Gửi bài:

Phần IV - Hóa giải hận thù

Tìm kiếm đến chồn chân mà vẫn chẳng thấy Xuân Lan đâu, Văn chán nản quay về phòng trọ. Chị chủ nhà chỉ căn phòng của Lan và bảo:

- Nếu còn ở lại thì anh cứ ở trong phòng cô ấy, chờ xem có thể chiều hoặc mai gì đó cô ấy sẽ trở lại.

Thật tình thì Văn vẫn muốn lưu lại đây thêm, bởi những gì quanh Ngọc Mai anh vẫn còn quá mù mờ.

Nhất là chuyện của con bé Ngà đang làm cho Văn hối hận, đau khổ... Do đó, tối hôm ấy Văn ngủ lại phòng của Xuân Lan.

Lúc ở trong phòng anh mới phát hiện cô ta còn bỏ lại túi xách quần áo. Ban đầu Văn không có ý định lục lọi gì trong đó, nhưng lúc nửa đêm thì bỗng trong đầu anh lóe lên một ý nghĩ lạ, anh lẩm bẩm:

- Có thể nào chính là cô ấy chăng?

Văn đang liên tưởng Xuân Lan chính là... Ngọc Mai! Bởi những gì đã xảy ra có khả năng là như vậy. Văn bật dậy và nhẹ nhàng mở chiếc túi vải ra. Bên trong chỉ có vài bộ quần áo của Xuân Lan và bé Ngọc Ngà. Nhưng điều làm cho Văn chú ý là còn có một bức ảnh mà vừa nhìn vào Văn biết ngay đó là bức ảnh mà anh đã nhìn thấy trong ngôi nhà lúc sáng, ảnh của Ngọc Mai và gia đình. Có đủ mặt, từ Ngọc Mai, bà mẹ và một người đàn ông đứng bên cạnh bà Thảnh. Điều này cũng lạ, bởi khi cưới Mai thì Văn đã biết là cô ấy mồ côi cha từ khá lâu, mà bức ảnh này có lẽ chụp cách khi Mai chết không lâu lắm?

Lật ra phía sau bức ảnh còn có dòng chữ: sinh Ô Môn, tử về Giang Thành!

- Giang Thành!

Văn được biết Giang Thành là tên gọi khác của Hà Tiên! Anh giật mình:

- Thì ra là vậy?

Nhìn đồng hồ tay thấy mới hai giờ sáng, nhưng Văn đã thay đồ, xách theo túi xách của Xuân Lan và trả phòng. Chị chủ nhà trọ ngạc nhiên:

- Giờ này mà cậu đi đâu?

- Tôi có việc phải đi gấp, nếu cô Xuân Lan có trở lại chị làm ơn nói là tôi đi tìm cô ấy ở Giang Thành.

Văn đi ngay giờ ấy và cũng may là có chuyến xe đò chạy tuyến Cần thơ đi Hà Tiên qua đó khá sớm. Nhờ vậy, Văn tới nơi vào giữa trưa hôm ấy.

Sự trở lại của Văn làm cho cho khách sạn Giang Thành ngạc nhiên:

- Ủa, tưởng cậu đã về Sài Gòn rồi, sao giờ này còn ở đây?

Văn hỏi liền:

- Chị có thấy cô gái và đứa con hôm trước trở lại đây hay không?

- Có. Nhưng chỉ ghé đây dặn trước phòng để mai quay về ở rồi đi ngay.

Văn thất vọng:

- Lỡ cả rồi!

Nghe vậy, người chủ khách sạn hỏi:

- Cậu muốn gặp cô ấy lắm sao?

- Dạ cần lắm. Nhất là tôi muốn biết xem đứa bé con của cô ấy tình trạng sức khỏe ra sao rồi?

- Cháu bé còn bệnh, sốt mê man nhưng có vẻ không sao, nên cô ấy mới quyết định về thăm mộ cha, trước khi trở lại đưa cháu bé đi trị bệnh.

Văn hốt hoảng:

- Sao lại làm vậy, tính mạng đứa nhỏ quan trọng hơn chứ.

Anh vội đi ngay. Người chủ khách sạn hỏi:

- Cậu tính đi đâu? Sao không ở lại đây đợi, thế nào cô ấy cũng trở lại mà.

Văn sốt ruột:

- Tôi muốn tìm gặp đứa bé ngay, nó đang trong tình trạng nguy hiểm, có thể tử vong chứ không phải chỉ bệnh nặng đâu.

Nghe vậy, ông chủ khách sạn sau một lúc suy nghĩ, chợt nhớ ra:

- Hôm trước ở đây cô ấy có nói là dòng họ mình có khu từ đường trên đường lên Thạch Động. Có thể bây giờ cô ấy đang ở đó cũng nên!

Đưa cho Văn chiếc xe đạp, ông bảo:

- Đây lên chỗ đó hơi xa. Mà ngoài đi bộ và xe đạp ra không có phương tiện gì khác, vậy cậu cứ lấy chiếc xe đạp này đi cho tiện. Cậu biết đường lên Thạch Động?

Ông chỉ đường cặn kẽ cho Văn và còn dặn:

- Nếu cần đưa cháu bé đi bệnh viện Rạch Giá thì tôi có chiếc xe hơi, sẽ giúp đưa cháu đi.

Văn đạp xe theo đường đã được hướng dẫn và không khó đã tìm ra khu đất từ đường duy nhất trên đoạn đường đó. Khi hỏi một người đánh xe bò đi qua, Văn được ông ta cho biết khá rành rẽ:

- Đây là đất của ông Hương Chủ Mạnh, đã có thời là một trong những người giàu nhất xứ này. Ông ấy mới chết cách nay chưa lâu và hiện được chôn cùng bà vợ trẻ hơn ông cả chục tuổi.

Chưa biết chắc có phải nơi mình cần tìm không, nhưng Văn cũng bước vào trong khuôn viên khu từ đường. Có hai ngôi mộ xây khá bề thế nằm giữa khu vườn rộng, và trên mộ bia một trong hai ngôi mộ có dòng chữ phần mộ Trần Thị Thảnh đã đập vào mắt Văn tức thời. Anh bước lại gần và còn nhìn rõ ảnh chân dung của người chết nữa:

- Bà ấy đây rồi!

Đây là mộ của bà Thảnh, mẹ của Ngọc Mai! Bên cạnh là mộ của người đàn ông tên Phan Văn Hoài, với ảnh chân dung mà vừa nhìn Văn nhận ra ngay, đó là người đàn ông trong bức ảnh nằm trong túi xách của Xuân Lan.

- Thì ra...

Vừa khi ấy có tiếng cất lên từ phía sau:

- Không cách nào thoát được anh!

Văn quay lại và kêu lên:

- Xuân Lan!

Thấy cô chỉ có một mình, Văn hỏi ngay:

- Con bé đâu?

Xuân Lan đáp, giọng cực kỳ buồn thảm:

- Chết rồi!

Cô chỉ tay vào một ngôi nhà nhỏ dưới tàn cây gần đó Văn chạy nhanh vào và đứng khựng lại trước xác của Ngọc Ngà nằm trên chiếc giường cũ.

- Nó đã chết từ lúc ở bên Ô Môn, nhưng em cố đưa nó về đây để hy vọng bà ngoại nó cứu được. Nào ngờ họ là những người quá vô cảm, nhẫn tâm nhìn cháu ruột của mình chết!

- Cô nói họ là ai?

- Dì tôi, bà Thảnh!

- Nhưng tại sao phải là bà ấy mới cứu được bé Ngà?

Có lẽ định không nói, nhưng rồi Xuân Lan không kiềm chế được, đã thốt ra:

- Vì nó mà bà ngoại nó, người lúc nào cũng thúc ép mẹ nó làm chuyện báo thù? Chính vì muốn báo thù mà mẹ nó đã nghe bà ngoại, tìm cách giết hại anh, trong lúc bé Ngà thì lại bênh vực cho anh, nó muốn cứu anh nên đã lao vào người mẹ nó và đã chết từ tay mẹ nó!

Văn ngơ ngác:

- Cô nói gì vậy, ai là mẹ của bé Ngà?

- Ngọc Mai!

Câu trả lời của Xuân Lan khiến Văn bàng hoàng:

- Con của Ngọc Mai, có nghĩa là...

- Chính nó là giọt máu của anh đó!

- Trời ơi!

Trong lúc Văn ngồi xuống bế con lên tay thì Xuân Lan đều giọng kể:

- Khi Ngọc Mai chết thì đã có thai trên hai tháng. Người chết oan lại mang thai thì sau khi chết phải sinh con trả lại cho đời, bởi đứa bé chưa tới số. Em vốn là con riêng của ba, trước khi ba chắp nối với dì Thảnh. Một hôm khi đang ngủ, em giật mình tỉnh giấc bởi có ai đó đặt bên cạnh mình một đứa trẻ sơ sinh. Em hoảng quá thì lúc ấy bà Thảnh đã hiện về báo cho biết đó chính là con của Ngọc Mai, bắt em phải nuôi và coi như con, không được kể lại chuyện ấy với ai. Không phải em sợ bị hồn ma giết hại, mà vì em thương đứa bé tội nghiệp này, nên em đã chấp nhận nuôi nó và coi như con mình. Vậy mà cách đây vài tuần, bà ta lại không để cho em và con bé được yên, khi buộc em phải tìm cách gặp anh để trả thù giúp Ngọc Mai!

Văn giật mình:

- Vậy em không phải là... hồn ma của Ngọc Mai sao?

- Em là nạn nhân cũng như anh thôi! Việc anh không chọn khu nghỉ mát nào khác mà chọn Mũi Nai cũng là do xui khiến của hồn ma của bà Thảnh và Ngọc Mai. Họ xui anh tới đây để em ra tay.

Văn chặn lời:

- Nhưng tại sao Ngọc Mai không trực tiếp ra tay, cô ấy là một hồn ma mà?

Chỉ vào bé Ngà, Xuân Lan nói:

- Cũng bởi con bé này. Chẳng hiểu sao dẫu chưa một lần biết mặt anh, nhưng lúc nào nó cũng bênh vực, che chở cho anh. Chính nó là vật cản đã khiến cho dì Thảnh và Ngọc Mai không ra tay được. Họ lại càng hận anh lắm, anh biết không!

Văn thở dài:

- Tôi biết và nỗi ăn năn lâu nay đã gặm nhấm lòng tôi khôn nguôi. Tôi không ân hận gì nếu bị họ giết chết!

Xuân Lan nghiêm giọng:

- Không được, anh phải sống vì con anh chứ!

- Nhưng...

Văn muốn nói thật đứa bé không phải là dòng máu của mình, nhưng kịp nghĩ lại, anh lảng sang hướng khác:

- Tôi ngạc nhiên không hiểu sao hai mẹ con họ lại không chôn chung một nơi ở Ô Môn mà hai người hai nơi như thế này?

Lan thở dài:

- Cũng do ba em. Ông ấy và Ngọc Mai không thuận với nhau lúc còn sống, đến khi chết họ cũng thề không nằm gần nhau. Ba em có một lời nguyền khi nhắm mắt, không ngờ lời nguyền đó đã linh ứng sau này, và cũng bởi vì lời nguyền nên Ngọc Mai không thể tự tiện tới vùng đất này để ra tay hại anh. Đây nè, em cho anh coi lời nguyền...

Xuân Lan đi vào góc nhà tìm một lúc, rồi lo lắng nói:

- Em bỏ quên cái túi xách ở đâu mất rồi, trong túi có vật ấy...

Văn đưa chiếc túi vải đang cầm trên tay ra:

- Phải cái này không?

Xuân Lan mừng rỡ:

- Đúng rồi!

Cô cầm lấy tấm ảnh chụp chung ra, chỉ tay vào người đàn ông trong ảnh.

- Đây là ba em. Lúc tấm hình này chụp thì không có ông, bởi ông đã chết trước đó mấy năm rồi. Nhưng khi biết mẹ con bà Thảnh muốn dùng em để hại người, đó là hại anh, thì ông đã linh ứng, đưa hình ông ghép vào trong này, để ngăn chặn không cho họ làm hại em nếu sau này em bị họ ép đến đường cùng. Anh có thấy dòng chữ viết phía sau ảnh này không? Sinh Ô Môn, tử Giang Thành! Đó chính là lời nguyền của ba, ý ông muốn nói là bà Thảnh sinh ra ở Ô Môn, nhưng khi chết thì chôn ở Hà Tiên này. Mà có như vậy thì sinh mạng em sẽ không sao, bởi khi bà ấy nằm ở đây thì còn có ba em, sẽ không để làm hại em được! Chính vì vậy mà em mới giữ bé Ngà ở đây để nuôi, cho nó được yên ổn. Vậy mà chỉ vì muốn ngăn chặn không cho họ hại anh, để rồi con bé phải mạng vong như thế này. Tội cho nó...

Nghe kể chuyện, Văn sững sờ, anh gào lên:

- Có muốn giết thì cứ giết tôi, cớ sao lại hại con bé mới ngần này tuổi!

Văn ôm con bé và chạy thẳng ra chỗ hai ngôi mộ rồi bằng một động tác bất ngờ, anh lao đầu vào mộ bia của bà Thảnh. Sức lao khá mạnh, nếu trúng vào thì có thể vỡ đầu. Đó là một hành động tự sát mà chính Văn cũng chẳng hiểu tại sao mình làm vậy!

Xuân Lan chạy ra sau, cô vừa kịp nhìn thấy đã la lên:

- Đừng! Anh đừng...

Tuy nhiên, khi đầu của Văn va vào thành mộ bia thì như có một cái đệm êm ái đỡ lấy, khiến anh chỉ bị ngã mà không bị thương tích gì. Vừa khi ấy, Văn chợt nghe có tiếng thì thào:

- Con không sao, ba ơi!

Văn bật ngay dậy và mừng như bắt được vàng:

- Ngọc Ngà, con còn sống sao?

Con bé Ngà ôm chầm lấy Văn như nó vẫn thường làm, hơi ấm từ người nó làm cho Văn nhẹ hẳn đi, anh nói và khóc:

- Cứ tưởng con bỏ ba rồi...

Xuân Lan chạy tới, cô mừng không kém:

- Mẹ cứ tưởng con không thương mẹ nữa chứ!

Không hẹn mà cả Văn và Xuân Lan đều ôm chầm lấy bé Ngà, chẳng khác gì cặp vợ chồng đang âu yếm đứa con cưng! Và họ giữ như vậy khá lâu...

Chẳng hiểu có sợi dây vô tình nào đó đã cột chặt họ lại với nhau, nên sau phút bất chợt đó, họ đã nhìn nhau với ánh mắt đầy cảm thông, trìu mến. Rồi Xuân Lan lên tiếng:

- Vừa rồi vong hồn của ba đã đỡ cho anh không va đầu vào mộ bia đó! Ba không muốn anh chết, bởi trên đời này còn có đứa con gái bé bỏng của ba đang bơ vơ!

Văn bất chợt siết chặt tay nàng, nói khẽ vừa đủ cho nhau nghe:

- Em sẽ không bơ vơ nữa...

Con bé Ngà vội chen vào:

- Còn bỏ con cho ai?

Văn siết chặt nó vào lòng:

- Có ba, mẹ đây chi!

Họ tràn ngập trong niềm hạnh phúc tuy bất ngờ, nhưng đó là điều tất yếu...

***

Văn cứ sợ bé Ngà không thể sống lâu, bởi người ta nói thường những đứa bé nửa âm nửa dương như Ngà thì chỉ thọ được cao lắm là tới mười tuổi. Vậy mà đã mười bốn năm trôi qua, bây giờ Ngọc Ngà đã đến tuổi mười bảy, mà chẳng có dấu hiệu gì cho thấy cô bé yểu mệnh Văn vừa mừng vừa lo, anh bàn với vợ:

- Anh nghe người ta nói, nếu Ngà vừa qua tuổi mười bảy, bước sang tuổi mười tám mà vẫn chưa có gì xảy ra thì phải làm lễ cúng thật lớn để rửa vong cho nó! Vậy chúng ta nên chuẩn bị là vừa, bởi chỉ còn chưa đầy mười ngày nữa là Ngà qua tuổi mười tám!

Xuân Lan kề sát vào chồng, thì thầm:

- Em đã lo cả rồi, mà anh cũng yên tâm, mấy đêm liền ba đều hiện về báo cho em biết rằng cái vận yểu mệnh của dòng họ chị Ngọc Mai đã qua và bé Ngà cũng chính thức được tồn tại trên cõi trần này rồi.

Lúc ấy Ngọc Ngà vừa từ dưới bếp bước lên, thấy cha mẹ bàn bạc, cô nói:

- Bữa nay con đãi ba má món cá trê chiên chấm nước mắm gừng, món ruột của hai ông bà!

Văn nhẹ cười với con gái:

- Chỉ sợ quả bom nổ chậm này không còn bao lâu nữa để cho tôi với má nó hưởng cái thú ăn ngon này nữa đây! Con gái là con nhà người ta mà.

Ngọc Nga giãy nảy:

- Không, con không lấy chồng đâu, con ở mãi với ba má thôi.

Và cũng như hồi nhỏ, Ngà vẫn còn thói quen cứ sà vào lòng cha mà giữ chặt:

- Con không bao giờ rời xa ba má!

- Con khỉ, nói phải giữ lời đó nghen!

Không ai lột da mà sống mãi, nhưng có lẽ hạnh phúc mà họ đang được hưởng là bất tận...

Mục lục
Ngày đăng: 26/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục