Gửi bài:

Phần III

Thấy tôi xin phép nghỉ học mấy ngày, tụi bạn nhìn tôi lo lắng. Tôi mỉm cười:

- Tụi bây yên tâm đi, tao không sao đâu! Tao hiểu ra rồi! Tụi bây hãy tin ở tao...

Tụi nó không đứa nào nói gì, nhưng đứa nào cũng nắm tay tôi rất chặt như muốn nói với tôi rằng, bất cứ lúc nào nếu tôi cần là tụi nó sẽ có mặt bên cạnh tôi. Tôi mỉm cười gật đầu mà khóe mắt cay cay...

Tôi đi chuyến xe sớm nên khi ra tới quãng đường dạo trước xe bị hư chỉ vào khoảng tám, chín giờ sáng. Tôi xuống xe, đi bộ một đoạn, mắt luôn nhìn về phía cánh đồng để tìm ra ngôi nhà mồ đêm hôm ấy. Cánh đồng vừa mới gặt xong, chỉ còn trơ lại gốc rạ. Và kia, ngôi nhà mồ vẫn đứng trơ vơ trên con đường hai bên mọc toàn cỏ, cao đến gối người. Lòng tôi lại quặn lên, nhưng tôi cắn chặt răng đè nén tình cảm đang dâng trào trong lồng ngực. Tôi phải cứng rắn, tôi không được gục ngã. Tôi phải làm cho Thi được an lòng nơi chín suối...

Đẩy nhẹ cánh cổng nhà mồ chỉ khép hờ tôi bước vào trong. Tất cả vẫn y nguyên giống như cảnh vật mấy tháng trước. Nhìn lên tường, đập vào mắt tôi là dòng chữ: TRƯƠNG THỊ MAI THI.

Vậy mà không hiểu sao đêm hôm ấy tôi chỉ thấy đúng ba chữ TRƯƠNG THỊ MAI? Có lẽ tất cả những điều đó là do Thi, Thi không muốn tôi phải hoang mang liên tưởng. Ngồi xuống bên ngôi mộ, nhìn thấy nhang đèn để sẵn nơi đó, tôi vội thắp cho Thi ba nén nhang và lâm râm khấn vái:

- Thi ơi kiếp này mình không được sống bên nhau như mong ước, anh nguyện kiếp sau sẽ tìm lại em, chúng ta sẽ nối tiếp sợi tơ duyên dang dở... Em yên lòng... em yên lòng đi, anh sẽ không sao đâu, anh sẽ vượt qua được, em đừng lo lắng gì cho anh thêm nữa em nhé! Anh cảm ơn em đã cho anh những ngày hạnh phúc đã qua, dù hạnh phúc đó thật ngắn ngủi, nhưng cả đời này cũng sẽ không quên... Thi ơi...

Tôi không muốn khóc, tôi sợ Thi đau lòng, nhưng mà... nước mắt tôi vẫn cứ lăn dài trên mặt. Tôi quỳ xuống, dang tay ôm lấy ngôi mộ mà tưởng như mình có thể ôm lấy thân hình bé bỏng của Thi.

Một người đàn ông đi ngang qua, bất ngờ trông thấy tôi có những cử chỉ lạ lùng bên trong nhà mồ, ông ghé vào hỏi:

- Chú em đây là...

Tôi vội vã đứng lên, nhanh tay lau mắt:

- Dạ... cháu là bạn của Thi. Hôm nay cháu đến thăm Thi.

Nét mặt người đàn ông giãn ra. Ông nhìn tôi nói:

- Thì ra cậu là bạn với cháu gái nằm đây! Thật tội nghiệp. Từ hồi chôn cất tới nay, ngoài cha mẹ cổ, chỉ có cháu là người bạn đầu tiên đến thăm thôi đấy! Sau này nghe đâu cha cô ấy cũng mất luôn rồi. Mà cũng không trách được, xa xôi quá! Mà nè, nếu chú đoán không nhầm, cháu gái nằm đây là một người bạn rất quan trọng của cháu, phải không?

Tôi buồn bã gật đầu, buồn bã cất tiếng:

- Dạ, nếu Thi còn sống, cô ấy sẽ là vợ cháu... mà không, cháu đã xem cô ấy là vợ cháu từ lâu...

Người đàn ông ngạc nhiên:

- Ủa, nói vậy... Mà sao mãi đến hôm nay cậu mới tìm tới đây thăm cô ấy! Tội nghiệp cô ấy biết bao...

Tôi lúng túng, không biết phải giải thích sao với người đàn ông, cuối cùng đành phải nói trớ:

- Dạ... tại cháu ở xa, gia đình giấu không cho cháu biết. Mãi đến vừa rồi cháu mới hay tin...

Người đàn ông gật gù:

- Ồ ra vậy! Thôi, cháu thắp nhang rồi vô nhà chú uống ly nước. Nhà chú cũng ở gần đây. Gia đình cháu gái này nhờ chú chăm sóc mộ phần đấy cháu ạ! Tội nghiệp, hoàn cảnh của các cháu thật tội!

Tôi gật đầu với người đàn ông:

- Dạ, cháu cảm ơn chú! Cảm ơn vì chú đã giúp cháu và gia đình chăm sóc mộ phần của em Thi. Công ơn đó, cháu nguyền sẽ ghi khắc trong dạ. Nhưng hôm nay cháu còn phải về quê, xin hẹn chú dịp khác cháu sẽ đến nhà thăm chú cùng gia đình. Cháu xin phép...

Tôi cúi chào người đàn ông, một lần nữa nhìn lại mộ phần của Thi rồi cất bước trở ra đường. Người đàn ông đứng nhìn theo, chắc cũng buồn lây trước cảnh tình của hai đứa trẻ. Ra tới đường lộ, tôi hướng về mộ Thi khẽ nói:

- Tạm biệt em, Thi nhé!

Vẫy tay đón một chiếc xe đò, tôi leo lên ngồi và bắt đầu gà gật ngủ. Tâm trí tôi trôi miên man vào những giấc mơ lộn xộn, mà giấc mơ nào tôi cũng gặp được Thi.

Vừa thấy tôi bước chân vô sân nhà, mẹ và các chị tôi cứ tròn mắt ra nhìn giống như bắt gặp một người từ hành tinh xa lạ nào mới tới vậy. Cuối cùng, mẹ tôi là người òa lên khóc trước:

- Trời ơi... con trai của mẹ! Sao mà con lại ra nông nỗi này... ốm đau bệnh hoạn gì sao không nhắn về nhà một tiếng hả con? Thật tội cho thằng con trai vàng ngọc của mẹ... hu... hu...

Tiếng khóc của mẹ tôi như hiệu lệnh của người nhạc trưởng mà các chị tôi là những nhạc công. Cả năm người vừa sụt sịt, vừa thút thít, vừa xoắn lấy tôi làm cho tôi thấy mình vô cùng tội lỗi. Tôi phải nói dối là do bài vở nhiều quá, tôi thức nhiều nên người có ốm đi đôi chút, nhưng sức khỏe vẫn dồi dào, không có gì đáng để mọi người phải khóc lóc như vậy.

Và để chứng minh cho cái "sức khỏe dồi dào" ấy, chiều đó tôi đã gánh liền một mạch mấy thùng nước khiến cho chị cả tôi xót cả ruột, phải giằng lấy chiếc đòn gánh trên vai tôi, dọa sẽ không thèm quan tâm tới tôi nữa nếu tôi cứ mãi cứng đầu, đến lúc ấy tôi mới chịu thôi. Hôm sau tôi xin phép gia đình đi công việc, nhưng thật ra tôi tìm tới nhà Thi. Mặc dù dòng địa chỉ trong tin nhắn không còn nữa nhưng mãi mãi nó vẫn còn ghi khắc trong trí óc của tôi. Nhà Thi cách nhà tôi hơn bốn mươi cây số, cũng nằm gọn theo quốc lộ nên cũng rất tiện đường. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ là tôi tới nơi. Thấy tôi lấp ló trước cổng, từ trong nhà một người phụ nữ đi ra. Có lẽ đây là mẹ của Thi vì trông hai người có nhiều nét giống nhau. Ngỡ ngàng khi nhận thấy người lạ, người đàn bà chưa kịp cất tiếng, tôi vội chào:

- Dạ thưa bác, bác cho cháu hỏi thăm, đây có phải là nhà Thi không ạ?

- Cháu là bạn của Thi? - Người đàn bà tò mò hỏi.

Tôi đáp:

- Dạ. Cháu là bạn của Thi. Cháu đến đây xin phép được thắp cho Thi nén nhang...

Người đàn bà rưng rưng nước mắt mở cổng mời tôi vào nhà. Ngôi nhà tuy không lớn lắm nhưng trông rất khang trang, ngăn nắp. Ở giữa nhà là hai chiếc bàn thờ kề bên nhau. Một chiếc để ảnh người đàn ông, đúng là người mà tôi đã gặp trên chuyến xe đêm ấy, và một chiếc bàn thờ dành cho Thi.

Trên bàn thờ Thi, ngoài bức ảnh chụp bán thân Thi đang cười thật tươi, cạnh bên còn có một bức vẽ bằng bút chì trên tờ giấy học trò, bức họa do chính tay tôi vẽ Thi trong một đêm mưa to gió lớn...

- Thưa bác, bức vẽ này...

Sau khi thắp nhang cho Thi, tôi giả vờ hỏi đến bức vẽ. Mẹ Thi buồn bã cất tiếng:

- Bác cũng không rõ ai vẽ nó nữa cháu ạ! Mới mấy hôm trước, tình cờ bác bắt gặp bức vẽ đó trên chồng tập vở của Thi còn để lại, nên bác lấy để lên bàn thờ cho em nó vui. Mà cũng lạ, hồi Thi mới mất, bác đã soạn rất kỹ đồ dạc của Thi mà không thấy bức vẽ này, bỗng nhiên nó lại xuất hiện một cách thật khó hiểu.

Tôi muốn nói cho bác ấy biết tôi chính là tác giả và hoàn cảnh ra đời của bức vẽ đó. Nhưng thôi nói ra càng thêm đau lòng người làm mẹ như bà... Cũng vẫn với danh nghĩa là một người bạn của Thi nhưng ở xa nên không hay chuyện tai nạn của Thi, tôi được mẹ Thi kể lại chuyện không may của con gái, cũng không khác mấy so với câu chuyện tôi đã được nghe Hiển kể hôm rồi.

Bà vừa kể, vừa khóc. Chưa tròn một năm mà người đàn bà này phải chịu đến hai cái tang, một của con gái và một của chồng, bà không ngã quỵ cũng đã là may mắn lắm! Ngồi nói chuyện với mẹ Thi nhưng mắt tôi luôn nhìn về phía bàn thờ, nơi có tấm ảnh Thi cười tươi rói. Tôi chỉ muốn ôm lấy tấm ảnh đó, đặt vào đôi môi tươi thắm kia những chiếc hôn nóng bỏng của những ngày nhớ nhung khốn khổ. Nhưng không... tôi không thể làm chuyện đó trước mặt mẹ Thi. Tình yêu tôi dành cho Thi giờ đây tôi chỉ có thể chôn chặt trong lòng. Mãi mãi, tôi không còn cơ hội để ôm hôn Thi, để tâm tình với Thi được nữa... Mãi mãi, phải không em?

Khi chân tôi bước ra khỏi cổng nhà Thi, tôi đã xác định câu chuyện tình yêu âm dương của tôi và Thi là hoàn toàn có thật, không còn chút nghi ngờ nào cả! Và cả việc không bao giờ tôi còn có thể gặp lại Thi cũng là có thật, không còn gì để mà hy vọng hão huyền nữa...

Mấy ngày ở nhà, được sự chăm sóc tận tình của... "năm bà vú em" tận tụy, sức khỏe tôi đã hồi phục, da dẻ tôi đã đỏ đắn hồng hào chứ không còn nhợt nhạt như hôm mới về nữa. Tôi lại trở vào Sài Gòn. Lần này ngoài ba giỏ thức ăn dành cho tôi bồi bổ, hành lý tôi mang vác theo còn là hàng trăm lời dặn dò của "ngũ nương"...

Tôi trở về trường, làm lại một đứa học trò chăm ngoan dạo trước. Tuy nhiên học kỳ đó tôi cũng bị thi lại hai môn. Không sao! Tôi sẽ làm lại từ đầu. Thời gian đầu đám bạn thân luôn quan tâm lo lắng cho tôi, nhưng về sau bọn nó thấy tôi có vẻ khá vững vàng nên cũng yên tâm không còn lo lắng cho tôi nữa. Trước mắt mọi người, tôi đã trở lại là thằng Hải của những năm học trước! Nhưng tận sâu trong đáy lòng tôi, nỗi nhớ về Thi vẫn không ngừng âm ỉ. Đêm ngủ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ gặp Thi, Thi cười với tôi, cười rất tươi, giống hệt như tấm ảnh thờ ở nhà Thi vậy!

- Em đã yên tâm về anh rồi, phải không Thi?

Tôi vẫn thầm hỏi cô câu đó, nhưng mãi mãi, làm sao tôi còn nghe được tiếng trả lời...

Khi tôi tốt nghiệp ra trường, về nhận công tác tại tỉnh nhà, mẹ giục tôi cưới vợ.

- Con trai lớn rồi, lo mà cưới vợ đi để có người lo cho mẹ. Có như thế các chị con mới yên tâm đi xây dựng gia đình riêng của chúng nó. Con mà cứ lừng khừng hoài, các chị con đến thành bà cô già mất!

Ban đầu tôi còn khất dần, nhưng càng về sau cả mẹ và các chị đều thúc bách nên tôi đồng ý:

- Mẹ cứ xem cô nào mẹ vừa ý thì hỏi cưới cho con.

Nghe tôi nói vậy "ngũ long công chúa" tròn xoe mắt:

- Thế ra suốt những năm đi học, con chưa quen ai à?

Tôi cười, lắc đầu. Mẹ tôi mừng rỡ:

- Thế thì may quá! Từ lâu mẹ đã chấm con gái bà bạn ở làng bên, nhưng chỉ sợ con đã có bạn gái nên đâu dám nói gì. Vậy ngay ngày mai, mẹ sẽ nhờ người đánh tiếng cho người ta, con nhé?

- Tùy mẹ, con thì sao cũng được!

Mẹ không hài lòng lắm với câu trả lời có vẻ hờ hững của tôi. Nhưng dù sao vẫn đỡ hơn là tôi cứ khăng khăng không chịu lấy vợ. Sau đó không lâu đám cưới của tôi được tổ chức. Vợ tôi là Hiếu, cô giáo dạy cấp một trường làng. Hiếu tuy không đẹp lắm nhưng rất có duyên, tính tình lại nhu mì, chịu thương chịu khó. Về sống cùng với một lúc "bốn bà cô" nhà chồng nhưng Hiếu chưa bao giờ làm mất lòng ai, chưa xích mích với ai.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, chị chồng em dâu luôn êm thấm. Điều đó làm cho tôi ngày càng thương Hiếu. Tôi cưới vợ đầu năm, đến cuối năm Hiếu sinh cho tôi một thằng con trai bụ bẫm, giống tôi như hai giọt nước. Hạnh phúc gia đình tôi như được nhân lên từ khi thằng bé chào đời. Rồi các chị tôi lần lượt đi lấy chồng, và mẹ tôi qua đời chỉ sau một trận cảm sốt thông thường khiến cả nhà tôi chới với.

Những lúc đó Hiếu chính là chỗ dựa cho tôi. Ngay ngày đầu tiên về làm vợ tôi, Hiếu biết tôi không yêu cô, nhưng Hiếu vẫn dành cho tôi trọn vẹn tình yêu của người vợ đối với chồng, Hiếu luôn tôn trọng tôi và tôi cũng luôn tôn trọng Hiếu. Hiếu là một cô gái tốt. Tôi vẫn luôn muốn dành cho Hiếu tình yêu nồng thắm nhưng... dù có cố gắng đến đâu, thì tình cảm tôi dành cho Hiếu vẫn chỉ là lòng thương và lòng mến phục. Có lần Hiếu hỏi tôi:

- Trước khi cưới em, anh Hải từng có một tình yêu sâu sắc với người nào đó phải không?

- Đúng... anh đã yêu... nhưng cô ấy... cô ấy qua đời rồi...

Tôi chỉ trả lời như vậy, nhưng từ đó Hiếu không hỏi gì tôi về những mối quan hệ trước hôn nhân, cũng không đề cập đến chuyện tình yêu chồng vợ nữa. Hiếu cam tâm sống bên cạnh một người chồng không hề yêu cô. Nhưng bù lại, tôi rất có trách nhiệm với gia đình, tôi không làm gì có lỗi với Hiếu. Có lẽ đó chính là điều an ủi duy nhất của Hiếu suốt những tháng ngày sống đời vợ chồng với tôi.

Vì công việc làm ăn, gia đình tôi phải từ giã quê hương, chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn. Công việc của tôi ngày càng phát triển tốt đẹp. Con trai của chúng tôi khỏe mạnh, chăm ngoan và học giỏi. Hiếu luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ đảm đang. Cuộc sống gia đình tôi đáng để bao người mơ ước. Nhưng dù đã bao nhiêu năm trôi qua, trong lòng tôi vẫn sống mãi tình yêu đầu đời, tôi vẫn luôn nhớ tới Thi!

Có những đêm, ôm Hiếu trong tay, bàn tay tôi lại vô thức sờ vào gáy cô ấy, ước ao sẽ chạm được vào ba nốt ruồi xếp thành hình tam giác ngày xưa...

Rồi con trai tôi lớn lên, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, vợ chồng tôi cho nó ra nước ngoài du học. Nhà vắng con, Hiếu có vẻ buồn nhiều. Tôi thương cô ấy nên tranh thủ những ngày nghỉ đưa Hiếu đi tham quan du lịch khắp nơi. Sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo miền Trung, cuộc sống của Hiếu lâu nay chỉ gắn với mảnh đất khô cằn nghèo khó, chỉ quanh quẩn với gia đình nhỏ của mình. Thế giới bên ngoài là điều hoàn toàn xa lạ đối với cô. Bởi thế, khi được tôi đưa đi đây đi đó, Hiếu rất vui và tôi cũng cảm thấy lòng mình phần nào vơi đi nỗi niềm ray rứt.

Còn Hiếu, tội nghiệp cô ấy! Chắc có lẽ Hiếu nghĩ sau nhiều năm chồng vợ, đến lúc này tôi đã có được tình yêu với cô. Những ngày tháng đó Hiếu hạnh phúc lắm, nhìn cô như trẻ hẳn ra. Tôi cũng muốn Hiếu vui, nên càng tỏ ra quan tâm cô hơn nữa. Tôi cố quên Thi để yêu thương Hiếu, nhưng tình yêu lại là một thứ không tuân theo ý muốn của mình. Hình bóng Thi vẫn mãi chập chờn trong tâm trí tôi, thì làm sao trái tim tôi còn chỗ nào cho Hiếu.

- Sau cùng rồi em cũng có được tình yêu của anh, em thật hạnh phúc! Em không tiếc gì những năm tháng đã qua... Được anh yêu, dù chỉ một ngày là em cũng đã cảm thấy mãn nguyện lắm rồi...

Hiếu thầm thì với tôi như vậy. Tôi lặng im ôm cô ấy vào lòng. Sự thật thế nào thì cứ để một mình tôi biết, đừng làm cô ấy mất vui. Hãy để Hiếu hạnh phúc trọn vẹn nửa đời còn lại...

Hiếu và tôi đều cảm thấy bằng lòng với hạnh phúc mà mình đang có. Nhưng có lẽ kiếp trước tôi gây ra nhiều điều lầm lỗi, nên kiếp này con đường tình cảm, hạnh phúc riêng tư của tôi không được xuôi chèo mát mái, không được bằng phẳng êm đềm như người khác. Cuộc sống vợ chồng giữa tôi và Hiếu tuy chỉ có tình yêu từ một phía, nhưng nó cũng đã đi qua một chặng đường dài hơn hai mươi năm, khoảng thời gian không phải là ngắn ngủi của một đời người. Tôi thầm ước nó cứ bình lặng mãi như thế.

Nhưng hai năm sau đó thì Hiếu mất. Cũng giống như mẹ tôi năm xưa, Hiếu mất chỉ sau một trận cảm xoàng. Tôi vô cùng đau đớn và ân hận. Con trai tôi từ nước ngoài về chịu tang mẹ xong lại ra đi. Trước khi đi, nó nói với tôi:

- Con đi xa thật không yên lòng chút nào, vì bỏ ba ở lại một mình nơi đây. Số phận mẹ con ngắn ngủi, ba đừng quá đau buồn. Rồi đây ba hãy tìm lấy một người để cùng ba bầu bạn, được như vậy con mới yên tâm, và có lẽ mẹ cũng yên tâm nhắm mắt.

Nghe những lời của con trai, tôi càng nhớ Hiếu nhiều hơn. Cảm ơn em, vì em đã sinh ra, nuôi nấng và dạy dỗ con trai chúng ta nên người như thế! Tôi lại bắt đầu sống kiếp độc thân khi ở vào lứa tuổi sắp chạm nấc năm mươi. Bốn mươi tám tuổi, mái tóc trên đầu đã chớm vài sợi bạc nhưng tình yêu đầu đời trong tôi vẫn giữ mãi nét thanh xuân.

Có những chiều buồn, tôi cho xe chạy thật chậm qua lối cũ mà tưởng nhớ về những ngày tháng xa xăm. Công viên nhỏ năm nào giờ đã được sửa sang và nới rộng. Ngôi nhà âm u, nơi một thời từng là thiên đường hạnh phúc của tôi giờ đây biến mất, thay vào đó là một ngôi nhà cao tầng sang trọng. Cảnh cũ không còn và người xưa từ lâu mất dạng. Ngoài những phút giây tưởng niệm đó, tôi dồn hết tâm trí của mình vào công việc làm ăn ở công ty.

Tôi không có thói quen rượu chè, cờ bạc, cũng không có một thứ đam mê thời thượng nào. Thấy tôi góa vợ, không ít người muốn rủ rê tôi tìm và ở những quán bar, những vũ trường, hoặc những địa chỉ tươi mát có em út sẵn sàng phục vụ từ A tới Z. Nhưng tôi đều từ chối. Tôi giải trí bằng các chương trình trên ti vi và những bài hát Trịnh Công Sơn mà tôi yêu thích, thi thoảng bày ra bàn cờ tướng, làm vài ván với bạn bè cũng đủ giải khuây...

Tôi chẳng còn mơ ước gì nữa, chỉ mong đi hết quãng đường còn lại của đời mình một cách lặng lẽ, bình yên như thế.

Khi băng qua ngã tư, tôi đâm sầm vào một chiếc xe đạp đi ngược chiều làm chiếc xe và cả cô gái ngồi trên ngã nhào xuống đất. Tôi vội vã dừng xe chạy đến. Cô gái lồm cồm ngồi dậy, gương mặt nhăn nhó vì đau đớn.

- Cháu... cháu có bị làm sao không? - Tôi lo âu hỏi.

- Dạ chắc không sao... Chỉ bị trầy xước đầu gối.

Cô gái gượng gạo trả lời. Ở chỗ đầu gối, vai bị rách một mảng, lộ ra khoảng da thịt rướm máu do bị cọ xát xuống mặt đường. Tôi bước tới đỡ cô gái lên, dìu cô vào lề, lấy khăn giấy đưa cô lau tạm chỗ vết thương rồi lo tới chiếc xe đạp đang nằm chình ình ở giữa đường làm cản trở giao thông.

- Cháu hết đau chưa? Có cần chú đưa vô bệnh viện không?

Cô gái xua tay rối rít:

- Dạ khỏi, khỏi cần... Chú để mặc cháu, ngồi chút nữa là hết đau thôi! Chú cứ đi đi ạ, lỗi là ở cháu... Tại cháu vượt đèn đỏ...

Tôi dắt xe đạp lên lề đường, nghiêm nghị:

- Sau này cháu phải cẩn thận. May là hôm nay vắng xe, chứ nếu không... chú không biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa...

- Dạ, cháu nhớ rồi! Chú đi đi...

Cô gái cứ xua tôi đi, nhưng làm sao tôi bỏ đi cho được trong khi cô vẫn chưa đứng lên nổi. Trông thấy mặt cô tái đi, có lẽ vì quá đau, tôi hoảng hốt:

- Cháu... cháu bị làm sao vậy? Chú tưởng...

Mặc dù cố gượng nhưng nước mắt cô gái vẫn trào ra.

- Cháu đau ở đâu? - Tôi gắt.

Cô bé sợ hãi:

- Dạ cháu đau ở tay...

Cầm lấy cánh tay phải của cô, xem xét qua một lượt, thấy có dấu hiệu không bình thường, tôi bảo:

- Cháu lên xe, chú chở vô bệnh viện!

- Dạ... thôi khỏi... cháu còn xe đạp... chắc chút xíu nữa là hết thôi...

- Không được! Có thể tay cháu bị gãy rồi đó, phải vô bệnh viện ngay! Để chú lo cho.

Nói xong, tôi vội vã dẫn chiếc xe đạp của cô gái đến gửi ở một trạm xăng gần đó rồi quay lại đỡ cô lên xe:

- Cháu ngồi cho vững nghe! Tay trái đỡ lấy tay phải... Ừ, đúng rồi, cứ như thế, ngồi cho vững chú chở đi!

Giọng cô như gần khóc:

- Chú ơi... tay cháu... tay cháu gãy thật không?

- Thật hay không thật chút nữa vô bệnh viện chụp hình mới biết, chú làm sao biết được! Cháu thấy hậu quả của việc không tuân thủ luật lệ giao thông chưa?

Cô gái biết lỗi nên nín khe, suốt quãng đường đi không dám nói hay hỏi thêm câu gì nữa. Tới bệnh viện, tôi gởi xe rồi dìu cô vào phòng cấp cứu. Nét mặt cô đầy vẻ hoang mang, sợ sệt.

- Đi đóng tiền để chụp phim!

Bác sĩ bảo với cô gái sau khi xem qua cánh tay. Cô ấp úng:

- Cháu... cháu...

Thấy vẻ mặt bối rối khổ sở của cô, tôi đã đoán được phần nào nên cất tiếng:

- Cháu đi theo chú!

Cô gái ngoan ngoãn nghe theo mọi mệnh lệnh của tôi, mặt mày rầu rĩ. Ngồi trước cửa phòng X quang chờ lấy kết quả tôi mới có dịp ngắm cô bé một cách kỹ càng. Đôi mắt to tròn ẩn dưới hàng mi dày cong vút là nét nổi bật nhất trên gương mặt của cô. Đôi chân mày rậm, mọc lòa xòa như chưa hề được tỉa xén. Hai cánh mũi hơi hếch lên làm cô càng có vẻ trẻ con.

- Tên cháu là gì? - Tôi hỏi.

- Dạ cháu tên Nhi. - Cô bé đáp.

- Năm nay cháu hai mươi chưa?

- Dạ, cháu hai mươi mốt rồi ạ!

- Cháu còn đi học?

Một thoáng buồn trong mắt Nhi, cô khẽ đáp:

- Cháu... ban ngày cháu bán hàng ở siêu thị, ban đêm cháu học Đại học... Rồi với cái tay như thế này, làm sao cháu đi làm, đi học được đây?

Hai cánh mũi Nhi phập phồng, miệng cô gần như mếu. Tôi không dằn được, giả vờ đưa khăn tay lên lau mặt để giấu nụ cười. Đúng là trẻ con. Từng cử chỉ của cô đều rất trẻ con nên gây cho tôi cái cảm giác gần gũi và muốn chở che:

- Cháu yên tâm đi, rồi chuyện gì cũng giải quyết được hết thôi mà!

Nhi không nói gì nữa, cứ cúi nhìn chằm chằm vào chỗ đau trên cánh tay, như muốn nhìn xuyên qua da thịt để kiểm định lại hệ thống xương bên trong vậy! Đến lúc có kết quả X quang, đúng là xương gần bả vai của Nhi bị gãy, tôi lại dìu cô lên tầng trên để tới phòng bó bột. Khi ngồi, Nhi mãi lo tập trung vào chỗ đau nhiều trên cánh tay, nhưng khi bước đi thì với vết thương ở gối, cô di chuyển cũng rất khó khăn.

- Làm ơn cột giùm tóc cô này lên!

Người y sĩ làm nhiệm vụ bó bột có gương mặt cau có như mới vừa... cãi nhau với chồng ra lệnh cho tôi.

Tôi vội vã đi vòng ra phía sau lưng Nhi, tóm gọn mái tóc cô lại, luống cuống không biết lấy đâu ra kẹp tóc hoặc dây thun, tôi cũng không biết làm cách nào để bới mái tóc đó lên cho gọn ghẽ, vì thế tôi cứ đứng giữ hoài.

Bất chợt, tôi không thể tin được vào mắt mình được. Nổi bật trên làn da trắng trẻo sau gáy Nhi là ba nốt ruồi son xếp thành hình tam giác!

- Anh làm cái gì vậy? Túm tóc lên!

Tôi bàng hoàng buông tóc Nhi ra, đến lúc nghe tiếng quát của cô y tá mới lật đật thực thi tiếp nhiệm vụ của mình. Nhưng từ lúc đó, tôi không còn để tâm nhìn cách băng bó nữa, mắt tôi cứ nhìn chằm chằm vào gáy Nhi, đôi tay tôi run rẩy, lòng tôi đang ngập tràn một thứ cảm xúc rất khó gọi tên. Giờ phút này, hình ảnh Thi của hơn hai mươi năm trước lại hiện về rõ rệt trong đầu tôi. Tôi không quên lời căn dặn của Thi:

- Ba nết ruồi này là vết tích để anh nhận ra em...

Trời ơi... có lẽ nào? Có lẽ nào cô gái này chính là hiện thân của Thi? Có lẽ nào Thi đã kịp quay về bên tôi khi kiếp người của tôi chưa mãn? Không.. không đâu... không thể... điều này thật khó tin... Nhưng mà... làm sao lại có sự trùng hợp lạ lùng như vậy?

Tới lúc băng bó xong, thấy tôi vẫn đứng thừ người ra, hai tay vẫn còn túm chặt mái tóc của cô giơ lên cao, Nhi khẽ nhắc:

- Chú ơi, xong rồi chú ơi!

Sực tỉnh, tôi buông tay ra và không biết nói gì với Nhi lúc này.

- Chú ơi, mình về được chưa chú? - Cô bé ngước nhìn tôi.

Tôi bối rối:

- Ừ mình về! Mà không, để... chú đưa... cháu đi rửa vết thương ở đầu gối nữa chứ, để vậy lỡ bị nhiễm trùng thì thêm khổ...

Nhi níu lấy tay tôi:

- Chú ơi, khỏi đi chú ơi! Về nhà cháu tự làm được, ở đây cháu sợ lắm...

Trông thấy vẻ mặt tội nghiệp của cô bé, tôi cũng không nỡ nài ép nữa. Dìu cô xuống sân bệnh viện, tôi ghé quầy thuốc mua thuốc, bông băng và một vài thứ cần dùng trong việc lau rửa vết thương. Xong đâu đấy tôi chở cô bé về. Nhi có vẻ ân hận:

- Tại cháu... tại cháu làm chú phải vất vả cả buổi trời... cháu thật có lỗi, cháu xin chú đừng trách cháu.

Tôi cười:

- Không có gì đâu, cháu đừng bận tâm, nhưng nhớ từ nay đi đường phải thật cẩn thận. Hôm nay bị như vậy cũng là còn may cho cháu đấy!

- Dạ, cháu xin ghi nhớ!

Nhi vừa đỡ cánh tay bó bột trắng xóa vừa nhăn nhó trông thật đáng thương. Tôi quay lại nhìn Nhi, muốn nói thật nhiều, muốn hỏi cô thật nhiều điều nhưng rốt cuộc tôi không biết phải mở lời như thế nào cho thật đúng?

- Chú, cho xe chạy đi chú! - Nhi nhắc.

- Cháu ngồi vững chưa? - Tôi hỏi lại trước khi cho xe chuyển bánh.

- Chú ơi, chi phí hôm nay chú cho cháu mượn tạm, cuối tháng cháu lãnh lương sẽ gửi lại cho chú sau nhé?

Nghe giọng nói rụt rè của cô bé ngồi sau lưng, tôi phì cười:

- Cháu không cần nghĩ tới chuyện đó! Lo mà nghỉ ngơi dưỡng sức đi! Trong việc này chú cũng có lỗi vì chính chú là người làm cho cháu bị té ngã mà!

- Không đâu, lỗi là do cháu... - Nhi cãi lại.

- Ừ thì lỗi do ai cũng được, tay cháu cũng đã gãy rồi, đừng nghĩ gì nữa...

Không thấy Nhi nói gì, tôi nghĩ cô bé đã yên tâm về chuyện tiền bạc, không ngờ chỉ ít phút sau, tôi lại nghe có tiếng sụt sịt sau lưng.

- Sao thế? Cháu khóc à? Đau lắm sao? - Tôi dừng xe lại, lo lắng hỏi.

Nhi lắc đầu:

- Không... không phải đâu chú ơi! Cháu... cháu không đau nhiều nữa, nhưng cháu đang lo... tay cháu như vầy làm sao...

Tôi nhẹ nhàng an ủi:

- Thôi thôi, đừng khóc nhè nữa cô bé, để chú đưa cháu về tới nhà rồi tính tiếp, đừng có khóc dọc đường dọc xá như vầy, người ta lại tưởng là chú hiếp đáp cháu, công an bắt chú thì oan uổng lắm. Cháu nín đi cho chú nhờ với nhé!

Nhi cười mếu máo trước câu nói đùa của tôi. Cô đưa cánh tay lành lặn lên chùi nước mắt. Tôi lại cho xe đi tiếp. Theo sự hướng dẫn của Nhi, tôi cho xe đi vào một con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo và sâu hun hút. Cuối cùng, dừng lại trước một căn nhà nhỏ, ngoài cổng có giàn bông giấy đang mùa trổ hoa đỏ rực. Nhi bước xuống, mở cổng mời tôi vào. Dắt xe vào sân, tôi lại phải giúp Nhi lục tìm chìa khóa trong giỏ xách bởi vì Nhi vẫn còn lúng túng khi phải làm việc chỉ với một cánh tay trái.

- Chú ngồi chơi ạ! - Nhi lễ phép.

- Được rồi, cháu để chú tự nhiên.

Tôi kéo ghế ngồi và trong lúc Nhi xuống nhà sau tôi đưa mắt nhìn bao quát xung quanh. Căn nhà nhỏ, đồ đạc bên trong cũng rất giản dị, đơn sơ nhưng được bài trí một cách gọn gàng và khéo léo.

Nhi từ nhà trong đi ra, trên tay cầm ly nước. Tôi vội vàng đứng lên đỡ ly nước trên tay Nhi và trách:

- Trời ơi, tay chân cháu như vậy mà còn... Chú ngồi đây chơi một chút rồi về, nước nôi làm gì cho thêm bận bịu.

Nhi cười:

- Dạ, nhà không có gì ngoài nước lọc, chú dùng tạm nhé!

Tôi bưng ly nước, hớp một hớp cho Nhi vui.

- Cháu sống ở đây với ai? - Tôi tò mò.

Nhi ngồi xuống, để cho cánh tay bó bột tựa trên mặt bàn, khẽ nói:

- Trước kia cháu sống với bà ngoại, nhưng hai năm trước ngoại mất, cháu gọi một đứa bạn gái cùng quê về sống chung cho đỡ quạnh hiu. Nó lên đây đi làm công nhân.

- Quê cháu ở đâu? Ba má cháu còn đủ hết không? - Tôi hỏi tiếp.

Nhi buồn buồn:

- Dạ, quê cháu ở tuốt dưới Rạch Giá, Kiên Giang. Ba má cháu đều đã qua đời hồi cháu còn rất nhỏ. Cháu sống với ngoại từ hồi ấy...

- Hoàn cảnh của cháu thật đáng thương mà cũng đáng phục nữa. Cháu một mình vừa đi làm vừa đi học như vậy là có nghị lực và ý chí lắm đó. Chú rất cảm phục cháu.

Nhi mỉm cười:

- Dạ có gì đâu chú, cháu còn thua xa nhiều bạn khác có cùng hoàn cảnh, cháu còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Tôi gật gù:

- Chú cũng có một thằng con trai chắc trạc tuổi cháu. À, cháu sinh ngày tháng năm nào thế? - Tôi làm như vô tình hỏi Nhi câu ấy.

- Cháu sinh vào ngày mười lăm tháng tám năm một chín...

Nhi ngây thơ trả lời, còn tôi lại phải thêm một lần bất ngờ choáng váng nữa: Ngày sinh của Nhi đúng vào ngày Thi rời bỏ tôi hơn hai mươi năm trước...

- Chú! Chú sao vậy chú?

Có lẽ nhìn thấy vẻ thất thần trên mặt tôi, Nhi vội hỏi. Tôi giật mình, bối rối:

- À không có gì đâu cháu, chỉ là... bất chợt chú nhớ tới thằng con của chú mà thôi!

- Con chú ở đâu mà chú nhớ? Chú không sống với con chú sao? - Nhi ngạc nhiên.

Tôi cười:

- Con chú hiện đang du học ở nước ngoài, hai năm rồi nó chưa về thăm chú lần nào...

- Anh đó sướng thiệt... - Thi cũng cười rất tươi.

Chợt nhớ lại hoàn cảnh của Nhi, tôi không khỏi lo lắng:

- Cháu sống một mình, tay chân lại bị thương tật thế này, rồi những sinh hoạt hàng ngày ai giúp?

Nhi chớp mắt mấy cái liên tục để dằn cảm xúc:

- Điều đó thì cháu không lo lắm, vì cháu có thể tự xoay sở được. Chỉ có điều... cháu không biết làm sao đi làm và đi học được đây? Cháu... cháu lại sắp phải thi nữa...

Suy nghĩ một lát, tôi đưa ra đề nghị:

- Hay là từ mai, mỗi tối chú sẽ tới đưa đón cháu đến trường cho tới khi nào tay cháu lành lại, cháu đồng ý không?

Nhi lắc đầu buồn bã:

- Không được đâu chú ơi! Để chú bận rộn với cháu cả nửa ngày hôm nay là cháu thấy... ray rứt lắm rồi, ai lại để chú phải đưa đón cháu hàng tháng trời như vậy? Cháu không báo hại chú thế đâu.

Tôi phì cười, quyết định:

- Vậy nhé! Cháu đừng từ chối, chú cũng không bận bịu gì lắm đâu, mỗi tối chú sẽ đến đây chở cháu đi học. Đừng nghĩ ngợi gì hết, cháu phải biết nghe lời chú đó!

Nói xong, không đợi Nhi phản ứng, tôi đứng lên cáo từ:

- Giờ chú xin phép về cho cháu còn nghỉ ngơi. À, còn chiếc xe đạp, cháu cứ để đấy, mai chú lấy về cho.

Nói dứt câu, tôi ra sân ngồi lên xe, mỉm cười chào Nhi lần nữa. Cô bé vẫn còn ấp úng điều gì đó trong miệng chưa kịp nói ra.

- Chú ơi... chú... không phải lỗi của chú mà...

- Đừng lo, đừng nghĩ gì tới chuyện lỗi phải nữa!

Tôi cười, cho xe vọt đi, cô bé vẫn đứng lặng dưới giàn bông giấy đó, ngơ ngác trông theo. Về tới nhà suốt buổi trưa hôm ấy tôi không tài nào dỗ được giấc ngủ. Lòng tôi nôn nao, hồi hộp và rối bời biết bao nhiêu chuyện. Thi và Nhi hai người con gái đó có liên hệ gì với nhau? Tại sao lại có điều trùng hợp như vậy? Ngày trước, việc tôi gặp gỡ Thi, yêu thương rồi chung sống với Thi như vợ chồng đã là một điều hiếm thấy trên đời, chẳng lẽ hôm nay tôi lại gặp được một điều khó tin, hiếm khi xảy ra nữa?

Nghĩ ngợi lung tung làm cho đầu óc tôi càng thêm căng thẳng. Tôi vùng dậy, gọi điện phá giấc ngủ trưa của Tú và Hiển, hẹn gặp hai người ở quán cà phê quen thuộc vì "có chuyện rất quan trọng"!

Tôi đợi không bao lâu thì Tú và Hiển hớt hãi chạy tới. Trông thấy tôi, hai ông bạn đồng thanh hỏi:

- Việc gì mà khẩn trương thế?

Tôi không vội trả lời, gọi người phục vụ đem cà phê, thuốc lá ra mời đàng hoàng, xong đâu đấy tôi mới từ tốn cất lời:

- Hai ông còn nhớ chuyện tình cảm của tôi và người con gái tên Thi hồi mấy chục năm về trước không?

Hiển và Tú cùng giật nảy người lên:

- Sao? Ông đừng bảo với tụi này là ông vừa gặp lại cô ấy nhé!

- Không đúng!... mà cũng không sai!

Tôi mơ màng nhìn theo làn khói thuốc mong manh uốn éo trước mặt.

- Thế nghĩa là sao? Ông nói rõ ra coi, đừng ỡm ờ hoài như vậy chứ! - Hiển gắt.

Tôi mỉm cười:

- Ông để từ từ tôi mới nói được chứ! Hai ông còn nhớ ngày xưa tôi có nhắc đến ba nốt ruồi hình tam giác sau gáy Thi không? Sáng nay, tôi vừa gặp một cô gái có dấu tích giống hệt như thế!

Cả Tú và Hiển đều ngớ người ra kinh ngạc, chưa ai kịp nói lời nào thì tôi đã tiếp tục:

- Lại thêm một điều làm tôi choáng váng nữa, đó là... ngày tháng năm sinh của cô gái này lại trùng khớp với ngày Thi xa rời tôi hồi mấy mươi năm trước. Hai ông thử nghĩ xem, trên đời sao lại có chuyện trùng hợp lạ lùng đến như vậy chứ?

Tú trợn mắt:

- Những gì nãy giờ ông kể là hoàn toàn có thật hay do ông sống cô độc một mình buồn quá, lại thêm ngày đêm tưởng nhớ tới Thi nên mơ màng ra câu chuyện đó?

Tôi cười buồn:

- Ông nghĩ tôi bị tâm thần hả?

- Tôi thấy chuyện gì cũng có khả năng xảy ra. - Hiển xen vào.

Tú quay sang Hiển:

- Vậy ông tin cô gái đó chính là do Thi đầu thai lên?

Hiển gật gù:

- Có thể lắm chứ! Mình vốn không tin có ma, nhưng rõ ràng Hải đã từng sống với ma một thời gian dài, rồi tận mắt bọn mình chứng kiến tấm hình vẽ Thi chỉ trong phút chốc hóa thành giấy trắng. Tất cả những chuyện đó nếu đem kể cho bất cứ người khác nào nghe, chắc chắn họ cũng sẽ bảo đó là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, hoặc là do ảo tưởng của những hệ thần kinh không bình thường. Chắc chắn sẽ không ai tin đó là sự thật. Nhưng tụi mình lại biết nó đúng là sự thật một sự thật rất rõ ràng, không muốn tin cũng không được. Chuyện khó tin như vậy đã xảy ra rồi, thì hôm nay sự việc này cũng có thể lại là một chuyện khó tin nhưng có thật nữa... Điều đó cũng không có gì là lạ!

Tú khuấy tròn chiếc muỗng trong ly cà phê:

- Ừ ông phân tích nghe cũng phải! Có điều... có điều bây giờ phải làm cách nào để xác minh?

Hiển cười ngất:

- Xác minh? Xác minh gì? Xác minh xem cô gái ấy có phải là Thi của hai mươi năm trước không à? Ông nên nhớ, ngoài ba nốt ruồi đặc biệt đó ra, cô gái hiện nay hoàn toàn khác, hoàn toàn không nhớ gì đến tiền kiếp của mình, thì cho dù có đúng là Thi đi chăng nữa, cô gái ấy cũng không thể chứng minh gì được.

Tú ngớ người ra. Tôi nhìn Hiển khẩn cầu:

- Ông nghĩ bây giờ tôi phải làm sao đây?

Trong đám bạn của tôi thời đi học, Hiển luôn là đứa giữ được bình tĩnh và đưa ra những lời khuyên sáng suốt trong những hoàn cảnh đặc biệt khi ai nấy đều mất khả năng tư duy. Hiển rít một hơi thuốc, ngó thẳng vào mặt tôi:

- Ông vẫn còn thương nhớ Thi lắm phải không?

Tôi gật đầu xác nhận:

- Đúng thế! Suốt mấy chục năm qua, mặc dù đã lấy vợ sinh con nhưng trong trái tim tôi chỉ luôn duy nhất có một tình yêu, đó là tình yêu tôi dành tặng cho Thi ngày trước.

Hiển lại gật gù:

- Có lẽ mối tình chung thủy của ông và Thi đã làm động lòng Trời nên mới xui khiến cho ông có cuộc gặp gỡ ngày hôm nay với cô bé đó. Theo tôi việc ông sẽ đưa đón cô bé đi học mỗi ngày cũng rất hợp tình hợp lý, vừa giúp đỡ người trong lúc hoạn nạn khó khăn, vừa là cơ hội để ông tiếp xúc gần gũi và tìm hiểu kỹ hơn cô gái ấy. Sau một thời gian, nếu quả thật có duyên với nhau thì mạnh dạn tiến tới, dù cô ấy có đúng là Thi hay không cũng là điều tốt. Còn nếu không có duyên, tự nhiên mình sẽ khẳng định được ba nốt ruồi kia chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

- Vì sao?

- Vì nếu cô ấy mang theo dấu vết cũ từ tiền kiếp về đây, là nhằm mục đích để cho ông nhận ra cô ấy, tất nhiên sợi dây liên hệ từ tiền kiếp sẽ thắt chặt hai người lại khi hai người gặp được nhau...

Tôi thở phào nhẹ nhõm:

- Ừ ông nói có lý! Tôi sẽ không vội...

Hiển bật cười ha hả:

- Ông nói vội gì kia? Bộ ông tính chạy ngay đến chỗ cô gái ấy mà hét to lên rằng: Em chính là người yêu của anh trước đây, nay đã đầu thai trở lại bằng chứng là ba nốt ruồi đặc biệt kia... ông định làm như thế thật sao? Ông mà hấp tấp thế là hỏng... hỏng bét thôi ông ơi!

Nhìn thấy tôi và Tú đang nghệch mặt ra, Hiển nói rõ ràng hơn:

- Ông mà làm như vậy, cô gái kia sẽ sợ ông đến chết khiếp. Có hai trường hợp sẽ xảy ra. Thứ nhất cô ấy có thể cho rằng ông là kẻ tâm thần, thứ hai tệ hại hơn, cô ấy sẽ nghĩ ông là loại người không đàng hoàng, vừa thấy con gái người ta thì muốn chiếm lấy làm sở hữu... Ông sẽ không còn cơ hội nào mà tiếp cận cô ta được nữa...

Tôi đồng tình:

- Ông nói không sai!

Trầm ngâm một chút, tôi nói tiếp:

- Điều tôi e ngại nhất lúc này là...

- Là điều gì? - Tú nôn nóng hỏi.

- Là giữa tôi và cô gái ấy chênh lệch quá nhiều về tuổi tác...

Không chờ tôi nói hết câu, Hiển cắt ngang:

- Chuyện chênh lệch tuổi tác không phải là vấn đề lớn. Điều đáng lo ngại là cô gái kia sẽ dành cho ông tình cảm như thế nào thôi... Chuyện ấy tùy thuộc hết vào cách cư xử của ông đấy, Hải ạ!

- À mà nè! Hai người xưng hô với nhau là chú cháu à? Hê hê... mai sau cũng kẹt đây!

Tú cười làm cả tôi và Hiển cũng cười theo. Được sự chia sẻ và góp ý tận tình của hai người bạn thân thiết, giờ đây tôi đã cảm thấy an tâm và biết mình phải làm gì.

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục