Gửi bài:

Quyển XVII - Người đàn bà biến mất

Ngay khi vừa xuống xe ở sân ngôi biệt thự cổ ở ngoại ô thành phố Đà Lạt, Thùy Hương đã cảm thấy không thiện cảm với nơi mà từ đây cô sẽ phải gắn bó lâu dài. Chân bước một cách ngập ngừng vào phòng khách ngôi nhà, Hương vừa nhớ lại từng lời qua điện thoại của cha từ nước ngoài gọi về:

"Con nên lên đó để ở, bởi nơi đó sẽ là chỗ tốt nhất để con dưỡng bệnh lâu dài. Căn bệnh của con không thể thuyên giảm nếu không có được một nơi khí hậu ôn hòa và tĩnh lặng như ngôi nhà cổ ba đã từng ở lâu và cũng để trị căn bệnh tâm thần phân liệt như con. Vả lại chính tại căn nhà này con sẽ hình dung được những ngày cuối cùng của mẹ con trước khi mẹ con qua đời..."

Chính điều cuối cùng trong cuộc điện đàm của cha đã làm cho Thùy Hương quyết định về đây, điều mà mới trước đó vài ngày cô còn phản đối quyết liệt. Hương luôn nhớ đến mẹ, nên bất cứ cái gì có liên quan đến bà, cô đều trân trọng, thương yêu. Dì Khánh, em họ của mẹ, người đưa Thùy Hương đến đây đã dặn thật kỹ cô cháu gái:

- Con chẳng phải ngại gì với ngôi nhà rộng này, bởi dì đã để lại bà Hai già cùng con bầu bạn. Bà ấy sẽ giúp cơm nước, giặt giũ...

Thấy im lặng mãi cũng kỳ. Hương uể oải hỏi:

- Theo như ba nói thì chị Mỹ Hương cũng sẽ về đây ở với con, vậy bao giờ?

Dì Khánh tính nhẩm:

- Bữa nay là mười lăm, chậm lắm là ngày này tháng tới nó sẽ về tới và đi thẳng lên đây với con.

Thực ra Hương không phải sợ khi phải sống một mình, nhưng cô vẫn phải hỏi, bởi cô rất ngại khi phải sống chung với người khác, người lạ, những người sẽ khuấy động sự yên tĩnh mà cô lúc nào cũng muốn có.

Quả đúng như những gì Hương hình dung, ngôi nhà là quá rộng, quá vắng vẻ để dành cho chỉ một hai người cư ngụ. Khi dì Khánh lên xe trở về Sài Gòn, Thùy Hương đóng ngay cửa phòng riêng lại trước khi dặn bà Hai:

- Bà không phải lo cơm chiều cho con, có lẽ con sẽ ngủ một giấc và khi nào dậy con sẽ gọi bà.

Căn phòng đã được bà già Hai dọn tươm tất trước nên Hương không phải sắp xếp gì, chỉ ngả lưng trên chiếc nệm trắng tinh còn thơm mùi nước hoa xịt phòng và ngủ ngay mười lăm phút sau đó.

Chiếc đồng hồ cúc cu trong phòng cứ mười lăm phút là phát ra tiếng cu gáy đã bị Hương vặn tắt trước khi ngủ, nên khi cô tỉnh giấc không do tiếng cúc cu mà một cách tự nhiên. Khi choàng mắt dậy Hương hơi ngạc nhiên với mâm cơm đã dọn sẵn trên chiếc bàn con trong phòng. Hương nhớ lúc ngủ mình đã khóa chốt cửa bên trong, giờ nhìn lại thấy chốt vẫn còn nguyên đó, vậy làm cách nào bà Hai đưa cơm vào?

- Vú Hai ơi!

Bà vú già từ nhà dưới chạy lên ngay và lên tiếng:

- Đã mấy lần gọi cô mà không nghe cô trả lời, tôi đoán là cô ngủ say...

- Làm cách nào vú dọn cơm trong phòng cho con được?

Bà Hai ngạc nhiên:

- Ủa, tôi có dọn đâu? Mà cô khóa cửa mà!

Chỉ vào mâm cơm còn nóng, Hương bảo:

- Thì mâm cơm còn đây. Hay là vú có cách mở cửa nào khác?

Bà vú bước lại chỗ mâm cơm, bà lắc đầu:

- Tôi không hề, vả lại sáng nay tôi chỉ mua mấy món ăn tạm, đâu có những món này?

Thùy Hương lúc này mới để ý từng món ăn trong mâm, cô càng kinh ngạc hơn khi thấy từng thứ đều là món khoái khẩu của cô ngay từ nhỏ, nhất là món su hào xào thịt.

Vú Hai sợ Hương không tin mình, bà đi xuống nhà dưới bưng lên nguyên mâm cơm mình đã dọn sẵn chờ cô thức dậy ăn.

- Cô xem, mâm cơm tôi nấu còn nguyên đây.

Thùy Hương lặng thinh hồi lâu, rồi cô khoác tay bảo:

- Vú dọn hết cả mâm cơm này xuống đi, con không thấy đói. Sáng mai khi nào con thức con sẽ tự đi ra ngoài ăn, vú khỏi làm thức ăn sáng. Vú nhớ nghen, con đi ăn bên ngoài rồi đi bộ cho thư giãn.

Vú Hai dọn mâm đi mà những thắc mắc trong lòng còn đeo đẳng. Bà thao thức suốt đêm hôm đó với chỉ một câu hỏi:

- Ai đã dọn mâm cơm lạ lùng đó?

Bà đã múc từng muỗng thức ăn ra xem, nó vẫn bình thường và đặc biệt mùi thơm rất bắt mũi, ngửi là đã muốn ăn, tiếc là Hương đã không ăn và cả bà cũng không dám nếm thử.

Thùy Hương cũng thế, cô cứ suy nghĩ mãi chuyện lạ lùng đó. Ai đã lẻn được vào phòng trong lúc cô ngủ? Phải chăng trong nhà còn có ai khác ở?

Điều này thì chắc chắn là không rồi, bởi cô đã được dì Khánh nói rất rõ rằng đây là ngôi biệt thự mà cha cô đã bỏ không từ lúc ông đi nước ngoài, chẳng cho ai thuê, cũng không có người ở nhờ.

Dù mang rất nhiều thắc mắc chưa giải thích được như vậy nhưng vì quá mệt sau cuộc hành trình hơn sáu tiếng đồng hồ liền, nên sau đó Hương đã lại ngủ một cách ngon lành...

- Vú ơi!

Nghe tiếng gọi thất thanh của Hương, bà vú Hai hớt hải chạy lên.

- Gì vậy cô Ba?

Hương mở cửa phòng, chỉ tay về một mâm thức ăn sáng đã để sẵn trên bàn:

- Vú làm chuyện này nữa sao?

Bà vú còn kinh ngạc hơn:

- Không bao giờ! Trời đất ơi, sao kỳ lạ vậy nè?

Bà nhìn tô phở còn bốc khói và một ly cà phê sữa nóng còn nguyên, những giọt cà phê chảy từ từ xuống từ chiếc filtre còn mới, những thứ mà trong nhà này bà chưa kịp sắm. Bà lặng người đi với cảm giác lạnh đang lan rần khắp sống lưng...

Thùy Hương bước tới cửa sổ xem lại các chốt cửa, tất cả vẫn còn gài chặt bên trong. Bà vú nhắc:

- Cô nhớ xem mình có chốt cửa phòng trước khi ngủ không?

Hương quả quyết:

- Chắc chắn là không. Lúc nãy khi thấy mâm thức ăn, con đã xem lại rất kỹ, chốt cửa không hề mở. Người bên ngoài chắc chắn không thể nào lọt vô được!

Bà vú lẩm bẩm:

- Không lẽ là... ma?

Thùy Hương phản bác ngay:

- Làm gì có chuyện đó vú!

- Vậy thì tại sao?

Không ai trả lời được câu hỏi. Mãi một lúc lâu sau bà vú mới đề nghị:

- Hay là cô đổi sang phòng bên kia, hoặc là rời xuống tầng dưới, phòng của ông bà?

- Phòng của ba má con ở dưới?

Vú Hai gật đầu:

- Phòng lớn ở dưới.

- Vậy phòng con đang ở đây là của ai ngày trước?

Bà vú hơi lúng túng:

- Phòng này là của... bà chủ, trước lúc bà chết.

Thùy Hương tuy là con trong nhà, nhưng từ nhỏ cô chỉ ở Sài Gòn, ít khi nào sống trên này. Mỗi lần lên đây cô cũng chẳng tìm hiểu xem sinh hoạt trong gia đình ra sao, cho đến lúc cha mẹ cô lục đục với nhau, rồi ba đi theo người đàn bà khác, kế đó mẹ cô phát bệnh và qua đời một cách âm thầm, mà ngay như cô cũng chẳng hiểu mẹ bệnh gì, chết ra sao cho đến khi cô được cho đi du học...

Vú Hai định chuyển đồ đạc xuống phòng dưới nhưng Thùy Hương đã ngăn lại:

- Không cần đâu vú, con muốn ngủ ở đây. Không hề gì đâu.

Và cũng thật bất ngờ, lần này cô không cho vú dọn nguyên mâm thức ăn sáng đi, mà lại ngồi xuống ăn một cách ngon lành. Vú Hai ngăn lại:

- Kìa cô, đừng ăn...

Nhưng Thùy Hương đã ăn một hơi hết tô phở, uống sạch ly cà phê. Cả hai thứ này đều là món khoái khẩu của cô từ bao lâu nay, kể cả lúc sống ở nước ngoài.

Nhìn cô chủ, bà vú ái ngại vô cùng, cứ sợ có chuyện gì đó xảy ra... Tuy nhiên sau đó cả nửa giờ thấy Hương vẫn bình thường bà mới yên tâm đi xuống.

Khi nắng đã lên cao, Hương xuống nhà và đột nhiên hỏi:

- Vú nhớ mộ của mẹ con không?

Bà phấn khởi ra mặt:

- Nhớ chớ, lúc ở trên này tôi vẫn thường đi làm cỏ mộ và cúng viếng. Hôm qua tôi cũng đã có ý định rủ cô đi thăm mộ bà chủ rồi, nhưng thấy cô còn mệt...

- Vậy vú sửa soạn rồi đi với con. Chúng ta ra thăm mộ rồi khi về ghé qua quán ăn cái gì đó, khỏi nấu cơm nhà. Đi vú!

Bà vú Hai vốn xưa nay rất quý mến bà chủ trước kia. Với bà, chỉ con người ấy mới xứng đáng để bà gọi là bà chủ. Và cũng chính vì thái độ ấy mà khi ông chủ nhà dẫn người đàn bà khác về đây bà đã có ngay ác cảm với bà ta, đến đỗi người phụ nữ đó đã ghét bà ra mặt và đã từng xúi ông chủ cho bà nghỉ việc.

- Đi nhanh lên, vú!

Bị hối đến lần thứ hai bà vú Hai mới sửa soạn xong. Việc đi thăm mộ là niềm vui, nên suốt dọc đường đi bà cứ nói huyên thuyên.

Phải mất hơn nửa giờ đi xe ngựa họ mới ra đến nghĩa trang. Đã hơn mười năm, đây là lần đầu tiên Thùy Hương tới đây và cũng là lần đầu cô bước hẳn vào trong. Bởi mười năm trước, lúc đó Hương mới 8 tuổi, một hôm bố đưa tới đây định cho cô vào thăm mộ mẹ trước khi ra nước ngoài học, nhưng hôm ấy trời đột ngột đổ mưa to nên cuối cùng Hương đã phải cùng bố ra về.

Đi giữa những hàng mộ bia san sát lòng Hương chợt nhớ mẹ vô cùng. Mặc dù khi mẹ Hương chết Hương còn rất nhỏ, nhưng cô vẫn nhớ mẹ có đôi mắt trong xanh, giọng mẹ hiền hòa và dáng đi thanh thoát, chỉ có thế. Hình như mẹ mất đi đã mang theo tất cả...

- Kìa, gần tới rồi đó cô Ba.

Bà vú chỉ hàng mộ phía tay trái khuất sau một bụi Mimosa do ai đó trồng đang ra hoa rất đẹp. Hương nhìn theo và reo lên:

- Phải chi mình trồng trên mộ mẹ một cây hoa Mimosa như thế, đẹp biết mấy!

Hương chạy nhanh về phía trước, gần cây Mimosa. Chợt cô dừng lại khi thấy có một bóng người bước ra từ phía sau cây Mimosa. Có lẽ người ấy bỏ đi vì sự xuất hiện của Hương và bà vú. Chẳng hiểu sao Hương lại thấy thẫn thờ khi nhìn thấy người phụ nữ vừa bỏ đi kia, tự dưng cô như muốn cất tiếng gọi, vì hình như...

- Bà ơi!

Vú Hai bước tới sau, tưởng Hương gọi mình nên lên tiếng:

- Cô Ba gọi gì?

Chỉ tay về phía bóng người vừa đi khuất. Hương hơi run giọng:

- Người đó... bà đó, vừa ở đây.

Vú Hai nhìn theo chỉ còn thấy một cái bóng mờ, bà nói:

- Chắc là ai đó cũng đi viếng mộ như mình.

- Không, vú xem!

Chỉ tay về một ngôi mộ trước mặt. Hương ngạc nhiên vì có một bó hoa Mimosa rất tươi đặt trước đầu mộ. Đến lượt bà vú kinh ngạc:

- Ai đã đặt bó hoa trước mộ của mẹ con?

Thùy Hương lúc ấy mới nhìn bức ảnh gắn trên bia mộ, cô kêu lên:

- Mộ của mẹ đây mà!

Nhìn kỹ lại thì cây Mimosa trồng ngay trước đầu mộ của mẹ, Hương vừa thích thú vừa thắc mắc:

- Ai đã trồng cây này vậy vú?

Bà vú không nhớ nhưng vẫn đáp:

- Chắc là ông đã trồng hồi đó.

Hương lắc đầu:

- Không phải, chính ba con hôm trước điện thoại cho con còn dặn nên tìm một cây gì đó trồng bên mộ cho mẹ, bởi theo ba thì mẹ vốn thích những cây hoa có cành cây cao, hoa màu vàng... À, phải rồi vú, hoa có màu vàng chính là Mimosa!

Còn bó hoa Mimosa đặt ở đầu mộ, Hương tự hỏi:

- Ai vừa đặt hoa vậy?

Chợt cô bảo bà vú:

- Vú chờ con chút!

Cô nhắm hướng người phụ nữ vừa đi và chạy nhanh theo. Chạy quanh quẩn tới gần chục dãy mộ nhưng chẳng thấy bóng dáng ai. Thất vọng, Hương quay lại lối cũ, nhưng chưa bước được bước nào, cô đã sững người khi thấy người phụ nữ lúc nãy đang đứng trước mặt mình!

Đó là một phụ nữ tuổi trung niên, mặc áo dài lụa màu vàng y như hoa Mimosa. Bà không cười nhưng đôi mắt bà nhìn vào Hương như đang cười, như đang muốn nói gì đó. Hương chợt bàng hoàng vì cô đã nhận ra nụ cười trong mắt đó, nó giống hệt như là bức ảnh của mẹ mình gắn trước mộ!

- Bà là...

Hương vừa cất tiếng hỏi thì bỗng người kia vùng bước nhanh, chỉ trong chớp mắt đã lẩn khuất vào những hàng bia mộ.

- Bà ơi! M...

Chẳng hiểu sao Hương muốn cất một tiếng gọi mẹ. Nhưng kịp dừng lại...

Như có một sức đẩy vô hình, Thùy Hương vụt chạy theo và gọi trong thảng thốt:

- Bà ơi! Bà ơi!

Không biết Hương đã gọi đến bao nhiêu lần, và đã chạy bao xa... cho đến khi cô vấp phải một bậc đá rồi té sấp và mê man...

- Cô Ba! Cô Ba...

Thấy Hương mở mắt ra, vú Hai mừng quá:

- Tôi lo quá, cô đã ngất hơn một giờ rồi...

Hương nhìn quanh, nhận ra là đang ở trong bệnh viện, cô vùng bật dậy:

- Đi tìm ngay mẹ con?

Bà vú ngạc nhiên:

- Mẹ con? Nè cô Ba, cô quên rồi sao...

- Con không quên đâu vú ơi, mẹ con đã chết. Nhưng chính vừa rồi con đã gặp bà, con đã gặp mẹ con rõ ràng mà!

Bà vú lắc đầu:

- Cô làm tôi chẳng hiểu gì cả. Hay là tại chuyện tối qua và cả chuyện tôi đưa cô thăm nghĩa trang. Đúng ra là không nên.

Hương hầu như không chú ý gì đến những lời nói của vú Hai, cô bước khỏi giường bệnh trước sự ngạc nhiên của cô y tá đang chuẩn bị khám lại. Vú Hai ngăn:

- Cô còn chưa khỏe, hãy nằm dưỡng đã.

Nhưng Hương cương quyết đi thẳng ra cửa, ý định của cô là trở lại nghĩa trang nhưng lúc ấy trời đã tối và những lời gọi giật lại của bà vú nên cuối cùng cô theo bà về thẳng nhà.

Thấy Hương lại bỏ bữa chiều, vú Hai lo lắng:

- Chuyện gì cũng để từ từ. Để rồi vú sẽ nói cho cô nghe về mẹ con.

Thùy Hương lay vai bà nói:

- Nói ngay cho con nghe đi vú, mẹ con đã chết ra sao? Và người phụ nữ nơi nghĩa địa có đúng là mẹ con không?

- Vú đâu có thấy bà ấy. Nhưng sao cô lại nghĩ là bà ấy mà không phải là ai khác. Bởi cô biết người chết đâu sống lại được...

- Không, con chắc chắn mà. Chính mẹ con đã nhìn con như muốn nói gì đó mà không nói được.

Vú Hai không nói gì thêm, bà nhẹ bước đi về phòng riêng, lát sau trở ra với một hộp gỗ trên tay. Đưa cho Hương, giọng bà xúc động:

- Đây là vật mà bà chủ đưa cho tôi trước lúc lâm chung, dặn chỉ đưa khi nào cô khôn lớn.

Hương định giở ngay nắp hộp ra, nhưng vú Hai đã ngăn lại:

- Tốt hơn là cô nên về phòng riêng rồi từ từ mà xem.Vú cũng chưa từng mở ra nên không biết có gì trong đó, nhưng chắc là rất quan trọng.

Hương nôn nóng lạ thường, cô đóng ngay cửa phòng và mở ngay nắp hộp ra. Vật đầu tiên mà cô nhìn thấy là chiếc phong bì. Mở ra chỉ có tờ giấy và những dòng chữ viết vội:

"Gởi các con của mẹ!

Đây là những dòng cuối cùng mẹ viết cho các con. Mẹ không còn đủ sức nữa, nên có muốn viết nhiều cũng không còn viết được. Điều duy nhất mẹ muốn nói với các con là đừng rời bỏ căn nhà này, bởi chính nơi đây các con đã ra đời và nó sẽ mãi mãi thuộc về các con. Nhớ năn nỉ với ba các con là đừng bán nó, cũng đừng cho bất cứ ai khác vào ở.

Ý nguyện của mẹ chỉ có bấy nhiêu đó, và mẹ sẽ mãi mãi ở bên các con. Đến một lúc nào đó các con sẽ hiểu tại sao mẹ của các con ra nông nỗi này.

Vĩnh biệt!

TB: Nhìn mỗi vật trong hộp này các con sẽ biết mẹ muốn nói gì..."

Ngoài phong thư còn có ba vật khác: một bức ảnh đã cũ chụp 4 người, 2 đàn ông và 2 phụ nữ. Một trong 2 người đàn ông đó là cha, còn người đứng bên cha, tuy là ảnh chụp lúc họ còn khá trẻ nhưng Hương có thể nhận ra ngay đó có thể là mẹ. Hai người còn lại thì chỉ có người phụ nữ là có vẻ quen quen...

- Có thể là bà ta!

"Bà ta" ở đây Hương muốn nói chính là người đã cướp cha ra khỏi vòng tay của mẹ, người mà từ lúc ba Hương đã bắt phải gọi là "mẹ Ngọc".

- Bà Ngọc!

Hương kêu lên và nhìn vào tấm hình rất lâu. Cố nhớ thêm, nhưng không nhớ được gì. Lật ra phía sau ảnh không thấy ghi gì ngoài hàng chữ số 1941. Như vậy bức ảnh này đã chụp cách đây đã trên ba mươi năm, lúc đó mẹ mới 17-18 tuổi...

Vật thứ hai là một chiếc tách uống trà mà trên miệng chiếc tách trắng còn đọng lại vài vết cà phê hay tràm màu nâu sậm. Lật phía dưới đáy tách có ghi mấy chữ nguệch ngoạc bằng bút lông: "Đừng rửa tách này, con sẽ biết tại sao."

Vật thứ ba là một chiếc khăn tay màu hồng, trên đó có thêu hai chữ "KN" lồng vào nhau.

Nằm trên giường, mở mắt nhìn lên trần nhà. Hương nghĩ mãi vẫn không ra ý của mẹ mình muốn nói gì trong số đồ vật ấy? Cầm lại bức ảnh bốn người. Hương xem thật kỹ lại gương mặt thời trẻ của mẹ mình và cả khuôn mặt của bà ấy nữa. Thì ra mẹ mình và bà ta đã từng là bạn thời trẻ của nhau...

- Ăn cơm cô Ba ơi!

Tiếng gọi của vú Hai đã cắt đứt dòng suy nghĩ của Hương. Dù không thấy đói, nhưng không muốn bị gọi mãi, Hương đã mở cửa xuống lầu.

Nhìn bó hoa Mimosa tươi trên bàn, Hương ngạc nhiên:

- Vú mua?

Bà vú cũng ngạc nhiên không kém:

- Vú đâu biết gì. Lúc vú về vô ý nên không nhìn thấy, có thể ai đó đã đem vào...

- Nhưng ai lại vào được khi mình đã khóa cửa?

Nhớ lại bó hoa trong nghĩa trang và người phụ nữ giống mẹ, Hương khẽ kêu:

- Mẹ!

Vú Hai cũng lặng người đi và có lẽ sợ Hương hỏi lôi thôi nên bà lặng lẽ bước về phòng riêng. Hương cứ cầm bó Mimosa trên tay và ngắm nhìn mà quên cả bữa cơm đã dọn sẵn...

Người đàn ông ăn mặc lịch sự, tuy có đứng tuổi nhưng vẫn còn phong độ, nếu không nói là còn khá trẻ so với tuổi, ông ta xuống xe ở bên kia đường và đi bộ sang bên này, dáng đi chắc và nhanh. Nhìn qua ngôi nhà một lượt, ông ta gật đầu hài lòng vì sự chính xác của mình.

- Mời ông đi xe ngựa tham quan thành phố!

Bác xà-ích đánh xe thấy khách sang liền mời nhiệt tình. Tuy nhiên người đàn ông chỉ nhẹ lắc đầu từ chối rồi lại tiếp tục nhìn vào nhà. Thấy vậy bác xà-ích lại hỏi:

- Ông tìm nhà ai?

- Biệt thự Mimosa, có phải đây không?

Bác xà-ích nhanh nhẩu:

- Đúng là nhà đó. Hồi xưa có gắn bản đề rõ biệt thự Mimosa, nhưng lâu lắm rồi người ta đã gỡ đi. Hình như cũng lâu lắm rồi không có ai ở.

Lời ông ta vừa dứt thì đã nghe có tiếng hỏi phía sau:

- Ai tìm gì?

Bà vú Hai xách giỏ thức ăn, có lẽ vừa đi chợ về. Bà nhìn vị khách lạ rồi lặp lại câu hỏi:

- Ông tìm ai?

Vị khách hơi lúng túng:

- À tôi... tôi từ xa về. Tôi muốn hỏi ông... Tâm. Ông Thiện Tâm, trước là chủ ngôi biệt thự này. Biệt thự Mimosa phải không?

Giọng vú Hai thiện cảm hơn:

- Vậy ra ông là bạn của ông chủ. Ông ở bên kia mới về?

Người đàn ông đáp trôi chảy hơn:

- Dạ, tôi từ Pháp vừa về và định ghé thăm...

Vú Hai nhanh miệng:

- Ông chủ định cư bên đó, ông không gặp sao?

- Dạ... dạ có. Nhưng tôi muốn gặp... bà chủ.

Bà Vú Hai cau mày:

- Bà chủ mất lâu rồi, ông không biết? Hay là ông hỏi bà Ngọc?

Người khách hơi giật mình khi nghe nhắc đến tên Ngọc. Tuy nhiên ông ta đã rất nhanh miệng:

- Ồ không, tôi hỏi bà chủ Mimosa, bà Bảo Châu?

- Mất lâu rồi.

- Vậy bà là...?

- Tôi là vú em lâu đời trong nhà này. Tôi nhớ hình như ông đã từng có tới đây?

- Dạ, đúng rồi. Tôi là Khanh. Có phải ngày xưa bà từng gọi lộn tôi là ông Sở Khanh đây không?

- Ồ thì ra là ông! Hồi đó ông chủ thường mời ông tới chơi, nhưng chẳng hiểu sao trước khi bà chủ tôi mất vài ba năm không thấy ông ghé?

Mở cửa mời khách vào nhà, vú Hai định lên tiếng gọi Thùy Hương, nhưng ngại giờ này cô chủ còn ngủ, nên bà lại thôi. Bà đi cất giỏ thức ăn xong trở ra với ly nước lọc trên tay:

- Nhà không có đàn ông nên cũng không sẵn trà, ông dùng tạm nước lọc trên tay.

Nhìn một lượt khắp phòng, vị khách hỏi:

- Bà ở với ai?

- Lâu nay tôi ở Sài Gòn, nhà này đóng cửa. Nay cô Ba từ Mỹ về định ở lâu dài nên tôi mới lên đây vài tuần nay. Chắc ông cũng mới về nước?

- Dạ, tôi mới về được mấy hôm. Mà nè, bà nói ở với cô nào, Mỹ Hương hay Thùy Hương?

- Ông còn nhớ cả mấy cô con gái ông bà chủ, chẳng bù cho tôi vẫn cứ lẫn lộn tên hai cô mãi, ở đây là Thùy Hương - người lâu nay ở Mỹ, còn Mỹ Hương thì ở với ông chủ bên Pháp.

Vị khách có vẻ vui ra mặt:

- Có phải cô Hương này có bệnh... Hiện nay đã khoẻ hẳn chưa?

Thấy ông ta quá rành chuyện nhà, bà vú chợt đưa tay lên miệng ra dấu nói khẽ:

- Cô Ba tôi không thích ai nói về bệnh tình của mình. Ông không nên...

Ông ta vội vã:

- Tôi xin lỗi, tôi vô tình.

Đồng hồ trên tường đổ mười tiếng, vú Hai chợt nhớ tới bữa cơm:

- Ồ, xin lỗi ông, tôi phải đi lo cơm.

Trong lúc đứng dậy bà vú vô tình quơ đổ ly nước bắn cả vào người vị khách. Bà hoảng hốt:

- Dạ, xin lỗi ông.

Trong lúc bà còn lúng túng thì vị khách đã rút chiếc khăn tay màu trắng ra lau nhanh chỗ nước đổ vào người. Vú Hai bảo:

- Xin phiền ông bước sang ghế bên kia, để tôi lau chỗ nước vừa đổ.

Ông khách lách sang ghế đối diện, trong lúc di chuyển, ông ta vô tình làm rơi chiếc khăn vừa lau. Cả bà vú cũng không nhìn thấy.

Thấy bà bận, ông khách cáo lui:

- Thôi, để hôm khác tôi lại tới thăm. Tôi còn ở đây vài tuần. Chào bà.

Tiễn khách ra xong, vừa quay vào vú đã thấy Thùy Hương đứng ở thang lầu:

- Ai vậy vú?

- À, một người quen cũ của ba mẹ cô. Ông ta ở Pháp về.

Hương vẻ không hài lòng:

- Lần sau vú nhớ không để ai vào nhà cả. Con không thích.

Vú Hai cúi xuống lau chỗ nước đổ phát hiện chiếc khăn tay bà lầu bầu:

- Cái người này, có chút mà cũng quên.

Chợt nhìn thấy, Hương bước nhanh lại và mắt cô chạm ngay vào hai chữ "KN" ở góc khăn:

- Vú, cái khăn này là của ông vừa rồi?

- Đúng rồi, lúc nãy vú vô tình làm đổ nước. Ông ta lấy ra lau và bỏ quên.

Giật lấy chiếc khăn, Hương nhìn kỹ một lần nữa vừa lẩm bẩm:

- Không lý nào...

- Cô Ba nói gì?

- À không. Không có gì.

Cô đột ngột hỏi:

- Vú biết rõ ông này?

- Chỉ nhớ là ngày mẹ con còn sống thỉnh thoảng ông ta có tới chơi. Ông ta tên Khanh.

- Khanh? Cái gì Khanh?

Không hiểu ý Hương bà hỏi lại:

- Cô Ba muốn hỏi gì?

- Ông ta tên Khanh nhưng lót chữ gì?

Hiểu ra, vú lắc đầu:

- Tôi đâu rõ.

Giữ lấy chiếc khăn tay, Hương bước vội lên lầu. Giở chiếc hộp ra, lấy chiếc khăn mẹ để lại, so hai cái gần nhau, Hương kêu khẽ:

- Giống nhau!

Quả là hai chiếc khăn giống nhau từ màu sắc, hình dáng và đặc biệt là hai chữ thêu KN lồng vào nhau thì đúng là một.

- Tại sao có chuyện lạ lùng thế này?

Tự hỏi mà không làm sao có lời giải đáp nên ngồi rất lâu Hương vẫn chưa đóng nắp hộp lại.

- Ông ta là ai?

Là câu hỏi mà suốt đêm đó Hương để nó nhảy múa trong đầu, đến đỗi trằn trọc mãi, không tài nào ngủ được. Chưa bao giờ Hương ngủ đầy khó khăn và khi dậy đã cảm thấy người đau nhức, rã rời như sáng nay. Có lẽ do cô đã mất ngủ gần như suốt đêm.

Chiếc hộp đựng những kỷ vật của mẹ vẫn còn bên cạnh, nhưng nhìn kỹ lại thì hai chiếc khăn tay chỉ còn một. Chiếc trong hộp còn ở chỗ cũ, còn chiếc của người đàn ông bỏ quên thì không còn. Nhớ là lúc đi ngủ mình đã máng khăn trên đai ghế, nhưng tìm hoài chẳng thấy, đang định gọi bà vú để hỏi thì nhìn ra cửa sổ Hương thấy nó treo trên đó. Tuy nhiên có điều lạ là bây giờ chiếc khăn trắng tinh ấy đã bị ai đó dùng vật gì đó rạch nát!

- Vú ơi!

Lần nữa vú Hai đã được gọi lên. Chỉ chiếc khăn Hương hỏi:

- Ai làm vậy vú?

Bà vú chẳng hiểu gì.

- Lại chuyện gì nữa cô Ba?

Nhìn chiếc khăn rách, vú Hai vẫn chưa hiểu gì:

- Ai xé vậy? Có phải cái khăn của ông khách?

Hương không đáp. Cả hai im lặng hồi lâu, đột nhiên Hương nói:

- Chính mẹ con đã về đấy.

- Cô Ba!

- Con chắc như vậy! Mẹ con đã làm chuyện này. Đây vú xem...

Cô lấy chiếc khăn còn lại trong hộp cho vú Hai xem:

- Vú xem sẽ rõ.

Vú Hai vừa nhìn đã hiểu ngay:

- Cả hai chiếc khăn này đều của một người. Ông ta đã tới đây sáng nay.

Hương lay vai vú Hai:

- Vú biết gì về người đàn ông đó, nói cho con nghe với!

Vú Hai thật thà:

- Tôi chỉ biết họ là một nhóm bạn thân thời còn đi học. Sau đó khi ông bà chủ lấy nhau thì họ ít thân với nhau. Chỉ thỉnh thoảng ông Khanh đó có tới chơi. Còn bà...

- Vú muốn nói bà Ngọc?

Vú Hai gật đầu:

- Phải, chính bà ấy. Bà Ngọc biến đi đâu mất mãi cho đến khi mẹ cô sinh ra hai chị em cô thì đột ngột xuất hiện. Nhưng lần này họ không còn là bạn nữa...

Hương sốt ruột:

- Vậy là gì?

Giọng bà vú nhỏ hơn:

- Trở thành tình địch của nhau!

- Chuyện ấy bao lâu thì mẹ con mới phát hiện ra?

- Lâu lắm. Có lẽ lúc họ còn chơi với nhau, trước ngày ba mẹ cô chưa cưới nhau.

- Vú nói...?

Vú Hai ngừng kể, có lẽ bà cũng đang xúc động mạnh khi kể lại chuyện cũ. Lát sau bà tiếp:

- Họ là tình địch của nhau từ ngày còn đi học. Cho đến tận ngày mẹ cô mất.

- Vậy ông Khanh ấy là gì của mẹ con?

Vú Hai lắc đầu:

- Vú không rõ lắm. Nhưng sao cô không đọc hai chữ viết tắt ở chiếc khăn tay KN?

- Là gì vậy vú?

- Vú nghĩ đó là chữ Khanh và Ngọc.

Hương kêu lên:

- Vậy mà con không nghĩ ra!

Nhưng Hương có cảm giác như mình đang lạc vào mê hồn trận, điều mà tự bao giờ cô chưa bao giờ nghĩ tới.

- Vú có biết tại sao bà Ngọc đã có ông Khanh ấy rồi mà còn dính tới ba con. Tại sao vậy? Và tại sao mẹ con lại ghét hai cái tên KN đến như vậy?

Bà vú nhẹ thở dài:

- Tôi chẳng hiểu gì ngoài những điều đã nói với cô. Tôi hơi mệt, nên có lẽ bữa cơm...

Hương khoác áo ấm và bảo:

- Trưa nay vú khỏi phải lo cơm, con có việc ra ngoài.

- Cô chớ có đi đâu nhiều, sức khỏe của cô còn yếu.

Hương cười:

- Vú đừng lo, chính sự tù túng trong nhà còn dễ làm cho con bệnh nặng hơn.

Thùy Hương gọi xe đi thẳng ra nghĩa trang, lần này cô quyết một mình gặp mẹ.

Một lần nữa Hương sững người lại, khi nhìn thấy một bó Mimosa tươi nằm trước mộ bia. Có khác hẳn trước là lần này kèm theo một mẩu giấy nhỏ gài ở chỗ cuống hoa. Chữ viết rất vội, nhưng nhìn qua là thấy giống với chữ của mẹ trong hộp kỷ vật. Hương hơi run tay khi cầm mẩu giấy lên, chỉ hai dòng chữ ngắn gọn: "Cuộc sống của con sẽ không được yên bình nữa rồi. Hãy đưa nguyên cái tách trà mẹ để lại trong hộp đi nhờ người ta phân tích chất vết nâu dính trên đó..."

- Mẹ ơi!

Hương nhìn quanh rồi cảm giác như mẹ mình đứng gần đó. Cô vừa gọi vừa bật khóc:

- Mẹ sống hay chết, là ma hay là người thì cũng ra với con. Con muốn được gặp mẹ, chứ không muốn như thế này. Ra đây đi mẹ.

Bốn bề yên lặng. Nghĩa trang buổi sáng hầu như chẳng có bóng người, ôm bóa hoa trên tay, Hương lại chạy vòng vòng qua các hàng mộ để tìm. Chợt có ai đó hỏi:

- Cô tìm ai vậy?

Nhìn người đàn ông có tuổi với cây đuốc trên tay. Hương hỏi:

- Bác có thấy ai vừa ở đây đi ra không? Một người phụ nữ...

Người giữ nghĩa trang lắc đầu:

- Từ sáng tới giờ chỉ có cô là người đầu tiên vào đây.

Chợt nhìn thấy bó hoa Mimosa trên tay Hương ông ngạc nhiên:

- Dạ...?

Ông tỏ vẻ sợ hãi:

- Không nên đâu! Từ mấy năm rồi, hễ ai mà hái dù là một cành nhỏ thì sẽ bị quở ngay!

Hương ngạc nhiên:

- Quở là sao bác?

- Tôi giữ nghĩa trang và quét dọn, nhổ cỏ ở đấy. Có lần thấy Mimosa nở đẹp quá tôi hái đem về chưng, không ngờ hái được một nhánh hoa thì bỗng tôi thấy tối sầm trước mắt, lảo đảo muốn té. Sau đó về nhà tôi bị bệnh một trận tưởng chết mà chẳng biết mình bị bệnh gì.

- Có chuyện ấy sao?

Nghĩ là cô gái này không tin, ông ta kể tiếp:

- Sau đó có mấy người đi thăm mộ, thấy hoa đẹp tới hái nhưng vừa hái xong thì bị hoa mắt, hắt hơi và phát ho đến gần tắt thở và có người đã vừa ho vừa thổ huyết tại chỗ. Từ đó người ta đồn đó là cây Mimosa có ma.

Rồi ông ta hạ thấp giọng, vẻ sợ hãi:

- Nhiều người mướn tôi đốn hạ cây hoa đó, nhưng tôi không dám, chỉ thỉnh thoảng đứng từ xa nhìn chứ không dám lại gần. Còn cô, có lẽ cô chưa biết chuyện tôi vừa kể, nên mới...

Ông ta nhìn Hương với vẻ ái ngại. Hương buông một câu làm ông giật mình:

- Mộ đó là của mẹ tôi. Cây Mimosa đó được trồng trước đầu mộ là để cho mẹ tôi ngắm...

Ông già gác nghĩa trang vốn đã quá quen với không gian toàn người chết chung quanh, vậy mà sau câu nói của cô gái ông ta phải trố mắt nhìn, giọng hơi run:

- Cô hái hoa và... không thấy có sao?

Hương quay đi vừa nói với lại:

- Chính mẹ tôi đã cho tôi bó hoa này.

Hương đã đi xa rồi mà ông già vẫn còn đứng ngơ ngác nhìn theo...

Bước ra khỏi cổng nghĩa trang. Hương đi bộ chậm dọc theo bờ rào,vừa đi vừa có ý tìm một bóng dáng của ai đó giống mẹ. Đồng thời cô cũng muốn tìm một quán nước nào đó có thể ngồi nhìn vào bên trong, thấy được các hàng bia mộ.

Còn đang thơ thẩn, chợt có một người phụ nữ gánh một gánh hoa nặng trĩu vượt qua mặt và khi vừa qua khỏi, bà ta nói rất nhanh đủ cho Hương nghe:

- Nhảy lên lề nhanh đi... xe tông... đó!

Trong lúc chưa kịp có phản ứng thì Hương có cảm giác như được ai đó đẩy cô dạt vào lề. Vừa lúc một chiếc xe chở rất nặng, lạc tay lái đâm thẳng vào phía Hương. May mắn là cô đã nhảy kịp, tránh khỏi cú đâm thẳng của chiếc xe. Hương ôm lấy ngực, trong lúc tim đập nhanh tưởng chừng vỡ lòng ngực!

- Chúa ơi!

Nhìn chiếc xe lật nhào đưa bốn bánh lên trời ở dưới hố sâu. Hương như không tin vào mắt mình. Rồi chợt nhớ người phụ nữ gánh hoa. Hương nhìn theo thì chẳng thấy bóng dáng ai trong tầm mắt. Không thể tin được phía trước là đoạn đường thẳng và vắng, có thể nhìn suốt đến vài trăm mét, vậy bà ấy đi đâu?

Dù không muốn mở cửa, nhưng khi nhìn thấy tờ án lệnh của tòa án. Vú Hai đành phải mở cửa và mời hai người đàn ông vào nhà. Người đàn ông đeo kính trắng tự giới thiệu:

- Tôi là thừa phát lại Lâm Sáng, người tòa ủy nhiệm thi hành vụ này.

- Nhưng vụ này là vụ gì, án lệnh về cái gì?

Ông thừa phát lại bảo người thư ký đi theo:

- Lấy hết hồ sơ ra và đọc án lệnh cho bà ấy nghe.

Bà vú đưa tay ngăn lại:

- Tôi chỉ là người giúp việc. Phải đợi cô chủ tôi về thì các ông đọc cho cô ấy nghe, tôi đâu biết gì.

- Cô ấy đi đâu và bao giờ về?

- Cô chủ đi Sài Gòn, sớm lắm thì mai mới về và cũng có thể lâu hơn bởi công việc riêng của cô ấy, tôi không rõ lắm.

Ông thừa phát lại vẻ không hài lòng:

- Chúng tôi không thể chờ. Vậy chúng tôi sẽ lập biên bản rồi giao án lệnh cho bà, sau đó bà trao lại cho cô chủ. Mà cô ấy tên gì?

- Lê Thùy Hương, là con gái út của ông chủ nhà này, cô ấy thay mặt cha khi ông ấy ở nước ngoài.

- Được rồi, chúng tôi sẽ tiến hành mọi việc theo luật định.

Ông ta bảo thư ký ghi biên bản, xong đọc lại và buộc bà vú ký. Không cách nào từ chối, vú lại phải ký nhưng lo lắng hỏi lại:

- Án lệnh này nói gì?

Người thừa phát lại giải thích:

- Án lệnh này do tòa án lập, tôi chỉ là người thừa hành tống đạt. Nội dung do tòa án đã ghi sẵn, bà cứ đọc.

Sau khi ký biên bản xong, vú Hai cầm tờ án lệnh rất muốn đọc ngay nhưng phải chờ tiễn xong khách ra về, bà mới đeo kính và đọc. Nội dung án lệnh đã làm cho bà lạnh cả người, thảng thốt kêu lên:

- Trời ơi, sao lại thế này?

Những điều ghi trong án lệnh thật lạ lùng, họ phán rằng do ngôi nhà đã được bán đứt cho người khác, mọi thủ tục sang tên đã xong, nên hạn trong bảy ngày những người đang cư ngụ trong nhà phải dọn đi ngay, giao cho chủ mới!

- Sao lại có chuyện đó? Sao người bán lại là... ông chủ. Ông Lê Thiện Tâm, trong khi chính con gái ông mới theo lệnh ông về đây ở chưa được một tháng.

Bao nhiêu câu hỏi làm cho vú Hai quay cuồng đầu óc. Vú đứng ngồi không yên cứ mong ngóng Thùy Hương về. Suốt đêm đó bà vú gần như thức trắng. Đến sáng hôm sau cũng may là Hương về kịp. Vừa bước vô nhà Hương đã nghe vú Hai nói ngay:

- Chờ cô mà tôi mất ăn mất ngủ. Cô Ba xem tờ giấy kia đi.

Hương bình tĩnh đọc tờ biên bản, rồi tờ án lệnh. Đọc xong hai tay cô run lên, suýt vò nát nó vứt đi, may có bà vú nhắc:

- Án lệnh của toà, cô không nên...

Hương nói gần như thét lên:

- Những thứ này làm sao có thật. Làm sao ba con lại bán nhà này trong khi ông đã giữ nó từ mấy chục năm nay, vú biết mà!

- Bởi vậy tôi mới không tin. Bây giờ mình tính sao cô Ba?

Hương quay ra cửa:

- Con sẽ đánh điện qua cho ba, con kêu ba con về.

Hương đi gần một giờ và trở về trong sắc diện thất thần. Thấy thế vú Hai hoảng hốt hỏi:

- Chuyện sao rồi, cô Ba?

Thùy Hương ngồi phệt xuống ghế, chán nản:

- Con đánh điện tín cả gọi điện thoại nữa, nhưng bên đó nói ba con bệnh nặng và đã nhập viện hơn tuần nay rồi. Cả chị Mỹ Hương cũng không có ở nhà.

- Mình làm sao đây cô Ba? Tuần tới họ sẽ lấy nhà, rồi mình ở đâu?

Cầm tờ án lệnh, Hương dặn bà vú:

- Vú ở nhà nhớ đừng cho ai vào. Dù bất cứ lý do gì. Con sẽ ra toà án hỏi cho ra lẽ.

Dù chưa từng biết tòa án nằm ở đâu, cũng chẳng biết phải hỏi ai để rõ sự tình. Nhưng cuối cùng Hương cũng tới được phòng biện lý, nơi giải quyết vụ án. Người thư ký tiếp Hương vừa nhìn vào tờ án lệnh đã hỏi ngay:

- Có phải cô là Lê Thùy Hương, con gái út ông Lê Thiện Tâm?

- Dạ đúng tôi. Tôi muốn biết...

Lấy xấp hồ sơ ra đặt trên bàn, anh thư ký bảo:

- Cô có thể xem để thấy rằng tòa đã làm đúng thủ tục pháp lý. Ngôi nhà trước đây có tên gọi là biệt thự Mimosa đã được ký giấy bán từ bên Pháp, có xác nhận đầy đủ của tòa án ở Paris. Đây, cô xem có phải chữ ký có thị thực của cha cô không? Chính ông Lê Thiện Tâm đã ký bán cách đây hai tuần và người được ông ấy ủy quyền về đây làm các thủ tục là vợ của ông ấy, tức mẹ cô.

Thùy Hương quá bức xúc nên la to lên, quên cả giữ ý:

- Làm gì có chuyện đó, ba tôi đang đau nặng, nằm bệnh viện. Còn mẹ tôi thì chết rồi, làm sao về đây được!

Anh thư ký tòa ngạc nhiên nhìn sững Hương. Anh ta lật một tờ giấy trên đó có kẹp một danh thiếp ghi rõ danh tính: Trần Bội Ngọc tức Jacqueline Ngọc – Paris, France, đưa cô xem:

- Đây, cô nhìn tờ danh thiếp.

Thì ra...

Hương cố nén lắm, nhưng cũng không thể nào được, cô gần như thét lên, vừa đi như chạy ra ngoài. Tiếng của người thư ký tòa vọng ra:

- Bà ta mới từ ở đây ra xong!

Sự xuất hiện của bà Ngọc làm cho vú Hai ngạc nhiên và lo lắng. Bà không muốn mở cổng, nhưng bà Ngọc đã nghiêm giọng:

- Vú quên tôi là chủ của ngôi nhà này sao?

Bà vú liếc mắt lên lầu, cứ sợ Thùy Hương nhìn thấy. Có lẽ đoán được ý của bà vú, bà Ngọc cố ý nói lớn:

- Người mà tôi muốn gặp là Thùy Hương chứ không phải bà. Gọi nó xuống hay bà để tôi lên trên đó?

Đã nghe tiếng Hương từ cầu thang:

- May là bà tới. Tôi đang muốn đi tìm bà đây!

Bà Ngọc dịu giọng:

- Con đón dì bằng thái độ đó sao, Thùy Hương? Có gần mười năm rồi, con thay đổi nhiều, nhưng giọng điệu thì không khác trước mấy. Thế nào, bệnh tình có đỡ hơn không?

Hương trút bao nhiêu uất ức từ hôm qua đến giờ lên con người mà lâu nay cô đã có ác cảm:

- Cũng may là tôi chưa phải đi bệnh viện như ba tôi. Bà đã làm gì để ba tôi đến nỗi hả?

Trước sự hằn học của Hương, bà Ngọc vẫn điềm tĩnh:

- Con biết gì về bệnh tình của ông ấy? Bao lâu nay con ở Mỹ, không một lần qua Pháp thăm cha, biết ông ấy bệnh gì không?

Hương gay gắt:

- Mới tháng rồi ba tôi điện thoại cho tôi, ông còn khỏe mạnh, tỉnh táo. Chính ông đã bảo tôi về đây, còn nói là sẽ về sau...

Bà Ngọc cười nhẹ:

- Con biết ai đã ngồi bên cạnh ba con, cầm ống nghe để ông ấy nói chuyện và ai đã gợi ý từng lời để ba con nói, động viên con về đây không? Ngoài dì ra thì ai vào hả?

Ngừng vài giây, bà tiếp:

- Chính dì đã muốn như vậy. Muốn con về đây dưỡng bệnh, để ba con an tâm vào bệnh viện bên đó. Con còn thắc mắc gì nữa không?

- Nhưng sao bà đứng ra bán ngôi nhà này, trong lúc nó là công sức của cha mẹ tôi và là kỷ niệm mà ba tôi muốn giữ lại mãi mãi, bà biết không?

Bà Ngọc vẫn không mất bình tĩnh:

- Dì biết trước sau gì con cũng hỏi như vậy. Nhưng con có biết là chính ba con đã ký giấy ủy quyền cho dì bán ngôi nhà này từ bốn năm trước, lúc ông còn chưa lâm bệnh. Con không tin chứ gì? Vậy hãy đọc những cái này đi, trước khi nói những lời thiếu cân nhắc đó.

Bà lấy từ trong túi xách ra những tập giấy đẩy tới trước:

- Con hãy ngồi và bình tĩnh đọc kỹ đi.

Không muốn ngồi trước người đàn bà ấy, nhưng sự tò mò đã khiến Hương nhanh chóng ngồi xuống và cầm xấp giấy lên đọc ngay.

Đúng là những dòng chữ quen thuộc của cha, cả chữ ký của ông nữa, bên cạnh phần thị thực của phòng công chứng Paris. Đợi cho Hương đọc xong, bà Ngọc lên tiếng:

- Con thấy, tất cả là quyết định của ba con. Bên cạnh đó con cũng rõ là tại sao ba con quyết định bán ngôi nhà thân thương này.

Hương gần muốn bật khóc khi đọc hết xấp giấy, cô không tin vào mắt mình và thật sự không muốn tin những gì gọi là sự thật trước mắt. Trong khi bà Ngọc vẫn tiếp tục nói:

- Cũng chẳng phải vô cớ mà ba con chịu bán ngôi nhà này. Như con thấy đó, chính vì những tờ giấy nợ do mẹ con ký với một ngân hàng Pháp trước kia. Những giấy nợ này chính ba con cũng không hay biết, cho đến khi ngân hàng gửi tới cho ba con sau khi mẹ con chết được hai năm...

Hương chặn ngang câu nói của bà ta:

- Bà nói láo! Mẹ tôi cả đời chưa từng nợ ai một cắc một xu, như vậy làm gì có chuyện nợ ngân hàng số tiền lớn như vậy? Không bao giờ!

- Những tờ giấy vô tri nhưng những con số và lời lẽ trong đó biết nói. Con đâu hiểu khi ba con nhận được những tờ giấy đó chính ông cũng nghĩ như con, cũng không hề tin, nhưng rồi sự thật nó vẫn là sự thật và cuối cùng ông phải chấp nhận. Con có thể luôn ác cảm với dì nên nghĩ dì không làm hết sức mình để ngăn cản chuyện này. Nhưng sự thật lần này dì về đây là để cứu vãn điều xấu đang xảy ra. Dì đã tìm cho con một ngôi nhà khác để ở một khi họ lấy ngôi nhà này.

Hương đốp chát ngay:

- Bà về lo cho tôi hay là để đốc thúc tòa án sớm đuổi tôi ra khỏi đây? Bà quên là ở Mỹ tôi học luật, tôi rành chuyện vận động sau lưng của những người giả ơn giả nghĩa như bà! Tôi thương cho ba tôi đã quá yếu đuối để bị bà xỏ mũi, lèo lái và tự tung tự tác để đến nỗi này. Nhưng tôi cảnh báo bà, mẹ tôi tuy đã chết nhưng người chết còn có linh hồn. Linh hồn mẹ tôi sẽ không để cho bà và những kẻ đứng sau lưng bà muốn làm gì thì làm!

Nói xong Hương bỏ đi ngay lên lầu. Bà Ngọc tỏ rõ là một người thâm hiểm. Ngoài mặt không có một phản ứng gì nhưng ánh mắt rực lửa của bà ta đã nói lên tất cả.

Hương gục đầu vào gối và khóc. Giờ phút này chỉ có những giọt nước mắt mới có thể làm dịu đi nỗi khổ trong lòng cô gái có thần kinh yếu đuối. Đồng hồ điểm mười hai tiếng mà Hương vẫn rấm rức khóc...

Có lẽ sau đó khá lâu Hương mới đi vào giấc ngủ.

Và ở ngoài cửa trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn cầu thang hiện ra một người đàn bà. Toàn thân vận trang phục trắng, cả chiếc khăn trùm đầu cũng toàn trắng.

Không thấy người ấy đi từ dưới cầu thang lên nhưng đột ngột hiện ra và đứng im lặng trước cửa phòng ngay từ lúc bên trong còn vọng ra tiếng khóc của Hương, cho đến lúc tiếng khóc im bặt.

Nếu tinh ý, người ta sẽ nghe người đó cũng đang khóc. Đôi vai gầy của bà rung lên nhè nhẹ...

- Ủa, cô Ba giờ này còn thức sao?

Tiếng của bà vú. Từ dưới cầu thang, bà đi lên, nhìn người đứng ngoài cửa bà ngỡ là Thùy Hương.

Tiếng hỏi của bà vú đã làm cho người đàn bà giật mình quay lại, ánh mắt họ chạm nhau và...

- Trời ơi!

Tiếng thất thanh của vú Hai khi bà nhìn vào gương mặt người đối diện. Thoắt cái người vận toàn trắng biến nhanh vào bóng tối hành lang còn bà vú thì ngất lịm.

Khi Hương tỉnh giấc, cô như có linh tính gì đó nên bước ra mở cửa.

- Vú Hai!

Hương bật đèn lên và bế xốc bà vú dậy, cố đưa vào phòng. Khi vừa mở mắt ra bà vú đã kêu thét lên lần nữa:

- Trời ơi bà chủ!

Hương ngơ ngác:

- Chuyện gì vậy vú?

Ôm lấy Hương, bà khóc rưng tức:

- Đúng rồi cô Ba ơi, bà chủ về đây! Tôi gặp...

Hương hấp tấp:

- Chuyện ra sao, vú nói con nghe coi.

Bà vú lấy lại bình tĩnh thuật lại chuyện vừa rồi. Kể xong bà còn quả quyết:

- Không thể sai được, dù mặt bà chủ có gầy hơn, xanh hơn nhưng tôi vẫn nhận ra ngay. Bà chủ cũng nhận ra tôi nữa...

Không một chút sợ hãi, Hương nói giọng tiếc nuối:

- Phải chi con gặp mẹ. Con đang rất cần có mẹ, vú ơi!

Với bệnh tình chưa ổn định rồi lại mất ngủ nhiều đêm trong tâm trạng bồi hồi xúc cảm nên Hương có cảm giác mình sắp gục ngã. Tuy nhiên mỗi lần nhớ đến mẹ thì cô lại thấy tinh thần phấn chấn hơn. Hôm nay cũng thế, đợi khi bà vú Hai xách giỏ đi chợ, khóa hẳn cổng lại, Hương trở vào nhà và thay vì lên phòng riêng, cô lại vào căn phòng ở tầng trệt, nơi bà vú nói là phòng riêng của cha mẹ.

Đã tìm được xâu chìa khoá cũ nên việc mở cửa phòng chỉ mất chưa đầy một phút. Căn phòng sáng và sạch, trái với ý nghĩ của Hương là nó phải tối tăm và bụi bặm vì đã ngót chục năm rồi bỏ hoang.

Đó là điều lạ thứ nhất. Còn điều lạ thứ hai là ở giữa chiếc bàn phấn đang có một lọ hoa cắm đầy những cành Mimosa còn tươi thắm. Hương thơm từ bình hoa sực nức căn phòng. Chẳng khác nào một căn phòng có người đang ở!

Sững sờ một lúc, Hương bước nhẹ tới chỗ bàn phấn, đôi tay cô chạm vào những cánh hoa và một cảm giác lâng lâng khó tả,chẳng khác một người bệnh nặng được hít dưỡng khí. Ngồi xuống ghế, nhẹ tay kéo bàn phấn ra, Hương càng ngạc nhiên hơn khi trông thấy mấy hộp phấn, kem thoa mặt và cả một thỏi son dùng dang dở còn tươi. Ngoài ra còn có một chiếc lược bàn chải còn vương lại nhiều sợi tóc dài rất mịn.

Cố tìm thêm, nhưng Hương không thể nào thấy một vật gì đó của cha. Tại sao vậy, khi bà vú nói rằng đây là phòng của cha mẹ mình?

Hương bước tới chiếc giường nệm phủ ra trắng tinh, thẳng nếp như mới được chăm sóc. Chỉ có chiếc gối chớ không phải một đôi dành cho vợ chồng. Căn phòng chỉ bấy nhiêu đó. Không tranh ảnh, không tủ gương...

Định bước ra nhưng chẳng hiểu sao tự dưng Hương lại muốn nằm lên giường, ý muốn không thể cưỡng lại được...

Lúc nằm nhìn lên trần nhà Hương mới phát hiện bóng đèn tuýp trên trần đã được bật sáng, thảo nào lúc Hương vào đây căn phòng đã rực sáng. Mình đâu có bật đèn, Hương tự nhủ như vậy và định bật dậy tiến tới chỗ công tắc đèn. Nhưng chẳng hiểu sao toàn thân như không còn lực nữa, cô như bị dính chặt xuống mặt nệm! Và đôi mắt Hương như sụp xuống, mờ đi...

Chẳng biết là bao lâu sau, khi tỉnh lại Hương thoáng nghe như có ai gọi ngoài cổng. Cố bước ra, Hương lảo đảo, cuối cùng mới ra được bên ngoài. Bà vú Hai đứng ngoài cổng gọi có lẽ đã khá lâu. Vừa nhác thấy Hương bà đã kêu lên:

- Tôi gọi khàn cả cổ, cứ tưởng cô ngủ say hay bị chuyện gì, cô có sao không mà mặt xanh vậy cô Ba?

Hương cố gượng cười:

- Không có gì đâu vú, con ngủ quên.

Vào nhà, chợt nhớ chuyện trong phòng. Hương hỏi ngay:

- Căn phòng của ba mẹ con lâu nay vú có dọn dẹp thường xuyên không?

Bà vú lắc đầu:

- Không hề. Từ bữa trở về đây tôi tính hỏi ý cô rồi vào đó quét bụi nhưng chưa làm...

Dẫn bà tới căn phòng, Hương bảo:

- Con mới vào đây và mọi việc như thế này. Như có người dọn dẹp, chăm sóc thường xuyên, ngăn nắp, sạch sẽ... và còn nữa, vú có bật đèn lên không?

- Không! Tôi đã nói rồi, cả chìa khóa phòng này tôi còn không biết ở đâu nữa là...

Nhớ lại chính mình đã lục lọi cả mấy ngăn tủ trên lầu mới tìm ra xâu chìa khóa. Hương biết là vú không nói dối.

- Cô đem hoa tươi vào cắm hả?

- Vú không, con cũng không. Như vậy chỉ có mẹ con. Vú có nghĩ mẹ con vẫn ở trong phòng này không?

Câu hỏi đột ngột làm cho vú Hai sững người. Vú không tin cũng không được, nhất là nhớ đến chuyện chạm mặt bà chủ hôm trước...

- Cũng có thể...

Bà lấy ra một túi trái cây và bó nhang thơm, vừa bảo:

- Cô Ba bày ra cúng ngay trong phòng này chắc bà sẽ rất vui.

Mới có năm ngày, tức hai ngày trước thời hạn theo án lệnh trục xuất, việc Hương đột ngột quyết định dọn đi nơi khác đã làm cho cả bà vú Hai cũng ngạc nhiên.

- Chẳng lẽ cô Ba chịu thua họ sao?

Hương đáp rất bình thản:

- Không còn cách nào nữa thì phải chịu thôi. Vú chỉ lấy đem theo những gì mà gần một tháng trước chúng ta tới đây và đem đi. Còn tất cả để nguyên trạng.

- Cô Ba...

Hương ngăn không cho bà vú nói tiếp trong lúc đó lặng lẽ thu dọn hành lý. Tất nhiên vật bất ly thân của cô trong lúc này là cái hộp kỷ vật của mẹ.

Sáng hôm sau khi bà Ngọc tới với người thừa phát lại bữa trước thì ngơ ngác khi nhìn thấy ngôi nhà đã khóa kín. Dĩ nhiên bà có khóa riêng, nhưng khi mở cửa ra thì một lần nữa bà ta không khỏi kinh ngạc khi thấy trong phòng khách đèn đuốc sáng choang, trên bàn giữa phòng là một bình hoa lớn cắm đầy Mimosa.

- Con nhỏ này khá lắm, biết điều lắm và cũng giống mẹ nó như khuôn đúc.

Vừa nói bà ta vừa bước tới cầm lấy bình hoa rồi bất thần ném mạnh xuống nền nhà! Hành động của bà ta làm cho thừa phát lại Lâm Sáng cũng phải kinh ngạc, nhưng ông chưa kịp can ngăn thì lại phải một phen nữa kinh hãi khi bỗng dưng thấy bà ta ngã lăn ra, toàn thân run rẩy và bọt mép trào ra như người bị kinh phong!

- Kìa, bà...!

Bà Ngọc gần như không biết gì. Lão thừa phát lại phải gọi ra xe cho người tài xế:

- Mấy người mau vào đây ngay!

Khi tay tài xế và người thư ký vào tới nơi thì họ lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy bà Ngọc đã ngồi bật dậy như chẳng có chuyện gì xảy ra và một lần nữa bà ta lại hung hăng như lúc nãy, dùng chân giẫm lên những cánh Mimosa đang vung vãi ra khắp nơi. Nhưng chân bà ta vừa chạm lên một cành hoa thì thật bất ngờ, từ trên trần nhà nguyên cả chùm đèn treo nặng vài chục ký đã rơi nhanh xuống.

Tội nghiệp lão thừa phát lại, do không nhìn thấy nên đã lãnh trọn cây đèn chùm rơi lên một bên vai. Ông ta ngã vật ra giữa nhà, máu me lênh láng. Đến lúc này thì tính ngông cuồng của mụ Ngọc đã khựng lại. Mụ ta hoảng hốt thật sự khi vừa chạy ra ngoài vừa kêu la inh ỏi.

Trong lúc mấy người còn lại lo chăm sóc cho ông thừa phát lại vừa phải giữ mụ Ngọc trên xe trong lúc mụ ta như phát hoảng, phát cuồng. Và chính vì thế khi xe họ rời khỏi nơi đó thì họ đã quên không khóa cửa ngôi nhà.

Mỹ Hương theo lời hướng dẫn của dì Khánh đã không khó lắm để tìm được địa chỉ ngôi nhà cũ của mình. Điều làm cô ngạc nhiên là cổng và cửa trong không khoá, khi cô đi vào nhà mà gọi mãi chẳng thấy ai lên tiếng.

- Thùy Hương ơi! Vú Hai ơi!

Gọi chán, Mỹ Hương bước thẳng lên lầu. Cả bốn căn phòng ở tầng trên cửa đều mở nhưng chẳng có một ai.

Dừng lại trước một phòng có lọ hoa Mimosa còn tươi, Mỹ Hương mạnh dạn bước vào và có cảm giác như đang có ai đó có mặt trong phòng, bởi hương thơm của loại nước hoa quen thuộc phả vào mũi cô. Từ trong tiềm thức báo cho cô biết ai đang phát ra mùi hương này:

- Mẹ!

So với Thùy Hương thì con Mỹ - khi còn sống mẹ thường gọi con gái lớn như vậy để tránh nhầm lẫn với cô em - gần gũi với mẹ nhiều và quen hơi của bà hơn. Thậm chí đôi lúc cô còn lấy nước hoa mẹ đang dùng tự bôi vào tóc vào da mình với sự thích thú.

Đã hơn mười năm rồi, vậy mà vừa thoáng ngửi mùi nước hoa ấy Mỹ Hương đã nhớ lại ngay. Cô thảng thốt cất tiếng gọi lần nữa:

- Mẹ phải không?

Không có lời đáp. Mỹ Hương cúi xuống ngửi gần hơi những cành Mimosa và lần này cô phát hiện chính hương thơm đặc biệt ấy phát ra từ đây.

- Chắc Thùy - cô cũng hay gọi em gái Thùy Hương bằng tên tắt như vậy - vừa hái những cành hoa này và cắm ở đây...

Mỹ Hương nghĩ như vậy và tin chắc em mình đang ở đâu đó trong nhà, nên bước ra khỏi phòng, lên tiếng gọi lần nữa:

- Thùy ơi, em đâu rồi, chị Mỹ đã về với em đây.

Đáp lại tiếng gọi lần này là một tiếng động từ phía nhà dưới. Nghĩ Thùy Hương hay vú Hai ở dưới đó, Mỹ Hương lại trở xuống. Và nơi đầu tiên cô nhìn vào là căn phòng riêng của cha mẹ, nơi cách đó mấy hôm Thùy Hương đã khám phá ra. Vừa đẩy cánh cửa phòng khép hờ ra. Mỹ Hương giật mình lùi lại vừa kêu lên: - Ai?

Một người đàn ông đang quỳ gối, mặt hướng vào trong phòng và miệng đang lẩm nhẩm gì đó không nghe rõ.

- Ông làm...?

Mỹ Hương hỏi lại lần nữa. Và lần này ông ta quay mặt lại nhìn cô với ánh mắt đầy sợ hãi. Hương thảng thốt kêu to:

- Bác Khanh!

Vâng người đàn ông quỳ gối kia chính là ông Khanh, chủ nhân của chiếc khăn tay có thêu hai chữ KN.

Thay vì trả lời câu hỏi của Mỹ Hương, ông ta chỉ ú ớ như bị câm!

- Bác sao vậy? Mà sao bác lại ở đây?

Ông Khanh nhìn Hương có vẻ cầu cứu, van xin, chỉ là ông ta không thể thốt nên lời vì hình như trong miệng ông ta bị nhét đầy bởi vật gì đó. Mà chừng như tứ chi ông ta cũng không còn cử động được nữa...

- Ai làm gì bác? Con... con...

Mỹ Hương còn đang lúng túng chưa biết phải làm sao thì chợt có ai đó nói từ phía ngoài:

- Chị về đúng lúc đó. Chị Mỹ!

Thùy Hương cùng bà vú vừa xuất hiện.

- Em đoán hôm nay chị thế nào cũng lên đây nên từ sớm đã đứng bên kia đường chờ. Cho đến lúc mụ phù thủy đó tới và sau khi mụ ta tháo chạy thì lão khốn khiếp này tới. Em đã thấy chị vào nhà, định ngăn lại vì em và vú sợ chị bị lão ta hại nhưng rồi em kịp nghĩ còn có mẹ thì chẳng thể nào ai làm gì được chị, mà quả là như vậy.

Mỹ Hương chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện:

- Chuyện gì đã xảy ra vậy Thùy? Hổm nay ai đã làm gì em? Và mụ Ngọc, mụ ta đã về đây?

Thùy Hương kể vắn tắt mọi việc cho chị mình nghe và chỉ vào lão Khanh, cô bảo:

- Ông ta là đồng lõa với mụ Ngọc đó.

- Đồng loã?

- Thì như em kể, lão ta đã tiếp tay với mụ Ngọc thực hiện một âm mưu thâm độc gây ra cái chết của mẹ. Chiếc khăn tay và cái tách cà phê là hai vật của chính lão ta mà trong đó chứa một thứ độc tố cực mạnh. Chính mẹ đã báo cho em biết và em đã đưa hai vật đó về Sài Gòn nhờ xét nghiệm và đây là kết quả cho thấy tội ác của chúng nó!

Thùy Hương lấy trong túi xách ra tờ giấy kết quả xét nghiệm. Mỹ Hương căm phẫn.

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục