Gửi bài:

Hồn hoa

Đi suốt hơn hai ngày, cuối cùng Hoàng Duy mới tạm ưng ý một nơi mà anh định chọn để vẽ trong thời gian lưu lại thành phố Đà Lạt. Đúng là khó chọn chỗ trong một nơi có quá nhiều phong cảnh đẹp như thế này. Tuy nhiên, với một họa sĩ thì không hẳn nhà sang trọng, cảnh trí hào nhoáng là có thể vẽ... Với Duy, anh chỉ mong tìm một khung cảnh hoang sơ, thâm u càng tốt. Và nơi này, một biệt thự bỏ hoang hay ít ra là cũng rất cũ, sân cỏ mọc đầy chừng như rất ít người lui tới.

Tìm mãi mới gặp một cụ già đang cuốc đất cách ngôi nhà gần trăm mét, Hoàng Duy dò hỏi:

- Thưa ông, cháu muốn hỏi thăm chủ của ngôi nhà kia?

Ông lão ngẩng lên nhìn Duy rồi nhìn theo hướng chỉ của anh. Khi nhận ra ngôi nhà, ông lắc đầu bảo:

- Làm gì có chủ mà hỏi. Nhưng cậu tìm để làm gì?

Duy thú thật:

- Thưa bác, cháu cần tìm nơi trú ngụ ít lâu để vẽ tranh. Cháu thấy nơi đây thích hợp nên định...

Dừng cuốc, đưa tay lau mồ hôi trán, ông cụ bảo:

- Nếu muốn vẽ tranh thì cậu tha hồ muốn vẽ gì cũng được ở đó. Nhưng nếu để ở thì... e khó.

- Bởi vậy cháu mới định gặp chủ nhà để hỏi thuê, hoặc...

Ông lão ngừng hẳn tay làm, ông chỉ một tảng đá gần đó rồi cùng Duy ngồi xuống. Giọng ông chân tình:

- Chắc cậu là người ở xa đến nên không biết gì về ngôi nhà này. Đây là một biệt thự đã xây trên nửa thế kỷ rồi, đầu tiên là của một người Pháp, sau đó đổi chủ là một viên chức cao cấp của thời Bảo Đại, rồi kế đến là một trọc phú ở Sài Gòn lên mua để nghỉ ngơi cuối tuần. Nhưng chuyện đó đã cách nay gần 30 năm rồi. Từ ấy ngôi nhà hầu như bỏ hoang...

Hoàng Duy chép miệng:

- Uổng quá! Sao người ta có thể uổng phí với một ngôi biệt thự bề thế này hả bác? Lý do sao vậy bác?

Ông lão lại nhìn Duy lần nữa, định trả lời, nhưng nghĩ sao, ông lại thôi, chỉ nhẹ lắc đầu rồi nói lảng sang chuyện khác:

- Trong lúc nhiều người không có nhà ở, nơi này lại bỏ không...

Ông đứng lên, nói với lại:

- Nhà không ai ở, cậu muốn vẽ gì thì cứ vô mà vẽ, nhưng không nên ở lại.

Ông lại trở về với công việc của mình, như muốn tránh những câu hỏi tiếp theo của vị khách trẻ. Hoàng Duy tự hiểu, anh nghĩ chắc là cũng chẳng khai thác thêm được gì. Vả lại, biết đâu lại là một dịp may, bởi Duy vốn không muốn phiền lụy ai...

Nghĩ thế nên Duy một mình bước thẳng vào sân ngôi biệt thự to đùng. Anh chưa vô nhà, mà đánh một vòng khắp sân trước, sân sau để quan sát. Đúng là ngôi nhà hoang, khắp nơi cỏ mọc đầy gần ngang ngực.

Nhìn những gốc đào, những cây ăn trái quá lâu ngày không được chăm sóc, tưới tiêu đã khô trơ lá, Duy đâm tiếc nên đứng săm soi khá lâu. Bước thêm một đoạn nữa, Duy thích thú khi phát hiện một hòn giả sơn, tuy không còn nước và hoang phế theo thời gian, nhưng dáng vẻ, cách tạo hình chứng tỏ chủ nhân trước đây khá sành nghệ thuật chơi non bộ. Cách không xa, có một cái hồ bán nguyệt, tuy chung quanh cỏ che phủ hết, nhưng dưới hồ lại còn có nước và lạ thay, có một đóa sen hồng đang nở rất đẹp.

Hình ảnh khác thường như hớp hồn chàng họa sĩ lãng mạn, nên anh quên cả gai góc, vội vẹt cỏ bước đến bờ hồ để nhìn cho rõ hơn đóa hoa. Chưa bao giờ Duy thấy đóa hoa sen nào có màu sắc tươi thắm và đẹp đến như thế này. Đẹp đến mê hồn.

Hương thơm từ nhụy hoa theo gió thoảng phả vào mũi làm cho Duy chợt rùng mình. Anh buột miệng:

- Lạ thường.

Rồi như mê đắm, cao hứng tột cùng, Duy lấy khung vải, cọ, màu rồi vẽ như ngây như dại. Chỉ trong vòng nửa tiếng, trên nền vải đã hiện ra hình dáng đóa sen hồng đẹp như đóa hoa trước mặt. Khi ngừng cọ, Duy mới chợt nhận ra là bụng đói cồn cào, miệng khát nước đến gần khô cháy cổ họng. Mặt trời đã hơi ngả khỏi đỉnh đầu, với cái nắng càng gay gắt hơn...

Hơi thấm mệt, Duy quay bước vào thềm ngôi nhà hoang, nhưng mắt thì vẫn liếc nhìn như không nỡ rời đóa sen hương sắc kỳ lạ kia. Khi đã ngồi phệt xuống thềm nhà, Duy mới chợt có ý nghĩ hay là tranh thủ thiếp đi một lát...

Có lẽ đến hơn một giờ sau..

Lúc Duy choàng dậy, anh tìm trước tiên là bức tranh vừa vẽ. Nó vẫn nằm trên túi vải, nhưng như bị điện giật, Duy chụp lấy bức tranh và nhìn trân trối. Lúc nãy Duy vẽ đúng đóa sen, chưa kịp tỉa tót, nhưng giờ đây sao lại có một con bướm đang đậu trên đài hoa?

Không tin vào mắt mình. Duy đưa tay xua nhè nhẹ, nghĩ rằng đó là con bướm thật đã vô tình đậu vào...

Nhưng khi chạm vào nó, ngón tay của Duy đã bị dính màu còn ướt. Con bướm do ai đó mới vẽ lên.

- Ai vậy?

Nghĩ là có người nào đó nhân lúc mình ngủ quên, đã nghịch phá. Nhưng nhìn quanh một lượt Duy chẳng thấy ai. Anh lại lên tiếng hỏi:

- Ai vừa ở đây?

Hỏi mãi mà chẳng có ai đáp, Duy bắt đầu bực, anh lấy cọ và màu định xóa con bướm đi. Nhưng mỗi lần cọ sắp chạm vào thì cánh bướm như chập chờn! Duy lại ngừng và định thần giây lát rồi sờ lần nữa. Không thể sai được, con bướm như đang đùa cợt anh. Duy đặt tấm tranh xuống và bước nhanh về phía hồ sen. Và một lần nữa mắt anh như hoa lên: Có một con bướm đang đậu trên đóa hoa sen giữa hồ!

Nếu là người khác thì chắc đã rút khỏi ngôi biệt thự hoang phế ngay lúc xảy ra chuyện lạ trên bức tranh hoa sen. Nhưng với Duy, hình như có sự thôi thúc nào đó, khiến anh có quyết tâm cháy bỏng là phải ở lại nơi đó.

Lưu lại, trước tiên là để được ngắm tiếp bông hoa kỳ lạ kia, thứ hai là chờ đợi một điều gì đó mà chính Duy cũng không biết là gì... Anh mở cửa một căn phòng phía sau ngôi nhà, nơi có cửa sổ trông ra hồ bán nguyệt và hòn giả sơn.

Căn phòng vẫn còn lại chiếc giường lò xo đã cũ, nhưng vẫn còn sử dụng được, chỉ có điều là quá nhiều bụi. Hơn 30 năm nay không có người ở rồi còn gì. Nhưng không sao, Duy ra sức dọn dẹp hơn một giờ sau là đã tươm tất sạch sẽ, anh nghĩ thầm, có phần diễu cợt: Đêm nằm ngủ mà có nàng nào vào ngủ cùng thì thú vị biết mấy.

Mua sẵn 10 cây nến, Duy dự tính, mỗi đêm anh sẽ đốt một cây, khi nào nến cháy hết là ngủ, không đốt thêm.

Như vậy anh sẽ có đủ ánh sáng trong suốt 10 đêm, một thời gian đủ dài để anh thực hiện việc sáng tác như ý.

Việc đầu tiên của đêm đầu. Duy lấy bức họa hoa sen ra xem lại. Và một lần nữa như có ai đùa cợt với anh: Con bướm trên bông hoa đã biến mất!

Đáng lý phải sợ hãi trước hiện tượng kỳ bí này, nhưng trái lại, tự dưng Duy đâm ra lì lợm, anh bỗng nảy ra một ý nghĩ táo tợn: Lấy khung vải khác ra và vẽ theo trí nhớ đóa hoa sen và khéo tưởng tượng ra một cô gái nhô lên từ dưới nước, nàng đang nâng niu đóa hoa. Cô gái thật đẹp với mái tóc dài, da trắng, môi son...

Trí tưởng tượng của một họa sĩ đôi khi vượt quá hiện thực mà vẫn như chưa vừa ý, nên Duy cứ tô vẽ thêm, để gương mặt mỹ nhân càng lúc càng sắc sảo hơn, quyến rũ hơn...

Bên ngoài cửa sổ trăng bắt đầu lên. Đêm thanh vắng, với ánh trăng bàng bạc càng làm cho khung cảnh thêm trữ tình và huyền bí. Tự dưng Duy nổi hứng, anh đặt bức tranh xuống rồi nhẹ bước ra khỏi phòng, đi về phía hồ sen. Dưới ánh trăng, đóa sen hồng như khoe sắc trọn vẹn hơn, lung linh, sống động hơn. Hoàng Duy phải buột miệng lần nữa:

- Tuyệt đẹp!

Anh mê mẩn tâm thần, hồn như bị cuốn hút vào hương sắc bông hoa. Quên thời khắc, quên cơn gió thổi càng lúc càng mạnh và trời tối sầm lại. Có một cơn mưa kéo đến. Bị mất hứng đột ngột, Duy bịn rịn hồi lâu rồi đành lòng quay vào. Anh thầm nghĩ: Tội nghiệp, không khéo trời mưa giông làm cánh hoa tan tác mất!

Duy chợt muốn quay lại để hái ngay đóa sen vào, nhưng lại bỏ ngay ý đó, bởi xưa nay Duy chán ghét làm lìa cành bất cứ bông hoa nào. Với Duy, hoa chỉ đẹp khi nó ở trên cành nguyên vẹn.

Mãi nghĩ ngợi miên man, Duy đã bước vào phòng mà không hay. Ngọn nến bị gió thổi chao đảo, suýt tắt rồi lại sáng tỏ lại. Vừa lúc mắt Duy sững sờ dừng lại trước tấm lưng thon, mái tóc dài phủ tận thắt lưng của cô gái nào đó đang đứng giữa phòng, mặt quay vào tường.

- Ai vậy?

Giọng của Duy hơi run. Chợt nàng quay lại và rõ ràng hồn phách của anh chàng liều mạng cũng phải choáng váng: Một cô gái đẹp lạ thường, đẹp như trong tranh... à, mà đúng rồi, nàng ta đúng là hiện thân của mẫu người trong tranh mà Duy vừa vẽ!

Trong lúc Duy chưa hoàn hồn thì nàng ta đã lên tiếng:

- Đã dám vẽ trộm người ta mà còn sợ nỗi gì nữa?

Duy lắp bắp:

- Cô... Cô là...

Nàng cầm bức tranh lên và cười:

- Cũng may là anh vẽ không dở nên tôi tha cho tội lạm dụng.

Bấy giờ nàng mới nhìn thẳng vào mắt Duy, giọng nói hơi nghiêm:

- Tôi thích người gan dạ như anh. Đã biết là nhà ma mà vẫn chui vào ở và còn dám đùa cợt với ma nữa.

Bằng phản xạ tự nhiên. Duy đảo mắt nhìn xuống chân cô nàng. Người ta thường cho rằng hễ là ma thì đứng không chạm đất, đằng này...

Chừng như hiểu ý Duy, nàng cười phá lên:

- Có những loại ma đi đứng giống như người thường, anh không ngạc nhiên sao?

Duy không còn tự chủ nữa, anh phải vịn thành giường mới đứng vững, và cho đến lúc này anh vẫn không tài nào nói câu gì cho rõ nghĩa. Trong lúc nàng vẫn huyên thuyên:

- Đúng căn phòng này trước đây tôi đã ngủ. Anh không nghe người ta nói nằm ngủ trên giường người con gái đã chết thì... Coi chừng bị nàng ta bắt hồn đó!

- Thế... cô...

Thế là đến lúc ấy Duy mới thốt lên được, nhưng cũng dừng ngang, bởi nàng như hiểu ý, đã chặn lời:

- Anh muốn hỏi liệu tôi có bắt hồn anh đi không chứ gì? Theo anh, anh có muốn cùng đi với tôi không?

Nói đến đó nàng từ từ bước tới, đến rất gần bên Duy.

Người Duy như cứng đờ ra, anh nửa muốn vùng chạy, nửa lại muốn đứng yên xem nàng làm gì. Mà cũng phải thôi, trước một mỹ nhân nhan sắc quyến rũ nhường ấy, thì dù nàng có là yêu ma, liệu đã mấy ai đủ sức bỏ chạy?

Hơi thở của nàng bắt đầu phả vào mũi Duy, anh ngửi được mùi thơm chết người, lại sắp chạm được vào thịt da trắng nõn nà kia...

- Nằm xuống đây, còn đợi gì nữa!

Duy hoàn toàn mất khả năng tự vệ...

- Này, cậu gì ơi! Dậy đi, gần giữa trưa rồi!

Ông lão gọi đến lần thứ tư thì mới thấy Duy động đậy. Anh chỉ mở mắt nhìn chớ chưa ngồi dậy được. Toàn thân anh tê nhừ, rã rời như qua một cơn bạo bệnh. Đến khi định thần nhìn kỹ lại, Duy mới thu hết sức tàn, ngồi dậy, vừa ngơ ngác hỏi:

- Cháu đang ở đâu vậy bác?

Ông cụ cuốc đất đang đứng trước mặt Duy, ông lắc đầu bảo:

- Sáng nay tôi ra cuốc đất và chợt nhớ đến cậu, tôi chờ mãi mà chẳng thấy cậu đến vẽ tranh nên tôi nghi và tôi đi vào đây quả nhiên...

Ông nhìn quanh căn phòng bằng cặp mắt e dè và chờ câu trả lời của Duy. Anh chàng như người tỉnh lại từ giấc mơ, run giọng hỏi:

- Bác có thấy...?

- Cậu nói thấy cái gì? Hay là cậu...

Ông lão nhìn Duy dò xét. Nhận ra nét mệt mỏi và ngơ ngác của anh, ông lo lắng hỏi:

- Có phải cậu gặp yêu ma gì, phải không?

Có một nỗi sợ hãi hiện ra, làm cho Duy rụt rè:

- Dạ không...

Dò hỏi thêm một lúc nữa, vẫn không khai thác được gì ở Duy, ông cụ quay ra, nhưng nói với lại:

- Cậu gan góc đầy mình nên mới dám ở lại nơi này. Theo tôi thì cậu nên đi chỗ khác, ở đây...

Ông không nói hết câu đã bỏ đi. Duy gượng đứng dậy nhưng lại khụy xuống đến vài lần. Sau cùng, anh phải lần thành giường mới bước được ra ngoài. Trong lòng Duy muốn rời ngay, bởi anh vừa nhớ lại mọi việc đã qua, mà đầu óc anh còn hoang mang không biết đó là mơ hay thực? Nhưng cơ thể thì không theo ý của anh... Duy cứ đi quanh quẩn trước sân khá lâu.

Việc Duy vào khám phá ngôi biệt thự hoang phế chỉ mỗi ông lão cuốc đất biết. Ông ta cứ nghĩ là sau lời khuyên của mình Duy sẽ rời xa đó lập tức. Nào ngờ những ngày sau đó ông ta vẫn còn thấy chàng trai vào ra nơi đó. Điều gì đang xảy ra thì chỉ có Duy biết. Nhưng anh chàng càng lúc như càng muốn lánh xa ông lão...

Nếu ai để ý sẽ thấy sắc diện của Duy ngày càng xanh xao, như người cõi âm...

Ông cụ cuốc đất có ý chờ gặp Duy để nói cho anh nghe một chuyện vô cùng quan trọng về ngôi biệt thự đó... Nhưng chờ suốt mấy ngày vẫn không gặp. Rồi ông lại phát bệnh khá nặng nên nằm liệt giường. Câu chuyện ông định kể liên quan đến cái hồ bán nguyệt, rằng ngày trước một cô gái của chủ ngôi nhà đã thất tình và đang đêm lén ra trầm mình dưới đó, chết đi để lại bao nỗi tiếc thương, uất hận của cả nhà, chẳng hiểu cô chết oan hay sao đó, mà đêm nào cũng hiện hồn về kêu gào thảm thiết, khiến cha mẹ cô phải quyết định chuyển nhà về Sài Gòn, rồi từ đó biệt tăm luôn...

Tuần sau thì ông cụ chết vì trọng bệnh. Thế là câu chuyện bí ẩn của ngôi nhà cũng theo ông đi luôn...

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục