Gửi bài:

Phần III

Bà Cả Sanh đứng ngồi không yên từ mấy bữa nay, và lại càng như đứng trên lửa từ sáng đến giờ. Bởi giờ ngọ hôm nay là giờ bên đằng trai sang rước dâu, mà cô dâu thì... ngủ mê man từ hai hôm rồi, vẫn chưa tỉnh!

Đã cho người đi rước lương y mà cũng chưa thấy tăm hơi. Lại bị ông chồng khó tính trách móc:

- Cũng tại bà, ai bảo định ngày cưới chi cho gấp gáp quá, để rồi giờ đây quýnh lên.

Bà Cả nổi nóng, giờ có chỗ để xì ra:

- Nếu nghe theo lời ông thì con gái nhà mình chỉ có nước theo đầu bếp mà phơi khô, chớ ai mà dám tới cưới! Cũng tại con gái tuổi dần cao số, đã hơn cả chục nơi dạm hỏi rồi, mà cuối cùng bỏ chạy hết, vì ai cũng ngán con cọp cái!

Ông Cả bỗng cười vang:

- Vậy ra chỉ có tôi là đui mù, điếc không sợ súng, nên mới đi rước con cọp cái về nhà!

Chợt nhớ mình cũng tuổi dần, nên bà Cả dịu giọng:

- Nhưng... đâu phải cọp cái nào cũng... ăn thịt cọp đực đâu! Bằng chứng là hơn ba chục năm sống với ông tôi nào phải là cọp hay chằn gì đâu!

Ông chắp tay xá vào không khí mấy cái liền:

- Lạy trời, nếu như vậy mà không phải cọp hay chằn, thì chẳng hiểu hai thứ đó còn dữ đến mức nào nữa!

Bà bí thế, xoay qua dùng ngón đòn cũ rích, nhưng luôn luôn hiệu quả, đó là lồng lên:

- Bây giờ ông ngồi đây đôi co, ăn thua đủ với tôi phải không? Ông nói đi, để rồi tôi còn tính...

Luôn luôn ở thế đang mạnh thành yếu, nên đến lúc đó ông Cả tiu nghỉu đáp:

- Ờ nói vậy chớ... bà vẫn là vợ yêu quý mà! Có gì đâu...

Bà hất hàm:

- Bây giờ ông tính sao? Lỡ lát nữa người ta tới đón dâu thì lấy con gái đâu giao cho họ? Không lẽ khiêng cô dâu ra xe về nhà chồng như khiêng heo!

Ông Cả chợt nảy ra một ý:

- Hay là ta cứ cho kiệu hoa vào tận phòng con gái mình, khiêng nó lên rồi đưa trở ra, có ai mà biết được!

Bà nguýt ngang:

- Nói vậy mà cũng nói được! Rồi lấy ai lạy gia tiên, lấy ai làm lễ tơ hồng?

Họ còn đang bối rối, thì bỗng có người nhà về báo:

- Không xong rồi ông bà ơi!

- Chuyện gì vậy, con Chín Hoa này?

Chín Hoa bô bô cái miệng:

- Con vừa ở bên nhà ông bà Từ viên ngoại về đây. Cậu Phong đi đâu mất từ mấy hôm nay đâu đã về!

Vợ chồng Cả Sanh hốt hoảng:

- Nó đi đâu?

- Thì từ hôm ở đây, cậu ấy đi luôn. Nhưng bên đó nói dối là cậu ta trở về rồi. Thật ra cho đến lúc con trở về đây thì cậu ấy vẫn bặt vô âm tín!

Bà Cả buông thõng người xuống ghế, ôm đầu rên rỉ:

- Làm sao đây hở trời! Lát nữa bà con họ hàng kéo tới để đón nhà trai và đưa dâu, mình phải ăn nói sao đây?

Ông thì tỉnh táo hơn:

- Họ cũng đang rối còn hơn mình nữa. Sao không nhân chuyện này mà tuyên bố hoãn đám cưới lại, đổ thừa tại bên đằng trai có ông già hay bà già gì đó bệnh ngặt sắp qua đời!

Tuy ít khi nghe theo ý của ông chồng, nhưng giờ này đang thế bí, nên bà Cả đành phải nói theo:

- Đành phải vậy thôi...

Bỗng lúc đó có một giọng nói vọng ra từ bên trong:

- Ai cho hoãn đám cưới?

Bà Cả ngạc nhiên:

- Con... Mỹ Dung ông ơi!

Mỹ Dung từ trong buồng bước ra, vẻ mặt tươi tỉnh. Cô ta nhìn một lượt khắp nhà rồi gắt toáng lên:

- Sao đèn đóm phía bên này chưa thắp sáng lên?

Bà Cả vẫn chưa tin:

- Kìa con... sức khoẻ con sao rồi?

Cô nàng dửng dưng như không:

- Thêm hoa ở chỗ kia nữa. Bỏ mấy thứ hoa dùng để cúng kia đi, đám cưới mà chưng hoa như đám tang vậy!

Nói xong, đích thân cô nàng đi nhổ từng cành hoa không vừa ý trong các bình hoa đã được bà Cả cho cắm, vứt tung toé khắp nơi, vừa hét đám gia nhân:

- Sao không quét dọn cho sạch đi!

Xưa nay, đám gia nhân ít bị cô tiểu thư nhà này chửi bới, nay nghe hơi lạ, lúc đầu họ còn ngớ người lại, sau thấy ánh mắt lộ hung quang của cô ta, đám kia răm rắp làm theo.

Vợ chồng Cả Sanh cũng nhận thấy điều bất thường này, nhưng quá đột ngột nên họ còn ngây người ra đó, chưa nói được tiếng nào...

- Đem hết những đồ đạc này ném xuống sông cho tôi!

Mấy thứ mà cô nàng vừa bảo ném đó chính là những món mà thường ngày Mỹ Dung chưng bày ở phòng khách, có thứ là vật ưa thích nhất của cô nữa... Lúc này bà Cả không dừng được, phải lên tiếng:

- Những thứ ấy là của con mà Dung. Chính con mua về, có cái do chính ba má tặng cho, còn mới nguyên sao lại đem bỏ?

Bỗng cô nàng trừng mắt:

- Bây giờ vứt bỏ hay để tự tay tôi làm?

Ông Cả hạ thấp giọng:

- Tụi bay đem bỏ theo lệnh cô bay đi...

Chưa thôi, cô nàng còn chỉ tay vào phòng riêng:

- Đem hết mùng màn chiếu gối trong đó bỏ đi hết. Lấy đồ mới ngoài kia đem vào thay!

Lúc ấy, mọi người mới để ý thấy cả một đống mùng màn để sẵn ngoài hiên nhà.

Bà Cả định cản lại, bởi tất cả mùng màn chiếu gối trong phòng là đích thân bà đi mua sắm, chuẩn bị cho đám cưới. Bà chỉ còn biết quay sang nói khẽ với chồng:

- Sao nó kỳ quá, giống như... chằn lửa vậy?

Ông định nói "nó giống bà" chớ ai, nhưng kịp dừng lại. Lúc đó, đám gia nhân rối rít làm theo. Một lát sau thì mọi việc đâu vào đó. Với vẻ hài lòng, lúc này cô nàng mới quay sang cha mẹ:

- Con gái đã sẵn sàng về nhà chồng rồi!

Bà Cả run giọng hỏi lại:

- Con... có phải con là Mỹ Dung không?

Giọng cô nàng trở nên khác hơn vừa rồi:

- Chớ má muốn con là ai? Vậy con đi nhé!

Bà Cả hốt hoảng:

- Khoan đã con! Bởi... vừa rồi con làm má lo quá.

Bấy giờ cô nàng mới phá lên cười:

- Con tập làm bà chủ, để chuẩn bị cho vai trò này sau khi lấy chồng. Con cũng muốn là má bây giờ chớ!

Bà thích thú quá, lay mạnh vai ông:

- Ông nghe thấy chưa, đâu phải mình tôi bị ông gọi là cọp cái hay chằn lửa đâu!

Ông Cả rùng mình, định đứng dậy bỏ đi thì Mỹ Dung đã nhắc:

- Bên đằng trai sắp tới rồi đó!

Bà Cả nói khẽ:

- Nghe nói thằng Phong bỏ đi chưa về?

Cô ta chỉ tay về phía con đường trước nhà:

- Ra mà đón họ đi!

Vừa khi ấy, họ nghe có tiếng xe ngựa dừng lại ở cửa, có đến trên mười chiếc. Chiếc xe rước dâu đi đầu, với hai ngựa kéo, phủ rèm đỏ kín mít, giống như bất cứ lễ rước dâu nào.

Ông bà viên ngoại trịnh trọng bước xuống trước, nhưng theo sau họ không phải là Phong, mà là một người phù rể. Ông bà Cả vừa định lên tiếng hỏi, thì bà Từ đã bước tới, giọng buồn bã:

- Thằng Phong... nó... nó...

Thay vì đúng vai trò của cô dâu là phải che mặt, ở trong phòng kín, đến giờ mới bước ra; đằng này vừa khi ấy Mỹ Dung đã bước ra lên tiếng làm mọi người ngạc nhiên:

- Đâu có gì phải lo lắng. Anh Phong vốn ngủ ở nhà con từ hôm ấy. Chúng con cùng ngủ với nhau, chuẩn bị sức khoẻ cho ngày trọng đại hôm nay!

Lời cô ta vừa dứt, thì bỗng cả hai họ đều trố mắt ngạc nhiên khi thấy Phong trong lễ phục chú rể, từ từ bước ra, đứng sóng đôi với Mỹ Dung!

Bà Từ như vừa tỉnh cơn mơ, bà kêu rú lên:

- Phong! Vậy mà con làm cho hai bác mất ăn mất ngủ. Trời ơi, thằng khỉ gió!

Phong chừng như không để ý đến thái độ của mọi người, anh rất tự nhiên đưa tay choàng qua hông của Mỹ Dung, rồi cũng rất thản nhiên dìu nhau tới trước mặt hai bên cha mẹ, khẽ cúi đầu chào. Sau đó cả hai không ai bảo ai, cùng bước tới bàn thờ làm lễ một cách rành rẽ, không đợi ai nhắc. Khiến cho vai trò chủ hôn hai bên trai gái đều trở nên thừa.

Có lẽ quá mừng nên cả hai ông bà sui gia đều muốn cho buổi lễ diễn ra chóng vánh, tránh những bàn tán của bà con hai họ. Buổi tiệc mặn do đó diễn ra rất nhanh. Đến cuối giờ ngọ thì đằng trai đã xin phép ra về.

Nếu có ai nhìn được sắc diện vui mừng khó tả của cô dâu sau tấm mạng che, khác hẳn khuôn mặt u sầu, lưu luyến của hầu hết các cô dâu khác thì chắc là sẽ ngạc nhiên lắm. Ngược lại, gương mặt của Phong sau khi ra vẻ tươi vui chào mọi ngươi, thì giờ đây lại ưu tư khác thường. Anh bước ra kiệu hoa mà như lê chân về nơi đầy ải nào đó...

Khi ngồi lên kiệu rồi, cô nàng mới ghé sát tai chàng nói rất khẽ:

- Mọi việc sẽ đâu vào đó thôi. Không sợ phạm phải lời đe của cô ta đâu!

Phong cũng đáp khẽ hơn:

- Tôi chỉ còn biết liều thôi, nhưng lòng dạ tôi thì trước sau gì cũng chỉ có Hạnh Hoa mà thôi!

Một cú nhéo đau thấu xương, nhưng Phong ráng chịu. Anh nghe nàng nói rất khó hiểu:

- Rồi biết cái tội chung tình sẽ ra sao!

Xe chạy được một lúc, chẳng hiểu khi ấy nàng ghé sát chàng nói thêm câu gì đó, mà nghe Phong kêu lên:

- Em là Hạnh Hoa!

Người đánh xe giật mình định gò cương lại, nhưng một cánh tay của cô gái đã thò ra và thúc mạnh vào mông ngựa, chúng phóng như bay hay đúng hơn là... như ma đuổi!

***

Gả được con gái là điều mà vợ chồng Cả Sanh mừng khôn xiết. Tuy nhiên, sau đám cưới một ngày thì nỗi buồn xa cách đang làm cho người đàn bà đanh đá trở nên vào ngẩn ra ngơ. Dẫu sao thì lâu nay mẹ con có nhau sớm tối, nay rứt ruột giao về nhà người ta thì làm sao không buồn.

Đợi cho ông Cả đi đánh cờ ở nhà người bạn, bà Cả mở cửa vào phòng Mỹ Dung. Bà muốn sắp xếp những gì còn lại của con, nhất là giữ một vài thứ, phòng khi có nhớ thì lấy ra mà nhìn ngắm... Nhưng vừa mở cửa ra, bà Cả đã phải khựng lại, giương tròn mắt nhìn lên giường. Trên đó có một người đang nằm!

- Ai... ai?

Bà vừa mở miệng hỏi thì đôi chân như có ai đẩy tới, nên bà tiến sát lại bên giường. Người nằm đó chính là Mỹ Dung!

- Trời ơi, bớ!

Bà Cả gào lên, nhưng tiếng của bà hình như bị nghẹn lại ở cổ, bỗng bà nghe có tiếng nói khẽ:

- Má nằm xuống đây!

Rõ ràng là con gái đang nói với bà. Nó còn đưa tay kéo bà xuống nữa. Thân thể bà Cả không gượng được, đã ngã dài trên giường, nằm sát bên con gái.

- Sao... sao con còn ở đây?

Giọng Mỹ Dung yếu ớt:

- Má nhìn không thấy sao, con đâu... còn sống!

- Hả? Con nói...

Bà định bật dậy, nhưng Mỹ Dung đã kéo tay bà đặt lên người cô ta. Thịt da lạnh ngắt!

- Trời ơi, con!

Giọng Mỹ Dung yếu dần, rất khó nghe:

- Con phải trả... những gì ba má đã vay... của người ta...

Bà Cả ngơ ngác:

- Vay trả gì của ai?

- Má không nhớ sao? Ngày trước, lúc con chưa ra đời thì ba có một người đàn bà khác. Chính má, vì muốn chiếm hữu riêng cho mình, nên má đã không ngại mướn người thủ tiêu cô gái tên là Hạnh Nương. Cô ấy bị dìm chết ở một cánh đồng, khi trong bụng cô đã có thai gần ngày sinh...

Mỹ Dung vừa kể đến đó thì bỗng bà Cả ôm mặt gào lên:

- Đừng kể nữa!

Nhưng Mỹ Dung phải nói cho hết, bởi cô biết mình sẽ chẳng còn dịp để nói nữa:

- Sau khi giết tình địch rồi, má độc chiếm người đàn ông tên Sanh, để rồi một năm sau thì sinh ra con. Má giấu được nhiều người về chuyện đó, nhưng với một người thì má không thể giấu được, chắc má biết là ai rồi...

- Con, má van con. Con đừng...

- Không được rồi má ơi! Người đó đã trở về và... đòi mạng! Mà con là người phải trả mạng cho người ta... Người ấy là chị Hạnh Hoa. Chị ấy là đứa con bảy tháng tuổi trong bụng cô Hạnh Nương. Khi cô ấy chết thì đứa bé đã được đặt tên sẵn là Hạnh Hoa cũng chết theo, nhưng vì oan uổng, nên hồn phách chị ấy mãi vật vờ rày đây mai đó. Cho đến khi gặp được anh chàng Phong. Theo duyên số thì con và Phong phải là vợ chồng với nhau, bởi trước đó ba má đã hứa với hai bác của Phong. Nhưng cô Hạnh Nương bắt chị Hạnh Hoa phải giành lại cho bằng được anh ấy. Và thế là con phải trả, mà trả cũng có nghĩa là phải trả luôn kiếp người cho họ!

Bà Cả lại gào lên:

- Không được? Thứ hồn ma bóng quế đó đâu đủ tư cách làm người! Con không phải trả cho ai hết, họ có giỏi thì về đòi nợ má đây!

Bà ôm chầm lấy con, nhưng bỗng cả thân xác của Mỹ Dung đã tan biến mất. Chỉ còn nghe giọng như gió thoảng của cô mà thôi:

- Giờ đây cái xác thật sự của con đã giao lại cho Hạnh Hoa rồi, chị ấy trở lại kiếp người và đang sống hạnh phúc bên anh Phong.

Bà Cả oà lên khóc:

- Má sẽ đi đòi lại!

- Đừng làm điều đó, không được gì đâu! Dẫu sao thì từ nay về sau cũng chẳng ai biết được chuyện này ngoài má. Con khuyên má nên giữ kín, bởi nếu nói ra thì ngay cả hồn phách của con cũng không còn được ở bên má nữa. Từ nay, chị Hạnh Hoa sẽ đóng vai con, chị ấy cũng sẽ tốt với ba má, sẽ chăm lo cho ba má còn hơn cả con nữa. Theo con thì kể cả ba, má cũng đừng nói cho ba biết. Má nhớ lời con không?

Bà Cả nghẹn ngào phản đối, nhưng trước những lời của con gái, cuối cùng bà phải hứa:

- Má hứa, má sẽ im lặng.

- Còn một việc nữa, ngày hôm nay má mướn người đi sang thôn Cây Trâm, tìm đúng chỗ Gò Trúc, có một ngôi mộ hoang ở đó, chính là mộ của cô Hạnh Nương. Má cho người bốc mộ, lấy cốt đưa vào ngôi chùa gần đó để cho cô ấy yên nghỉ. Làm được điều đó rồi thì từ nay coi như mọi chuyện thù hằn giữa má và cô Hạnh Nương, chị Hạnh Hoa sẽ đều biến mất. Má làm ngay đi!

Im lặng hoàn toàn...

Bà Cả kêu to lên:

- Mỹ Dung!

Nhưng dường như cô nàng đã tan biến vào không gian rồi...

***

Nửa năm sau, tình cờ hôm đó nhân đi ngang bến đò, Phong tạt qua thôn Cây Trâm. Có lẽ anh muốn nhìn lại một chút kỷ niệm.

Tuy nhiên, anh lại ngơ ngác khi không còn thấy thôn xóm nữa, mà nơi đó đúng là một nghĩa địa hoang vắng.

Phong cố ý tìm lại ngôi mộ ngày trước thì không hề có. Mà khi hỏi về những gì anh đã chứng kiến ngày trước cũng chẳng một ai biết...

Khi trở về thuật chuyện cho Hạnh Hoa nghe, nàng nghiêm giọng bảo:

- Em đã nói rồi, đó là chuyện của quá khứ. Em bây giờ đã là vợ của anh, và anh chỉ nên biết có thế. Nếu anh còn nhớ tới chuyện ngày trước nữa thì Hạnh Hoa bằng xương bằng thịt bây giờ sẽ trở về cát bụi cho coi!

Phong hốt hoảng:

- Không, anh đâu muốn...

Anh ôm chầm lấy cô vợ yêu quý. Lúc ấy nàng mới nói thật khẽ:

- Báo cho anh một tin mừng... em đã có thai hai tháng!

Trong lúc Phong vui mừng khôn xiết thì nàng hạ thấp giọng:

- Cho đến giờ phút này em mới tin chắc là mình... chính thức được trở lại làm người. Em xin cảm ơn cô Mỹ Dung và... bà Cả Sanh nữa.

Những câu nói này Phong không hiểu hết ý, nhưng vốn tin tưởng và yêu quý vợ mình, nên Phong không hỏi thêm lời nào nữa...

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục