Gửi bài:

Phần II

Chiều nay Tuyền bỗng có ý định dạo chơi ngắm cảnh ở khu vực xa hơn thường ngày. Cô rủ nhỏ Tú nhưng nó đã lười biếng từ chối. Mặc dù vậy, Tuyền vẫn hành động theo sở thích sau khi đã cầm theo chiếc áo lạnh và một khăn quàng cổ. Cô dặn với bà vú:

- Một lát nữa vú và nhỏ Tú cứ ăn cơm trước, đừng có chờ con.

Không đi theo con đường mòn dẫn đến nhà ông bà Thành Danh, Tuyền rẽ phải tiến thẳng lên đồi trà, nhưng nơi đây thật yên tĩnh không còn bóng dáng công nhân nào vì đã hết giờ làm việc. Đi xa thêm một chút nữa Tuyền mới chịu dừng lại, đứng ở độ cao nhất, cô đưa mắt ngắm nhìn toàn bộ khu vực quanh mình và cảm nhận được hết sự trù phú của nông trường trà Thành Danh.

Hèn chi họ giàu có rất nhanh với mức doanh thu hằng năm tính bằng tiền tỷ. Vừa phóng tầm nhìn, vừa suy nghĩ, Tuyền không hề hay biết phía sau lưng mình đang có một đôi mắt dán chặt vào người cô. Gió lúc này đang bắt đầu nổi lên làm không khí dịu xuống dần, Tuyền đưa tay hái vài búp trà cho vào miệng nhấm, cảm thấy vị chan chát.

- Trà xanh không độc đáo bằng trà đã được sấy khô, sao tẩm rồi cô à.

Nghe tiếng nói bất thình lình vang lên ngay bên cạnh, Tuyền giật thót cả người. Cô run rẩy quay nhanh lại thì trông thấy một khuôn mặt đang nhìn mình bằng thái độ rất thản nhiên:

- Sao cô có vẻ hoảng hốt vậy? Tôi có phải là con quái vật thời tiền sử xuất hiện đột ngột để ăn thịt cô đâu.

Giọng nói khá trầm tĩnh của người thanh niên đã trấn an Tuyền được phần nào, song nghĩ lại thấy âm điệu của nó cũng đầy vẻ giễu cợt. Cô đặt tay lên ngực để trấn tĩnh rồi nghiêm mặt:

- Anh là ai... sao lại nấp sau lưng tôi?

Người thanh niên chỉnh lại câu hỏi của Tuyền ngay lập tức:

- Cô nói sai. Tôi đã ở đây trước khi cô hiện diện.

Tuyền vội cãi:

- Vậy cớ sao tôi không nhìn thấy được anh chứ?

Bờ môi người thanh niên hơi hé cười:

- Tại đôi mắt của cô không tinh tường đó thôi, đâu phải lỗi ở tôi.

- Vậy anh đang làm gì ở đây?

- Nhìn trời, trông mây... Chắc cô không có ý bảo khoảng không gian bao la này chỉ độc quyền cô tận hưởng chứ?

Vẻ mặt Tuyền thoáng gượng:

- Tôi... tôi không phải là chủ nhân của vườn trà này.

Người thanh niên nhìn vào cô đăm đăm:

- Điều ấy tôi đã biết. Tôi còn biết cô là một cô giáo vừa dọn đến ở đây.

Tuyền giễu lại trả đũa:

- Anh biết nhiều vậy sao?

Người thanh niên nhún nhẹ vai:

- Chuyện cô đến ở đây có gì là bí mật đâu, ngược lại cả vùng này đều biết chứ chẳng phải riêng tôi.

Rồi anh ta nói một mình, nhưng cố ý lại để cho Tuyền nghe:

- Lòng tốt của người ta cần được phô trương rộng rãi mà...

Tuyền có cảm tưởng đang bị xúc phạm, cô đỏ mặt:

- Tôi nghĩ bác Thành Danh không xấu như anh tưởng đâu... Việc tôi đến ở ngôi biệt thự hoang kia rất công khai, mọi người đều thấy cả.

Người thanh niên bỗng chuyển hướng câu chuyện:

- Cô có lá gan hơi lớn đấy.

Tuyền cố tình lờ đi:

- Anh vừa nói gì cơ?

Người thanh niên khoanh tay, hất hàm về phía ngôi biệt thự Tuyền đang trú ngụ:

- Cô ở đó mà không cảm thấy sợ hãi điều gì sao?

Tuyền làm ra vẻ thản nhiên:

- Có gì đáng sợ đâu.

- Cô bạo gan thật.

- Đừng khen tôi sớm như vậy. Chẳng qua là tôi chỉ chưa phát hiện ra điều gì để khiếp đảm cả.

- Nếu có thì cô dám lưu lại đó nữa không?

Bất giác, Tuyền thở than:

- Không lưu lại đó thì chúng tôi biết phải đi đâu?

- Cô không có nhà để ở sao?

- Không... nếu có thì chị em tôi đâu phải đến cái xứ sở núi non này để ẩn náu, làm bạn với những nỗi buồn triền miên chứ?

- Thế cha mẹ cô đâu hết rồi?

Nghe hỏi, Tuyền ngậm ngùi:

- Đã chết hết. Chúng tôi hiện giờ là những kẻ mồ côi.

Lúc này dường như người thanh niên đã biết thông cảm cho hoàn cảnh của Tuyền. Anh ta nhỏ giọng nói:

- Thì ra là như thế!

- Phải. Chúng tôi không có sự Iựa chọn nào tốt hơn.

- Sống ở ngôi biệt thự hoang ấy, cô cảm thấy thế nào?

Tuyền nói thật lòng:

- Khá cô đơn và rất buồn bởi chúng tôi không có bạn.

Đột nhiên người thanh niên tỏ ra thân thiện với Tuyền hơn:

- Cô có muốn tôi thường xuyên lui tới trò chuyện không?

Tuyền ngước mắt nhìn lên:

- Anh ở đâu?

Người thanh niên chỉ tay:

- Ngoài xóm đằng kia, cách đây cũng không xa là bao.

Đến lượt Tuyền điều tra lai lịch người đối diện:

- Anh là công nhân của nông trường này?

- Đúng. Tên tôi là Sinh.

- Anh có gia đình chưa?

Vẫn với nụ cười trên môi, Sinh hóm hỉnh:

- Cô muốn hỏi tôi có vợ con chưa chứ gì?

Nhưng Tuyền không quan tâm tới lời nói của anh mà cuống quýt chỉ tay về phía trước, giọng run sợ:

- Ôi người hay ma...?

Sinh nhìn theo rồi cả cười:

- Ha... ha... coi bộ cô bị ám ảnh nặng nề rồi.

- Nhưng... tôi vừa mới thấy...

- Thấy gì nào?

Giọng Tuyền như lạc đi:

- Một... khuôn mặt... dị dạng...

Sinh tỉnh bơ:

- Có gì đáng sợ đâu, họ cũng là người như ta mà...

- Sao anh biết?

- Bởi tôi và họ cùng ở chung một căn nhà.

Nghe tới đây, Tuyền rùng mình mấy cái liền:

- Họ là người thân của anh à?

Sinh gật đầu:

- Đại khái là như vậy.

- Sao không thể nói chính xác?

Bị hạch lại, Sinh bạnh miệng:

- Tôi gọi ông ta bằng chú... cô biết như thế là quá đủ rồi.

Trong lúc Tuyền còn đang gợn lên những thắc mắc thì Sinh vẫy tay về hướng một bụi cây, anh cất tiếng:

- Chú Nhị à... ra đây đi, kẻo người ta lầm tưởng chú là con ma sống đó!

Không có lời đáp lại, chỉ có tiếng sột soạt của lá cây một lúc rồi im. Sinh quay lại bảo Tuyền:

- Chú ấy không muốn ai nhìn thấy bộ mặt xấu xí của mình. Chú luôn bị mặc cảm...

Chẳng biết từ bao giờ Tuyền đã nắm lấy tay Sinh, có lẽ trong lúc sợ hãi cô đã vô ý định nhờ anh che chở chăng? Và khi bình tĩnh lại, Tuyền hết sức thẹn thùng thu nhanh bàn tay của mình về, trước tia nhìn tinh nghịch của Sinh như đang trêu chọc cô:

- Tối rồi, tôi về đây.

Nhưng đôi chân của cô chưa kịp hoạt động thì Tuyền lại phải lùi sát vào người Sinh. Cô la toáng lên và yêu cầu:

- Anh phải đưa tôi về.

Sinh ngó lơ đi nơi khác:

- Đâu có chuyện lạ đời vậy? Tôi nhớ lúc đến đây ngắm cảnh cô tự đi được mà.

Tuyền nhìn vào từng bụi cây, gương mặt như sắp khóc:

- Lúc đó, tôi chưa nhìn thấy điều gì khiếp đảm cả.

- Nhưng chú tôi không phải là ma...

Lời nhấn mạnh của Sinh không làm Tuyền nguôi sợ. Cô lắp bắp:

- Liệu ông ta có làm hại tôi không?

- Hãy đi mà hỏi ông ấy.

- Tôi không dám.

Rồi thu hết can đảm, Tuyền ù chạy về hướng ngôi biệt thự cũ thật nhanh đến độ không còn thở ra hơi. Khi dừng lại, cô đã ngã vào vòng tay của ai đó mà không thể nhận dạng được. Tuyền chỉ mơ hồ nghe thấy tiếng mình hét và cảm giác toàn thân nhẹ hẫng... bềnh bồng...

***

- A... cô Hai đã tỉnh rồi...

Tuyền vừa cựa quậy mở mắt thì đã nghe tiếng reo của vú Dần. Cô gượng ngồi dậy hỏi:

- Đã mấy giờ rồi hả vú?

Vú Dần đáp gọn gàng:

- Bảy giờ tối rồi... nghĩa là cô đã ngất đi hơn một tiếng đồng hồ.

Nghe thấy vậy, Tuyền thảng thốt:

- Tôi bị ngất?

Vú Dần lại đáp:

- Đúng.

- Ở đâu vậy?

- Ngoài đồi trà. Nếu không nhờ cậu công nhân ấy đưa về thì tôi và cô Tú sẽ không biết đâu mà tìm cả. Từ nay cô đừng có đi dạo xa như thế nữa, sức khỏe của cô không cho phép đâu.

Tuyền tiếp lời vú Dần khi bà chưa kịp dứt:

- Vú vừa nói... ai đã đưa con về?

Vú Dần nheo mắt lại vì bị chói ánh đèn:

- Một cậu công nhân còn rất trẻ. Cậu ta bồng cô từ vườn trà về đây bảo tôi chăm sóc rồi đi ngay. Cô có đói bụng không để tôi đi hâm nóng thức ăn.

Tuyền ngơ ngẩn nói một mình:

- Hắn đã bồng ta về...

Tuyền chộp tay vú lay mạnh:

- Vú thấy hắn có tỏ thái độ gì sàm sỡ không?

Câu hỏi này làm vú Dần trố mắt:

- Làm gì có chuyện đó? Tôi thấy cậu ta rất đàng hoàng, còn chỉ cho tôi cách làm cho cô mau tỉnh lại nữa.

Vẫn chưa thật sự yên tâm, Tuyền vội kiểm soát lại người mình. Khi thấy không có dấu hiệu gì khác lạ cô mới thở ra nhẹ nhõm. Thì ra anh ta cũng có chút lòng tốt đã theo bảo vệ và đưa cô về nhà. Nhưng... Tuyền nhớ là lúc ấy mình đã chạy thật nhanh mà. Làm sao anh ta có thể theo kịp nếu chậm chân hơn mình chứ? Như vậy là anh ta cũng phải ra sức chạy... Tuyền cảm thấy hả dạ rời khỏi giường đảo mắt tìm em gái. Không thấy nó, cô bèn hỏi:

- Nhỏ Tú đâu rồi vú?

Vú Dần nhìn ra khoảng tối bên ngoài cửa, giọng nói lo âu:

- Cô Tú theo cậu công nhân ấy đi lấy thuốc nãy giờ...

- Sao vú lại để em con đi như vậy? Bộ vú không biết ở bên ngoài có bao nhiêu điều nguy hiểm đang rình rập đó hay sao? Ôi, nó là con gái lại đi ra ngoài trời tối lâu như vậy. Ngộ nhỡ...

- Em không sao đâu chị ạ...

Tiếng nhỏ Tú vang lên khi nó chưa kịp xuất đầu lộ diện làm ai nấy hoảng hồn. Vú Dần và Tuyền áp lưng vào nhau nhìn ra cửa.

- Mi về rồi hả Tú?

Bây giờ nhỏ Tú mới bước vào với một cái gói nho nhỏ cầm trên tay. Trông nó tỉnh bơ chẳng lộ nét gì sợ hãi.

- Thì em đã về rồi đây nè.

Tuyền dấn tới một vài bước:

- Mi theo anh ta đến tận đâu?

Tú ngồi phịch xuống ghế, dùng hai tay xoa nắn đùi:

- Ối... đi xa thật là xa. Qua tới mấy ngọn đồi vào trong xóm lận.

- Rồi khi trở về, có ai dẫn mi đi không?

- Tất nhiên là phải có. Bộ chị cho rằng em dám ngang nhiên trở về đây một mình ư?

Tuyền ngồi xuống cạnh em:

- Ta không nghĩ như thế, nhưng người đưa mi đâu rồi?

Tú nhóng mắt nhìn ra ngoài. Nó cắn môi:

- Ảnh không chịu vô nhà. Chắc là còn đang đứng ngoài sân.

Tuyền bảo em:

- Mi xách đèn đi ra mời người ta vào.

Song nhỏ Tú đã lắc đầu:

- Em mời rát lưỡi rồi, họa chăng chị lên tiếng.

Nhưng vú Dần vội ngăn lại:

- Cô Tuyền còn yếu, không nên đi ra ngoài.

Được thể, Tuyền bèn sai:

- Nếu thế thì cả hai hãy bước ra mời khách đi.

Không dám cãi, nhỏ Tú liền kéo tay vú Dần bước ra ngoài với ngọn đèn dầu vặn hết cỡ. Cả hai vừa đi vừa lên tiếng như để trấn át cơn sợ hãi khi phải tiếp cận với bóng tối bên ngoài. Song tuyệt đối không có ai đáp lại, cũng chẳng thấy người nào. Vú Dần huơ huơ đèn lên cao rồi hỏi Tú:

- Lúc nãy cậu ấy đứng ở đâu?

Nhỏ Tú hất cằm về phía trước:

- Chỗ đó mà...

- Sao bây giờ không thấy?

- Hay là anh ấy về rồi.

- Cái cậu lúc nãy có phải không?

- Vâng. Chính anh ấy.

Khi nhìn trước, nhìn sau không thấy, cả hai bèn dợm quay người lại định trở vào. Chợt họ rú lên rồi quẳng đèn chạy ngược vào trong:

- Á... á... á...

Đang bưng ly nước toan uống, Tuyền giật mình dừng lại hỏi:

- Cái gì vậy?

Phải nói rằng thần sắc vú Dần và nhỏ Tú đều giống y như nhau... xám ngắt, toàn thân run lập cập... môi và răng họ đánh bò cạp vào nhau, miệng nói không thành câu:

- Ma... m... a...

Tuyền cũng nghe tóc gáy mình dựng đứng, muốn làm tỉnh mà không xong:

- Nói... bậy... không... hà...

Vú Dần bập bẹ như con nít đang tập nói:

- Không... bậy... đâu... c... ô... ma... thật mà...

Nhỏ Tú tiếp giọng trệu trạo:

- Ừa... th....ấy... ghê... quá...

Hiểu những gì em và vú Dần vừa trông thấy, nhưng Tuyền lại không thèm đính chính. Bởi cô biết lúc này có nói cũng chẳng làm giảm bớt sự sợ hãi của họ được. Tuyền bất mãn thốt lên:

- Cứ nhát nhau thế này thì đến phải giảm tuổi thọ mất thôi.

Vú Dần vội thanh minh khi đã bình tĩnh:

- Không phải nhát... mà là tôi với cô Tú trông thấy rõ ràng.

Tuyền gạt phăng:

- Con không thích nghe chuyện ma.

- Nhưng... đó là con ma thật.

- Nó thế nào?

- Khủng khiếp đến độ không tả nổi.

- Nó đã làm gì vú?

- Chưa kịp. Bởi tôi và cô Tú nhanh tay quẳng đèn ù té chạy mất rồi.

- Vậy mà con cứ tuởng nó đã chộp được gáy một người.

Nghe nói, vú Dần rùng mình trông tức cười:

- Ối... nếu mà tôi bị chộp thì linh hồn tôi sẽ lìa khỏi xác ngay tức khắc chứ không thể sống thêm một phút nào đâu. Tôi bị bệnh tim mà cô Hai.

Tiếng rên của vú Dần làm cho Tuyền thương hại, cô dùng tay xoa chiếc bụng đang đói meo của mình làm bộ than:

- Nghe vú nói con thấy tội nghiệp cho vú ghê, nhưng nếu thương vú thì cái bao tử của con sẽ khổ suốt đêm vì nhịn đói.

- Như thế tôi cũng áy náy quá. Ngộ nhỡ cô ngã bệnh thì cả nhà mình sẽ phải sống ra sao đây? Hiện giờ mọi thứ đều trông vào tiền lương dạy học của cô.

Tuyền thừa cơ:

- Biết vậy thì vú hãy mau chóng xuống bếp với con đi.

Thấy không còn cớ gì trì hoãn được, vú Dần bèn gom hết mớ can đảm ít ỏi của mình toan đặt tay lên then cửa định mở thì... cộp... cộp... cộp... Trời đất, tiếng giày nện ở bên ngoài và ngay cả trong gian phòng khách khiến vú giật lùi xô ngã cả vào Tuyền. Một lần nữa, Tuyền bủn rủn người muốn ngất đi. Cô thều thào:

- Con xỉu đây vú ơi...

Vú Dần cũng chẳng hơn gì cô, ngồi bệt xuống nền nhà từ bao giờ vì đôi chân không còn sức để đứng. Tiếng vú như hơi gió:

- Đừng... đ...ừ...n...g... xỉu... cô Hai ơi...

Tuyền cảm thấy mệt tựa người vừa phải lao động cực nhọc. Cô nói giọng đứt quãng:

- Con... con... sợ... quá...! Dường như là...

Vú Dần dùng tay bịt miệng Tuyền:

- Giữ im lặng... đừng nói gì...

- Liệu có phải có người muốn trêu chọc chúng ta không hả vú?

- Theo tôi thì không phải là người đâu.

Tuyền hỏi nhỏ vào tai vú:

- Vậy thì ai?

- Kinh nghiệm cho biết... đó là ma...

- Vú lúc nào cũng tưởng tượng bậy bạ.

- Không hề bậy bạ đâu cô Tuyền à. Theo người xưa kể lại thì cảm giác của chúng ta rất chính xác. Nghĩa là khi chúng ta thấy ớn lạnh đột ngột, tóc gáy dựng đứng lên, gai ốc mọc cùng người thì chắc chắn trăm phần trăm đang tiếp cận với thế giới vô hình...

Tuyền vòng tay trước ngực để đè nén độ nhảy của trái tim. Cô cố nói gạt đi:

- Lỡ đó là triệu chứng của người vừa bị cảm mạo thì sao?

- Hoàn toàn không trùng hợp vậy đâu. Cô nghe đấy tiếng chân người từ trong ra ngoài rồi mất hẳn...

- Hay họ đã bỏ đi?

- Biết đâu một hình bóng dật dờ nào đó chẳng đứng ở phía bên kia cánh cửa đợi chúng ta để nhát.

Nhìn điệu bộ quá khiếp sợ của vú Dần, Tuyền không nỡ làm cho bà phải hãi hùng thêm, nên thở dài lia mắt vào túi bánh mì sấy khô treo trên tường:

- Thôi... để con ăn tạm một miếng bánh dằn bụng vậy. Dù sao thì trong nhà cũng chỉ có ba người phụ nữ yếu đuối không thể chống cự lại được với bất cứ điều gì...

Thấy cô chủ đã biết nghĩ xa, vú Dần khấp khởi mừng. Vú khêu to hơn ngọn đèn, gài chặt cánh cửa rồi lo cho Tuyền bữa ăn tạm bợ để cô đỡ đói. Lúc này chỉ có hai người còn thao thức vì nhỏ Tú đã chìm vào giấc ngủ.

***

- Cô Tuyền... dậy ăn điểm tâm đi kẻo không còn phần bây giờ.

Tiếng gọi của vú Dần làm Tuyền choàng tỉnh thức trong cơn đói sôi sục. Cô không nằm nướng mà bật ngay dậy khi nhìn thấy tia nắng ban mai lọt vào phòng. Việc trước tiên là Tuyền đảo mắt tìm nhỏ Tú nhưng có lẽ nó đã ra khỏi giường từ lâu. Xỏ chân vào đôi dép, Tuyền thong thả rời phòng. Cô ngửi thấy mùi thức ăn từ nhà bếp xộc lên mũi thơm tận trong buồng phổi. Làm vệ sinh mau chóng, Tuyền hối thúc vú Dần khi cô chưa kịp ngồi vào bàn:

- Mau lên đi vú ơi... chắc là con phải ăn luôn khẩu phần tối qua mới có thể hết đói.

Vú Dần bưng lên cho Tuyền một tô xúp nấu thịt thêm lòng đỏ trứng gà. Vú nhìn cô cười cười:

- Bồi dưỡng để cô khỏi bị sút ký vì sự kiện tối qua.

Để tô xúp đã ăn xong sang một bên. Tuyền rời chỗ đứng lên. Vú Dần từ bên ngoài bước vô báo:

- Có khách tới thăm cô Hai kìa.

Hơi ngạc nhiên Tuyền chầm chậm bước ra. Cô nhìn thấy người khách ngay ở bậc tam cấp:

- Chào cô. Cô đã khỏe hẳn rồi chứ?

Tuyền đứng sững người trả lời:

- Vâng... cám ơn.

Sinh nhếch mép cười:

- Khách sáo vừa thôi cô Tuyền à. Ở đây người ta không quá lễ nghĩa như thế đâu.

Tuyền cố giữ nét mặt nghiêm:

- Thì ra anh đã biết tên tôi.

Rồi không để Tuyền kịp phản ứng, Sinh đề nghị:

- Cô có thể đi đạo với tôi vòng quanh đây một chút được không?

Tuyền lắc đầu không suy nghĩ:

- Tôi còn bệnh.

Anh thanh niên không hụt hẫng mà cười:

- Đừng từ chối vội vàng như thế chứ cô Tuyền. Tôi nghĩ cô sẽ ân hận sau câu nói của mình.

Tuyền muốn phản ứng ngay lập tức nhưng cô bị Sinh chặn lại:

- Đã bảo đừng có vội. Mặc áo khoác rồi cùng đi với tôi.

Tuyền bất mãn:

- Anh có quyền gì mà ra lệnh cho tôi?

- Cô lại căng thẳng rồi.

- Tôi còn phải đi dạy nữa.

- Cô quên hôm nay là ngày chủ nhật sao?

Không có lý do gì để đưa ra, Tuyền đành chấp nhận:

- Thôi được... đi thì đi...

Nói xong cô quay trở vào phòng lấy áo và khăn quàng, mọi hành động của Tuyền như đang bị kẻ khác sai khiến.

Sánh vai cùng Sinh rời khỏi ngôi biệt thự trước sự kinh ngạc của nhỏ Tú và vú Dần, Tuyền có nghe họ xì xầm song cô không buồn ngoái lại. Đưa tay lên che miệng ngáp vì giấc ngủ muộn đêm qua chưa đã mắt, Tuyền bước đi thật nặng như thể không nhấc nổi đôi chân, dù rằng chung quanh cô cảnh sắc thật đẹp đang đón chào:

- Thế nào? Có cần tôi phải dìu không?

Tuyền cà nhắc một cách cố tình:

- Tại anh.

- Sao lại là lỗi của tôi? Hôm qua cô vấp ngã rồi ngất đi là do cô tự chạy.

- Thế không phải là anh đã đuổi theo tôi sao?

- Công nhận rằng tôi đã chạy theo cô, nhưng không phải là đuổi mà là để đỡ... Nếu không có tôi lúc ấy thì ai sẽ đưa cô về nhà nằm trong chăn êm nệm ấm tối qua.

Tuyền miễn cưỡng nhìn nhận:

- Tôi đã mắc nợ anh chuyện này.

- Bây giờ thì tôi đang cảm thấy hối tiếc đây. Nhưng không sao... mọi chuyện đều có thể trở lại từ đầu. Cô trả nợ cho tôi... từ nay chúng ta không còn gì vướng mắc nữa.

Thay vì nói lời xin lỗi để làm lành, Tuyền buột miệng:

- Anh muốn gì thì cứ việc nói đi.

Sinh yêu cầu thẳng thừng giống như cô lúc nãy:

- Hãy nhắm mắt lại cho tới khi tôi bảo mở ra.

Rất lạ song Tuyền không dám đặt câu hỏi, cô chấp nhận trong trạng thái hoang mang:

- Nhắm mắt thì có gì là khó đâu!

Sinh làm mặt nghiêm, không hề cười:

- Tôi sẽ không cho cô có cơ hội khiếu nại đâu cô giáo.

Yên chí, Tuyền bắt đầu nhắm mắt, cô cố vận động thính giác để nghe ngóng xem người thanh niên kia đang toan tính giở trò gì. Nhưng tuyệt nhiên đôi tai Tuyền không phát hiện ra điều chi ngoài tiếng gió và tiếng động của thiên nhiên luôn có sẵn. Một phút... rồi hai phút trong sự hồi hộp, giữa lúc Tuyền không thể nào ngờ được thì cô cảm thấy một luồng hơi nóng ấm phà vào mặt và bờ môi như đang bị mơn man. Gió cao nguyên hỗn hào với cô chăng? Hay giọt nắng đầu ngày đã thừa cơ lợi dụng? Tuyền bâng khuâng toan mở mắt song sợ đánh mất giây phút thần tiên ấy nên thụ động để yên. Chừng cảm giác đột ngột bị ngưng ngang, Tuyền hụt hẫng mở choàng ra định níu kéo thì mới hay rõ vấn đề. Cô sửng sốt trước ánh mắt đê mê và bờ môi thỏa mãn của người thanh niên thì đã quá muộn. Sinh quay lưng bỏ đi để mặc cô ngồi lại đó với gương mặt nóng lên vì giận.

***

Trở về nhà, Tuyền buông người xuống chiếc ghế cũ chắp vá lại để ngồi tạm. Cô thừ ra nguyền rủa Sinh đủ mọi lời lẽ thậm tệ nhất vì anh ta đã dám làm ô uế bờ môi trong trắng của cô. Tuyền giận mình bất cẩn, dễ tin người nên mới bị đánh lừa. Nếu không, anh ta dễ gì có cơ hội ngàn vàng ấy. Mà suy cho cùng là ở cô cả. Cô đã để yên cho anh ta thực hiện hoàn chỉnh nụ hôn mà không hề phản ứng. Lại còn muốn lịm đi vì cảm giác lạ lẫm của nụ hôn đầu đời. Ôi... tức chết đi được mà. Tuyền định khóc nhưng nước mắt không thể ứa ra bởi sự kiện kia đâu có gì đáng khổ. Còn cười thì không nổi vì cô làm sao vui trước cái dại của mình.

- Chị Hai... có học trò của chị đến thăm kìa.

Tiếng nhỏ Tú lanh lảnh báo vọng vào đưa Tuyền thoát khỏi cơn bực bội. Cô đứng đậy bước ra ngoài thì trông thấy hai chị em Kiều và Diễm đang đứng ở trước sân. Tuyền vẫy tay:

- Vào đây đi!

Nhưng hai đứa lại nhìn nhau rồi lắc đầu. Vẻ mặt chúng gợn lên một nét gì đó như sợ hãi. Chúng làm hiệu tỏ ý không chịu vào. Thấy vậy, Tuyền đành phải đích thân ra tận nơi. Nhỏ Kiều đặt vào tay cô bọc trái cây to tướng có ghi dòng chữ nguệch ngoạc của chúng vừa học được trong khoảng thời gian qua. "Chúc cô giáo mau lành bệnh"... À, thì ra hai đứa học trò đi thăm mình. Nhưng sao chúng lại biết mau như vậy chứ? Chắc có lẽ con Tú đã lẻo mép rồi đây. Tuyền phác cử chỉ cám ơn bằng tay, cô lại rủ:

- Hai em vào nhà chơi với nhỏ Tú. Nó chỉ có một mình và đang nằm buồn trong kia.

Cả hai đứa nhóng mắt nhìn vào nhà coi bộ rất muốn vào, song nghĩ sao đó chúng lại tỏ thái độ không đồng ý. Nhỏ Kiều nắm chặt tay nhỏ Diễm như để cản em nó. Tuyền phải ra sức thuyết phục:

- Trời đã bắt đầu nắng gắt, hai em mà đứng đây coi chừng bị ốm nữa đấy! Có chuyện gì cứ vào nhà một chút rồi về cũng chưa muộn mà.

Nhỏ Kiều bỗng ngồi sụp, lấy ngón tay vẽ thành chữ trên mặt đất: "Tụi em sợ...". Tuyền lia mắt rồi hỏi dồn:

- Sợ gì nào?

Vẫn nhỏ Kiều đáp lại bằng dòng chữ ghi trên đất "Sợ ma"... Tuyền bèn lục vấn tiếp:

- Ma ở đâu ra?

Kiều hí hoáy: "Ở trong nhà...". Tuyền nghe tim mình đập thật mạnh. Cô cố ngăn cảm giác ơn ớn đang trỗi lên:

- Sao em biết?

Nhỏ Kiều cắm cúi viết: "Em nhìn thấy!".

- Nó thế nào? Có đáng sợ lắm không?

Bất giác nhỏ Kiều bật khóc. Nó phát ra một thứ âm thanh mà Tuyền đoán rằng đó là sự tức tưởi, ức chế pha lẫn khiếp sợ... Phải chăng con bé này đã là nhân chứng một vấn đề gì đó mà cô chưa thể biết. Kéo tay cả hai đứa đứng sát vào mái hiên để tránh nắng Tuyền nghĩ cách khai thác như hôm nọ. Cô vỗ nhẹ lên lưng nhỏ Kiều, giọng dỗ dành:

- Nín đi em, có gì khó xử cứ cho chị biết.

Nhỏ Diễm đứng nãy giờ bỗng nhúc nhích cựa quậy, trông nó có vẻ rất muốn nói chuyện với Tuyền. Cô mau chóng chủ động:

- Diễm viết xuống đất cho chị đọc cũng hiểu được.

Con bé liếc chị nó rồi bắt đầu cử động ngón tay nhưng nó chưa giỏi bằng chị nên viết sai chính tả lung tung khiến Tuyền phải mò mẫm đọc từng chữ: "Có ngư...ời... chết... t...ại đây". Tuyền nghe có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, cô run giọng lặp lại:

- Có người chết phải không?

Nhỏ Kiều gật đầu, mắt lấm lét nhìn vào trong. Nó nhấn mạnh thêm câu nữa trên mặt đất: "Phải, ở trong nhà...". Ôi... giá vú Dần và nhỏ Tú nghe được điều này. Chắc chắn họ sẽ bắt cô phải dọn đi chỗ khác ở ngay chứ không nấn ná thêm phút giây nào nữa. Nhưng mà sao có thể tin được hai con bé này chứ. Chẳng lẽ chính mắt chúng đã thấy người ta chết...? Ồ, rất có thể lắm! Cứ trông dáng dấp của chúng mà xem, giống như chúng đã chứng kiến rõ ràng.

Tuyền lắp bắp hỏi thêm:

- Hai đứa biết... người chết là ai... không?

Nhỏ Diễm toan viết chữ lên đất thì bị nhỏ Kiều dùng chân đá nhẹ vào cánh tay. Hiểu ý, nó bèn lắc mạnh tỏ cử chỉ không biết. Song Tuyền đã cố ép bằng sự khôn ngoan của chính mình:

- Nếu các em biết mà không chịu nói ra là đã mắc lỗi với người chết. Họ sẽ oán các em, biến các em thành... thành con ma luôn...

Lời Tuyền chưa kịp dứt thì nhỏ Diễm đã ré lên sợ hãi:

- É... é... é...!

Tuyền quay qua Kiều dọa dẫm thêm:

- Làm ma thì sẽ không được ở trong nhà sống chung với người đâu. Các em sẽ bị gởi vào tận trong rừng sâu hoặc vất vưởng lang thang không có nơi để đến.

Quả nhiên sắc mặt nhỏ Kiều xám ngắt lại. Nó bặm môi nghĩ ngợi điều gì đó rồi hoạt động ngón tay: "Tụi em không giấu nhưng bị buộc phải giữ kín... Xin chị thông cảm giùm". Tuyền lay tay nhỏ Kiều:

- Ai bắt buộc các em?

Diễm cũng xanh mặt y như chị. Nó giành đáp sự thắc mắc của Tuyền: "Ba em..." Tuyền hết sức ngạc nhiên song lúc này nhỏ Tú đã vô tình làm hỏng mất cơ hội điều tra của cô. Nó ào đến phá đám:

- Kiều và Diễm đừng về sớm. Chúng ta bày trò chơi một lúc như hôm trước có được không?

Trong khi Kiều chưa nhận lời thì nhỏ Diễm đã gật đầu. Nó thúc cùi tay vào hông chị ra ý bảo không nên từ chối rồi lo ngại chỉ vòng quanh. Chẳng biết có hiểu hay không, nhỏ Tú cũng lanh chanh nói bừa:

- Chơi ngoài trời thích hơn ở trong nhà. Tuy nắng một chút nhưng được chạy nhảy không vướng đồ đạc.

Kiều cũng nhận ra điều ấy nên nhoẻn cười. Sự sợ hãi trong câu chuyện với Tuyền dường như đã tan biến. Hai cô bé trở lại trạng thái vui vẻ, hồn nhiên chạy theo nhỏ Tú để bắt đầu cuộc chơi. Có lẽ với chúng, được đùa vui là một điều rất hiếm, bởi chúng chẳng biết làm bạn cùng ai trong khu vực đồi trà này.

Ôm bọc trái cây vào nhà đưa cho vú Dần đem cất, Tuyền nghe tiếng của vú:

- Toàn là cam sành với nho, lâu rồi chúng ta không được thưởng thức những thứ này.

Tự nhiên Tuyền cảm thấy ngậm ngùi. Lúc cha mẹ còn sống, chị em cô đâu phải khát khao bất cứ một thứ gì, dù là những món ăn sang trọng nhất. Vậy mà giờ đây khi nhắc đến một quả táo cũng phải ứa nước miếng vì đã lâu không được ăn. Tuyền bảo với vú Dần:

- Con nhớ những thứ này vú rất thích phải không? Vú cứ việc lấy dùng đi, để có sức chăm sóc chị em con. Vú lớn tuổi rồi mà phải chịu đựng kham khổ quá ngã bệnh thì nguy. Chị em con còn trẻ sức khỏe bền bỉ hơn.

Nhưng vú Dần đã gạt đi:

- Ối, cô không phải lo gì cho tôi đâu. Tuy tôi già song dẻo dai hơn các cô gấp nhiều lần. Trong hoàn cảnh thế này, tôi chỉ sợ các cô không chịu nổi mà thôi.

Tuyền rưng rưng:

- Con có đủ nghị lực để vượt qua, vú đừng quá lo. Điều con ray rứt bây giờ là nhỏ Tú không có cơ hội đến trường học.

Vú Dần động viên cô:

- Rồi chúng ta sẽ mau chóng ổn định thôi.

Tuyền thở dài não ruột:

- Công việc hằng ngày chỉ đủ chúng ta no cái bụng. Còn vấn đề vươn lên thì không biết đến bao giờ?

Đang chơi, nhỏ Tú bỗng chạy vào nhà uống một hơi hai ly nước liền. Nó cất tiếng bảo Tuyền:

- Không hiểu sao hai con nhỏ kia nhất định không chịu vào nhà mình. Tụi nó làm hiệu bảo em mang nước ra ngoài cho nó uống.

Tuyền vụt xúi:

- Mi cố tìm cách điệu chúng vào đây đi.

Song nhỏ Tú đầu hàng:

- Em nói hết lời rồi. Dường như bọn chúng có vẻ sợ hãi ngôi nhà này dữ lắm.

Chẳng phải cô đã nhìn thấy một khe hở to tướng qua sự tiết lộ của chị em Kiều, Diễm ư? Ngôi biệt thự này từng có người chết, điều ấy có chi là quá gớm ghiếc đâu khi vạn vật trên cõi đời đều có sinh, có tử theo quy luật. Nhưng tại sao lại phải giấu giếm chứ? Mà kẻ bắt mọi người phải giữ kín bí mật lại là ông Thành Danh. Những câu hỏi đầy thắc mắc bắt đầu xoay quanh Tuyền làm cô bối rối. Cô tự hỏi phải tìm hiểu từ đâu... Ông bà Thành Danh... Hai cô bé câm tội nghiệp... Hay người thanh niên đang làm cô bực mình? Ai cũng có thể lý giải được ít nhiều... nhưng đâu sẽ là sự thật, đâu là giả? Và cái chết của kẻ xấu số nào đó có điều gì bí ẩn mà tại sao ông Thành Danh phải bắt con mình giấu kín không được công bố trước mọi người?

Mục lục
Ngày đăng: 26/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục