ thì việc cô ra vào phòng của bệnh nhân là chuyện bình thường, chỉ có điều là theo yêu cầu của bác sĩ, Uyên không trực tiếp đối diện với mẹ, bởi mỗi lần như vậy sẽ gây ra sự kích động nơi bà.

Uyên bước vào phòng, ra dấu cho cô tá trực ca khuya bước ra ngoài, dặn chừng nào bệnh nhân hoặc cô gọi thì hãy vào. Sau đó Uyên bước lại tủ riêng của mẹ. Những tủ này cô không có chìa khóa, nhưng may quá, xâu chìa khóa của bà Mỹ Nhung lại ghim trong ổ khóa của một chiếc tủ trong phòng.

Mở tủ ra, ở ngăn quần áo thì Uyên không màng, cô kéo ngăn tủ nhỏ thường mẹ cô hay để nữ trang và những vật quý giá. Bà luôn khóa, nhưng hôm nay thì lại không. Có lẽ bà nghĩ nó ở trong phòng riêng mà cánh cửa tủ lại khóa chặt thì còn lo gì.

Và chính ở ngăn tủ đó, Uyên đã tìm thấy vật mình đang tìm. Một xấp giấy viết đầy chữ của cha, được xé ra đúng là từ xấp hồ sơ bị mất nhiều trang mà Uyên phát hiện lúc nãy.

Vừa cầm lên đọc nửa dòng đầu. Uyên đã biết ngay đó là những trang nhật ký của cha!

"Ngày... tháng... năm...

Mình gặp Thu trên đồi, nơi mình đã đứng suốt ba buổi chiều để đợi. Cuối cùng nàng cũng đã đến! Thật lộng lẫy, kiêu sa và dễ thương làm sao... Mình tự hỏi: tại sao mình để lỡ mất con người như thế này, để đi lấy một người mình không hề yêu? Phải chăng trời bắt mình phải trả giá!

Ngày... tháng... năm...

Vừa gặp thì nàng đã báo cho mình cái tin mà vừa nghe mình đã tái mặt, chết điếng..."

Đang đọc tới đó thì bỗng bà Mỹ Nhung kêu thét lên một tiếng, khiến Uyên phải ngừng lại. Vừa lúc đó cô y tá chạy vào. Cô cũng hốt hoảng:

- Bà bị nguy lắm rồi!

Mục lục
Ngày đăng: 25/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục