Gửi bài:

Chuyến xe oan nghiệt - Chương 1

Xe vừa qua khỏi địa phận tỉnh Kompong Thom thì hầu như người nào trên xe cũng ngủ say. Tài xế Thạch An, người Cambốt nhưng nói tiếng Việt khá rành, lên tiếng hỏi:

- Có vị nào cần ngừng lại nghỉ ngơi không?

Chẳng nghe ai đáp, Thạch An chép miệng:

- Ngủ gì mà mau vậy, mới lên xe đây mà...

Sở dĩ Thạch An hỏi vậy là bởi phía trước cách chừng hai chục cây số sẽ có một trạm đổ xăng, có thể tranh thủ nghỉ ngơi rồi mới đi tiếp về Siêm Riệp.

Mười lăm phút sau, dẫu không được ai trả lời nhưng Thạch An vẫn cho xe tấp vào một góc trạm xăng, rồi lên tiếng lần nữa:

- Ai có đi vệ sinh hay xuống thư giãn một chút thì cứ xuống, có lẽ ta nghỉ khoảng nửa giờ, đợi trời sáng sáng một chút mới đi cho an toàn bởi đoạn đường phía trước hơi xấu.

Anh ta đứng lên đưa tay bật đèn sáng và quay lại nhìn một lượt theo thói quen trước khi rời xe.

- Ủa?

Anh ta kêu lên một tiếng lớn khiến cho mấy nhân viên của trạm xăng đang ngủ gà ngủ gật bên dưới cũng phải giật mình, hỏi vọng lên:

- Chuyện gì vậy?

Thạch An la lớn:

- Sao khách trên xe đâu hết rồi?

Mấy nhân viên cây xăng cười rộ lên:

- Khách trên xe anh mà hỏi tụi tui? Trời đất!

Tuy nói vậy nhưng vài người cũng mở cửa xe bước lên xem. Lúc đó họ mới sững sờ:

- Mà người đâu hết rồi? Bộ bữa nay dư xăng sao anh chạy xe không tới đây vậy Thạch An?

Thạch An ngơ ngác:

- Tui chở đầy xe mà! Nhưng sao lại...

Cũng không thấy lơ xe Danh Nơ đâu, Thạch An càng sợ:

- Làm sao có chuyện kỳ vầy nè?

Các người kia vẫn cười chọc Thạch An:

- Thạch An bữa nay sảng rồi! Xách xe không chạy mà hỏi người thì kiếm đâu ra?

Thạch An quả quyết:

- Tui rời tiệm cơm ở chợ Kompong Thom lúc chín giờ, khi ấy tui còn đếm lại cho đủ số người rồi mới đi mà. Đâu lẽ nào...

Anh ta ngơ ngác như người từ trên trời rơi xuống. Trong đời lái xe hơn sáu năm nghề, chưa bao giờ Thạch An gặp trường hợp này.

Không tin vào mắt mình, Thạch An đích thân bước dọc theo đường giữa xe, kiểm tra từng hàng ghế cho tới hàng cuối cùng. Các hàng ghế hoàn toàn trống, nhưng hành lý thì còn nguyên. Một người dưới trạm xăng nói:

- Hay là anh mơ ngủ rồi lên xe chạy mà bỏ hành khách lại hết ở trạm trước rồi? Vậy thì chạy trở lại đón người ta đi, chớ giữa khuya này họ lấy xe khác đâu mà đi.

Dẫu không tin là mình đãng trí đến như vậy, nhưng cuối cùng Thạch An cũng đành phải làm như vậy. Anh quay đầu xe, vừa chạy được vài trăm thước thì chợt nghe có tiếng nói phía sau lưng:

- Ủa, sao anh chạy trở lại đường cũ?

Đang cho xe lăn bánh ngon trớn, Thạch An thắng gấp ngay giữa đường, quay lại ngay và... điếng hồn, bởi trên xe lúc ấy có đầy đủ hành khách!

Không tin được hình ảnh trước mắt, Thạch An đứng lên hỏi lớn:

- Nãy giờ quý vị ở đâu vậy?

Một hành khách ngồi băng ghế trước ngơ ngác:

- Bác tài hỏi kỳ vậy? Tụi tui ở trên xe này chớ đâu!

- Nhưng vừa rồi ở trạm xăng tui kiểm tra thì đâu thấy ai?

Mọi người cười rộ lên:

- Bữa nay bác tài bị mơ ngủ rồi! Thảo nào bác mới quay đầu xe lại phải không?

Thạch An hoang mang đầu óc, chưa biết phải nói gì thì một giọng nói nhẹ nhàng của một cô gái cất lên:

- Mấy người chưa vợ đôi khi còn bất thường hơn là người già nữa!

Thạch An đã chở đoàn khách này từ Sài Gòn qua Nam Vang, rồi từ Nam Vang lên đây suốt hai ngày rồi, nên Thạch An nhớ rõ từng người khách một. Kể cả chỗ ngồi của vị khách nữ này cũng không đúng, đó là của một bà cụ. Thạch An ngập ngừng hỏi:

- Hồi tối này cô ngồi đâu?

Cô gái choàng chiếc khăn trùm gần kín khuôn mặt, giờ bỗng lột khăn ra, nhìn Thạch An cười:

- Anh không nhớ em sao?

Thạch An thảng thốt kêu lên:

- Mỹ Lệ! Sao em ở đây?

Cô gái choàng lại khăn, vẫn cười:

- Em đã lên xe ngay từ bến Sài Gòn, có lẽ do em lúc nào cũng choàng khăn nên anh nhận không ra chớ em thì đã theo dõi anh từ đầu.

Thạch An không thể nào ngờ được, anh vẫn thắc mắc:

- Nhưng... chỗ em ngồi đâu phải ở đây?

- Đúng rồi! Tối qua em ngồi tít đằng sau, hồi nãy em mới thương lượng và được người ngồi ở đây đổi chỗ. Nhưng sao anh lẩm cẩm vậy?

- Sao? Anh lẩm cẩm gì?

- Thì không thấy hành khách trên xe trong khi họ ngồi đông đủ cả!

Thạch An vẫn quả quyết:

- Anh không thể nhìn lầm được. Lúc nãy chính mấy người ở cây xăng cũng thấy như anh, chớ đâu phải riêng anh.

Mấy người khách khác trên xe cũng lên tiếng:

- Chắc tài xế bị bệnh rồi, như vậy mà lái xe thì chúng tôi làm sao dám đi!

Người phụ lái nãy giờ ngủ gật, vừa tỉnh lại vội nói:

- Thôi, để tui lái thay cho, anh ngồi nghỉ một lúc cho tỉnh táo lại đã.

Dẫu không muốn, nhưng trước sự yêu cầu của hành khách, Thạch An cũng phải rời tay lái, xuống ngồi chiếc ghế ngay cạnh Mỹ Lệ. Anh cố giải thích:

- Anh chưa bao giờ bị hoa mắt cả. Rõ ràng...

Mỹ Lệ ngăn không cho Thạch An nói tiếp:

- Tốt hơn hết là anh cứ ngủ một giấc cho đầu óc tỉnh táo lại đã. Lái xe mà, đâu phải lúc nào cũng được như ý. Thôi, nói chuyện riêng với em đi. Sao lâu nay anh không ghé qua nhà chơi?

Thạch An dẫu đang muốn tiếp tục thanh minh tình trạng của mình, nhưng nghe Mỹ Lệ hỏi, anh đành trả lời:

- Do anh cứ ngày chạy ngày nghỉ, lại đường xa, nên mệt nhoài, đâu có thời giờ thăm viếng ai. Mà lâu nay em có khỏe không?

Cô nàng nguýt Thạch An một cái:

- Dữ hôn! Chắc em mà có chết anh cũng không hay nữa.

- Anh xin lỗi...

- Về mà xin lỗi ông bà già, chớ em đâu dám bắt lỗi ai!

- Thôi mà...

Bỗng cô nàng nghiêm nét mặt lại, nhìn thẳng vào mắt Thạch An hỏi:

- Có phải anh đã... lấy vợ bên này rồi không?

Câu hỏi làm cho Thạch An giật mình. Anh lúng túng thấy rõ:

- Đâu đâu có chuyện đó, anh chỉ quá bận thôi...

- Bận đến quên cả lời hứa là đầu năm sẽ về làm lễ hỏi em phải không? Anh có biết là cả nhà em đã trông ngóng thế nào không? Má em đã khóc hết nước mắt vì bà lỡ lời nói với bà con chòm xóm là sẽ gả con vào tháng giêng vừa rồi. Vậy mà...

Thạch An không còn vẻ hoạt bát như lúc nãy, anh nói lí nhí trong miệng:

- Anh... anh quá bận. Anh chỉ...

Mỹ Lệ đột nhiên ôm mặt khóc nức nở, Thạch An quýnh lên, nói thật khẽ:

- Em đừng khóc. Để anh... anh kể cho nghe! Khóc người ta sẽ cười cho.

Mỹ Lệ vẫn nói với nước mắt ràn rụa:

- Anh biểu em phải cười khi trong bụng em có mang giọt máu của một người mà nhìn người đó đi ở với người con gái khác sao?

Thạch An bối rối, líu cả lưỡi:

- Đâu... đâu có.., anh đâu có...

Mỹ Lệ móc trong túi ra một tấm ảnh và gắt lên:

- Vậy hình này của ai?

Thạch An điếng hồn, bởi trong ảnh là hình anh và người phụ nữ khác, trông cả hai rất tình tứ.

- Cái này... cái này...

Giọng Mỹ Lệ đanh lại:

- Em đã biết hết rồi, cả ba má em cũng biết. Và em đi chuyến này là để gặp tận mặt anh, hỏi anh lần cuối coi anh trả lời ra sao thôi.

Như cái bong bóng xì hơi, Thạch An rũ người trên băng ghế và ước gì mình có thể tan biến đi được. Giọng của Mỹ Lệ vẫn đều đều:

- Chắc anh đâu còn nhớ những lời hứa trước đây, nào là tháng giêng anh sẽ về cưới em, rồi sau đó sẽ đưa em về Nam Vang chung sống. Em là đứa con gái quê mùa, chỉ biết yêu và tin những gì người yêu đầu đời của mình hứa, để rồi giờ đây bị vỡ mộng với nỗi đau ê chề. Nhất là cái thai trong bụng này...

Thạch An vẫn cố không để tình hình căng thêm, anh đưa tay sờ vào bụng Mỹ Lệ, vừa hỏi:

- Được mấy tháng rồi?

Mỹ Lệ gạt tay anh ra, đáp cộc lốc:

- Hơn sáu tháng rồi!

Trong đầu Thạch An chợt thầm tính ngày cuối cùng anh về thăm Mỹ Lệ ở Trà Vinh, đúng là hơn năm tháng rồi...

- Vậy thì... chỉ còn mấy tháng nữa là sinh con phải không?

Mỹ Lệ lại nhìn xoáy vào mắt anh chàng:

- Hay là anh nghi ngờ nó không phải con anh?

Thạch An quýnh lên:

- Đâu... đâu có. Anh tính xem mấy tháng nữa thì phải lo cho em. Anh hứa mà...

Mỹ Lệ trề môi:

- Lời hứa gió bay thôi! Mà đã bay rồi còn gì...

Cô đứng phắt dậy và đi về phía cửa sau xe, sau đó vỗ vào thành xe ra hiệu cho xe ngừng lại. Thạch An định lên tiếng bảo phụ xế đừng ngừng, nhưng tự dưng anh thốt không thành lời, trong lúc đó xe đã ngừng.

Đúng lúc đó Thạch An bị hoa mắt và mọi vật trước mặt anh như mờ đi. Anh nghe có nhiều bước chân chung quanh và rồi không còn biết gì nữa.

***

Thạch An không tin vào mắt mình khi nhìn thấy trước mắt toàn là sông nước. Anh bật ngồi dậy thì suýt nữa đã té xuống nước, bởi lúc ấy anh đang nằm trên một chiếc xuồng nhỏ, trôi giữa dòng.

- Đây là đâu?

Thạch An tự hỏi rồi đưa mắt nhìn khắp chung quanh, bất chợt anh kêu lên:

- Biển Hồ!

Dù đã sinh ra và lớn lên ở đất nước Chùa Tháp này, nhưng chưa bao giờ Thạch An đặt chân tới vùng Tònglê Sáp hay còn gọi là Biển Hồ này, nhưng nhìn biển nước mênh mông trước mắt Thạch An đã chợt nghĩ tới cái hồ lớn như biển từng nghe nói.

Đến lúc này Thạch An mới dần nhớ lại những gì đã xảy ra hồi đêm, nhất là Mỹ Lệ, anh hỏi lớn:

- Mỹ Lệ! Em đâu rồi?

Dĩ nhiên là chẳng có ai trả lời, chỉ có tiếng gió rít và cái nắng rát da phả vào mặt khiến Thạch An khó chịu. Anh càng lo sợ hơn, bởi lúc ấy chiếc xuống nhỏ cứ trôi theo luồng nước chảy mà không biết là đang đi về đâu. Chẳng có ai để hỏi thăm, cũng chẳng có vật gì có thể chèo chống chiếc xuồng lái theo ý mình.

Đã từng nghe nói Biển Hổ này rộng chẳng khác một cái biển thật, một khi nó trôi đi thì chẳng biết là về đâu nên Thạch An chụm hai bàn tay lại làm loa, kêu thật lớn:

- Cứu tôi với!

Anh kêu đến khản cả cổ mà chẳng hề có ai hồi đáp. Lúc đó bỗng một cơn gió mạnh thổi tới làm chiếc xuồng chao đảo và trôi giạt qua phía trái của hồ. Vài phút sau thì một cơn mưa khá to ập xuống, Thạch An chỉ còn biết nhắm mắt lại và cầu trời...

Gió càng lúc càng đưa chiếc xuồng trôi nhanh hơn. Vừa lạnh vừa sợ, Thạch An hai tay bám chặt lấy be xuồng, mắt nhắm nghiền...

Cho đến khi chiếc xuồng đụng mạnh vào một vật gì đó chao đảo rồi đột ngột ngừng lại. Lúc này Thạch An mới mở mắt ra và bắt gặp ngay trên đỉnh đầu mình một cái bọc to tướng, giống như một đòn bánh tét lớn cỡ một thân người, đang treo lơ lửng giữa hai chánh ba cây. Một mùi khó ngửi hình như toát ra từ cái bọc đó, chợt làm cho Thạch An nhớ lại lời người ta kể kiểu mộc táng (chôn xác trên cây) mà người ở vùng nước nổi quanh năm này hay áp dụng, anh lắp bắp thốt lên:

- Đây... đây là... xác... xác người ư?

Anh cố đẩy chiếc xuồng ra khỏi chỗ đó, nhưng gió quá mạnh đã làm cho thân xuồng dính chặt vào gốc cây, không làm sao lay chuyển được. Phải mất gần nửa giờ sau, ở lần cố gắng đẩy cuối cùng, Thạch An mới đưa được xuồng tách ra được, nhưng lập tức bị gió đẩy mạnh va vào một gốc cây khác.

Lần va đập này mạnh hơn, khiến chiếc xuồng bị lật úp và Thạch An bị văng xuống nước. Khi đưa tay vớ được một nhánh cây vừa nhô lên khỏi mặt nước Thạch An đã được bàn tay của ai đó nắm lấy và kéo mạnh lên. Lúc này Thạch An mới nhận ra chỗ anh vừa được kéo đó là một cái chòi nhỏ và người đưa tay cứu anh là một ông lão ăn mặc rách rưới. Thạch An chưa kịp hỏi thì ông già đã lên tiếng trước:

- Cứ nằm nghỉ đi, để già lau khô cho, coi chừng bị cảm lạnh đó.

Giọng nói khô khan và lơ lớ của ông chứng tỏ ông ta là một người Việt Nam nhưng sống ở vùng này lâu đời rồi nên tiếng nói có phần cứng. Ông không nghĩ là Thạch An biết nghe tiếng của mình, cho đến khi Thạch An lên tiếng:

- Cám ơn bác, cháu lạnh quá!

Lúc ấy ông mới hỏi dồn:

- Cậu là người Việt Nam? Sao cậu lại trôi tới đây?

Thạch An chỉ lắc đầu, ngầm cho ông biết là anh quá mệt. Ông già nhanh nhẹn quay sang cạnh lấy chiếc khăn cũ kỹ đưa cho Thạch An và bảo:

- Cậu lau đi cho khô!

Rồi ông tự động lột quần áo của Thạch An ra, lấy quần áo cũ của mình cho anh thay. Nhờ vậy lát sau Thạch An đã cảm thấy ấm và tỉnh táo lại. Lúc này ông già mới hỏi:

- Sao cậu lại lạc tới đây? Bộ bơi xuồng ở gần bờ rồi bị gió thổi qua tới bên này hả?

Thạch An đâu hình dung được nơi này, nên anh chỉ nói:

- Cháu chỉ nhớ là mình đi tới gần Siêm Riệp rồi chẳng biết gì nữa...

Ông lão ngạc nhiên:

- Cậu đi xe mà sao lại lạc xuống Biển Hồ này được?

- Cháu cũng không rõ...

Dần nhớ lại chuyện trên xe, Thạch An hỏi:

- Nơi đây có gần bờ không bác?

Ông già lắc đầu:

- Nói thiệt với cậu, tui cũng là người Việt, lưu lạc từ Châu Đốc sang tới đây hồi mười bảy tuổi, mà nay đã gần bảy chục rồi, chưa từng bước lên bờ của xứ sở này, nên hoàn toàn không biết gì nơi đây cả, ngoài cái chòi này và mấy dặm nước quanh đây.

Rồi ông đột ngột hỏi:

- Bộ cùng đi với cậu có nhiều người nữa hả?

Thạch An giật mình:

- Sao bác biết?

- Thì hồi sáng sớm này cũng có một người bị chết trôi tới đây, cô ấy bận đồ giống dân thành thị, có thể từ Nam Vang tới, hoặc cũng có thể là dân Việt mình, bởi tui nhìn thấy cái khăn quàng cổ có mấy chữ Việt.

Tự dưng Thạch An hốt hoảng:

- Cô ấy đâu rồi?

Ông già chỉ tay ra xa xa:

- Ở đây chết không có đất để chôn, nên sáng nay tui đã dùng chiếu bó xác cô ấy lại rồi treo trên cây kia, chớ biết làm sao bây giờ. Ở đây người ta kêu là mộc táng đó!

Nhớ đến Mỹ Lệ, anh run giọng hỏi:

- Cái khăn quàng cổ đó ở đâu?

- Tui đã chôn theo xác cô ấy luôn rồi. Mà sao cậu quan tâm tới cái xác ấy vậy?

- Bởi vì... cô ấy có thể là...

Thạch An không tiện nói ra, nhưng nhất quyết đòi nhìn cho được cái xác đó. Ông lão lắc đầu:

- Khó khăn lắm tui mới bó được xác và đưa lên cây chôn cất. Như cậu thấy đó, mưa gió và nước ngập như thế này, đâu dễ gì chôn được xác chết.

Thạch An van lơn:

- Cháu xin bác, chính cháu sẽ tiếp tay với bác kéo cái xác xuống, bởi cháu nghi đó là... vợ chưa cưới của cháu. Hồi đêm qua cô ấy đi chung chuyến xe với cháu, rồi giận bỏ xuống giữa đường, thật khó mà tới đây, nhưng những gì bác kể cháu nghĩ có thể là...

Ông lão lắc đầu:

- Từng tuổi này rồi tui mới gặp chuyện như vầy lần đầu. Mà thôi cũng được, xác cũng mới bó chiếu, có mở ra cũng không sao.

Đợi trời hơi ngớt mưa, ông lão kéo chiếc xuồng của Thạch An chìm lúc nãy lên, rồi ông bảo:

- Cậu phải tiếp tui đưa cái xác xuống xuồng, rồi chở về chòi này, sau đó mới mở ra. Mà cậu có sợ không đó?

Thạch An nói thật lòng:

- Sợ thì có sợ, nhưng nghĩ tới cô ấy thì cháu lại tự tin.

Ông lão định hướng rất chính xác, nên tuy trời mờ trong mưa, vậy mà ông chống chiếc xuồng tới đúng chỗ gốc cây mà lúc nãy Thạch An đã nhìn thấy cái gói to như đòn bánh tét khổng lồ. Thạch An kêu lên:

- Lúc nãy cháu dừng xuồng ở đây và đã thấy cái này rồi!

- Quan tài chôn người ở vùng ngập nước này là như vậy đó! Nào, cậu đỡ một đầu, ta đưa cái xác xuống xuồng.

Ông lão tỏ ra rành chuyện này, nên chỉ chưa đầy mười phút sau cái xác đã được đưa xuống khoang. Ông giục:

- Bây giờ ta trở về nhà.

Ông dùng chữ "nhà" xong thì chép miệng nói tiếp:

- Tui đã sống gần cả đời trong cái chòi gọi là nhà đó ở đây, cậu thấy có khổ không?

Dù đang sốt ruột bởi cái xác, nhưng Thạch An cũng tò mò hỏi:

- Sao bác không kiếm chỗ nào cất cái nhà mà ở cho tiện nghi hơn?

Ông lão cười nửa miệng:

- Chung quanh Biển Hồ này chỗ có đất khô thì ở xa bên trong, mà người như tui và hầu hết dân Việt lên đây sống đều cần ở ngay vùng có nước, để làm nghề đánh bắt cá. Xa cái nghề này thì lấy gì mà sống?

Họ đưa cái xác trở lại chòi và ông lão từ từ mở dây cột ra. Sau một lớp chiếu cũ thì tới một lớp dày những lá cây, vỏ cây và sau cùng là cái xác. Nhưng khi cái xác lộ ra thì chẳng riêng Thạch An kinh ngạc, mà ngay như ông lão, người trực tiếp liệm xác cũng phải kêu lên:

- Sao lại như vậy?

Bởi bên trong cùng chỉ là một bộ xương khô!

- Ủa, đâu thể nào...

Ông lão kêu lên rồi hết nhìn cái xác lại nhìn Thạch An. Anh chàng cũng sững sờ:

- Bác nói mới chôn xác hồi sáng này?

- Thì mới hồi mặt trời lên khỏi ngọn cây đây. Đó là một cô gái khá đẹp, người ăn mặc rất đẹp, có cái khăn choàng...

Ông vừa nói tới đó thì Thạch An đã kêu lên:

- Cái khăn choàng đây rồi!

Anh chụp chiếc khăn còn dính với bộ xương khô. Rõ ràng nó là chiếc khăn mà Mỹ Lệ choàng lúc ngồi trên xe!

- Đúng là cô ấy đây rồi! Cái khăn này không thể sai được...

Ông lão thì cứ ngồi thừ người ra, miệng lẩm bẩm:

- Xác mới bó chiếu chưa đầy một buổi thì làm gì rã thịt trơ xương ra như vậy được? Điều này là không thể... không thể...

Trời lúc này đã tạnh mưa hẳn. Chợt có tiếng lao xao phía trước, rồi tiếng khua chèo, sau đó là giọng nói của ai đó vang lên:

- Ông Tư Sang có ở đó không?

Tư Sang là tên ông lão trên chòi, ông ta lên tiếng:

- Có đây! Tui cũng đang có ý trông các ông tới thì quả nhiên có thiệt. Ghé vô đây, tui có chuyện này muốn hỏi.

Ba người đàn ông trên hai chiếc xuồng lớn với mấy giỏ cá, họ thấy có mặt Thạch An thì ngạc nhiên hỏi:

- Người này là gì của ông vậy, ông Tư?

Chợt nhìn thấy bộ xương, họ hỏi liền:

- Sao ông đem cái xác trên cây xuống làm gì?

Chỉ về phía Thạch An, ông lão đáp:

- Cậu đây muốn nhìn mặt người thân, nhưng mới mở ra đã phải điếng hồn vía rồi. Theo mấy ông thì có khi nào cái xác mới liệm một buổi đã hóa thành xương cốt không?

- Làm gì có, treo trên cây như vậy phải mất ít nhất là hai năm thì mới rã hết.

Ông Tư Sang liền đem chuyện táng xác kể cho ba người kia nghe. Vừa nghe xong họ đã kêu lên:

- Cái xác đó dám là của người trong chiếc xe đò rớt xuống sông Kongpong Thom lắm à!

Thạch An không kể họ là người lạ, vụt hỏi liền:

- Cái xe đó rớt xuống sông hồi nào mấy bác?

Một người trong bọn họ liền kể:

- Tụi tui mới ghé vô bờ bán cá, nghe người ta đồn nhau ầm ĩ chuyện có một chiếc xe đò chở đầy hành khách, chẳng biết do tài xế ngủ gục hay sao đó mà lái luôn xuống cầu. Nghe nói chẳng một ai sống sót, tui nghĩ có thể có một vài cái xác đã văng ra khỏi xe và theo dòng chảy về Biển Hồ này, rồi trôi tấp qua phía bờ bên này, bởi mùa này nước giạt về phía của chúng ta đây.

Như bị điện giật, Thạch An đứng phắt dậy:

- Cháu phải đi qua bờ bên kia đây!

Mấy người nọ đều lắc đầu:

- Trời đang mưa giông như vầy cậu làm sao đi được? Phải đợi ít nhất là ngày mai.

Thạch An sốt ruột:

- Cháu không thể đợi được! Chiếc xe đò mà các bác nói có thể là xe do cháu lái, trên đó có người yêu của cháu. Cô ấy đang mang thai gần ngày sinh rồi!

Ông già Tư giật mình:

- Có thai hả? Cô gái này hình như cũng... có thai!

Xem lại chiếc khăn choàng mình còn cầm trên tay, Thạch An bàng hoàng:

- Như vậy thì không thể sai được rồi. Mỹ Lệ ơi!

Thạch An gào lên trong nỗi tuyệt vọng, rồi bất kể, anh gục đầu lên bộ hài cốt khóc nức nở. Ông già Tư phải kéo anh ra:

- Cậu phải bình tĩnh lại đã. Những gì tui nói chưa chắc là đúng hoàn toàn đâu, bởi giờ đây cậu không nhìn rõ mặt xác chết, biết đâu...

Mấy người kia cũng nói:

- Chuyện xác chết trôi sông thì không thể nói chính xác được. Như cách đây mấy năm, đứa con gái của một người nhập cư bị mất tích, sau đó người ta vớt được một cái xác mặc bộ quần áo y chang, chỉ có khuôn mặt là bị cá rỉa hết nhận không ra, nhưng căn cứ vào quần áo, cha mẹ cô gái đưa xác con về mai táng... Hai tháng sau bất ngờ cô gái đó trở về cho biết là mình bị bọn người xấu bắt đưa về Nam Vang bán cho một động điếm, may nhờ có người tốt bụng giúp cô ta trốn thoát!

Họ an ủi Thạch An đủ điều, nhưng nhớ lại lúc Mỹ Lệ giận dỗi bỏ xuống xe, Thạch An không thể nào yên tâm. Anh cố hỏi kỹ:

- Sông chảy qua thành phố Konpong Thom có chảy ra Biển Hồ không?

Ông già Tư đáp:

- Thì hầu như mọi con sông lớn ở xứ này đều chảy ra Biển Hồ. Chỗ chúng ta đang ở đây là trực diện với cửa sông đó. Do vậy...

Một người bổ sung chi tiết:

- Mọi thứ từ trong con sông cái đó đều trôi ra đây. Bằng chứng là cậu, có phải cậu trôi từ trong đó ra không?

Thạch An thừ người ra một lúc rồi lắc đầu đáp:

- Cháu cũng không nhớ. Chỉ mang máng nhớ lúc ấy mình bị hoa mắt, ngất đi thôi...

Mục lục
Ngày đăng: 25/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục