Gửi bài:

Quyển XXXIV - Giọt lệ hoàn hồn - Phần I

Vừa thả người khách cuối cùng xuống xong, Sáu Lập lột chiếc nón lá xuống quạt lia lịa mà vẫn không xua hết cái nóng đang hừng hực.

- Trời nóng kiểu này chiều nay thế nào cũng mưa, liệu mà về sớm thôi, Sáu ơi!

Chú Tư Thôi vừa vươn vai ngáp dài vừa ra roi cho con ngựa kéo chiếc xe rời bến. Lập nhìn theo và nói với:

- Tui cũng về thôi, ế ẩm quá trời, ở đây mà làm gì cho cực, về nhà ngủ sướng hơn!

Là tay đánh xe thổ mộ trẻ tuổi nhất ở bến Long Điền, Đất Đỏ này. Nhưng cũng là người nổi tiếng nhất vùng, bởi tính gan lì và tinh thần trọng nghĩa. Hỏi bất cứ ai về Lập đánh xe thổ mộ, người trong vùng sẽ nói vanh vách:

- Sáu Lập một mình diệt bốn tên cướp có hung khí, cứu cả nhà ông bá hộ trong làng. Nếu không có cậu Lập đó là cả nhà ấy đều chầu Diêm Vương cả rồi!

Còn độc thân, nhưng Sáu Lập sống chân chất hiền lành, không rượu chè, bài bạc hay tụ tập đàn đúm như đa số con trai khác trong làng.

Hỏi Lập sao chưa kiếm mối nào đó để có người bầu bạn, thì luôn nhận được ở anh cái rùn vai, lắc đầu:

- Đàn bà hả? Đem nó về để nó trèo lên đầu, cưỡi lên cổ mình sao?

Có người hiểu chuyện thì nói về Lập rằng:

- Thằng này bị chuyện của cha nó ám ảnh, nên chắc suốt đời nó sẽ không dám gần đàn bà!

Nguyên cha của Lập trước đây cũng làm nghề đánh xe thổ mộ, nhưng có lẽ là số đào hoa, nên sau đó vớ được một cô vợ đẹp như tiên và giàu có nữa. Nhưng đó cũng là nỗi bất hạnh!

Thiên hạ nói lơ lửng như vậy, ai muốn biết thêm hỏi Lập thì anh chàng lại nổi quạu ngay. Hình như chuyện gia đình anh, nhất là những gì liên quan đến mẹ là một bi kịch, nên lúc nào Lập cũng né tránh.

Có lẽ vì vậy nên càng ngày Lập càng lầm lì, ít nói và lại càng ít giao du với mọi người. Ngày nào cũng vậy, hễ hết giờ chạy xe thì y như rằng Sáu Lập đem xe về nhà cất rồi đi ngủ thật sớm. Kiểu sống như vậy, chuyện ế vợ là lẽ đương nhiên thôi!

- Về đi Lập ơi!

Năm Vệ, người đánh xe cần cù nhất cũng vừa cho xe rời bến. Lập vừa ra roi vừa nói một mình:

- Thì về chớ ở lại làm gì!

Nhà Lập ở xóm giữa, nên chỉ ra khỏi chợ một đỗi là anh cho xe rẽ vào con đường đất rộng để về nhà. Qua đoạn có hàng cây cổ thụ, nơi thường ngày bọn xe phu như Lập vẫn thường dừng xe nghỉ tránh nắng, thấy có người đưa tay vẫy, Lập xua tay nói lớn:

- Về nghỉ, không chở khách nữa!

Lập nghe người đón xe bên đường nhìn sau xe anh vừa lầm bầm:

- Xe gì người chở người không!

Lập đã quen với chín người mười ý của khách hàng nên không để ý tới câu nói, cứ thả xe chạy tới. Bỗng có một tiếng cười khẽ phía sau lưng, Lập giật mình quay lại. Và... anh ngớ người ra, bởi đang ngồi phía sau là một cô gái lạ, có vẻ là người thành thị qua cách ăn mặc sang trọng, đẹp mắt.

- Cô... cô là? Sao lại ở trên xe tôi?

Cô nàng nhoẻn miệng cười rất xinh, vô tư đáp:

- Xe chở khách đang trống, người ta leo lên đi không phản đối, sao giờ lại hỏi cô là ai là sao?

Lập lúng túng:

- Tôi... xe tôi nghỉ, đâu có chở khách. Mà cô lên lúc nào vậy?

Vẫn không tỏ vẻ bực bội, cô nàng đáp:

- Lên ở bến ra. Anh đi về Bến Cỏ phải không?

- Phải rồi. Nhà tôi ở đó.

- Tôi cũng đi về gần đó. Thế là tiện quá rồi. Hay là anh muốn bỏ khách xuống dọc đường?

- À, không. Tôi chỉ...

Lập đang cố nhớ lại xem cô ta lên xe lúc nào? Bởi khi rời bến anh còn nhìn lại phía sau và đâu có thấy ai. Vả lại, hơn năm năm chạy xe đã cho Lập những kinh nghiệm mà không cần ngoái nhìn lại anh cũng có thể biết người hay vật vừa đặt lên xe là nặng bao nhiêu ký. Kể cả khách vừa bước lên là nam hay nữ nữa! Khách nam bước lên xe nhanh, gọn và ít làm sàn xe dao động, trái lại phụ nữ dù nhẹ ký hơn, nhưng mỗi lần leo lên xe thế nào cũng làm xe rung lên, con ngựa luôn có phản ứng.

- Sao, anh vẫn cho tôi đi tiếp chớ?

Lập đành phải nói xuôi:

- Thì phải chở chớ sao. Vậy cô về tới đâu?

- Thì tôi đã nói rồi, hướng Bến Cỏ.

Bây giờ Lập mới tò mò:

- Cô ở xóm đó, mà bà con nhà ai vậy?

- Nhà Hai Mạnh.

Lập kêu lên:

- Hai Mạnh? Cô là... gì của ba tui?

Hai Mạnh là cha của Lập. Có nghĩa là cô ta đang tới nhà của anh! Vốn ít nói nhưng không phải nhát gái, vậy mà lúc này Lập quá đỗi lúng túng:

- Cô... cô là gì với ba tui?

Cô gái không hề ngạc nhiên khi biết Lập là con Hai Mạnh, cô ta vẫn giữ nụ cười trên môi:

- Giờ thì chắc anh không còn muốn đuổi tôi xuống xe nữa rồi chớ?

- Tui... tui có đuổi hồi nào đâu. Mà cô là sao với ba tui?

- Bà con. Anh thật tệ, đến bà con mình mà cũng không biết.

Do phải nhìn đường phía trước để đánh xe nên Lập không dám quay lại nhìn, nhưng anh vẫn nhớ gương mặt trắng trẻo, xinh đẹp của cô nàng. Tự dưng tim Lập đập mạnh... Hồi lâu, anh mới hỏi thêm được một câu:

- Cô là bà con với ba tui, mà bà con thế nào? Cô con của ai?

Cô nàng cười trong trẻo:

- Dữ hôn! Bây giờ mới nghe anh nói được một câu suôn sẻ. Anh muốn biết tôi bà con sao phải không, tôi nói đây chỉ sợ anh không biết thôi. Tôi là con của cô Tám Xuân, em ruột của ba anh. Có nghĩa là tôi vai em, gọi anh bằng anh. Chịu chưa!

Từ nào đến giờ ít nghe cha nhắc tới cô em gái có tên như vậy. Nhưng trước cách nói rành rẽ của cô nàng, Lập không thể không tin, anh đáp:

- Vậy là bà con ruột rồi!

Tới một ngã ba, chợt cô gái chỉ tay và nói:

- Tuy chưa về đây lần nào, nhưng tôi biết đây là ngã ba Cây Sung nè! Đường này có một ngôi nhà lớn lắm!

- Đúng rồi! Đó là đường Cây Sung và ngôi nhà cô nói là nhà ông hội đồng Thiệp. Nhà đó bây giờ...

Lập lúc này mới quay nhìn lại. Nhưng... Anh không tin vào mắt mình nữa, cô gái không còn ngồi sau nữa, mặc dù cô ta vừa mới nói huyên thuyên...

- Cô... cô...

Lập vừa gọi vừa nhìn quanh. Chẳng lẽ cô ta nhảy xuống xe được? Đang còn ngơ ngác thì chợt có ai đó hỏi:

- Mày mắc bệnh sao mà vừa đánh xe mà lẩm bẩm nói một mình vậy Lập?

Nhìn lại thấy chú Tư Thôi, một đồng nghiệp đánh xe đang kè xe bên cạnh.

- Dạ... dạ...

Thấy Lập bối rối, Tư Thôi chợt cười lớn:

- Tao đậu xe nghỉ bên đường thấy mày chạy ngang mà miệng nói liên hồi, nhìn trên xe chẳng thấy có khách nào, tao tưởng mày điên nên vụt phóng xe theo. Hay là mày tương tư, phát cuồng vì con nào hả Lập?

Lập không đáp mà hỏi lại:

- Nãy giờ chú Tư có thấy ai nhảy xuống xe không?

Đến lượt Tư Thôi ngạc nhiên:

- Đúng là đầu óc mày có chuyện rồi Sáu Lập! Xe mày ngựa chạy bon bon thì ai nhảy được! Vả lại theo sau mày hơn cây số tao có thấy ai trên xe mày đâu!

Lập dừng hẳn xe lại, lẩm bẩm:

- Sao lạ vậy... không thể nào...

Rồi có lẽ sợ Tư Thôi hỏi thêm, nên Lập vờ nói cho qua:

- Không có gì... có lẽ tại trời nóng quá!

Anh ta ra roi cho con ngựa tiếp tục chạy.

Về đến nhà, việc đầu tiên của Lập là tìm cha mình. Ông Hai Mạnh lâu nay không được khỏe nên chỉ làm việc vặt ở nhà. Hôm nay ông nghe bứt rứt trong người nên mới giờ đó đã đi tắm, ra pha ấm trà ngồi nhâm nhi một mình. Lập vừa trông thấy cha đã hỏi ngay:

- Ba có người em gái tên Xuân không?

Ông Hai ngẩng lên, nhìn con với vẻ hơi ngạc nhiên:

- Sao con biết?

- Vậy là ba có cô em...

Ông Hai gật đầu:

- Đó là người em thứ tám của ba. Tám Xuân.

- Vậy sao nào giờ có khi nào con nghe ba nhắc tới đâu? Cô ấy bây giờ ở đâu ba?

Lại nhìn sửng con lần nữa, ông Hai nhẹ giọng đáp:

- Nó chết hồi còn con gái.

- Vậy.... sao con cái cổ từ nào giờ sao không thấy về đây?

Ông Hai lắc đầu:

- Khi chết nó chưa có chồng thì làm gì có con!

Lập há hốc mồm một lúc rồi run giọng nói:

- Chẳng lẽ... chẳng lẽ...

Ông Hai gạn hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Phải một lúc sau Lập mới bình tĩnh lại, anh ta kể lại đầu đuôi câu chuyện. Vừa nghe xong, ông Hai như người gặp ác mộng, kêu lên:

- Ngôi nhà đường Cây Sung!

Lập hỏi lại:

- Nhà ở đường Cây Sung là nhà ai?

Ông Hai gần như thất thần:

- Nhà đó... nhà đó...

Ông hầu như không còn nói được nữa. Mặt ông tái xanh, người run rẩy lạ thường...

- Ba! Ba sao vậy?

Hai Mạnh không còn tỉnh nữa, người ông lạnh như băng. Lập hốt hoảng tri hô lên:

- Có ai ở nhà không, ba bị... bị...

Lập gọi cũng bằng thừa, bởi trong nhà ngoài cha con Lập ra thì đâu còn ai nữa. Mồ côi mẹ từ khi lên mười đến giờ, chỉ có người chị thì cũng đã đi lấy chồng xa từ mấy năm rồi. Còn lại những anh chị em khác thì khó nuôi, nên đã chết hoặc sẩy thai ngay từ nhỏ. Chỉ có một bà cô họ xa, nhưng mắc chứng nghễnh ngãng nên lúc ở lúc đi, chẳng khi nào thấy mặt.

Cũng may, ông Hai chỉ bị choáng một lúc, sau đó tỉnh lại ông nhìn con hỏi trong nỗi sợ sệt:

- Nó... nó đâu?

Lập ngạc nhiên:

- Nó nào ba?

- Con nhỏ đi nhờ xe con?

- Thì con kể rồi, khi tới ngã ba Cây Sung thì bỗng cô ấy biến mất... y như là ma vậy! Con nghĩ chắc cô ta sợ con đòi tiền xe nên nhảy nhanh xuống.

Ông Hai nhẹ thở dài:

- Không phải vậy đâu. Tai họa đó...

Lập tưởng cha mình mệt nên nói sảng, anh hỏi lại:

- Ba nói tai họa gì?

Ông Hai đứng lên, lảo đảo bước khiến Lập hốt hoảng:

- Ba! Ba ngồi nghỉ đã.

Nhưng ông Hai Mạnh xua tay:

- Để ba...

Ông suýt ngã mấy lượt rồi mới lần về tới phòng mình. Vừa vào phòng thì ông đóng sầm cửa lại trước sự lo lắng của Lập. Anh muốn gõ cửa, nhưng biết cha mình sẽ không mở, nên chỉ biết đứng tần ngần một lúc rồi bước ra sân.

Từ ngoài, bà cô Tư Lượm của Lập chạy nhanh vào, vừa chỉ tay ra hàng rào râm bụt vừa nói nhỏ như sợ ai đó nghe thấy:

- Có... có cô gái... cô gái đẹp lắm, kiếm mày đó Lập!

Vừa nghe nói Lập đã giật mình:

- Cô gái đẹp? Cô ta đâu?

Anh chạy đi ngay mà không cần câu trả lời của bà cô họ nghễnh ngãng. Ra ngoài nhìn hướng trên, hướng dưới không thấy ai, Lập lẩm bẩm:

- Có ai đâu?

Thoang thoảng mùi thơm đưa lại, Lập phát hiện có một chiếc khăn choàng vướng ở cổng rào.

- Khăn của cô ta!

Đúng là chiếc khăn mà Lập nhìn thấy cô gái lạ choàng trên cổ khi ngồi xe.

- Cô ta chăng?

Lập bất kể, cắm đầu chạy một mạch về hướng ngã ba Cây Sung, nơi cô gái biến mất lúc trưa.

Đường Cây Sung tuy chỉ cách nhà anh chưa đầy hai cây số, nhưng đã lâu lắm Lập chưa đi qua. Phần vì nơi đó đường hư khó chạy xe, ngựa hay bị sụp ổ trâu què chân, nên cánh xe thổ mộ như Lập luôn tránh đưa khách qua đó. Người trong xóm Cây Sung muốn đi xe ra chợ thường phải lội bộ qua ngã ba.

Đứng ngay ngã ba quan sát một lúc, cuối cùng Lập quyết định men theo con đường đất đi vào. Cách chừng năm trăm thước thì trước mắt Lập hiện ra ngôi nhà ngói ba gian xây theo lối cổ, cất trên nền cao, nổi bật giữa khu vườn trồng nhiều loại hoa mà trong đó chắc là nhiều bông lài, nên hương thơm tỏa ra tận ngoài ngõ.

- Cậu tìm ai?

Ai đó hỏi phía sau, Lập quay lại thì thấy một cụ già đang quan sát mình rất kỹ, anh phải lên tiếng giải thích:

- Dạ, cháu tìm một người quen, cứ nghĩ là cô ấy ở trong nhà này...

Cụ già tắc lưỡi:

- Nhà này bỏ hoang từ lâu rồi, có ai ở đâu mà kiếm tìm!

- Dạ, cháu không biết...

Lập cúi chào cụ già, rồi bước sang ngôi nhà khác. Nhưng con đường có đến hàng trăm ngôi nhà, phần nhiều nhỏ hơn, nhưng hầu như giống nhau, không làm sao tìm ra dấu vết. Anh lại phải dừng chân hỏi thăm một chị tuổi trung niên:

- Ở xóm này chị có biết một cô gái ăn mặc theo người thành thị...

Lập hỏi chưa hết câu thì chị kia đã nói nhanh:

- Có phải cô bận áo dài màu hồng, đi giày cao gót không? Cô ta mới vào trong ngôi nhà hoang của ông hội đồng Thiệp. Có lẽ tính mua nhà đó hay sao mà mấy hôm nay đã thấy có mấy người tới lui...

Lập mừng rơn:

- Dạ, cám ơn chị!

Chạy trở lại ngôi nhà lớn, cổng vẫn khóa chặt, tuy nhiên có hương thơm thoang thoảng. Mà hương thơm này không phải là hương lài từ trong vườn. Hương rất quen thuộc...

- Cô ta!

Lập nhớ ra chính mùi hương này là của cô gái. Anh cho tay vào túi áo định lấy ra chiếc khăn choàng lụa, nhưng... nó không còn trong đó! Không thể được, lúc nãy chính Lập đã xếp gọn cất kỹ trong túi mà...

Còn đang loay hoay tìm thì chợt mắt Lập sáng lên! Chiếc khăn choàng đã rơi nằm trên lối đi bên trong cổng nhà!

Đoán chắc cô nàng đang ở trong đó, nhưng làm cách nào để vào được, Lập nghĩ mãi... Cuối cùng anh định cất tiếng gọi, nhưng một lần nữa nghe giọng của cụ già:

- Đã nói với cậu rồi, nhà này bỏ hoang.

Lập đưa tay chỉ chiếc khăn choàng:

- Có người quen của tôi trong đó, chiếc khăn này là của cô ấy.

Ông già vẫn lắc đầu:

- Tôi dám nói chắc là không có ai. Tôi ở đối diện nhà này từ nào đến giờ, chưa từng thấy có ai ra vào kể từ ngày ông hội đồng bỏ đi về Sài Gòn sống.

Lập vẫn cố cãi:

- Nhưng, người ta là người tới xem nhà để mua.

Cụ già thấy Lập ngoan cố, ông ta phải nói thẳng:

- Cậu không chịu nhìn gì cả. Có tấm bảng lớn treo bên cột nhà đó, cậu đi đi!

Bấy giờ Lập mới nhìn kỹ và quả thấy có tấm bảng ghi: Nhà này không bán...

Cụ già giải thích thêm:

- Tôi trước đây vốn là quản gia của ngôi nhà này. Đến khi ông hội đồng quyết định dọn đi thì tôi cũng ra ngoài ở. Nhà tôi ở đối diện đây, nên tuy không còn làm nữa, nhưng tôi vẫn để mắt dòm ngó.

Lập vẫn thắc mắc:

- Vậy tại sao chiếc khăn này lại ở bên trong?

Cụ già đáp:

- Có thể của ai rơi bên ngoài rồi gió thổi bay vào trong đó.

Lập muốn cãi nhưng nghĩ lại, anh vội cám ơn cụ già rồi đi nhanh trở ra. Mục đích của Lập là tránh sự theo dõi của ông ta để tìm cách khác tiếp cận ngôi nhà. Chính hành tung bí ẩn của cô gái đó thôi thúc Lập cương quyết hơn.

May cho Lập, vòng rào ngôi nhà khá rộng, ngoài cổng chính ở bên hông trái còn có một hẻm nhỏ có thể đưa vào cổng sau. Quả như vậy, phía bên hông còn có một cổng phụ nữa. Nơi đây hoàn toàn khuất nên sau khi nhìn trước sau, Lập nhanh tay đu lên tường và leo vào trong. Leo trèo là nghề của Lập từ nhỏ nên không khó lắm, chỉ nửa phút sau anh chàng đã lọt vào bên trong khu vườn hoang phế.

Trời lúc đó cũng tối dần, nên càng thuận tiện cho cuộc đột nhập của Lập. Anh chàng tiếc là không có đèn soi đường, tuy nhiên vốn gan dạ, và quen lần theo bóng tối bằng những chuyến đi soi ếch, bắt cá đêm, nên Lập cũng không khó lắm để đến gần ngôi nhà lớn.

Quả thật ngôi nhà quá lớn, đúng là của một tay trọc phú một thời ở xứ này. Ngày xưa nghe nói người làng khi đi ngang qua cửa còn không dám nhìn vào nhà nữa. Phần thì lũ chó dữ năm bảy con sủa nồ như đe dọa thiên hạ, mà đám lâu la trong nhà còn cậy thế chủ gia, hay bắt nạt, hành hung bất cứ ai tò mò dòm ngó.

Tất cả cửa nẻo đều đóng kín, duy nhất có một cửa sổ phía sau là mở hé. Có một chút ánh sáng phát ra từ đó.

Lập bước tới gần, anh len lén nhìn vào.

- Trời ơi!

Lập kêu khẽ nhưng suýt nữa đã làm cho người bên trong phát hiện. Trước mặt anh, trong phòng có một bộ xương người treo cổ, thòng từ trên xuống, còn có một người nữa là người sống thì đang quỳ bên dưới. Người quỳ đó chính là cô gái đi xe ngựa!

Cô gái đang khóc. Tiếng khóc nhỏ, nhưng cũng đủ cho Lập nghe rõ. Càng lúc tiếng khóc càng rõ hơn và trong âm thanh có từng cơn uất nghẹn. Chứng tỏ tâm trạng cô nàng lúc ấy đau đớn, bi thương lắm.

Tự dưng Lập nghe tim mình nhói đau. Anh nhớ lại thái độ vô tư, hồn nhiên của cô nàng lúc trưa và so sánh với hiện tại, nó có sự khác biệt rõ ràng. Chứng tỏ cô ấy chỉ mới về đây là lần đầu, và mới gặp con người còn lại bộ xương khô kia.

Vừa lúc đó, có lẽ quá xúc động nên cô gái đang khóc thì gục xuống. Lập quên cả hiểm nguy, anh bung cửa sổ ra, nhón người định đu lên trèo vào trong. Nhưng vừa lúc đó có một bàn tay của ai đặt lên vai Lập kéo lại. Bàn tay thô và lạnh. Họ không đánh, không bóp mạnh, vậy mà chẳng hiểu sao Lập hầu như tê liệt, mềm nhũn ra, rồi không còn biết gì nữa...

***

Lập mở mắt ra và vô cùng ngạc nhiên khi thấy ông cụ ban chiều. Ông ta vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng, đưa mắt nhìn Lập và lên tiếng trước:

- Cậu vậy là không sao rồi?

Quay nhìn một lượt, ông ta nói tiếp:

- Cậu không nhận ra sao? Đây là ngôi nhà mà cậu vừa muốn đột nhập.

Nhớ lại chuyện trước khi bị ngất. Lập lo lắng:

- Cô ấy... sao rồi?

Vờ như không biết, ông lão hỏi lại:

- Cậu hỏi cô nào?

- Cô gái ở trong phòng với bộ xương người!

Ông già nhẹ lắc đầu, chép miệng:

- Tốt hơn hết là cậu không nên biết những gì không cần thiết. Cậu đâu có liên quan gì đến ngôi nhà này, vậy cớ gì...

- Thưa ông...

- Lúc nãy nếu tôi tới không kịp thì cậu đã bị nhập thổ mà chết rồi. Lúc ấy cậu đang nằm sấp trên mặt đất ẩm.

Lập lúng túng:

- Dạ... lúc ấy cháu đang... thì bị ai đó chụp lên vai. Cháu không kịp có phản ứng gì thì đã ngất đi.

Ông lão giải thích:

- Tôi thỉnh thoảng vẫn sang đây để trông chừng. Lúc đó tôi nghe có tiếng động giống như tiếng chân người chạy, nên tôi đi nhanh vào. Không gặp ai khác ngoài một người nằm dưới đất là cậu.

- Vậy còn... cô ấy?

- Cô nào?

- Rõ ràng con thấy cô ấy quỳ gối và khóc trong phòng cùng với một bộ xương.

Ông lão bước tới mở cửa sổ căn phòng ra vừa nói:

- Đây chính là gian phòng mà lúc nãy tôi bắt gặp cậu nằm bên ngoài. Cậu xem, có gì đâu...

Trong lúc Lập bật dậy quan sát, thì ông tiếp lời:

- Tôi thấy cửa sổ phòng này mở nên kéo cậu vào đây. Nhờ có chiếc thang tre ngoài kia nên tôi mới đưa cậu vào được, chớ còn cửa chính thì đã đóng chặt bằng thanh gỗ lớn, không làm sao mà mở ra được.

Lập nhìn kỹ, quả nhiên cửa chính của gian phòng được gài chắc từ lâu, chứng tỏ không có người ra vào.

Anh lẩm bẩm:

- Rõ ràng cháu thấy...

Ông lão lại lắc đầu:

- Cũng có người từng ảo giác như cậu. Nhà này tuy bỏ hoang từ lâu nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện gì.

Lập nhìn kỹ lên rầm nhà, xem có lưu lại dấu vết gì của sợi dây treo cổ không. Anh thất vọng.

Ông lão hỏi lại:

- Sao cậu tò mò về ngôi nhà này và cô gái nào đó vậy?

- Dạ... hồi trưa...

Tính là không nói, nhưng ở thế chẳng đặng đừng, nên Lập đành thuật lại:

- Con làm nghề đánh xe ngựa, nhà ở bên xóm Bến Cỏ. Hồi sáng này con đang cho xe chạy về nhà thì bất ngờ có một cô lên ngồi trên xe mà con không hay biết. Đến khi quay lại thì cô ấy nói xin đi về cùng xóm với cháu. Nhưng khi đến ngang ngã ba Cây Sung thì tự dưng cô ta biến mất, trong lúc xe con còn đang bon bon chạy!

Nghe đến đó, ông cụ cười ngất:

- Nghe cậu kể sao giống chuyện Liêu Trai của ông Bồ Tùng Linh quá! Vậy sao cậu lại nghĩ là cô ấy ở đây?

Lập lại phải kể chuyện cô gái xuất hiện trước nhà mình, bỏ quên lại chiếc khăn choàng, rồi khiến anh tìm tới đây.

Ông lão nhẹ lắc đầu:

- Lúc chiều cậu nói có chiếc khăn choàng nằm trong sân nhà này, nhưng hồi nãy tôi mở cửa vào đây mà có thấy gì đâu!

Lập vẫn còn hoang mang. Anh muốn leo ra ngoài cửa sổ thì ông già cảnh báo:

- Nhà này bỏ hoang nhưng còn một cặp chó rất dữ. Bình thường chúng ngủ yên trong nhà kho, nhưng có động hoặc hơi người lạ thì khó lường được sự hung hãn của nó. Cậu nên ở lại đây chờ đến sáng, hoặc đi ra cùng với tôi thì tốt hơn.

Thấy Lập lưỡng lự, ông nói cương quyết:

- Theo tôi thì cậu nên ở lại đây. Gian phòng tuy bỏ lâu không ai ở, nhưng mọi tiện nghi vẫn còn đủ. Nếu cậu thấy đói thì tôi về bên nhà đem cơm qua cho cậu ăn.

Lập lắc đầu:

- Cám ơn ông, con cần về nhà, ba con đợi.

Đích thân ông lão đưa Lập ra bằng cổng trước. Khi ra ngoài rồi ông mới xưng tên:

- Cậu kêu tôi là Ba Hưng.

Lập từ giã mà cứ ngoái lại nhìn ngôi nhà mãi. Anh không thể nào quên được hình ảnh cô gái ngồi khóc dưới bộ xương khô được. Anh biết chắc là mình không bị ảo giác, nhưng tại sao lúc ở trong phòng thì không thấy dấu vết gì cả? Chẳng lẽ đó là... ma?

Mang tâm trạng nặng trĩu đó, Lập về tới nhà lúc nào không hay. Vừa vào tới bên trong thì Lập đã nghe bà cô anh la lớn:

- Mày đi đâu cả đêm, bỏ ba mày nằm chết trong đó, vào mà coi!

Lập hốt hoảng chạy bay vào phòng của cha. Cửa phòng mở toang, nhưng trên giường không có cha, mà thay vào đó là một... bộ xương khô!

- Bộ xương này...

Lập nhớ lại bộ xương treo lủng lẳng trong ngôi nhà hoang, anh kêu lên:

- Ba đâu rồi?

Không thấy bóng dáng cha đâu, Lập hỏi bà cô:

- Tại sao thế này?

Bà cô nhìn thấy bộ xương khô thì trợn trừng đôi mắt và ngã xuống ngất đi. Lập quýnh lên, vừa đỡ bà cô dậy lo cứu tỉnh lại vừa dõi theo bộ xương trong phòng. Thoang thoảng đâu đó Lập ngửi được hương thơm quen thuộc.

- Cô ta?

Lập quay tìm mọi nơi trong nhà vì nghĩ là cô gái đang có mặt. Nhưng tuyệt nhiên không thấy gì khác. Đưa bà cô xuống phòng riêng của bà, lát sau bà tỉnh lại và vẫn còn sợ hãi:

- Ba...ba mày... sao lại thành ma?

Lập chạy trở lên nhà trên, và lần này anh thật sự bàng hoàng khi... bộ xương không còn nằm chỗ cũ! Trên giường bây giờ chỉ có chiếc khăn choàng!

- Trời ơi!

Nghĩ tới tình huống chẳng lành xảy ra, Lập cuống cuồng mãi mà chưa biết phải làm sao. Anh ôm mặt đứng yên đó hồi lâu...

Bỗng ngoài ngõ có người gọi. Lập bước ra thì Tư Thôi, anh ta chỉ về phía chợ bảo:

- Chú Hai đi đâu mà chạy như ma đuổi về phía đường Cây Sung, tui kêu quá trời mà chú không thèm nghe!

Lập hốt hoảng:

- Chạy về hướng đường Cây Sung?

Linh tính báo điềm chẳng lành, Lập tức tốc chạy ra khỏi nhà và một lần nữa anh nhằm hướng ngôi nhà ông hội đồng Thiệp.

Trước đó hơn nửa giờ, ông Hai Mạnh đã đi thẳng vào nhà đó như vào chính nhà của mình. Đến khi Lập vào theo thì mọi sự đều khác. Nhà hoang vắng, im ắng như tự bao giờ...

Lập bước tới gian phòng cũ thì chẳng thấy gì. Chỉ có tiếng vài con dơi bay ra từ một phòng ở hướng tây. Đang định bước ra thì chợt nhìn thấy một đôi dép đàn ông dính đầy bùn đất, Lập hốt hoảng:

- Ba!

Đó là đôi dép của ông Hai Mạnh thường mang mỗi ngày. Điều đó chứng tỏ ông đã tới đây!

- Ba ơi!

Quên cả giữ ý, Lập gọi to đến mấy lần. Nhiều con dơi lại bay ra gây những tiếng động bất thường, như báo có điều gì đó đang xảy ra. Vốn tính gan lì, lại đang sốt ruột cho mạng sống của cha, Lập phóng vội ra cửa sổ, hướng anh tìm không khó để tới căn phòng đó. Đêm qua Lập thấy cửa sổ đóng, nhưng giờ đây một cánh đang mở hé. Ghé sát mặt và nhìn vào trong, trước mắt Lập là cha anh đang ôm một chiếc đầu lâu, vừa khóc không thành tiếng, nhưng qua đôi vai run lên từng hồi, đủ thấy là ông đang bị kích động dữ dội!

- Ba!

Tiếng gọi của Lập khiến có thêm vài con dơi nữa bay ra, riêng ông Mạnh thì hầu như không nghe thấy gì, vẫn tiếp tục nấc lên từng hồi. Bỗng Lập sững sờ khi nhìn thấy trên bàn thờ có bức ảnh chân dung, anh kêu lên:

- Má!

Bức ảnh này giống hệt như ảnh thờ ở nhà Lập.

- Ba ơi, chuyện này là sao?

Lúc này ông Hai Mạnh mới ngước lên. Nhưng ánh mắt của ông như đờ đẫn, không nhìn thấy gì trước mắt. Lập phải gọi lần nữa lớn hơn:

- Ba, con là Lập nè!

Ông Hai Mạnh để rơi chiếc đầu lâu xuống sàn nhà và ông hốt hoảng nhào theo chụp lại. Rồi thật bất ngờ, ông quay sang con trai quát lớn:

- Tránh ra! Đụng tới người này tao sẽ giết mày!

Biết cha đang mê sảng, nên Lập vội im lặng tránh sang một bên. Ông Mạnh nhặt chiếc sọ lên, và một cách trịnh trọng ông đặt nó trở lại bàn thờ. Ông đứng im như pho tượng, hai tay chắp lại, miệng lâm râm những gì mà Lập chỉ đứng cách chưa đầy ba thước cũng không nghe được.

- Tại sao người ta thờ má ở đây? Vậy mà lâu nay ba chỉ nói là má mất trong âm thầm lặng lẽ, không một thân nhân nào bên ngoại tới viếng lần cuối...

Lập không biết phải làm gì cho đúng lúc này. Anh rất lo cho cha mình, trông dáng đứng và đôi chân run run của ông chứng tỏ ông không khỏe, có nguy cơ ngã nhào bất cứ lúc nào. Bệnh đột quỵ bất thần cũng là căn bệnh lâu nay của cha...

Đột nhiên, bên tai Lập vang lên một giọng ai đó khóc thật thê lương! Tiếng khóc không phải của một người bình thường! Thoạt nghe Lập cứ ngỡ nó ở đâu bên ngoài, nhưng nghe kỹ thì rõ ràng âm thanh phát ra từ bàn thờ có bức ảnh của mẹ!

Lập run lên. Đây là lần đầu tiên anh nghe được tiếng khóc của mẹ, bởi khi bà mất thì Lập mới mười tuổi, nào biết gì...

Cha Lập lại khóc theo. Hai âm thanh hòa vào nhau, tạo thành một thứ tiếng nghe đến rợn người! Cũng may đây là giữa ngôi nhà hoang nên chắc người bên ngoài không ai nghe thấy.

Và quả đúng như sự lo ngại của Lập, ông Hai Mạnh chỉ đứng được vài chục giây, rồi đột nhiên ngã sóng soài trên nền gạch.

- Ba!

Bất kể, Lập lao qua cửa sổ nhào tới chụp lấy thân thể cha mình. Đột nhiên có một vật từ trên bàn thờ rơi xuống trúng ngay vào ngực ông Mạnh. Lập nhìn thấy bức ảnh bán thân của mẹ thì hốt hoảng:

- Ba!

Ông Mạnh đưa đôi bàn tay gầy gò choàng qua ôm cái khung ảnh, giọng ông thều thào:

- Bà... như vậy bà đã... tha cho tôi rồi...

Ông nở nụ cười héo hắt trên môi rồi đưa mắt nhìn lên Lập. Hình như ông muốn nói gì đó mà không nói được...

- Ba!

Không còn kịp nữa rồi. Ông Hai Mạnh đã ngừng thở...

***

Đám tang ông Hai Mạnh vừa xong thì đột nhiên bà cô của Lập lên cơn đồng bóng rất lạ. Lâu nay bà vốn có tính nghễnh ngãng nên lúc đầu Lập không để ý những lời nói kỳ lạ của bà, nhưng sau đó vào lúc nửa đêm, bà bỗng khóc ré lên, rồi chỉ vào mặt Lập mà nói:

- Thằng con bất hiếu. Mày có biết là tại vì mày mà ba mày phải mất mạng không?

Lập ngơ ngác:

- Cô! Sao cô nói vậy?

Bà hầu như đối với Lập là người xa lạ:

- Mày tránh xa tao ra! Chính mày đã đưa cha mày tới hang ổ của tụi nó. Nơi mà từ lâu nay cha mày đã tránh được. Đồ con bất hiếu!

- Kìa, cô!

Lập vừa bước tới thì bất thần bị một sức mạnh vô hình nào đó đẩy ngã ngửa. Bà cô thì vẫn lớn tiếng quát:

- Đi tìm nó mà báo thù cho cha mày!

Bà quát xong thì tự dưng bật ra, người run lên như bị kinh phong. Lập phải gọi mấy lượt bà mới tỉnh lại. Lúc này lại hoàn toàn khác với lúc nãy, bà nhìn Lập có vẻ thân thiện hơn:

- Cô đang làm gì đây con?

Từ lâu, bà cô họ chưa bao giờ nói với Lập hay người trong nhà được một câu ra đầu ra đuôi và đầy tình cảm như vậy. Đó là chưa nói nó trái ngược với những câu khó nghe cách mấy phút trước. Phải chăng sau cơn co giật vừa rồi đã khiến bà thay đổi?

Lập muốn hỏi nhưng chưa kịp thì bà cô đã lên tiếng:

- Hồi nãy chút xíu nữa thì ta đã bị nó hại. Cũng nhờ ba con tới kịp nên cô mới thoát. Tội nghiệp ba con...

Lập trố mắt:

- Cô vừa nói gì? Ba con...

- Ba con còn ở đây. Đang ở trong phòng kia kìa!

Bà nói y như thật khiến cho Lập không tin không được. Anh chạy lên nhà. Nhưng chưa bước vào phòng thì anh đã khựng lại trước trang thờ mới lập.

Bức ảnh thờ của ba anh đang bốc cháy!

Hốt hoảng, Lập chạy tới ra sức dập tắt ngọn lửa. Tay anh vừa chạm vào cạnh tủ thờ thì phải rụt ngay lại bởi bị nóng như thọc vào lửa, dù nơi đó không hề bị cháy!

Chỉ trong nháy mắt, bức ảnh chân dung của ông Hai Mạnh đã bị cháy thành tro.

Cố gắng lắm Lập mới dập tắt được ngọn lửa. Tuy nhiên, hầu như tất cả những gì có trên bàn thờ đều bị hủy hoại. Không quan tâm tới điều đó lắm, Lập lại chạy thẳng vào phòng riêng của cha.

Lúc này không phải bộ xương khô như lần trước, mà nằm trên giường là một cái tráp bằng gỗ được đặt ngay trên gối nằm. Chiếc tráp này chưa bao giờ Lập nhìn thấy, nên anh hơi lưỡng lự trước khi mở nắp ra.

Bên trong chỉ duy nhất một quyển tập học trò khá dày, đã cũ, bìa sờn bốn góc, chứng tỏ đã được sử dụng nhiều năm. Dòng chữ đập ngay vào mắt Lập.

"Nỗi lòng Hai Mạnh".

Việc cha mình là người hay chữ, từng là một công chức thời trai trẻ thì Lập biết, nhưng việc ông viết nhật ký hay hồi ký là điều Lập không bao giờ ngờ tới.

Dẫu vậy, Lập vẫn cẩn thận giở từng trang và đọc rất kỹ. Lần đầu tiên, Lập như sống trong tâm trạng của một người khác. Những điều riêng tư của cha mình, anh tưởng chừng như là của một ai đó...

Mục lục
Ngày đăng: 26/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục