Gửi bài:

Quyển XXXV - Nàng hai báo oán - Phần I

Chờ hoài mà cơn mưa từ chiều vẫn chưa dứt, bà Tư Bường quá sốt ruột nên lấy cái thúng xúc lúa đội lên đầu và bước nhanh ra ngoài. Chú Tư bệnh đang nằm từ trong nhìn thấy, chú kêu lên:

- Bà đi đâu giữa trời mưa lớn như thế này?

Bà Tư nói với lại:

- Tôi đi kiếm con Hai!

Bà vừa nói vừa cố chạy nhanh, bởi bà biết, nếu chậm chân thì thế nào cũng bị ông ngăn cản. Ông Tư ngồi dậy không nổi, nhưng vẫn cố gượng dậy và bị ngã mấy lượt, trước khi gào được mấy tiếng đứt đoạn:

- Bà... đừng... đi...

Hình như ông muốn nói thêm điều gì đó, nhưng sức cạn, nên đành lịm đi...

Trong khi ấy, bà Tư cố chịu từng cơn gió thổi đưa những hạt mưa như roi quật vào người, trân mình chịu trận và đi nhanh hơn. Bởi bà biết, chậm giây phút nào thì tính mạng con gái bà sẽ nguy thêm.

Con đường làng thường ngày rất dễ đi, nhưng sao hôm nay bà đi cứ ngã lên ngã xuống và đi mãi mà chưa thấy tới đích đến của bà là cái chòi chăn vịt nằm sâu trong ruộng lúa cách mặt đường hơn năm trăm thước. Con Xinh, con gái bà ở đó chăn vịt mướn từ sáng sớm, đáng lẽ đã về nhà từ trước khi mặt trời lặn, vậy mà bây giờ đã quá nửa đêm rồi...

Thường khi việc Xinh về nhà trễ cũng vẫn có xảy ra, nhưng trễ một vài tiếng thôi, chứ không cả buổi như thế này. Vả lại lúc chiều tối, trong cơn mưa lớn bà đã nghe như có tiếng khóc thét của ai đó giống như giọng của con gái mình, khiến bà sợ điếng hồn!

Linh tính như báo cho bà Tư biết con gái mình đang gặp chuyện gì đó bất an. Bà khá hồi hộp khi bước tới gần chòi vịt. Bà hy vọng Xinh đang mắc mưa lạnh cóng trong đó...

Tuy nhiên, khi bà đưa hẳn đầu vào trong chòi nhìn và lên tiếng gọi:

- Xinh ơi, má đây con!

Trong căn chòi vắng tanh, chẳng có tiếng con gái trả lời. Nghĩ là Xinh có thể ngủ quên, bà bước hẳn vào chòi. Căn chòi chỉ có mấy thước vuông, nên chỉ cần quơ tay là có thể đụng vào bất cứ ai trong đó. Trên chiếc sạp tre ọp ẹp trống không!

- Hai ơi!

Bà Tư thảng thốt gọi to, rồi lẩm bẩm trong sợ hãi:

- Con đâu rồi, Xinh ơi!

Trong cơn hoảng loạn, một tay của bà Tư chạm phải một bộ quần áo vương vãi trên sạp tre, bà hốt hoảng cầm lên, mặc dù không nhìn thấy, nhưng linh tính của người mẹ cho bà biết đó là quần áo của Xinh.

- Xinh ơi!

Bà Tư tiếc là mình không mang theo đuốc để soi cho rõ, nhưng quýnh quá bà quơ tay khắp căn chòi, mò luôn dưới cái sạp và sau đó chạy ra ngoài, cứ thế vừa chạy vừa gào hầu như khắp chung quanh căn chòi. Bà lội, lặn xuống mấy cái ao bên cạnh, rồi càng lúc càng mở rộng phạm vi tìm kiếm ra khá xa căn chòi. Vẫn chẳng có tăm hơi gì của Xinh!

Cho mãi tới rạng sáng...

Khi mấy người đi bắt cá sớm phát hiện ra bà Tư nằm ngất trên bờ ruộng thì họ giật mình bảo nhau:

- Vợ của Tư Bường đây mà!

Họ giúp đưa bà về nhà trong tình trạng lạnh cóng và mê man. Tám Đối, một trong hai người cứu được bà Tư, nói với Tư Bường lúc ấy đang nằm sốt cao trên giường:

- Chẳng biết bà ấy đi đâu mà nằm dài trên bờ ruộng gần trại vịt của cai tổng Tài, tôi mà không cứu kịp lát nữa nhập thổ thì toi mạng đó!

Thấy Tư Bường không dậy nổi, họ đành phải gọi thêm vài chị nữa ở gần qua giúp. Lát sau bà Tư tỉnh lại, đầu tiên bà gào lên:

- Xinh ơi, con ở đâu?

Khi thấy có đông người chung quanh, bà lại gào to hơn nữa:

- Làm ơn kiếm giùm con Xinh, nó mất rồi. Nó bị nguy rồi mà quần áo còn đây...

Bà gần như kiệt sức, mọi người phải xúm lại cấp cứu lần nữa. Lúc này ông Tư Bường mới gắng gượng nói:

- Đừng tìm... con Xinh ở nhà ông...

Ông ta chỉ nói được bấy nhiêu đó rồi cổ bị nghẹn lại, không thốt thành lời nữa...

Bà Ba Trầu, người làm lâu năm trong nhà cai tổng Tài, đã nhạy cảm, buột miệng nói:

- Hay là bị thằng Paul, con lão cai tổng?

Tám Đối cũng ồ lên:

- Đúng rồi! Có thể lắm...

Bà Tư hồi tỉnh, nghe vậy bà lại càng sợ hơn:

- Phải rồi, vậy mà tôi nghĩ không ra. Hồi sáng này trước khi đi làm, con Xinh còn nói là nó muốn xin nghỉ việc mà ông cai không cho, nhất là thằng Paul hăm dọa nếu con Xinh nghỉ thì nó sẽ tới tận nhà cho người khiêng đi!

Tám Đối là người thẳng tính, nghe vậy nổi nóng liền:

- Nó là con chủ chứ phải ông trời đâu mà muốn làm gì thì làm! Mà con Xinh làm ăn công, chứ đâu phải ở đợ có mượn nợ nhà nó đâu!

Chỉ thấy Tư Bường quay mặt đi chỗ khác, nhẹ thở dài...

- Chị Tư ráng khỏe lại đi, rồi còn tới nhà cai tổng Tài kiếm con Xinh. Vụ này xem ra lành ít dữ nhiều rồi!

Tất cả đều lo lắng cho số phận Xinh, cô gái mười bảy, tuy làm công ở đợ nhưng nhan sắc hơn người. Tuy vậy họ cũng chẳng làm gì hơn ngoài than vắn thở dài... bởi nhà cai tổng Tài có thế lực nhất ở vùng này, lại ở ác không ai bằng, mà xưa nay làng này chưa ai dám tố cáo hay ra mặt phản đối. Chỉ vì lão ta có được thằng con rể làm mật thám cho Tây, có súng, có quyền bắt người thủ tiêu mà không ai dám chống đối!

Bà Tư nghĩ quẫn trí, chỉ biết kêu trời:

- Trời ơi, làm sao cứu con tôi đây!

Bà gượng đứng dậy, tiện tay chụp cây mác vót ở vách nhà đưa lên cổ, khiến cho mọi người đều hốt hoảng:

- Đừng, chị Tư!

Tư Bường cũng tỉnh người, ông ta chồm tới giật cây mác trong tay vợ:

- Bà có chết thì hãy cho tôi một dao trước đi! Trời ơi...

Ông ảo não gục xuống. Lát sau, ông thều thào nói chỉ cho vợ nghe thôi:

- Tội là ở tôi... hôm qua tôi bảo con Xinh tới nhà cai tổng mượn tiền...

Bà Tư la lên:

- Sao ông làm chuyện đó! Vậy là ông đem con làm mồi cho sói lang ăn rồi, ông ơi là ông!

Tư Bường gục mặt trong lòng bàn tay:

- Chỉ bởi... tiền nợ bên Hai Tửng quá hạn quá lâu rồi, mình không trả thì tới mùa này người ta đâu có cho lấy lúa. Rồi có đâu tiền mua thuốc trị bệnh cho bà...

Bà Tư gào lên:

- Ông cứ để cho tôi chết, chứ đâu đem con mình dâng cho hùm beo như vậy! Trời ơi, con gái tôi...

Bà như điên lên, chụp vội cây mác lần nữa rồi chạy bay ra ngoài. Tám Đối lao theo ngăn lại:

- Không được đâu chị Tư. Chuyện gì cũng phải từ từ rồi tính. Chị mà tới đó sinh sự thì chưa làm gì được ai đã bị đám đầu trâu mặt ngựa ở đó sát hại chị rồi!

- Tôi chết cũng được, miễn là cứu được con tôi thôi!

Tám Đối phải giải thích thêm:

- Cứu con Xinh thì tôi và bà con đây đều muốn làm như chị vậy, nhưng mình thế cô sức yếu, lại không có bằng chứng gì cả thì làm sao xông vào nhà đó được. Chi bằng nhờ chị Ba Trầu đây...

Bà Ba Trầu sốt sắng:

- Để tôi lo cho. Tôi trước đây ở hầu hạ mụ cai tổng, nay tuy nghỉ rồi, nhưng lâu lâu tôi cũng có ghé thăm, đem tặng mụ ta trầu cau, là món mụ ta rất mê. Sẵn tôi vừa hái trầu tươi, cau ngon, lát nữa tôi sẽ giả vờ đem tới và ở chơi lâu lâu... tiện thể tôi dò la coi thằng Paul có ở nhà không. Nó mà có nhà tức là nó đang làm chuyện mờ ám gì đó...

Ba Tư nghe lời, nhưng vẫn nói thêm:

- Nếu con Xinh mà có chuyện gì thì tôi thề là sẽ ăn thua đủ với chúng nó!

Bà Ba Trầu về nhà lấy theo giỏ trầu cau tươi và ngay trưa hôm đó, bà qua nhà cai tổng Tài. Mụ cai chữ nghĩa không đầy lá mít, nhưng rất khoái nghe chuyện Tàu như Thuyết Đường, Tây Du Ký... do người khác đọc. Khi bà Ba Trầu bước vào thì mụ không ngẩng lên, đã hỏi:

- Đứa nào tới giờ này vậy bay?

Ba Trầu vốn đã quen tính mụ ta, nên lên tiếng liền:

- Dạ, biết giờ ghiền trầu của bà nên kịp thời Ba Trầu này có mặt!

Con Tám Nỉ đang đọc đến hồi gay cấn, phải ngừng lại để cho bà chủ nói chuyện. Nếu gặp ai khác mà cắt ngang như vậy ắt sẽ bị la cho một trận, nhưng Ba Trầu thì khác. Hôm nay mụ cai có ý đợi không riêng gì trầu, cau tươi, mà còn một chuyện khác nữa, nên bà bật ngồi dậy ngay, xua tay đuổi con Nỉ ra ngoài. Mụ ta kêu Ba Trầu lại gần:

- Mày lại đây tao hỏi cái này.

Mụ ta ghé sát tai đứa đầy tớ cũ của mình, hỏi rất khẽ:

- Mày biết gì về vợ chồng thằng Tư Bường không?

Được gãi đúng chỗ ngứa, nên Ba Trầu quên giữ ý, la lên suýt nữa đã lộ chuyện:

- Ồ may quá, đúng rồi!

Mụ cai ngạc nhiên:

- Mày nói đúng cái gì? Mày chưa nghe tao hỏi hết mà?

Ba Trầu kịp sửa lại:

- Dạ con muốn nói là con có quen với vợ chồng đó. Bà hỏi con mừng quá, vì con có thể...

- Tao muốn qua nhà gặp tụi đó, mày dẫn tao đi.

Ba Trầu ngạc nhiên:

- Để làm gì bà? Nhà họ nghèo rớt mồng tơi, làm sao đủ sức tiếp bà!

- Thì cứ dẫn tao đi, tao muốn nói chuyện với họ. Mà theo mày thì tụi nó có xứng làm sui gia nhà tao không?

Câu hỏi làm cho Ba Trầu ngơ ngác:

- Bà nói...

Mụ cai nói rõ hơn:

- Tao muốn làm sui với nhà đó!

- Thưa bà... chắc con nhỏ Xinh làm bà hài lòng?

Mụ cai trố mắt nhìn Ba Trầu:

- Mày nói con Xinh nào?

- Dạ, con nhỏ con gái của vợ chồng Tư Bường, tức con nhỏ ở chăn vịt cho bà đó!

Mụ cai như bị phỏng lửa:

- Mày có điên không Ba Trầu? Tao thế này mà đi cưới con nhỏ chăn vịt hả?

- Thì... thì con gái của Tư Bường chính là con nhỏ đó! Vợ chồng họ chỉ có một đứa con gái duy nhất đó thôi!

- Không phải! Thằng Paul đưa về một đứa con gái đẹp như tiên, nói là con gái của Tư Bường nào đó. Con nhỏ đó đâu phải là đứa chăn vịt!

- Vậy con đó ở đâu?

Mụ cai có vẻ không hài lòng:

- Nó là con dâu tương lai của tao, sao mày kêu con này con nọ?

Rồi mụ ngoe nguẩy bỏ đi vào trong ngay. Ba Trầu quay sang mấy đứa giúp việc hỏi khéo:

- Mấy bữa nay mấy đứa có thấy ai về nhà này không? Con nhỏ đó đó...

Sáu Mi là đứa lanh lợi, lắm mồm nhất trong nhà, đã như được khai thông mạch chảy:

- Chỉ mới sáng nay thôi, chứ đâu phải mấy ngày. Cậu Paul dẫn về một cô gái đẹp mê hồn, lúc đầu bà cai tưởng là gái Sài Gòn, nhưng khi hỏi ra thì cậu Paul nói cô ta là người ở xứ này, con của Tư Bường!

- Bộ mấy người không biết con Xinh con gái Tư Bường, đứa chăn vịt cho nhà bà cai lâu nay hay sao?

Sáu Mi lắc đầu:

- Mấy năm rồi không gặp mặt nó, nhưng không phải là không nhớ. Đằng này con nhỏ đi với cậu Paul không phải là con Xinh, bởi nó đẹp và sang trọng như một tiểu thư, tôi cứ tưởng Tư Bường còn có đứa con gái khác!

Ba Trầu lẩm bẩm:

- Kỳ vậy? Không lẽ...

Vừa khi ấy bà nghe có tiếng oang oang của Hai Paul:

- Đứa nào ở đó, lấy cho cô Xinh đôi dép coi!

Ba Trầu nhìn ra ngoài sân thì thấy một cô gái mặc nguyên bộ đồ màu vàng rực rỡ đang đi cạnh Paul. Bà thốt lên:

- Con Xinh thật mà!

Bà là chỗ thân tình với nhà Tư Bường, hầu như gặp mặt Xinh hằng ngày, nên bà đâu có lạ gì con nhỏ... Nhưng sao bữa nay nó lại ăn mặc diêm dúa, lại có cử chỉ thái độ không giống với đứa con chân chất thật thà của Tư Bường chút nào?

Thấy chưa có ai nghe lời mình, Paul lại hét to:

- Đứa nào đó, bảo lấy đôi dép cho cô Xinh mang sao còn ở đó!

Sáu Mi nhanh nhảu lên tiếng:

- Dạ, cậu Hai để con lấy.

Lúc này Paul đã ẵm Xinh trên tay bước vào phòng, nơi Ba Trầu và mấy người đang nói chuyện.

- Xinh! Dì Ba nè...

Thấy Xinh giương mắt nhìn mình mà không chào hỏi, Ba Trầu lên tiếng, nhưng cô gái vẫn tỉnh như không, trái lại còn hỏi Paul:

- Ai mà ăn nói trịch thượng vậy?

Paul có nhớ Ba Trầu, nhưng anh ta muốn lấy oai với người đẹp, nên quát lớn:

- Bà nhà quê này là ai vậy?

Ba Trầu đáp ngay:

- Tôi là Ba Trầu đây cậu Hai, lúc trước nhiều năm tôi ở đây hầu hạ bà...

- Ai cho bà vào đây ăn nói linh tinh vậy, đi ra.

Cô gái còn bồi thêm:

- Nhà anh sang trọng vậy mà cho mấy bà già trầu quê mùa vào chi cho mất giá trị! Nếu bà ấy là người làm thì đuổi cổ đi!

Bất ngờ quá đỗi, bà Ba Trầu tức nghẹn lên tới cổ, bà run run:

- Xinh, mày... mày...

Paul quát một tiếng nữa:

- Đuổi cổ bà này ra mau, tụi bay đâu!

Mấy tay vốn bám theo Paul để được cà phê thuốc lá, lúc nào cũng có mặt gần đó, hai tên bước tới hất hàm bảo:

- Bà già kia, ra chưa!

Tên đó là Sáu Thẹo, vốn ở sát nhà bà, nên Ba Trần quắc mắt nhìn hắn:

- Mày hỗn với tao hả Thẹo!

Nhưng Sáu Thẹo không màng tới bà, hắn bước xốc ngang người bà cùng với tên kia kéo lê bà ra ngoài. Bà Trầu la ầm lên:

- Mày ăn cơm thừa cá cặn của hắn phải không Thẹo! Đồ côn đồ, đồ...

Trước sự việc đó, Xinh vẫn bình thản. Ba Trầu tức lắm, nhưng đã bị Sáu Thẹo bụm miệng, nên không còn la lối nữa. Mãi khi ra tới ngoài, bất ngờ bà nghe Thẹo nói khẽ:

- Dì Ba về đi, chọc giận thằng điên đó nó bắn dì chết mà không ai dám can đâu!

- Thẹo, mày...

Thẹo lại nói nhanh:

- Cả nhà nó đang điên, dì về đi!

Ba Trầu vẫn cố nhìn Xinh và nói:

- Còn con Xinh...

- Con đó cũng điên, dì mặc nó!

Ba Trầu chẳng còn cách nào hơn, nên tần ngần một lúc rồi mới chịu đi...

Bà đi thẳng về nhà vợ chồng Tư Bường, vừa tức vừa kể lại mọi việc.

Tư Bường đang mệt mà nghe bà Ba Trầu kể chuyện ông cũng phải bật dậy:

- Cô nói sao, con Xinh tôi...

Chú bị mệt nên ho một tràng dài, rồi thều thào:

- Nó... nó làm sao?

- Không phải là nó nữa! Nó nhìn tôi như người lạ...

Bà Tư tỉnh nãy giờ, nhưng do không còn sức nên bà chỉ im lặng lắng nghe, tới đây bà cũng như ông, không còn chịu đựng nổi, đã lên tiếng:

- Con gái tôi chưa bao giờ như vậy cả. Chắc nó bị...

Ba Trầu phải nói rõ hơn:

- Chính thằng Sáu Thẹo nó nói cả nhà bên đó đều điên hết rồi! Cả con Xinh nữa...

- Nhưng có đúng là họ bắt cóc con Xinh của tôi không?

- Thì tôi chạm mặt nó, đúng là nó, nhưng chẳng hiểu sao nó ăn mặc như gái thành thị và thái độ xấc xược chẳng khác đám con nhà giàu hay bọn gái làng chơi.

Bà Tư la lên:

- Chị không được nói về con tôi như vậy!

Nhưng bà Ba Trầu vẫn nói:

- Tôi nhìn ánh mắt của nó thấy khác thường lắm. Có thể là bị ép buộc hoặc bị... quỷ ám hay ma hớp hồn sao đó!

Bà Tư hốt hoảng:

- Còn gì con tôi, trời ơi!

Ba Trầu hỏi:

- Nếu bây giờ bên đó qua tính hỏi cưới con Xinh cho thằng Hai Paul, chị chịu không?

- Không! Không đời nào!

Nhưng chú Tư thì lại nói:

- Người ta có lòng thì cũng tốt. Nhất là bây giờ mình biết được nó đang an toàn và còn thay đổi đời nữa...

Bà Tư vẫn la lên:

- Tôi biết tính con gái tôi, nó không bao giờ chịu sống trong cái nhà đó!

Ba Trầu bàn thêm:

- Theo tôi thì trong vụ này không chỉ bên nhà cai tổng Tài muốn, mà hình như con Xinh cũng thuận nữa. Biết đâu chuyện nó biến mất khỏi trại chăn vịt là do chính nó...

Một lần nữa, bà Tư gào lên:

- Không phải! Con gái tôi nó bị hại, có thể là...

Bà định nói nữa, nhưng bất chợt hai mắt trợn trừng, người run lên vì cơn lạnh phát ra đột ngột!

Bà quá uất ức, nên bất kể tình trạng sức khỏe của mình đã lao ra cửa, miệng thì cứ gào tên con.

Bà cũng không ngờ người nhà của cai tổng lại hết sức dễ dãi, không hạch hỏi lôi thôi gì khi bà xưng tên mình ra. Họ còn mở cửa cho vào trong một cách nhanh chóng.

Chỉ có khi bà lên tiếng hỏi Xinh ở đâu thì mọi người chỉ nhìn nhau mà không đáp. Bà phải hỏi lớn tiếng mấy lượt nữa thì mới có tiếng ai đó nói từ trong vọng ra:

- Cứ cho bà ta vào gặp đi!

Và bà gặp được con trong căn phòng kín, chẳng một ai chứng kiến. Họ gặp nhau khoảng hơn nửa giờ. Chẳng hiểu đã nói với nhau những gì, chỉ thấy khi trở ra thì bà Tư như người mất hồn...

Bà chết lên chết xuống bởi thái độ của con. Khi gặp bà, Xinh đã chẳng những không nhìn mà còn lớn tiếng xua đuổi. Mà không phải xua đuổi suông, cô còn tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy mẹ mình!

Bà Tư đau khổ tột cùng, bà bước ra khỏi nhà cai tổng Tài mà bước đi không muốn nổi. Bà không tin sự thể lại như thế. Bởi vậy gần một giờ sau đó, bà đi mà chẳng biết là mình đi đâu.

- Nè cô...

Có ai đó gọi, bà Tư cũng chẳng buồn ngoái lại nhìn, đến khi có bàn tay người chạm vào vai mình lúc ấy bà mới dừng bước. Giọng một ông cụ hiền từ:

- Sắc mặt xanh, bước đi loạng choạng thế này, chẳng phải là người sắp chết ư?

Bà Tư chợt phá lên cười:

- Chết? Thì chết chứ còn sống làm gì nữa! Làm cách nào cho tôi chết đi!

Ông lão rõ ràng không phải người làng này, bằng chứng là ông ta nhìn bà Tư hoàn toàn xa lạ, và ngược lại bà Tư Bường cũng dửng dưng trước ông ta.

- Bà nói muốn tìm cái chết?

- Ông có không, cho tôi với!

Bà Tư vừa dứt lời thì đột nhiên bước nhanh tới như có ai đẩy đi, giọng ông lão vẫn bám theo phía sau:

- Bà sẽ được toại nguyện ngay thôi!

Một lát sau, bỗng trước mắt hiện ra căn chòi chăn vịt, khiến bà Tư hoàn hồn, bà ngơ ngác:

- Sao lại ở đây?

Ông lão vẫn giọng trầm tĩnh:

- Có phải bà muốn chết không?

Lúc này bà Tư đã tỉnh táo hẳn, bà nhớ ra mọi chuyện:

- Con gái tôi, Xinh ơi!

Ông lão đứng ngoài cửa bảo bà:

- Bà bước vào mà gặp con gái!

Bà Tư reo lên:

- Con tôi đâu?

- Bà biết mình mất con là ở chỗ nào?

Chỉ tay vào chòi, bà đáp ngay:

- Ở trong này!

- Vậy sao không vào đó mà tìm nó!

Lời ông vừa dứt thì bà Tư đã như bị ai xô, ngã nhào vào trong. Người bà đè lên một vật mà vừa chạm phải, bà đã kêu lên:

- Bộ đồ của con tôi!

Ông lão lại lên tiếng:

- Đâu chỉ là bộ quần áo!

Khi ấy, bỗng bà Tư la lớn:

- Con... con Xinh!

Lúc đầu chỉ là bộ quần áo, nhưng sau lời của ông lão, bà Tư cảm giác là mình đang ôm cả thân thể của ai đó!

Người mẹ đã nuôi con mình từ lúc lọt lòng đến nay nó đã hơn mười bảy tuổi thì làm sao bà lầm thân thể nó với ai khác được, mặc dù lúc ấy trong chòi vịt không có chút ánh sáng nào.

- Xinh!

Ông lão vẫn chậm rãi nói:

- Nó chết rồi, bà có muốn đi theo nó thì cứ nằm xuống đó, lát nữa ắt sẽ toại nguyện.

Ông dứt lời thì im bặt. Tưởng ông chờ mình trả lời, nên bà Tư vội lên tiếng:

- Tôi sẽ chết theo con tôi!

Bà nói xong nằm xuống ngay bên cạnh con. Tay bà sờ sang chỗ lỗ mũi và một lần nữa, bà hét lên:

- Trời ơi!

Không còn hơi thở nơi Xinh, có nghĩa là...

- Ông ơi, cứu con tôi!

Bà gào lên rát cổ họng mà chẳng nghe ông lão trả lời. Bởi khi ấy ông ta đã đi mất rồi...

- Ông ơi! Con ơi...

Bà lịm đi...

Lúc tỉnh lại thì mặt trời bên ngoài đã lên khá cao. Chợt nghe có người nói chuyện gần đó, bà Tư kêu lớn:

- Ai ngoài đó, làm ơn giúp con tôi với!

Mấy người đi cấy lúa nghe kêu thì bâu lại chòi vịt nhìn vào. Họ ngạc nhiên khi thấy bà Tư nằm trong đó, hai tay đang ôm cứng một bộ quần áo. Một người hỏi:

- Ủa, bà Tư sao lại ngủ trong đó? Bộ được cai tổng mướn làm thay con Xinh hả?

Nghe hỏi bà Tư mới hoàn hồn, nhìn lại vật mình ôm trong tay. Bà kinh hãi kêu lên:

- Con tôi đâu?

Bảy Lý là người ở gần nhà cai tổng Tài, có nghe thoáng qua chuyện của Xinh nên lên tiếng:

- Nó đang ở nhà bà cai tổng, sao dì ra đây tìm?

Bà Tư xua tay lia lịa:

- Không phải! Đừng nói bậy!

Bỗng người thứ hai cùng đi với Bảy Lý vội lên tiếng:

- Bộ mấy bà không hay chuyện gì sao? Sáng nay người ta phát hiện ông cai tổng bị giết chết, có lính đang làm ồn ào ngoài đó!

Bảy Lý kinh ngạc:

- Sáng nay tôi đi sớm nên đâu có để ý. Mà ai giết ông ta?

- Con Hai Xinh con Tư Bường!

Bà Tư đang nằm, vội bật dậy:

- Lại nói bậy nữa rồi! Con gái tôi nó đang nằm ngủ với tôi ở đây mà.

Bà vừa nói vừa đưa tay sờ soạng, khi cầm bộ quần áo lên thì lại la lớn:

- Ai bắt con tôi đi đâu rồi?

Lúc này trời sáng nên có thể nhìn khắp chòi không sót chỗ nào. Chẳng hề có dấu vết gì của Xinh, Bà Tư lại càng hốt hoảng:

- Nó đâu rồi?

Người kia đáp:

- Nghe nói giết chết ông cai tổng là nó bỏ trốn biệt rồi. Chắc là giờ này làng lính đang tới nhà bà để lục soát, sao bà còn ở đây? Bộ tính trốn hả?

Bà Tư phớt lờ lời nói của họ, bà cứ tìm kiếm hoài tung tích con mình.

Đến khi chợt nghe ra chuyện người nọ nói, bà thảng thốt kêu lên:

- Con Xinh giết ai?

Khi nghe rõ lại, bà vùng chạy ra ngoài. Bảy Lý nói với theo:

- Dì chạy về nhà đi, người ta đang đi tìm bắt con Xinh đó!

Như người bị mộng du, bà Tư nhắm hướng nhà mình, nhưng khi chạy tới nơi mà cũng không nhớ quẹo vào, phải có người kêu lớn:

- Dì Tư, nhà đây mà!

Khi bà vào nhà thì quả là có hương quản Lân và cả chục người lính làng đang vây quanh ngôi nhà. Họ vừa thấy bà đã la lên:

- Bà giấu con Xinh ở đâu?

Bất ngờ, bà hỏi ngược lại:

- Mấy người bắt con tôi đem đi đâu?

Hương quản Lân quát lớn:

- Con mẹ già mồm! Tôi hỏi bà giấu con nhỏ giết người ở đâu? Không khai báo thì khi về nhà làng, bị kẹp hai bàn tay nát nhừ thì cũng phải khai thôi!

Ông Tư nãy bị hạch hỏi nãy giờ, bị luôn mấy thoi của Hương quản Lân rồi, nên sợ sệt nói vọng ra:

- Bà biết nó ở đâu thì chỉ đi, kẻo họ đánh chết bây giờ!

Làm sao bà biết? Bởi vậy sau đó bọn lính lệ đã trói gô cả hai ông bà già bệnh tật lại, khiêng như khiêng heo về nhà làng. Ở đó chẳng cần hỏi han gì thêm, hương quản Lân đã cho nhốt hai người vào cái nhà kho bít bùng, nóng như lò nung!

Suốt ngày hôm đó, chỉ một lần vào buổi chiều, họ đưa vào hai tô cơm với hai miếng khô cá nguội ngắt. Quá đói nên ông Tư còn ráng gặm vài miếng, còn bà thì tuyệt nhiên không. Bà đã không ăn mà còn gào khóc, chửi bới om sòm.

Mà thật ra cũng vô ích thôi, bởi nhà làng giờ đó không còn ai làm việc.

Chỉ có một anh hương tuần lo việc trật tự, nhưng biết được hai tội phạm là người già, chẳng sợ họ bỏ trốn, nên anh ta cũng bỏ về ngủ với vợ luôn.

Nửa đêm...

Trong lúc chập chờn, bỗng bà Tư nghe có tiếng ai đó nói rất khẽ bên tai:

- Má đưa tay ra đây con đưa cái này!

Rõ ràng là giọng của Hai Xinh! Bà Tư mừng hơn bắt được vàng:

- Con hả Hai? Trời ơi, cứu ba má ra với con!

- Con không thể vào trong đó được, nhưng con sẽ chờ ba má ở khúc sông lớn vào rạng sáng hôm nay. Họ sẽ đưa ba má tới đó...

Bà Tư hốt hoảng:

- Họ đưa đi đâu?

Giọng Xinh nhỏ hơn lúc nãy, chứng tỏ cô đang lùi bước lại:

- Giải lên tỉnh. Má cứ cầm lấy vật con mới đưa và giấu cho kỹ, đừng để họ thấy. Họ sắp tới rồi đó, con chờ ba má!

Quả nhiên, sau đó chừng mười lăm phút thì cả lũ làng lính kéo tới. Có giọng oang oang của Hai Paul, anh ta quát:

- Sao chưa đưa tụi nó ra, còn đợi gì nữa!

Có tiếng dạ của hương quản Lân. Tên này tuổi đáng cha chú của Paul, vậy mà lại răm rắp nghe lời và còn lễ phép nói:

- Cậu Hai cứ về nghỉ, chuyện này để tôi lo...

Paul vẫn lớn lối:

- Tôi phải đích thân tính vụ này mới được. Phải trước tiên thủ tiêu hai con khỉ già này, rồi sau đó truy lùng con quỷ cái kia cho bằng được.

- Dạ, tụi này sẽ làm ngay. Tôi đã cho đón các ngả đường sông, đường bộ, nó chẳng còn chạy đâu được nữa!

- Vậy sao cả ngày rồi vẫn chưa bắt được nó?

Hương quản Lân ấp úng:

- Dạ... việc này...

Paul hét lên:

- Ngày mai lên gặp thằng Ba thì mấy ông liệu mà giữ cái đầu!

Ba Dữ là anh rể của hắn, tay mật thám nổi tiếng là ác nhân, giết người không gớm tay. Chỉ cần dọa tên hắn ra thì cả lũ đều sợ xanh mặt. Hương quản Lân riu ríu:

- Dạ, cậu Hai yên tâm... Cậu Hai cứ về nhà nghỉ, tụi này sẽ hoàn thành nhiệm vụ!

Khi chúng mở cửa nhà kho ra thì đã thấy vợ chồng Tư Bường nằm thẳng cẳng, có lẽ vì kiệt sức, hoặc cũng có thể do quá sợ hãi. Quản Lân hét thuộc hạ:

- Khiêng tụi nó ném xuống xuồng mau lên!

Vợ chồng Tư Bường như hai cái xác chết, nên dẫu bị khiêng cũng chẳng kêu la gì. Tuy vậy Paul căn dặn:

- Tụi bây lấy nùi giẻ nhét thêm vào miệng chúng, phòng khi... hành sự chúng la hét lôi thôi.

Đích thân hương quản Lân lấy hai nùi giẻ dơ nhét vào miệng hai nạn nhân. Chỉ mấy phút sau thì cuộc áp giải bắt đầu. Ban đêm, đường sông vắng vẻ, nên việc chở hai phạm nhân đã bị bịt miệng diễn ra êm xuôi.

Mười phút sau thì ra tới ngã ba sông lớn.

Quản Lân nháy mắt cho hai tên thuộc hạ. Bọn này hiểu ý nên chúng đứa chụp hai tay, đứa nắm hai chân của ông Tư trước rồi nhất loạt ném ông xuống dòng sông đang chảy xiết! Rồi tới phiên bà Tư cũng thế. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút, bọn ác nhân đã giải quyết xong hai con người vô tội!

Dòng sông đêm vẫn cuồng nộ chảy xiết, có lẽ đưa hai con người lương thiện kia ra rất xa khi trời sáng...

Nhưng...

Khi cả bọn chưa kịp quay xuồng lại, thì chợt một tên đứng đầu mũi la lên:

- Ai nắm chân tôi vậy? Ai...

Hắn ta chưa dứt lời thì đã nghe ùm một cái, cả thân thể hắn ngã nhào xuống nước. Hương quản Lân hốt hoảng la lớn:

- Đưa dầm cho nó nắm mau lên!

Tên đứng gần vội đưa mái dầm xuống nước, và tới lượt hắn cũng nhào theo luôn! Đoán là có điều chẳng ổn Hương quản Lân vội hò hét mấy tên còn lại:

- Tụi bay mau bơi xuồng vào bờ! Mau lên...

Hắn còn đang la hét thì tới phiên chân trái của hắn bị một bàn tay của ai từ dưới nước thò lên, nắm chặt và kéo mạnh!

Sau hương quản, còn lại hai tên nữa, chúng hốt hoảng bơi xuồng nhanh vào bờ. Nhưng khi xuồng còn cách bờ hơn chục thước thì chiếc xuồng bỗng lật ngang, và chẳng còn thấy tên nào bò lên!

Dòng sông hình như chảy mạnh hơn, cuồng nộ hơn, và trong phút chốc có một cơn gió mạnh thổi lên. Rồi một tràng cười man dại vang lên bay theo gió đi rất xa...

Mục lục
Ngày đăng: 26/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục