Gửi bài:

Phần III - Oan nghiệt

Định trở về nhà, nhưng do mẹ còn bệnh, nên đêm hôm đó Hậu đã phải ở lại nhà ngoại. Nhà bà chỉ có hai phòng là có giường, mùng màn đầy đủ để ngủ, một là phòng bà ngoại, hai là căn phòng của mẹ trong thời gian bà ở đây.

Lấy chiếc mền ra nằm ngoài ghế trường kỷ để ngủ thì bà ngoại không cho:

- Con vào phòng của má con mà ngủ, tối nay má con ngủ bên ngoại. Con cứ ngủ cho ngon, má đã ổn rồi, để ngoại lo.

Hậu buộc phải ngủ lại ở phòng của mẹ. Thật ra anh cũng muốn nhân cơ hội để biết thêm về mẹ, mà bấy lâu nay anh ít có dịp lưu tâm. Nhất là nhớ lại cái trang trong nhật ký mẹ có nhắc tới Hiền, người đàn ông nào đó mà Hậu nghi hoặc và chưa biết phải hỏi ai cho ra tung tích ông ta. Đó là người tình của mẹ! Điều này đã khá rõ và còn nặng nề hơn, ông ta đã nhúng tay vào một tội ác mà chỉ mới đọc qua nhật ký Hậu đã rợn cả người! Thì ra sở dĩ ông già Tư không muốn anh ra ngoài chỗ hai cái mộ đá là bởi có liên quan tới chuyện này...

Bỗng Hậu kêu lên:

- Ông già Tư! Chú Tư Hiền!

Từ nào giờ trong nhà chỉ quen gọi ông quản gia là chú Tư, nên cái tên tục là Hiền của chú đã bị quên đi. Có phải chăng Hiền mà mẹ nhắc trong nhật ký là... ông già Tư?

Hậu tốc chạy sang phòng bà ngoại, anh hỏi to:

- Có phải chú Tư quản gia là Hiền không ngoại?

Bà ngoại ngạc nhiên:

- Con biết rồi mà còn hỏi là sao? Thì chú ấy tên Hiền, đã làm quản gia cho ba con từ hơn hai chục năm nay. Hình như con được bao nhiêu tuổi thì chú ấy đã ở trong nhà mình bao nhiêu năm rồi...

Hậu quay sang mẹ hỏi to:

- Có phải Hiền mà má nói là... chú Tư quản gia không?

Tuy nhiên bà Lệ Hoa vẫn mê man, nên bà đâu có nghe câu hỏi của Hậu. Thất vọng, Hậu trở về phòng. Anh giở nhật ký của mẹ ra đọc lại lần nữa. Và lúc này anh phát hiện ra một điều quan trọng khác: ở cuối tập nhật ký có một bức ảnh bán thân của một người đàn ông chụp đã lâu, ảnh ngả màu vàng, nhưng vừa thoạt trông Hậu đã nhận ra ngay người trong ảnh, đó chính là ông già Tư lúc đó cỡ gần ba mươi tuổi. Phía sau bức ảnh có ghi dòng chữ: Đỗ Ngọc Hiền chụp khi về Sài Gòn.

- Ông ta là Hiền của má!

Hậu không còn kiên nhẫn nữa, anh lẻn ra ngoài và gọi xe tới ngay bệnh viện. Ông già Tư lúc ấy cũng vừa tỉnh lại sau cơn mê dài. Vừa nhìn thấy Hậu, ông đã hỏi ngay:

- Không ai Iàm gì con chứ?

Ông ta đổi cách gọi một điều cậu hai điều cậu trước đây, mà đổi sang gọi Hậu là con, khiến anh hơi ngạc nhiên:

- Chú... là chú Hiền?

Ông già nhìn sững Hậu:

- Con hỏi sao? Ừ, thì từ nào đến giờ ta vẫn là Hiền, Tư Hiền.

- Chú là...

Hậu định hỏi thẳng, nhưng anh lại khựng lại, lưỡng lự.

Ông già Tư vẫn không hay biết chuyện Hậu đã rõ mọi chuyện, chú tiếp tục nói:

- Ta mê man, nhưng trong cơn mê lại thấy người ta đang muốn ám hại má con. Ta muốn dậy đi báo cho bà ấy, nhưng không làm sao dậy được. Mới vừa rồi, trong lúc ta đang tuyệt vọng thì chợt nhìn thấy đứa con gái mặc chiếc áo màu hồng, nó ẵm đứa con trên tay và chạy tới báo cho ta biết rằng con phải chạy ngay đi kẻo mất mạng! Ta hốt hoảng và tỉnh lại được, kịp lúc con tới đây!

Hậu không nhịn được, anh hỏi thẳng:

- Chú nói xem, có phải chú đã giết cô gái đó không?

Ông già Tư nhìn sững Hậu:

- Con... con nói gì vậy? Giết ai?

Hậu gắt lên:

- Chú đã dìm mẹ người ta xuống hồ, tại sao không tha đứa bé mới có mấy tuổi? Chú có còn là con người không?

Ông già Tư sững sờ trước câu hỏi bất ngờ của Hậu, ông lắp bắp:

- Ta... ta...

Hậu nói như gào lên:

- Gieo tội ác thì sẽ phải đền tội thôi! Chú đừng giấu nữa, tôi đã biết hết rồi. Chính chú đã làm cho mẹ tôi mang tiếng là kẻ giết người!

- Kìa, con!

Hậu đanh giọng lại:

- Lâu nay tôi kính trọng chú, thương yêu chú, coi như cha chú, vậy mà chú làm cho tôi thất vọng quá! Chú là kẻ giết người!

- Kìa, Hậu!

Hậu quay bước đi ngay, nhưng vừa ra tới cửa phòng bệnh, anh chợt khựng lại. Bởi có một người đang đứng chặn ngang lối đi của anh. Người ấy khi vừa nhìn thấy, Hậu đã phải kêu lên:

- Là cô! Cô là...

Cô gái mặc chiếc áo hồng mà Hậu từng thấy, từng cầm nó trên tay. Cô gái có gương mặt giống hệt như cô nàng ăn mặc rách rưới ngồi hát trên bờ hồ. Tuy cô ta có ăn mặc đẹp hơn, lộng lẫy hơn, nhưng mái tóc và khuôn mặt thì không thay đổi. Nhất là cặp mắt vừa long lanh, nhưng cũng đượm buồn...

Cô nàng cất giọng nghiêm khắc:

- Giao cho anh giữ con mà anh nỡ bỏ lại rồi đi luôn, vậy ai chăm sóc nó, ai cho nó bú suốt hai ngày nay?

Hậu lúng túng:

- Tôi buộc phải... tôi phải...

Từ bên trong, ông già Tư hỏi vọng ra:

- Ai tới vậy Hậu? Nếu là bà ấy thì để ta...

Cô gái áo hồng vội vã:

- Anh hãy đi đi, rồi tôi sẽ gặp lại. Còn bây giờ để tôi lo vụ này đã.

Cô ta bước thẳng vào phòng bệnh. Hậu nhìn theo và chợt phát hiện, nhìn từ phía sau thì... chẳng thấy thân thể cô ta đâu, chỉ thấy thấp thoáng màu hồng của chiếc áo! Bất chợt Hậu hốt hoảng:

- Cô ta...

Hậu chạy rất nhanh và kịp đứng chặn ngang trước giường bệnh, vừa lên tiếng:

- Cô định làm gì ông ta?

Lúc bấy giờ, kể cả hình dáng của cô Hậu cũng chẳng nhìn thấy, chỉ nghe hơi thở dồn dập biểu tỏ sự tức giận. Anh dang cả hai tay ra che khuất cả ông già Tư.

- Chuyện của ông ta hãy để cho tôi xử. Tôi sẽ không để ông ta tồn tại, nhưng tôi không muốn các người ra tay.

Chỉ nghe Hậu nói mà không thấy ai khác, ông già Tư vội lên tiếng:

- Con làm gì vậy Hậu? Cứ đi về đi, ta ở đây một mình cũng chẳng sao mà.

- Nhưng ông ta đã giết tôi và bây giờ nếu không ngăn chặn kịp, ông ta sẽ lại giết luôn đứa con của anh nữa!

Hậu ngạc nhiên:

- Con nào của tôi?

- Đứa bé kia không phải con anh thì con ai! Mẹ em nói anh không nhớ sao, chỉ cần giữ chiếc áo của em trong người anh là anh đã thành thân với em rồi, và đứa bé em giao cho anh chính là con anh đó!

Chợt nhớ tới những chi tiết trong quyển nhật ký của mẹ, Hậu kinh hãi:

- Sao... sao có thể như thế được? Cô là... là con của... ba tôi! Cô là...

Anh buông thõng hai tay xuống, hầu như quên hẳn sự có mặt của cô ta, Hậu vùng tuôn chạy ra ngoài, vừa gào lên:

- Ông trời ơi, ông giết con rồi!

Ông già Tư nói to:

- Không phải như vậy đâu, Hậu ơi!

Nhưng bóng Hậu đã biến mất bên ngoài. Giọng cô gái hốt hoảng:

- Anh ấy sẽ chết đó! Được rồi, một lần nữa anh ấy đã cứu sống ông. Bây giờ tôi hãy tạm tha cái mạng chó của ông, chờ cứu anh ta đã rồi sẽ tính!

Ông già Tư ôm đầu rên rỉ:

- Đúng là quả báo tôi rồi...

Ông muốn nhảy ngay xuống giường để đuổi theo, nhưng cả thân người ông như bị cột chặt, không làm sao làm theo ý mình dược.

- Hậu ơi!

Ông ta chỉ kêu lên được mấy tiếng đó trong đau khổ tột cùng. Bỗng một giọng nói rót vào tai ông:

- Con gái tôi nó ngu dại đi mê đứa con của kẻ thù, tôi ngăn không được, chỉ vì nó lỡ có con với thằng kia rồi. Nhưng còn ông đến phút này đã là giờ tận số rồi! Ông có biết bấy lâu nay chỉ vì ông luôn đeo cái tượng Phật trên cổ nên tôi chưa ra tay được, còn bây giờ thì...

Nghe nói tới đó, bất chợt ông già Tư sờ lên cổ mình và thất thần khi không còn thấy tượng Phật bằng gỗ trầm hương mà ngày trước ông vô tình nhặt được ở sau vườn và đeo luôn từ ấy. Chẳng hiểu sao vật bất ly thân của ông lại biến mất.

Người kia cất tiếng cười nghe đến rợn người:

- Hai mươi năm tao chờ ngày này!

Một luồng khí lạnh phả vào mặt ông Tư, khiến ông ta đờ đẫn cả người và hầu như chờ đợi điều bất hạnh đến với mình thì bất chợt hai cô y tá với chiếc xe đẩy xuất hiện kịp thời. Một cô tiến tới bên bệnh nhân và lên tiếng ngay:

- Cháu trả bác vật này. Hồi sáng sớm nay khi làm vệ sinh cho bác, cô lao công đã vô tình làm nó rơi ra, cũng may là bác sĩ điều trị nhìn thấy và giữ giúp, bây giờ cháu mang lại cho bác đây. Để cháu mang vào cho!

Đó là tượng Phật bằng gỗ trầm hương!

Cô ta nhẹ nhàng đeo vào cổ bệnh nhân, vừa giải thích thêm:

- Bác sĩ nghĩ bác bị một chấn thương ở não, nên phải đưa bác đi chụp hình. Bác cứ nằm yên trên xe, tụi cháu sẽ đẩy nhé!

Họ tiến hành công việc rất nhanh. Và đó là nguyên nhân khiến giọng nói vô hình kia ngừng bặt luôn. Khi họ đẩy xe băng ca đi rồi mới nghe tiếng rít lên:

- Thằng chó chết lại thoát nữa!

Một trong hai cô y tá đang đẩy xe đã vội trở lại vì quên lấy theo biểu đồ bệnh án của bệnh nhân, khi bước vào phòng cô đã va vào ai đó suýt ngã, cô la lên:

- Ai đi mà không coi gì hết!

Nhưng khi nhìn lại thì chẳng thấy ai cả. Bất chợt cô rùng mình...

***

Hậu mở mắt ra thì ngạc nhiên vô cùng bởi cảnh vật chung quanh.

Anh đang nằm trong một gian phòng tối, mùi ẩm mốc xông lên mũi.

- Đây là đâu?

Trả lời câu hỏi thầm của Hậu là tiếng khóc oe của một đứa trẻ! Và bàn tay của Hậu cũng vừa chạm phải một thân thể nhỏ bé của nó.

- Tại sao?

Hậu cố căng mắt ra trong bóng tối để nhìn và anh nhận ra đó là đứa bé mà anh từng nuôi giữ mấy hôm ở trang trại. Như vậy anh đã trở về ngôi nhà trên vùng cao nguyên của mình?

Bước nhanh tới cửa sổ nhỏ, Hậu nhìn ra ngoài và vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra đây chính là ngôi nhà của anh ở Sài Gòn. Gian phòng này là cái nhà kho chứa vật dụng phế thải mà đã từ lâu không được mở cửa ra. Đúng hơn kể từ khi cha Hậu mất thì gian nhà này cũng đóng cửa luôn với những vật dụng tạp nham đủ thứ dồn vào đó, mà mẹ anh đã không buồn mở ra, mà đến khi Hậu lớn lên anh cũng lo học, lo đủ thứ chuyện và thường xa nhà, nên hầu như bỏ quên một góc trong chính ngôi nhà của mình.

Hậu thử đẩy cửa lớn thì ngạc nhiên vì cửa khóa từ bên ngoài. Anh cất tiếng gọi lớn:

- Chị Chín ơi!

Chín là chị người Iàm, coi như quản gia ở đây. Chị ta không trả lời. Lúc này Hậu mới chợt nhớ chị ta đã sang nhà bà ngoại anh để săn sóc cho mẹ, như vậy hiện nhà đâu còn ai khác.

Nhớ lại chuyện đêm qua ở bệnh viện, Hậu không hiểu tại sao mình lại chạy về đây, chỉ nhớ là trong lúc còn đang chạy ngoài đường thì anh cảm giác như có người đẩy mình chạy rất nhanh. Qua hơi thở gấp của người đó, Hậu mường tượng ra chính là cô gái áo hồng...

- Thì ra cô ta đã đưa mình về đây!

Hậu nhủ thầm, nhưng trong lòng anh không mừng mà lại bối rối và lo lắng. Anh càng nhớ lại những nội dung trong tập nhật ký của mẹ. Cô gái này là con của người phụ nữ có tên là Thiên Lý với cha mình. Như vậy...

Bất giác Hậu thốt lên:

- Mình đã phạm phải một tội ác tày trời rồi!

Vừa khi ấy đứa bé ré lên, Hậu buộc lòng phải bước lui tới chỗ nó nằm lúc nãy. Nhưng anh ngạc nhiên quá đỗi khi không còn thấy đứa bé đâu!

- Ủa...

Hậu còn đang ngơ ngác thì ở góc phòng bên trái có tiếng nói vọng ra:

- Con cái mà chẳng lo chăm sóc gì cả, còn đứng đó làm gì?

Hậu gắt lên:

- Con nít thì để nó một nơi yên ổn, đưa tới đưa lui hoài nó chịu sao nổi?

- Vậy sao anh không ở nhà nuôi nó?

- Tôi... tôi...

Rồi anh nghĩ mình phải nói ra điều nên nói:

- Cô có biết... giữa tôi và cô là... anh em cùng cha khác mẹ không! Tức chúng ta cùng huyết thống, sao còn xảy ra chuyện oái oăm này!

Tưởng cô nàng sửng sốt, nào ngờ cô ta vẫn điềm nhiên nói:

- Có sao đâu! Chỉ có người vô tâm không chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn như anh thì mới lo lắng lung tung như vậy thôi!

Hậu nạt ngang:

- Sao lại lung tung! Cô là con của bà Thlên Lý với ba tôi, vậy không phải là cùng máu mủ với tôi sao? Đã không biết thì thôi, sao lại vô tâm như vậy?

Anh ôm mặt khóc rấm rứt. Trong lúc cô gái vẫn thản nhiên nói:

- Người đau khổ phải là em chứ! Vì phạm phải dục tình với anh, nên mẹ em nhất quyết phải trừng trị, bắt em phải giao con rồi chờ bà ấy ra tay. Mà anh biết, mẹ em một khi ra tay thì không kể đến con ruột của mình hay là ai không!

Thấy cô nàng vẫn không quan tâm gì tới chuyện huyết thống, Hậu lại phải la lớn:

- Cô đúng là người cõi âm nên không còn biết gì là đạo lý rồi. Cô có biết anh em chung dòng máu với nhau mà phạm phải chuyện này gọi là gì không? Là loạn luân, và hình phạt là trời tru đất diệt!

Nàng bất ngờ hỏi lại:

- Nếu sự thật không phải vậy thì sao?

Hậu vẫn gào lên:

- Là năm rõ mười rồi còn gì nữa!

Giọng cô gái bây giờ mới chậm lại, nhấn mạnh từng tiếng một:

- Anh đã nhìn rõ mặt em rồi, chúng ta có điểm nào giống nhau như anh em không?

- Nhưng mà...

- Có khi nào anh nghĩ mình là con của một người khác không?

Hậu giật mình, nhưng anh vẫn nói:

- Chuyện đó có là nằm mơ! Tôi đang đau khổ, hối hận, mà nếu hồi sáng này cô không đưa tôi về đây thì tôi thà đâm đầu vào xe chết cho rồi!

- Chết uổng mạng! Anh có nghĩ là mình hồ đồ lắm không? Tại sao em đưa anh về đây, cố tình cho anh vào cái nhà kho lâu năm không ai vào này để làm gì không? Anh thử nghĩ đi!

Hậu ngơ ngác:

- Thì cô muốn...

- Một phần là để tránh cuộc truy sát của mẹ em. Bà ấy đã chờ đợi việc trả thù này ngót hai mươi năm rồi, đây là thời cơ tốt nhất. Nhưng giết ai thì giết, em nhất định không để mẹ giết anh. Em nhốt anh trong này chờ đến khi nào mẹ em bỏ đi thì anh được toàn mạng...

- Như vậy để mà làm gì. Tỏi muốn được chết thôi!

- Điên! Em đã nói rồi mà anh vẫn không nghe. Bây giờ nghe tiếp đây, phần còn lại của mục đích đưa anh về đây là để anh xem những gì ba anh để lại trong này, từ đó anh biết thêm nhiều thứ và sẽ sáng mắt ra!

Nàng nói xong thì cửa sổ hơi lay động, cùng giọng nói nàng phát ra từ hướng đó:

- Em đã cho con bú sữa rồi, nó sẽ ngủ một giấc cho đến khi em quay lại. Còn anh cứ an tâm tìm hiểu đi...

Bỗng dưng đèn trong phòng bật sáng, lúc này Hậu mới nhìn thấy ngoài những đồ đạc, vật dụng ngổn ngang, còn có một cái bàn viết còn nguyên vẹn đặt ở một góc phòng và một chiếc giường ngủ rất tươm tất, nơi đứa bé đang nằm ngủ say.

Hậu lưỡng lự một lúc rồi cũng giống như ở phòng của mẹ, anh bắt đầu lục ngăn kéo của bàn viết. Ngay ở quyển sổ đầu tiên thì Hậu giở lên đã có một tấm ảnh rơi ra. Anh reo khẽ:

- Ảnh của mình!

Trong ảnh, Hậu chụp năm anh được bốn tuổi và do chính ba anh chụp. Ở phòng riêng Hậu còn giữ một tấm ảnh giống như vậy. Nhưng khi lật phía sau ảnh thì Hậu tái mặt! Bởi dòng chữ do chính ba anh ghi:

"Đứa con trai mình yêu thương nhất, đặt nhiều kỳ vọng nhất, không ngờ lại là... con của kẻ khác!"

Nắm chặt ảnh trong tay, Hậu run đến nỗi nói không thành lời:

- Mình là... con... con của...

Anh lật tung mọi thứ trong ngăn tủ và tuần tự những điều bất hạnh đã hiện ra trước mắt Hậu. Cũng trong một đoạn nhật ký, ba anh đã viết:

"Sinh nhật lần thứ tư của thằng Hậu, mình mới khám phá ra một sự thật phũ phàng, đứa con trai độc nhất của mình với Lệ Hoa lại không phải do mình là tác giả! Chính trong một lần ghen tuông, Lệ Hoa đã điên tiết nói huỵch toẹt ra rằng do để trả thù mình có quan hệ với Thiên Lý, nên cô ấy đã... hiến thân cho quản gia Tư Hiền và cho ra đời thằng Hậu!"

Ở một đoạn khác, cha Hậu đã viết:

"Thiên Lý sinh con gái! Nhìn đứa bé mới ra đời, mình đã hình dung sau này nó sẽ là một đứa con gái đẹp như tranh vẽ! Mình tính đặt tên cho con là Ngọc Nguyệt, tức con thỏ ngọc ở cung chị hằng nga, nhưng Thiên Lý nhất quyết chọn tên Phù Dung để đặt cho con. Cô ấy nói, cô thích những loài hoa. Nên cô là Thiên Lý thì con gái phải là Phù Dung! Mình giải thích hoa phù dung tượng trưng cho sự mau tàn vì người ta vẫn nói phù dung sớm nở tối tàn, nhưng nàng không nghe, còn bảo rằng, thà mau tàn mà được người đời ngưỡng mộ là được."

Ở vài đoạn khác nữa, ba Hậu viết lại giống như những gì bà Thiên Lý nói và do chính mẹ Hậu kể. Đọc xong mấy đoạn đó Hậu sững sờ, anh không tin là sự thật:

- Không thể nào!

***

Ông già Tư sau một lúc ngập ngừng, cuối cùng đã gật đầu thừa nhận:

- Ta đã làm chuyện đó, trước tiên vì cảm cảnh bà chủ của mình, sau đó mới vì tình cảm. Ta nói thật, ta thương má con vô cùng. Bà ấy khổ quá nên mới nghĩ quẩn, mới xúi ta làm liều...

Hậu gào lên:

- Đáng lẽ chú phải từ chối làm chuyện ác chớ! Giết một mạng người vì ghen đã là một tội ác tày trời rồi, đằng này giết luôn đứa trẻ mới hai tuổi đầu nữa!

Già Tư nghẹn ngào:

- Do con bé nhảy xuống hồ rồi chìm luôn, chứ ta nào...

Hậu đặt quyển nhật ký của mẹ trước mắt ông:

- Trong này mẹ đã nói hết rồi. Con mong rằng từ nay chú lo cho mẹ và đừng trở về trang trại nữa. Ở trên đó đã có con lo!

Hậu nói xong bước đi nhanh ra xe và rồ máy chạy như chạy trốn. Anh đã quyết định dứt khoát, kể từ nay anh sẽ về ở hẳn trên ngôi nhà mà lúc đầu anh chỉ định về chơi. Mọi công việc ở công ty kinh doanh Hậu đã ủy quyền cho một hội đồng lo liệu.

Chính ông già Tư khi nghe Hậu quyết định như vậy đã rất hoảng sợ, can ngăn không cho anh đi. Nhưng Hậu đã nói thẳng:

- Con thà chấp nhận để cho hồn ma của mẹ con cô ấy hãm hại, còn hơn là cứ sống trong giằng xé lương tâm hoài, chịu không nổi!

Việc đầu tiên khi về tới trang trại là Hậu đi ra hai ngôi mộ đá với bông hoa và trái cây, anh cúng rất thành khẩn và vái vong linh họ:

- Con thay mặt cho những người mà lâu nay con gọi là mẹ và chú, đến đây tạ tội với... cô. Nếu cô chấp nhận lời tạ tội của con thì từ nay hãy cho con được ở yên trong ngôi nhà này. Con nguyện sẽ làm hết sức mình để chăm sóc mồ mả cho cô và...

Anh nói chưa dứt lời thì chợt phía sau lưng có giọng nói vang lên:

- Từ nay phải gọi là mẹ, chứ sao gọi là cô!

Hậu quay lại và giật mình khi nhận ra hình hài rõ ràng của cô gái áo hồng. Cô nàng đẹp thật lộng lẫy!

- Cô... à mà không. Em là Phù Dung!

- Biết điều rồi đó. Anh vừa gọi tên Phù Dung tức đã biết được là loài hoa sớm nở tối tàn rồi! Anh hãy gọi lại lần nữa xem!

Hậu gọi rất trìu mến:

- Phù Dung, em!

Nàng tiến lại gần Hậu hơn, nhưng giữ một khoảng cách vừa phải rồi tiếp tục với giọng buồn hơn bao giờ hết:

- Em đành phải nghe theo lời mẹ thôi. Mẹ bắt em phải thoát kiếp từ hôm nay để theo mẹ. Hồn phách thì rồi phải theo cát bụi thôi...

Nàng bật khóc nức nở và trong nước mắt nàng nói:

- Em cũng giống như mẹ thôi, tình yêu ngang trái vốn là số kiếp của mẹ con em rồi. Gặp anh, em cứ ngỡ mình cãi được số phận, sẽ ở lại trần gian để cùng anh chung sống cảnh âm dương. Nhưng nếu em làm thế thì hồn phách mẹ sẽ muôn kiếp lang thang, đời đời mãi là oan hồn. Em thương mẹ, nên đành chấp nhận... Chỉ xin anh hãy cố gắng nuôi con. Đứa bé tuy là do người âm cảnh như em sinh ra, nhưng từ bấy lâu nay nó được ấp ủ hơi dương thế của anh, nên chỉ cần thêm một trăm ngày nữa là nó sẽ vĩnh viễn thành người trần. Nó sẽ thay em lo cho anh. Hãy thương con anh nhé!

Nàng nói vừa dứt lời thì theo một cơn gió mạnh thổi qua, biến đi như khói bụi!

Hậu gào lên:

- Phù Dung!

Anh lao theo, nhưng vấp chân té ngã ngay trước đầu mộ và ngất đi.

***

Hậu ở lại đó cùng đứa bé. Lạ một điều là tuy không có mẹ, nhưng con bé lớn nhanh như thổi, vô cùng ngoan ngoãn và dễ thương.

Lớn lên, nếu có ai hỏi mẹ nó đâu thì nó chỉ lên và bảo:

- Mẹ ở trên đó!

Mục lục
Ngày đăng: 25/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục