Gửi bài:

Thu lệ

Vốn tính lãng tử thích ngao du đây đó để tiêu sầu, thỏa chí tang bồng. Tuy nhiên từ hơn năm nay, Hoàng Dự lâm vào cảnh thất bát, phải cầm cố hết nhà cửa, cơ ngơi làm ăn, nên cái mộng hồ hải của anh chàng phải tắt lửa. Và bắt buộc Dự phải tìm hướng làm ăn khác, bằng cách đi buôn đường dài.

Phương tiện đi lại mà Dự thích nhất là xe lửa. Bởi anh có thể ngả lưng trên ghế, mặc cho xe chạy, không phải bực mình vì những lúc ngừng rước khách như xe đò. Anh mua vé đi tới Huế, nhưng lúc xe tới Cam Ranh thì Dự đổi ý, anh nghĩ tại sao mình không xuống chỗ Phú Yên hay Bình Định chơi một chuyến, vừa thăm thú nơi này nơi nọ, vừa có dịp biết một vài nơi mà từ lâu Dự vẫn hằng mơ ước. Thế là khi xe đến ga Diêu Trì thì Hoàng Dự xuống xe. Anh cho vé một bà cụ đang lóng ngóng tìm vé lên tàu, vừa bảo người soát vé:

- Đây là bà cô của tôi, bà ấy sẽ đi thay tôi đoạn đường còn lại.

Anh dúi cho người soát vé gói thuốc, nên anh ta cũng thông cảm để bà cụ leo lên. Bà cụ ngạc nhiên vì được người tử tế, định cảm ơn thì Dự đã lẫn trong đám đông mất dạng. Anh hỏi người chạy xe thồ tìm một thị trấn gần đó thì người này mau mắn nói:

- Gần đây có một thị trấn lớn, đông vui lắm. Có nhiều phòng trọ khang trang, tiện nghi lắm.

Thấy anh ta vui vẻ, Dự hỏi:

- Ngoài ra còn có nơi nào... vui vẻ không?

- Quán nhậu hay...?

Dự nheo mắt:

- Tôi không thích nhậu, chỉ muốn tìm nơi nào có người tâm sự chơi cho đỡ buồn, ở đây có vụ đó không? Anh chàng chạy xe nheo mắt nhìn Dự rồi đáp nhanh:

- Thầy Hai gõ đúng cửa rồi! Em là thổ địa ở đây mà!

Anh ta chạy quanh co một lúc, cuối cùng dừng lại ở một ngôi nhà có cổng rào xung quanh, bên trong có vườn cây che khuất.

- Đây không phải quán nhậu, cũng không phải kỹ viện, cũng không phải khách điếm. Mà chỉ là một địa chỉ riêng của một người quen với tôi. Phải quen thì bà ta mới tiếp. Nơi này có thừa người để thầy Hai tâm sự. Chừng nào thầy chán muốn đi thì thầy nhắn với bà chủ bảo gọi Tư Lùn là bà ta gọi em tôi chở thầy đi ngay! Mà nè, thầy có thể đề nghị ngủ lại bao lâu cũng được - Anh chàng chạy xe giảng giải.

Anh ta cười lấy lòng khi nhận của Dự số tiền xe cao gấp đôi giá của người khác.

Khi anh ta đi rồi thì Dự bước thẳng vào trong sân. Khu vườn rộng không thấy ai nhưng Dự nghe văng vẳng có tiếng người khóc.

- Tiếng khóc của một cô gái!

Dự khẽ thốt lên và khựng bước lại, nhìn quanh. Trước mắt Dự có một người con gái mặc bộ đồ màu trắng đang ngồi bên một hồ nước, đôi vai nàng đang run run theo từng tiếng khóc phát ra.

Dự không định phá ngang sự riêng tư của cô ta, nhưng do không tìm thấy ai khóc, nên anh phải hỏi:

- Cô ơi cho hỏi thăm!

Lúc này cô gái mới ngẩng lên, quay mặt lại.

Đẹp!

Phải nói nhan sắc của nàng khiến Dự phải sững sờ! Anh buột miệng:

- Đẹp quá!

Khi nhìn thấy Dự thì cô này hoảng hốt, bật đứng dậy và ù té chạy! Dự gọi theo:

- Kìa cô!

Nhưng cô ta đã biến vào sau các tán cây rậm rạp. Vừa lúc đó, Dự nghe có ai đó hỏi:

- Quý khách cần gì?

Dự quay nhìn bên trái thì bắt gặp một phụ nữ tuổi ngót năm mươi, nhưng nhan sắc vẫn còn được chăm sóc, ăn mặc tươm tất. Anh lên tiếng:

- Tôi... tôi tìm nơi có thể...

Người đàn bà nhoẻn miệng cười câu khách:

- Nếu tìm nơi để vui vẻ, lai rai và nghỉ ngơi thì thầy Hai tìm đúng chỗ rồi. Có phải thầy được Tư Lùn đưa tới không?

- Ờ... ờ đúng. Và tôi cũng...

- Thầy Hai cứ yên tâm, thầy kể là khách quen nên sẽ được tiếp đãi trọng hậu. Dạ mời.

Bà ta đi về hướng cô gái vừa chạy đi. Dự được đưa vào một phòng riêng. Gian phòng nhỏ nhưng trang hoàng đẹp mắt, chẳng khác một phòng trong kỹ viện ở Nhật hay Trung Quốc. Ở một góc phòng còn có đặt sẵn hai chiếc gối trắng sạch, trên một chiếc giường rộng trải nệm thẳng chớm.

- Mời quý khách ngồi, rồi các em sẽ dâng trà. Cần rượu gì cũng có, bia, rượu Tây, rượu Nhật, rượu Tàu. Xin nói để thầy Hai yên tâm, nơi này chỉ tiếp khách thân quen do mối mang uy tín đưa đến, không tiếp khách lôm côm. Giá cả thì thầy khỏi phải bận tâm, khi nào thầy hài lòng rồi thì trả theo ý thích.

Bà ta nói xong quay vào trong gọi lớn:

- Lệ đâu, ra tiếp khách!

Bà phải gọi đến lần thứ hai thì mới có tiếng đáp. Sau đó là một cô gái xuất hiện. Vừa thoạt trông thì Dự đã reo lên:

- Là cô ư?

Bà chủ ngạc nhiên:

- Cậu đã quen cô này?

Dự xua tay:

- Không, không. Lúc nãy tôi thấy cô ấy ngồi bên hồ...

Người phụ nữ như ra lệnh:

- Phải tiếp thầy Hai đây cho chu đáo. Đây là khách đặc biệt nghe chưa.

Bà lại giới thiệu cụ thể:

- Đây là Thu Lệ, còn gọi là Lệ Thu. Và đặc biệt còn có tên riêng là Thu Sầu!

Mặc cho bà chủ đùa, cô gái tên Thu Lệ vẻ mặt vẫn kém vui. Hình như tiếng khóc nức nở bên hồ lúc nãy vẫn còn vương vấn. Bà chủ phải gắt lên:

- Tươi lên xem! Làm gì lúc nào cũng như đưa đám vậy!

Lúc này cô gái mới gượng cười cúi chào khách. Thấy vậy bà chủ quay bước đi, nhưng cũng không quên nhắc lại lần nữa:

- Phải tiếp khách cho chu đáo. Nếu nghe khách than phiền thì cô biết điều gì sẽ xảy ra rồi đó!

Đợi bà ta đi rồi cô gái mới ôm mặt khóc. Dự ái ngại:

- Cô bị sao vậy? Hay là...

Cô gái định nói gì đó, nhưng có lẽ cơn xúc động trong lòng mạnh hơn, nên cô lại òa lên khóc lớn hơn. Dự còn chưa biết phản ứng ra sao thì bỗng nghe có tiếng lanh lảnh của bà chủ Phượng Quán:

- Con thối tha này, mày lại giở trò phải không? Bay đâu lôi nó ra ngoài sau gông đầu nó vào ổ kiến lửa, cho nó biết thế nào là cứng đầu, cãi lời tao!

Có mấy tay đàn em của mụ ta ào ra. Dự đưa tay ngăn lại:

- Tôi thích cô gái này. Tuy cô ta cứng đầu, nhưng đây lại là người tôi đang cần.

Thấy vậy, bà chủ Phượng Quán dịu giọng:

- Thầy Hai thật tốt bụng, vậy tôi giao nó cho thầy. Nếu có gì không hài lòng thầy cứ báo cho biết.

Lần này Dự chủ động hơn. Đợi cho bà ta đi khỏi, anh nhìn thẳng vào cô gái hỏi:

- Chắc cô có chuyện buồn. Nếu thế thì tôi chỉ ngồi chơi thôi, chẳng làm chuyện gì đâu. Cô đừng lo.

Cô gái vội lau nước mắt và luống cuống:

- Đừng, đừng. Xin thầy tha lỗi, em chỉ...

Cô gái lúng túng luýnh quýnh rất tội nghiệp, có lẽ sợ sẽ bị chủ trừng phạt. Dự trấn an:

- Thôi được. Thật ra tôi cũng chỉ cần một người để chuyện trò cho đỡ buồn. Vậy cô rửa mặt đi, chúng ta ngồi đây nói chuyện.

Lúc này cô nàng có vẻ bình tĩnh hơn:

- Cảm ơn thầy. Thật ra em sẽ... em sẽ...

- Cô cứ bình tĩnh. Tôi đã nói rồi.

Thật bất ngờ, cô nàng ngả đầu vào vai Dự, giọng xúc động nhưng không khóc:

- Em cảm ơn thầy Hai. Thật ra đây là lần đầu tiên em biết thế nào là cơ thể đàn ông!

Dự ngơ ngác:

- Cô nói thế nghĩa là...

- Em vẫn còn con gái. Em bị người ta đưa tới đây để bắt em trả một món nợ khá lớn do ba má em vay và bị thua lỗ trong làm ăn. Em vào đây đã được hơn một tuần, nhưng nhờ em còn bệnh nên họ chưa buộc được em tiếp khách. Hôm nay là lần đầu tiên, cũng may là em gặp được thầy Hai đây...

Dự xúc động:

- Tội em quá... thôi thì thế này...

Dự chưa nói hết câu đã bị cô nàng chặn lại:

- Thầy Hai đừng từ chối em! Chẳng thà em mất đời con gái vào tay thầy Hai còn đỡ hơn là với lũ quỷ sàm sỡ ở đây. Được rồi, thầy Hai cứ... làm gì em thì làm. Theo lời họ thì em chỉ cần ưng thuận tiếp khách thôi, mấy lần cũng được, thì coi như món nợ của em sẽ được xóa. Rồi sau đó...

Đoán được ý của cô ta, Dự cầm tay và nói nhanh:

- Cô đừng nghĩ quẩn. Hôm nay tôi sẽ chẳng làm gì hết. Tôi muốn cứu cô ra khỏi đây. Vậy cô nói cho tôi biết, nhà cô nợ họ bao nhiêu tiền?

- Dạ...

Cô ta nhìn Dự như không tin vào lời anh nói. Một lúc sau mới đáp khẽ:

- Hai cây vàng.

Dự buột miệng:

- Sinh mạng một con người chỉ với hai cây vàng ư?

Anh lột ở cổ ra sợi dây chuyền khá to và nặng:

- Tôi không đem theo tiền mặt nhiều, nên cô cứ cầm tạm sợi dây này, nó nặng hai lượng đó. Bằng vàng ròng. Cô gọi bà chủ nhà ra đây, tôi sẽ nói chuyện với bà ta.

Cô gái còn lưỡng lự thì Dự vội nói:

- Mà thôi, để tôi gặp và giải quyết.

Anh đứng lên đi vào trong. Lát sau trở ra, Dự phấn khởi nói:

- Tuy có gặp chút phiền phức do họ xem cô như mỏ vàng để khai thác, nhưng cuối cùng tôi cũng đã thành công. Đây, tờ giấy xóa nợ, đồng nghĩa với sự tự do của cô. Thưa cô Thu Lệ.

Lúc nắm tay dìu nàng ra khỏi nhà hắc điếm đó, Dự nói đùa:

- Từ nay cô chỉ đơn thuần là cô Thu Lệ hay là Lệ Thu thôi, không được mang cái tên Thu Sầu nửa nhé!

Nàng cúi mặt nhẹ mỉm cười. Rồi im lặng suốt đoạn đường đi. Được một quãng khá xa nàng mới giật mình:

- Chết rồi, em quên! Thầy Hai đi với em như vậy rồi lấy chỗ đâu để ngủ?

Dự cười:

- Lo gì. Thế nào cũng tìm ra nơi khác thôi.

Họ đi tới trước một đình làng khá to, bỗng nàng nói:

- Bên cạnh đình có một nhà tư nhân, họ cho khách trọ có chọn lọc. Em nghĩ thầy Hai vào hỏi họ sẽ chịu liền. Đây cũng là nhà quen của em, họ biết rõ nhà cửa, thân thế của em, nên thầy Hai có thể yên tâm cho phép em một mình về nhà cho ba má em mừng. Em hứa sẽ không trốn...

Dự cười phá lên:

- Cô tưởng tôi đi kèm như vậy là để canh giữ cô ư? Lầm rồi cô nương... Thu Sầu! Chẳng qua là tôi sợ bọn kia làm khó cô nương thôi. Còn bây giờ thì cô toàn quyền muốn đi đâu cũng được!

- Nhưng mà... làm sao em... em trả nợ?

Dự lại cười lần nữa:

- Nợ này tôi không cần đòi thì cô lo gì phải trả! Coi như đó là món quà xã giao tôi tặng cô, không được sao?

- Nhưng mà...

- Hay là cô muốn trở lại chỗ lúc nãy?

Cô gái hốt hoảng:

- Dạ không! Không đâu!

Cô ta nắm chặt lấy tay Dự, như sợ anh chàng đem giao mình cho hắc điếm. Dự phải dịu giọng:

- Nói đùa thôi. Bây giờ tôi nghe lời, vào thuê trọ ở đây. Tôi có phải nói là người quen của cô không?

Cô ta vui ra mặt:

- Anh cứ nói là bạn của Thu Lệ khi nào cần nói. Nếu không thì cứ hỏi thuê phòng là đủ rồi. Nơi này là chỗ đàng hoàng, anh không hy vọng tìm được người tâm sự đâu.

Dự nheo mắt:

- Phải cỡ như cô nàng... Thu Sầu này thì mới xứng đáng tâm sự chớ?

Cô nàng dùng dằng một lúc mới từ giã ra đi. Nhưng trước khi đi còn hẹn lại:

- Tối nay em muốn gặp anh được chớ?

- Thì cô cứ tới đây.

Nàng lưỡng lự:

- Em không tiện vào nhà. Sợ người ta hiểu lầm con gái mà tới phòng riêng tìm trai. Hay là, khi nào tới em sẽ đứng bên sân đình làm ba tiếng cú kêu thì anh ra nhé!

Dự gật đầu:

- Được!

Thu Lệ bước đi nhanh và cứ ngoái lại nhìn nhiều lần rồi mới đi hẳn.

Dự miễn cưỡng bước vào hỏi thuê nhà trọ. Sở dĩ anh không phấn khởi lắm là do nghĩ đây chắc là chỗ xoàng xĩnh. Nhưng khi vào và được đồng ý cho thuê, lúc đó Dự mới vô cùng ngạc nhiên bởi sự tươm tất sang trọng của phòng trọ. Hên cho Dự hơn nữa là phòng của anh lại có cửa sổ nhìn qua sân đình.

Trong lòng anh tự dưng thấy nhớ người con gái có hoàn cảnh đáng thương đó, nên suốt buổi đó không tài nào ngủ dược.

Tối hôm ấy Thu Lệ giữ đúng lời hứa, tới đứng đợi ở sân đình. Nàng chưa kịp làm tiếng cú kêu thì Dự đã xuất hiện từ gốc cây đa to. Nàng thắc mắc thì Dự đã thú thật:

- Có lẽ lạ chỗ nên không ngủ được, phải ra đứng ở đây cho mát.

Lúc ấy nàng không e dè như lúc sáng. Trái lại vừa dạn dĩ vừa lanh lợi, đã kéo tay Dự đi vòng ra phía sau đình.

Hai người ngồi ở một góc hơi tối, cô nàng giải thích:

- Ở đây em nhiều người quen nên cần phải cẩn thận.

Cô nàng lấy ra một tờ giấy viết sẵn, đưa cho Dự:

- Đây là tự em làm. Xin thầy Hai nhận cho...

Dự chặn lời:

- Nếu còn gọi là thầy Hai thì tôi không nhận.

Nàng đổi giọng:

- Nếu thầy... à mà... anh. Nếu anh cho phép.

Dự cầm lấy tờ giấy, phải đưa lên sát mắt và nghiêng đầu ra ngoài tán cây để có ánh sáng đọc.

- Cái gì đây?

Dự đọc nhanh và kêu lên khiến Thu Lệ giật mình:

- Anh nói khẽ thôi!

Dự lặp lại:

- Cô... cô... em làm gì vậy?

Giọng nàng sụt sùi:

- Đời em là do anh cứu vớt. Em tự nguyện dâng hiến. Anh cứ nhận lấy và em sẽ ở lại đây chờ cho đến khi nào anh xong công việc trở về. Rất mong anh không chê em...

Tờ giấy mà Dự vừa đọc là tờ "thuận làm vợ" của Thu Lệ tự nguyện xin làm vợ Dự!

Nàng giải thích thêm:

- Nhà em nghèo, mà ơn cứu mạng thì lớn quá, em đâu có gì để đền đáp cho xứng...

Dự nghiêm giọng ngắt lời:

- Em làm như thế hóa ra việc làm của tôi chỉ để vụ lợi hay sao?

Thu Lệ lúng túng:

- Dạ, em không dám... em chỉ nghĩ...

Rồi bất ngờ nàng sụp xuống lạy dài:

- Xin anh đừng hắt hủi em. Đời em bây giờ đâu dám mơ màng gì khác, rất mong được anh đoái hoài.

Đến lượt Dự quýnh lên:

- Kìa, em đừng...

Đỡ nàng dậy, Dự dịu giọng:

- Thôi được rồi, ngồi lên đi.

Nàng riu ríu làm theo và cứ nhìn Dự như chờ một sự ưng thuận. Do dự một lúc, Dự gật đầu:

- Thôi được, nhưng tôi là tên lãng tử, lại không có sự nghiệp gì, chỉ e em sẽ phải hối hận về sau.

Thu Lệ mừng quýnh:

- Vạn lần cám ơn anh.

Dự đùa để phá tan sự căng thẳng:

- Anh là Hoàng Dự. Đến tên... chồng mà còn chưa biết thì sao làm vợ được!

Có lẽ mừng quá nên Thu không còn giữ ý đã ôm chầm lấy anh chàng hôn tới tấp.

Đời lãng tử của Dự đã qua nhiều mối tình, nhưng có lẽ chưa có cảm giác nào lạ thường khi gần gũi người con gái như lúc này. Anh cố kiềm chế nhưng càng lúc đầu óc anh như bị rối loạn, mọi khả năng đề kháng như mất dần...

Đến lúc tự chủ được thì Dự chợt nhận ra là mình đã biến thành kẻ chiếm đoạt! Anh hốt hoảng:

- Anh... anh không định...

Giọng nàng hờn dỗi:

- Thì ra anh vẫn xem thường. Vẫn chê em...

Dự lại phải đóng nốt vai trò...

Ánh trăng khuya vằng vặc thật đẹp khiến cho sự chờ đợi của Dự đỡ phải nhàm chán, mặc dù anh đã đợi đến hơn hai canh giờ. Nàng hẹn tới lúc hơn chín giờ, vậy mà giờ đây đã hơn mười một giờ khuya. Hẹn hò nhau đã bốn lần nhưng chưa khi nào Thu Lệ trễ hẹn. Vậy mà bữa nay như thế này là chắc chắn đã xảy ra chuyện gì rồi. Dự ngước nhìn lên bầu trời đêm. Đã bắt đầu có những cụm mây đen kéo đến, bắt đầu che khuất nửa vầng trăng, báo hiệu một cơn mưa lớn sẽ đến.

Vừa nản vừa lo, Dự lững thững bước về phòng trọ. Từ phía sau đình làng bước về nhà trọ chỉ chưa đầy vài trăm bước chân, vậy mà Dự phải đi khá lâu mới tới, bởi bước chân nặng nề, thất thểu...

Vừa về đến nơi thì nghe bà chủ nhà trọ nói chuyện với ai đó về một vụ cháy nhà. Người kia bảo:

- Cái hắc điếm đó bị như vậy là phải, đáng đời! Đúng ra hồi xưa nó phải bị thiêu hủy luôn mới phải.

Bà chủ trọ tỏ ra rành chuyện, bà thở dài nói:

- Nói thế cũng đúng, nhưng chuyện về cái quán đó thì không đơn giản như vậy. Hôm nay xảy ra vụ cháy là báo hiệu điều chẳng lành.

Người nọ ngạc nhiên hỏi lại:

- Sao bà nói vậy? Hay là Phượng Quán có hiềm khích gì với bà chăng?

Bà chủ quán lại thở dài:

- Trái lại, tôi buồn cho nó.

- Ai?

- Con Thu Lệ, cô nhớ con nhỏ đó không?

Người phụ nữ kia gật đầu:

- Nhớ chớ, con nhỏ đẹp người, con của ông giáo Sanh.

- Nó là cháu tôi.

Người nọ hình như muốn hỏi nữa nhưng bà chủ trọ như muốn né tránh nên bỏ đi vào trong.

Dự nãy giờ đã vô tình nghe chuyện, anh chờ cho chủ trọ vào rồi mới dò hỏi:

- Bà nói cô Thu Lệ là cháu?

Nhìn Dự, bà chủ trọ ngạc nhiên:

- Cậu nói gì?

- Tôi nói Phượng Quán.

- Cậu tới đó lúc nào!

- Tôi vừa tới ngày hôm qua.

Bà ta trợn mắt nhìn Dự:

- Ghé đó làm gì?

Dự ngỡ bà ta tâm trí không bình thường:

- Thì ghé để... vui vẻ chớ làm gì! Các bà hầu như giống nhau cả, luôn nghĩ đàn ông ghé quán nhậu là xấu.

Bà ta lắc đầu nói:

- Tôi không can cớ gì mà bình phẩm câu chuyện đó. Tôi chỉ muốn hỏi cậu có bình thường không mà ghé một nơi chỉ dành cho... ăn mày và lũ chó hoang trú chân đó!

Bị xúc phạm, Dự nghiêm giọng:

- Bà nên tôn trọng người khác một chút!

Có lẽ biết mình quá lời, nên bà chủ trọ dịu giọng lại:

- Tôi xin lỗi cậu. Chẳng qua tôi muốn nói, chỗ gọi là Phượng Quán ngày nay nó chỉ là một cái nhà hoang, sau trận cháy cách đây mấy năm. Do là nhà hoang nên đâu có ai ở...

Dự lại càng có lý khi cho rằng bà ta không bình thường:

- Mặc dù tôi là người phương xa tới, nhưng tôi cũng có thể nói, chính bà mới chẳng biết gì về Phượng Quán. Có nghĩa là, bà đã hàm hồ khi nói rằng nơi đó là khu nhà hoang. Tôi hỏi bà, nếu là nhà hoang thì sao có Thu Lệ cháu bà lại ở đó. Chính cô ấy là người đã dẫn tôi từ đó tới đây để thuê chỗ trọ của bà?

Bà chủ trọ nhìn Dự như con quái vật:

- Cậu có bị... ấm đầu không vậy? Hay cậu mê ngủ?

Họ sắp xảy ra cuộc cãi vã, nếu không có người giúp việc vào gọi bà chủ đi đâu đó. Bà ta chạy đi rất nhanh.

Còn lại một mình, Dự cứ thắc mắc hoài việc vừa rồi.

- Phượng Quán bị cháy?

Tự dưng như có động cơ nào đó thúc đẩy, khiến Dự cũng vùng chạy ra, anh vừa chạy vừa lẩm bẩm:

- Thu Lệ... phải chăng...?

Khi chạy tới nơi thì anh gặp cả bà chủ nhà trọ ở đó.

Bà ta ngạc nhiên khi thấy Dự:

- Cậu cũng biết chỗ này?

Dự không đáp, anh chỉ quan tâm tới khung cảnh hoang tàn trước mặt. Anh ngờ ngợ, bởi nơi chốn thì giống lúc quán chưa cháy, nhưng chung quanh thì toàn cây cỏ mọc um tùm chẳng khác một bãi tha ma!

Chợt có ai đó cũng dừng lại và nói:

- Mấy hôm rồi đi ngang tôi thấy lạ lắm, trong ngôi nhà hoang này như có ai nhóm lửa leo lét như... đèn ma!

Một người nữa cũng vừa chạy trờ tới, nói thêm:

- Thì ma chớ còn gì nữa! Mấy bà quên rằng cái nhà hoang của Phượng Quán từ lâu đã có ma sao?

Lúc ấy Dự mới lên tiếng:

- Quý bà nói nơi này là bãi đất hoang sao? Nếu tôi nói mới mấy hôm trước tôi đã ghé đây uống rượu thì tôi và các bà ai đúng?

Cả ba người đàn bà đều quay lại nhìn Dự bằng tất cả sự ngạc nhiên. Bà chủ nhà trọ hỏi lại:

- Cậu vừa nói gì?

Dự nói thẳng:

- Chính tôi đã cứu cháu gái bà, cô Thu Lệ ra khỏi đây!

Người đàn bà đang ngồi trên yên xe đạp đã vội nhảy xuống, hấp tấp suýt ngã, bà ta lắp bắp:

- Thu... Thu Lệ, con ông giáo Sanh? Trời đất ơi, con nhỏ đã chết mấy năm rồi!

Dự như bị điện giật:

- Bà nói điên gì vậy?

Người đó chỉ vào mặt Dự nói lớn:

- Thằng cha này điên rồi!

Bà ta lại hấp tấp leo lên xe, chạy như bị ma đuổi! Vài người nữa cũng theo bà ta đi luôn, như sợ đứng gần Dự...

Chỉ còn bà chủ trọ. Bà hỏi lại Dự:

- Cậu nói thật chớ?

Dự vừa bực bội vừa thắc mắc, nên đáp nhát gừng:

- Tin hay không tùy bà!

Anh nói xong thì bước thẳng vào chỗ nền nhà bị cháy. Dẫu mọi thứ đều cháy thành than, tuy nhiên cái hồ nước có bậc thềm đá và những băng ghế đá gần chỗ Thu Lệ ngồi khóc bữa trước vẫn còn đó. Dự lẩm bẩm:

- Đúng là Phượng Quán rồi!

Bà chủ trọ bước theo, lúc này giọng bà dịu hơn:

- Nghe cậu nói chắc có điều gì uẩn khúc đây. Tôi cũng không tranh luận với cậu nữa. Chỉ muốn nói cho cậu rõ, nơi đây đúng là Phượng Quán, nhưng đã cách đây hơn ba năm rồi. Hồi xưa nó là chốn hắc điếm nổi tiếng của địa phương này đã từng bị lên án, chỉ trích dữ dội, nhưng nó vẫn tồn tại ngót năm, sáu năm. Cho đến một hôm nó bị cháy bất ngờ và hầu như bốn người còn lại trong quán đều bị thiêu cháy cả. Trong số ấy có cả cháu gái tôi, Con Thu Lệ!

Những lời của bà ta kể thoạt đầu thì Dự lắng nghe, cho đến khi có tên Thu Lệ thì anh bàng hoàng:

- Bà nói Thu Lệ đã... đã chết? Tôi không tin.

Anh lớn tiếng đến nỗi bà chủ trọ phải ngạc nhiên. Bà định nói nữa, nhưng lúc đó bỗng Dự nhìn xuống đất và kêu khẽ:

- Cái gì đây?

Anh nhìn thấy một mảnh kim loại màu vàng bị nung chảy. Tuy chảy nhưng vẫn còn hình dáng vòng cổ. Cầm lên, anh một lần nữa kêu khẽ:

- Đúng là nó rồi!

Anh nói ngay để tránh bị hiểu lầm:

- Tôi đã bỏ ra hai cây vàng này để chuộc cho cô Thu Lệ ra khỏi Phượng Quán. Sao bây giờ nó lại ở đây? Bà chủ nhà trọ còn ngờ ngợ câu chuyện, cho đến khi nghe Dự kể hết đầu đuôi. Nghe xong, bà thở dài:

- Như vậy là cậu gặp phải ma rồi.

Dự vẫn không tin:

- Không thể nào như thế. Tối hôm qua tôi còn hẹn hò với Thu Lệ ở vườn sau đình làng. Cô ấy còn hẹn tối nay dẫn tôi tới nhà gặp cha mẹ.

Bà chủ trọ thở dài:

- Làm sao có chuyện đó khi cha mẹ nó cũng đã mất hồi năm ngoái. Anh giáo Sanh là anh ruột tôi, kể từ khi con gái duy nhất bị bức tử thì buồn rầu, sinh bệnh rồi trước sau vợ chồng đều chết.

Dự ngạc nhiên:

- Bức tử? Ai bị bức tử?

- Thì con Thu Lệ chớ còn ai?

Dự quên cả giữ lễ, anh chụp tay và lay mạnh bà ta:

- Bà kể nhanh cho tôi nghe coi!

Bà chủ trọ vừa khóc vừa kể:

- Năm đó anh tôi làm ăn bị thua lỗ nặng, do người ta giật hụi nên nợ nần lung tung. Trong số chủ nợ có con mẹ chủ Phượng Quán. Tuy số nợ của nó chỉ có hai cây vàng, nhưng vốn quen thói côn đồ, lại sẵn làm nghề chủ chứa nên nó toa rập với lũ đàn em tấn công nhà anh tôi, buộc phải trả ngay tiền nếu không thì phải đưa con gái thế nợ! Dĩ nhiên là anh chị tôi không chịu, vì vậy đã bị đàn em con mụ đó đánh đập dã man, rồi sau đó còn bắt con Thu Lệ đi, nhốt trong nhà chứa. Chẳng hiểu chúng ép uổng thế nào mà vào một đêm kia con nhỏ đã tự tử! Theo một người làm công tốt bụng thoát được trong vụ cháy thuật lại...

Dự chặn lời:

- Thu Lệ tử tự bằng cách nào và vụ cháy nhà có liên quan gì?

- Thu Lệ cắn lưỡi tự tử. Nhưng trước khi chết nó còn kịp đổ thùng xăng ra và châm lửa đốt. Theo nó thì để tiêu diệt hậu họa cho mọi người. Con mụ chủ Phượng Quán cùng chết với Thu Lệ trong vụ ấy.

Dự lẩm bẩm:

- Thế tại sao mình thấy lại y như cảnh trước kia?

Bà chủ trọ tiếp:

- Sau vụ đó ít lâu thì có vài lần các anh chàng hảo ngọt bị lạc vào chốn đó như cũ. Người ta đồn đó là do hồn ma mụ chủ quán đã hiện ra và dẫn dụ khách để sát hại.

Dự không đồng tình:

- Nhưng tôi đâu có bị hại gì.

Bà chủ trọ sành chuyện:

- Đó là do cậu có tính khác những người đi mua hoa kia. Cậu không tính chuyện mua hoa, mà chỉ có ý cứu người. Hành động đó của cậu đã khiến cậu thoát khỏi tai họa!

- Vậy ra Thu Lệ đã cứu tôi?

- Có lẽ là vậy.

Bà kể xong thì gọi Dự:

- Cậu về nhà đi, sẽ thấy lời nói của tôi không sai.

Theo chân bà về nhà, Dự đang định trở vào phòng thì bà nói:

- Cậu theo tôi lên lầu, tôi cho cậu xem cái này.

Vừa bước lên lầu trên, chỗ khu vực nhà riêng của chủ trọ, Dự nhìn thấy một tủ thờ lớn, một tủ thờ nhỏ. Trên tủ thờ nhỏ có dựng ảnh chân dung của Thu Lệ. Bà chủ trọ chỉ và nói:

- Kia là bàn thờ cha mẹ nó, còn bên cạnh là của Thu Lệ. Do nhà nó bây giờ không còn ai, nên tôi đưa về đây thờ chung.

Trong lúc Dự lặng người đi thì bà lại nói tiếp:

- Đưa cậu tới đây là con Lệ muốn qua tôi kể cho cậu nghe về thân thế của nó. Hồn phách của nó bây giờ là ma, nhưng con nhỏ không như các oan hồn khác, nó không biết hại người. Tội nghiệp lắm...

Dự rơi nước mắt. Đây là lần đầu tiên anh biết khóc thương cho một người con gái. Mọi chuyện đã rõ ràng rồi, đang đứng trước bàn thờ nàng, vậy mà Dự vẫn còn chưa muốn tin. Anh thầm khấn:

- Em có linh thiêng thì hãy theo anh.

Lời anh chưa dứt thì đột nhiên nghe ở cổ nhột nhột...

Anh đưa tay lên sờ thì quá đỗi ngạc nhiên khi sợi dây chuyền vẫn còn như cũ!

- Thu Lệ!

Anh đưa cho bà chủ trọ xem:

- Bà xem, miếng vàng chảy ra lúc nãy giờ lại... nguyên đây rồi!

- Thu Lệ, con sống khôn thác thiêng...

Bà khấn liền mấy tiếng vừa nhanh nhẩu đốt nhang cắm lên cả hai bàn thờ. Rồi bà nói thêm:

- Tôi nằm mơ mấy lần thấy vong linh con Thu Lệ về báo rằng, khi nào chỗ nền nhà Phượng Quán cũ bị cháy lần nữa là lúc hồn phách nó được giải thoát. Nó sẽ được yên thân.

Dự quyết định ở lại đó lập nghiệp. Đầu tiên anh nhờ bà chủ trọ hỏi giúp để xin nhượng lại khu đất nền Phượng Quán.

Xã ấp ở đó cũng sợ để đất hoang lại xảy ra chuyện ma quỷ, tệ nạn, nên nhanh chóng đồng ý giao cho Dự mà không đòi hỏi tiền nong gì. Nhờ thế, với số tiền không lớn lắm, Dự đã dựng được trên nền cũ một ngôi nhà rộng khang trang. Anh biến nơi đó thành nhà trọ bình dân, giá rẻ để đón tiếp những người lỡ độ đường, cơ nhỡ...

Thiên hạ đều ngạc nhiên về tài tháo vát và quán xuyến mọi việc một cách trôi chảy. Ai thắc mắc hỏi làm sao là đàn ông mà anh lại lo công việc nhà cửa, bếp núc một cách chu đáo hiệu quả như vậv thì Dự chỉ cười mà không nói...

Chỉ có về đêm, và chỉ mình Dự biết: Có một cô gái hiện diện trong nhà với Dự. Đến khi trời gần sáng thì biến mất... Thu Lệ ư?

Mục lục
Ngày đăng: 27/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục