Gửi bài:

Người vợ hóa khỉ - Chương 1

Năm 1936...

Thời ấy con đường nhựa từ Rạch Giá về Hà Tiên vừa mới làm xong. Tuy đường mới, nhưng lưu lượng xe cộ rất ít, bởi tuy không còn đi trên đường mòn gập ghềnh nữa, nhưng dân bản xưa làm gì có phương tiện để lưu thông, ngoại trừ những chiếc xe bò lăn bánh như rùa và một ít xe đạp của các công chức chạy cà rịch cà tang... Còn xe hơi thì mỗi ngày chưa quá trăm chiếc đi lại, chủ yếu là của các quan chức ở hai tỉnh Rạch Giá, Hà Tiên.

Bởi vậy hôm đó khi thấy có chiếc xe màu đen bóng loáng dừng lại ở đầu cầu ngã ba Hòn thì cả chục người quanh đó bâu lại xem. Đám con nít thì chỉ trỏ lấy làm thích thú, còn người lớn thì hết trầm trồ xe lại xuýt xoa người ngồi trên xe! Mà họ xuýt xoa cũng phải, bởi ngồi trên xe ở băng sau là một cô gái đẹp đến nỗi mấy chàng trai nông dân đứng xem hỏi nhau:

- Có phải đó là người hay búp bê vậy?

- Người chứ búp bê gì! Không thấy nàng ta ngả đầu vào cái lão bên cạnh rồi cười nói đó sao...

Xe dừng lại do tài xế phát hiện có khói bốc lên từ đầu xe. Anh ta bước xuống coi rồi thưa với chủ:

- Thưa ngài, xe cạn nước. Sáng nay em mới đổ nước mà chẳng hiểu sao...

Người ngồi phía sau là chủ xe, vừa là chủ nhân công việc của tài xế Sang, người ta gọi ông ta là cò mi Thuận, một quan chức có cỡ của Rạch Giá. Bực mình vì xe phải dừng lại giữa đường để thiên hạ dòm ngó, ông ta càu nhàu:

- Dặn mày nhiều lần rồi mà không để ý gì hết, xe cộ mới mà như xe cũ...

Tài xế Sang muốn giải thích thêm, nhưng biết có nói thêm thì càng bị rầy nhiều hơn thôi, nên đành lặng thinh, xách xô đi múc nước. Khi bình nước giải nhiệt được đổ đầy, lúc đó Sang mới phát hiện có một lỗ rò bên hông bình, anh trình với chủ:

- Thưa ngài, bình nước bị thủng một lỗ nên nước mau hết ạ.

Cò mi Thuận cau mày:

- Vậy có chạy được nữa không?

- Dạ được nhưng lâu lâu phải ngừng để châm thêm nước.

- Được rồi, đi cho nhanh kẻo trễ giờ.

Xe chạy đi rồi mà mấy thanh niên đứng bên đường còn ngẩn ngơ. Có anh chàng còn chép miệng:

- Có vợ đẹp như vậy có chết cũng sướng...

Một chàng khác lại nói:

- Có con vợ như tiên đó chắc là phải đội nó trên đầu suốt ngày quá! Bởi đặt nó xuống cái chõng tre của mày nó đâu có chịu!

Họ cùng phá ra cười, trong lúc chiếc xe hơi mất dần trong đám bụi đường...

Xe chạy tới gần Vàm Rầy thì lại bốc khói lần nữa. Sang cho xe chạy chậm lại rồi càu nhàu:

- Lại hết nước!

Cò mi Thuận rất bực mình, nhưng biết đây là khuyết tật của xe chứ không phải lỗi ở tài xế, cho nên ông chỉ nhẹ lắc đầu rồi ngồi im, trong lúc Sang chạy đi tìm nước. Lát sau, anh ta trở lại xe vẻ thất vọng:

- Ở đây toàn nước mặn, không làm sao có nước ngọt đổ vào xe, để em đi tìm.

Anh lại xách xô đi xa hơn xóm nhà đó. Phải mất khá lâu, Sang mới xin được nước xách về. Tuy nhiên, sau khi đổ thêm nước thì xe lại giở chứng, không chịu nổ máy. Sang là người có kinh nghiệm về máy móc mà cũng chịu thua, không hiểu được tại sao lại xảy ra trục trặc này. Anh ta loay hoay hơn một tiếng mà vẫn chưa làm cho máy nổ lại được, trời đang tối dần...

Cò mi Thuận đã sốt ruột thấy rõ, anh ta phải tính chuyện quá giang xe về Hà Tiên trước. Nhưng đón hơn một giờ vẫn chẳng có chiếc xe nào chạy qua.

Người phụ nữ ngồi cạnh từ sớm đến giờ vẫn im lặng, nhưng giờ cũng phải lo lắng:

- Như vậy liệu chúng ta có phải ngủ giữa đường không?

Cò mi Thuận phải trấn an:

- Không sao đâu em. Chúng ta sẽ kịp về Hà Tiên để dự buổi tiếp tân của ngài tỉnh trưởng mà. Đừng lo, Mỹ Tiên.

Cô gái tên Mỹ Tiên nhìn đồng hồ tay rồi giãy nảy lên:

- Bây giờ là bảy giờ rồi, tới giờ buổi tiếp tân khai mạc rồi mà ta còn ở đây thì làm sao không lo! Anh nói coi, chúng ta có thể bay về đó không?

Cò mi Thuận chán nản, quay sang tài xế:

- Anh liệu nếu sửa xong ngay thì chạy về Hà Tiên kịp 8 giờ không?

Sang lắc đầu:

- Không sao kịp được.

Mỹ Tiên nghe nói thì từ trên xe đã bước xuống ngay và giậm chân:

- Ba má tôi đã hẹn rồi, phải có mặt để còn đón mấy khách ở Sài Gòn về nữa. Chỉ có tôi mới quen với họ thôi, người khác biết gì mà tiếp!

Cô bước đi từng bước nặng nề, giận dỗi và càng lúc càng đi xa khỏi chiếc xe hư. Cò mi Thuận biết tính tình cô vợ trẻ khá nóng nảy, cô ta đang tính đón xe đi nhờ. Anh ta cũng chỉ biết lững thững đi theo sau...

Tuy nhiên, một lúc sau thì không còn thấy bóng cô nàng đâu nữa trong bóng tối của đoạn đường vắng. Thuận hốt hoảng gọi lớn:

- Mỹ Tiên!

Anh ta gọi đến gần chục tiếng mà chẳng hề nghe tiếng trả lời. Nỗi sợ hãi khiến anh ta phải ba chân bốn cẳng chạy nhanh lên để tìm. Cô nàng vốn đi giày cao gót, nên không thể nào đi nhanh hơn được, mà nãy giờ cũng không hề có chiếc xe nào chạy ngang để còn leo lên xe quá giang đi. Như vậy nàng đi đâu?

Gặp người nào đi ngược chiều Cò mi Thuận cũng hỏi:

- Anh có thấy một cô gái đi bộ qua đây không?

Ai cũng lắc đầu. Thuận càng quýnh lên, anh lại chạy trở về, lát sau khi về đến xe thì Sang đã reo lên:

- Nổ được máy rồi!

Cò mi Thuận không mừng mà lo lắng hỏi:

- Vợ tôi đâu?

Sang lắc đầu:

- Nãy giờ em lo sửa xe, đâu có để ý.

Thuận nhảy lên xe, giục:

- Chạy nhanh lên!

Sang phóng thật nhanh, chạy gần chục cây số mà chẳng hề thấy bóng dáng Mỹ Tiên đâu. Sau đó lại quay xe chạy ngược chiều, cũng đến cả chục cây số. Vẫn bặt vô âm tín!

Đến lúc này thì Thuận đã cuống cuồng lên, anh ta giục tài xế:

- Làm sao kiếm cho ra vợ tôi, nhanh lên!

Sang có là thánh cũng không thể tìm, bởi trời tối và... làm sao biết cô nàng biến đi đâu? Anh chàng chạy quanh quẩn một lúc thì đành chịu thua:

- Thầy nhờ người quanh đây tìm giùm, chứ mình chạy một lát hết xăng thì chẳng biết phải đổ xăng ở đâu nữa!

Cò mi Thuận thật sự tuyệt vọng, anh ta gặp ai cũng hỏi. Chẳng một ai biết. Chỉ duy nhất có một cậu bé khi nghe hỏi đã chỉ tay vào phía rừng tràm:

- Hồi nãy cháu thấy có một cô đẹp lắm đi về hướng này nè!

Sang buột miệng nói:

- Làm sao có chuyện cô đi vào rừng được!

Cò mi Thuận run giọng hỏi:

- Cô ấy đi với ai?

Thằng bé đáp nhanh, vừa chạy đi:

- Đi một mình!

Nó chạy xa rồi mà Thuận vẫn còn đứng ngẩn ngơ đó. Khi chợt tỉnh, anh ta giục Sang:

- Chạy vào rừng!

Sang kêu lên:

- Đường đâu mà chạy!

Thuận như kẻ mất hồn, chẳng còn biết phải làm sao. Sang phải nhắc:

- Thầy mướn người đi tìm cô ấy thử coi!

***

Sau ba ngày tìm kiếm hầu như khắp khu rừng tràm ở Vàm Rầy, nơi mà cái địa danh Cà Bay Ngộp (theo nghĩa tiếng Cao Miên xưa là Con Trâu Chết) đã nói lên tính chất nguy hiểm của nó: "Trâu mà lội qua vùng này cũng chết nói chi người", cũng chẳng có kết quả gì... Kể cả với thân thế của mình, đã nhờ vả cả làng lính cũng đành bó tay. Cò mi Thuận đau khổ trở về Rạch Giá rồi ngã bệnh và nghỉ làm cả tháng trời!

Trong khi đó thì lời đồn đại trong dư luận rất nhiều về chuyện mất tích lạ lùng đó. Có người ác miệng nói rằng cô vợ Cò mi Thuận đã lén trốn theo nhân tình đi biệt! Cũng có người bảo rằng đêm hôm đó có một bọn cướp đã chặn đường và thay vì cướp của, đã bắt cô vợ xinh đẹp đó đi để đòi tiền chuộc!

Về lời đồn thứ hai đó tuy ban đầu Cò mi Thuận không tin, nhưng suy ra có lý, nên anh ta có ý chờ... một cuộc trao đổi của ai đó. Nhưng chờ hoài mà vẫn chẳng thấy ai đòi tiền chuộc hay ra điều kiện gì khác...

Hai tháng sau...

Vào một buổi sáng, theo thói quen Cò mi Thuận thức dậy sớm tập thể dục ngay tại sân ngôi nhà riêng của mình. Khi vừa bước ra sân, anh ta đã ngạc nhiên khi thấy có một vật gì đó đựng trong một cái túi bàng đặt giữa sân. Đúng ra sự cảnh giác cần thiết, Thuận phải gọi người tới mở ra, nhưng chẳng hiểu sao anh ta lại nôn nóng, tự ngồi xuống mở ra xem.

- Đồ của Mỹ Tiên!

Trong giỏ là bộ quần áo Mỹ Tiên mặc hôm mất tích. Bộ đồ còn sạch, không dính một chút bùn đất nào chứng tỏ nàng không hề lạc vào rừng. Thuận vừa sợ vừa mừng, reo lên:

- Nàng còn sống!

Nhưng nghĩ tới việc nàng đang nằm trong tay ai đó thì Thuận điên tiết lên, anh ta định đi báo động để mở cuộc "hành quân" đại quy mô lần nữa. Tuy nhiên, khi lấy hẳn bộ quần áo ra khỏi thì ở tận dưới đáy giỏ lại có thêm một lọn tóc lớn của phụ nữ.

- Tóc của... Mỹ Tiên!

Đúng là mái tóc dài hấp dẫn của cô vợ trẻ mà Thuận từng mê mẩn tâm thần mỗi khi nhìn trước đây. Bây giờ...

- Trời ơi, đã mất mái tóc ấy rồi!

Thuận vừa gào vừa ôm lấy lọn tóc mà khóc rống lên! Vậy là nàng đã xuống tóc quy y rồi chăng?

Nghĩ tới đó Thuận tái mặt! Vài tuần trước trong một lần ghen tuông, chính Mỹ Tiên đã nói là nếu Thuận làm nàng giận lần nữa thì nàng sẽ xuống tóc vào chùa! Phải chăng...

Với tâm trạng đang hoang mang mà nghĩ tới đó, Thuận thốt lên:

- Đúng rồi!

Anh ta một mình lái xe đi tới từng ngôi chùa để tìm. Đi suốt ngày hôm đó đến mệt lả người mà chẳng có chút tin tức gì. Đến chiều quay về nhà thì Thuận lại một phen điên tiết, bởi bộ đồ của Mỹ Tiên anh đem để trong phòng riêng, giờ chẳng còn thấy đâu!

Nghĩ là bị trộm, nhưng xem lại mọi cửa nẻo trong nhà vẫn đóng chặt, không hề có dấu vết bị cạy, bị mở khóa. Mà thời gian này Thuận không hề thuê mướn người làm, vậy có ai vào để lấy?

Sáng hôm sau, Thuận gọi lại tài xế Sang, bảo anh ta lái xe đưa mình đi trở lại Vàm Rầy, bởi đêm hôm qua trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa say, Thuận nghe như có ai gọi tên mình. Khi mở choàng mắt ra thì anh còn nghe văng vẳng ngoài cửa sổ có ai đó nói:

- Muốn tìm vợ thì phải trở lại chỗ bị lạc mất, chứ sao chỉ ở nhà!

Cái giọng nói lạ, hình như của một ông già. Trên xe, Thuận hỏi Sang:

- Ở khu Vàm Rầy có ngôi chùa nào không?

Sang đáp:

- Em cũng không để ý, nhưng chắc là có, bởi chùa hình như có khắp nơi.

- Hễ thấy đâu có chùa là ghé vào!

Từ Rạch Giá lên, xe ghé lại đến chục ngôi chùa lớn nhỏ. Vẫn chẳng tìm ra tung tích gì... Khi tới Vàm Rầy, qua khỏi địa phận xảy ra chuyện hôm trước thì chợt Thuận nhìn thấy một cái am nhỏ, anh ta bảo:

- Ngừng lại đây coi!

Sang nhìn sâu vào cách đường lộ hơn trăm thước, thấy có một ngôi nhà nhỏ cất theo kiểu mái chùa, nhưng nhỏ hơn nhiều. Đúng là cái miếu hay am.

Anh ta nói:

- Nơi này đâu có gì ra vẻ...

Thuận bước xuống xe và dặn:

- Cứ chờ ở đây.

Anh ta đi bộ vào trong đó một cách khó khăn, bởi không có lối đi, mà chỉ là men theo bờ đất cỏ mọc tràn lan, chứng tỏ đây là cái am rất ít người lui tới.

Quả đúng như vậy. Khi Thuận bước vào thì chỉ có con chó mực duy nhất có mặt ở sân am, thay vì sủa vang khi có khách lạ thì trái lại, nó đứng lên và... ngoắt đuôi mừng rỡ như mừng người thân đi xa mới về!

Chính Thuận cũng ngạc nhiên, anh khựng lại nhìn, cứ sợ con chó sau khi mừng lầm sẽ lại tấn công! Nhưng càng lúc con vật càng mừng dữ hơn, nó gần như chồm lên người Thuận, khiến anh phải lùi lại, suýt nữa đã rớt xuống cái ao bên cạnh am.

- Mực! Không được hỗn!

Tiếng la của một người đàn ông đứng tuổi đã ngăn chặn kịp thời sự vui mừng quá lố của con chó. Một tu sĩ mặc áo nâu xuất hiện khiến con chó đang hăng phải xìu xuống, nằm bẹp y như trước đó! Thuận lúng túng:

- Dạ, cháu chào bác... Dạ không, chào thầy! Con là...

Tu sĩ chắp tay, giọng thân thiện:

- Nơi quanh năm không có khách viếng nay lại hân hạnh đón một quý khách thế này, bảo sao con mực nó không mừng! Mời đạo hữu ngồi tạm lên khúc cây, bởi am không tiếp khách thường xuyên nên không có bàn ghế cho đàng hoàng.

Cò mi Thuận sốt ruột nên hỏi liền:

- Thầy ở đây từ lâu, vậy chẳng hay thầy có từng thấy một cô gái trẻ bị đi lạc trong rừng tràm này không?

Vị tu sĩ không hề ngạc nhiên trước câu hỏi, trái lại ông hết sức sốt sắng, vừa đứng lên vừa hỏi:

- Có phải cô này không?

Ông bước vào trong chỗ bệ thờ, lấy ra một chiếc giỏ đệm, mà vừa nhìn thấy Thuận đã kêu lên:

- Chiếc giỏ có bộ đồ!

Đặt nó xuống đất, vị đạo sĩ hỏi lại:

- Đạo hữu kiếm người này phải không?

Thuận nhanh tay kéo bộ quần áo ra, lôi luôn mớ tóc, anh hỏi:

- Sao nó lại ở đây?

- Sáng hôm nay khi tôi dậy ra tưới cây thì thấy vật này do ai đó đặt ngoài sân. Tôi biết ngay là của một cô gái, mà là cô gái đẹp, sang trọng nữa, bởi nhìn bộ quần áo lụa may theo kiểu thị thành, thêm vào đó là mái tóc dài này, gái thôn quê không có được người trắng da dài tóc như thế...

Ông nhìn lại một lần nữa rồi tiếp:

- Theo tôi thì mái tóc này không phải do cạo hay cắt mà có. Nó... rụng một cách tự nhiên.

- Sao lại rụng được? - Thuận sửng sốt.

Vị tu sĩ đáp một cách tự nhiên:

- Chỉ có chết thì tóc mới rụng như thế này! Đây, đạo hữu coi, chân tóc còn nguyên, không phải dao cạo cắt ngang như những người xuống tóc quy y...

Câu nói của ông chưa dứt thì Cò mi Thuận đã kêu lên thất thanh:

- Trời ơi, Mỹ Tiên!

Anh ta xúc động mạnh, tay chân run rẩy, người lảo đảo, suýt nữa đã ngã xuống đất. Vị tu sĩ phải gọi giật:

- Đạo hữu sao vậy?

- Cô... cô ấy là vợ tôi. - Thuận thều thào.

Tu sĩ nhẹ lắc đầu:

- Sáng nay tôi nhận được vật này, bấm độn tôi đã đoán ngay là sẽ có đạo hữu tới, và càng lo hơn khi biết điều oan nghiệt đang có mặt chốn này...

Thuận hốt hoảng:

- Thầy nói thế là sao? Vợ tôi liệu có còn...

- Nhìn mớ tóc kia thì không thể nào của người còn sống được. Bởi người sống thì không làm sao nhổ ra được từng sợi tóc. Nhưng theo quẻ độn của tôi thì lại có cái vong của một người còn quanh quẩn đâu đây... Lạ lắm, từ ngày theo học đạo, biết bấm độn đến nay thì tôi chưa đoán lầm bao giờ. Vậy mà sao lần này...

Ông trầm ngâm rất lâu rồi mới nói tiếp:

- Có điều gì đó không bình thường ở đây...

Thuận kể chuyện giỏ đồ này từng ở nhà của anh cho vị tu sĩ nghe, ông bảo:

- Ở chỗ đạo hữu, rồi một cách bí mật chuyển tới đây thì không thể do đạo hữu hay do tôi làm được. Mà phải do...

Cò mi Thuận buột miệng:

- Do người của cõi âm!

- Có những điều ta không thể biết chắc được, nhưng nó đã xảy ra...

- Con xin thầy giúp tìm hiểu xem vợ của con có thật sự còn sống không? - Thuận nói gần như van lơn.

Trầm ngâm một lúc, vị tu sĩ nhẹ thở dài:

- Tôi đã nói lúc nãy, vẫn còn có điều tôi đang mơ hồ... Nhưng tôi hứa với đạo hữu, tôi sẽ dốc hết sức mình để tìm hiểu việc này. Nếu có thể, đạo hữu hãy trở lại đây vài hôm nữa, thế nào tôi cũng có cách...

Ông đưa chiếc giỏ cho Thuận:

- Của đạo hữu thì cứ giữ lấy.

Thuận ngập ngừng:

- Nó từng ở bên con rồi bị mất. Liệu lần này...

- Nó tự nhiên hiện ra với đạo hữu, rồi lại bị lấy đi, như vậy ắt có nguyên nhân của nó. Vậy cứ giữ nó lần nữa xem sao...

Cò mi Thuận thật lòng muốn giữ lại vật của vợ mình, nên anh ôm nó vào lòng và lững thững bước trở ra xe. Tài xế Sang đưa cho anh một đôi giày cao gót:

- Em cũng chẳng biết của ai, khi em rời xe đi vệ sinh trở lại thì thấy nó nằm trên băng phía sau. Giống như của cô Mỹ Tiên?

- Của cô ấy chứ ai nữa! - Thuận reo lên.

Đôi giày này hôm đó Mỹ Tiên đã mang. Như thế đã quá đủ để hiểu rằng nàng đã... chết!

***

Bà Mỹ Dung, mẹ của Mỹ Tiên khóc vì chuyện mất đứa con gái duy nhất của mình suốt một tháng trời vẫn chưa nguôi. Đêm nào bà cũng gặp ác mộng, mà trong đó hầu như bà luôn nhìn thấy con gái hiện về mình mẩy đầy máu, và chỉ đứng trong tư thế chống cả hai tay xuống đất giống như một con vật bốn chân!

Qua nhiều lần mơ thấy như vậy khiến cho bà Dung lo sợ, đem chuyện nói lại với ông chồng. Nhưng vốn là một viên thẩm phán thấm nhuần nền tây học, nên ông Lợi gạt ngang:

- Bà nhớ nó quá rồi đâm ra mộng mị lung tung thôi!

Nhưng bà Mỹ Dung vẫn cố nói:

- Tôi có linh tính là con Mỹ Tiên chết không bình thường. Tôi muốn nhờ thầy cầu hồn nó về xem sao.

Ông thẩm phán Lợi nổi xung thiên:

- Tôi cấm bà làm chuyện mê tín đó! Không có thầy bà gì hết!

Để ngăn vợ không cho nghĩ ngợi, buồn lo chuyện của Mỹ Tiên, ông ta ngầm bảo tài xế riêng chở vợ về thẳng Rạch Giá, rồi dự tính sẽ đưa bà đi luôn Sài Gòn.

Bà Mỹ Dung không muốn rời nhà người quen ở Hà Tiên, nhưng do tài xế lái xe đưa bà đi Kiên Lương, rồi chạy thẳng về Rạch Giá trong đêm, nên tối đó bà đành phải trở về nhà ở thị xã Rạch Giá.

Người nhà hơn tháng qua không thấy chủ thì tuy có lo, bởi vậy thấy bà Mỹ Dung về họ mừng lắm. Con Thẩm vốn là đứa hầu hạ tâm phúc cho bà chủ, được dịp tâng công:

- Ngày nào con cũng mong bà về. Phòng riêng của bà mỗi ngày con cũng lau dọn và thay hoa bà ưa thích. Bà vào coi, hoa cúc vàng khó mua mấy con cũng kiếm cho được! Sáng nay con thay đúng sáu bông, bởi bữa nay là ngày thứ sáu, mà ý của bà con đâu quên, hễ ngày thứ mấy trong tuần là cắm mấy bông hoa.

Dẫu đang sầu lòng, nhưng trước tấm lòng của những người làm, bà Mỹ Dung cũng gật đầu khen nó một câu:

- Được lắm!

Bà vào phòng định sẽ ngủ ngay một giấc, bởi hầu như cả tuần rồi bà luôn bị mất ngủ với những cơn ác mộng triền miên...

Vừa bật đèn điện lên, bà đã kêu thét:

- Bớ!...

Trước mặt bà, nằm trên giường là một... con khỉ trắng to gần bằng người thật! Con khỉ lại giương mắt nhìn bà mà không chút sợ hãi nào!

- Bớ!...

Lần kêu thứ hai của bà Mỹ Dung bị nghẹn lại bởi lúc ấy con vật lạ thường kia đã bật dậy, đôi mắt vẫn nhìn chằm chằm vào bà bằng ánh mắt kỳ lạ.

Những người làm nghe bà la vội chạy vào, nhưng gõ cửa mãi vẫn chẳng nghe bà lên tiếng. Con Thắm phải nói to hơn:

- Bà có chuyện gì để con vào giúp bà với!

Mãi một lúc sau, cánh cửa mới bật mở. Nhưng khi nhìn vào thì bọn người làm hốt hoảng:

- Bà chủ, sao vậy nè?

Họ thấy bà Mỹ Dung nằm ngất dưới sàn nhà. Ngoài ra chẳng hề thấy cái gì khác. Phải mất khá lâu họ mới cứu tỉnh được bà chủ. Vừa choàng mắt ra, bà đã nói trong hoảng sợ:

- Có... có ai làm gì nó không?

Con Thắm ngạc nhiên:

- Bà nói làm gì ai?

- Con... con...

Bà ngừng bặt, chừng như sợ hãi điều gì. Con Thắm tinh ý nên hỏi:

- Bộ bà thấy gì hả?

Không trả lời, mà bà lại hỏi:

- Nó đâu?

Rồi bà thu người lại ngồi vào một góc bảo mấy đứa đầy tớ:

- Hãy đóng hết cửa nẻo lại, kể cả cửa sổ!

Thấy bà quá sợ như vậy nên con Thắm chủ động nói:

- Để con ở lại với bà trong phòng. Con mở đèn sáng lên như vầy thì đâu có gì bà phải sợ.

Nhưng bà Mỹ Dung vẫn như đang nhìn thấy cái gì đó, bà cứ đưa tay chỉ ra ngoài khoảng không và lắp bắp nói:

- Nó... nó ở chỗ đó! Nó...

Phải mất cả buổi bà mới hồi tỉnh hoàn toàn. Tuy nhiên tâm thần bà bất an, cứ thỉnh thoảng lại hỏi:

- Con khỉ nó còn vào đây nữa không?

Hỏi con khỉ nào thì bà không nói, mà chỉ nhẹ thở dài rồi nhìn ra ngoài trời và nói thật khẽ trong miệng, chẳng ai nghe thấy được gì... Ông thẩm phán Lợi được báo tin, ông từ Hà Tiên về và cũng thật bất ngờ, ông nói:

- Tối qua cũng có một con khỉ trắng lớn gần bằng con người, nó từ trong phòng tôi nhảy qua cửa sổ rồi chạy mất dạng! Tôi sợ quá nên cho mấy tay súng nằm rình ngoài vườn, định bắn hạ...

Lời ông chưa dứt thì bà đã gào lên:

- Không được bắn! Mấy người mà bắn nó thì... thì hãy bắn tôi đây nè!

Trước thái độ kỳ lạ của vợ, ông Lợi quá đỗi ngạc nhiên, nhưng cũng chiều lòng bà, ông điện thoại về Hà Tiên dặn mấy tên lính giữ nhà không được sát hại con khỉ trắng, nếu nó có trở lại thì tìm cách bắt giữ thôi!

Bà Mỹ Dung nghe vậy cũng phản đối:

- Cũng không được bắt giữ! Tôi thấy nó hiền và tội nghiệp lắm. Bữa qua tuy tôi sợ phải ngất đi, nhưng lúc đó tôi cũng thấy rõ ràng là đôi mắt nó ươn ướt, như đang khóc! Một con khỉ như vậy sao mình nỡ giết chứ!

Ông thẩm phán cũng bắt đầu hoang mang về sự việc lạ kỳ này. Phải chăng có hai con khỉ giống nhau, vậy nên chúng mới xuất hiện cùng lúc ở hai nơi xa nhau gần trăm cây số? Mà tại sao chúng lại xuất hiện trong phòng riêng?

Có lẽ vì thương nhớ con nhiều và nghĩ ngợi lắm, nên bà Mỹ Dung nhạy cảm hơn, bà buột miệng nói:

- Phải chăng... oan hồn con Mỹ Tiên là... là...

Bà không dám nói hết câu, nhưng ông Lợi cũng hiểu, ông thốt lên:

- Oan hồn!

Đây là lần đầu tiên ông ta thừa nhận có oan hồn! Ông ta còn nói:

- Nhưng... hồn người chết sao là khỉ? Không thể nào...

Bà vợ thì hình như khẳng định được điều gì đó, bà bật dậy và nói nhanh:

- Phải báo cho thằng Thuận biết để đi tìm vợ nó!

Nhưng khi họ tới tìm Thuận thì anh ta đã đi đâu mà người nhà cũng không biết rõ. Tài xế Sang đậu xe đợi ở ngoài cửa như thường lệ, nhưng từ sáng đến giữa trưa vẫn không thấy bóng dáng chủ đâu. Anh ta nói với vợ chồng ông thẩm phán:

- Tối qua con còn đưa cậu đi "nhậu" về. Mấy hôm nay cậu ấy "nhậu" dữ lắm. Cậu ấy vào nhà xong, con cũng là người khóa cửa ngoài và ngủ ở ga-ra, phòng khi cậu có cần gì thì gọi cho dễ. Nhưng chẳng nghe cậu gọi gì cả, sáng sớm ra con tưởng cậu còn ngủ sau cơn say, mà chờ hoài tới giờ cũng không thấy.

Ông bà thẩm phán đã vô tận phòng riêng gọi cửa thì Thuận không có trong đó. Coi lại đồ đạc trong phòng thì họ phát hiện ra trên giường nệm, nhất là trên một cái gối có lưu lại khá nhiều lông màu trắng, mà vừa trông thấy bà Mỹ Dung đã la lên:

- Lông khỉ!

Ông thẩm phán cũng nhận ra điều đó. Ông lẩm bẩm:

- Không lẽ nó cũng... có con khỉ?

Khi họ trở ra hỏi thêm Sang thì anh ta chợt nhớ ra:

- Từ hôm qua, đã nhiều lần cậu Thuận cứ nhắc hoài cái am ở Vàm Rầy...

Tự dưng ông thẩm phán hỏi:

- Cái am ở giữa đồng phải không?

- Dạ phải, cách Vàm Rầy chừng hai trăm thước. Cái am nằm sâu giữa đồng, chẳng có đường vào.

- Trời ơi!

Ông Lợi kêu lên mấy tiếng rồi đứng chết lặng khá lâu. Bà Mỹ Dung phải lên tiếng hỏi:

- Ông sao vậy?

Bất chợt, ông quay qua tài xế Sang:

- Mày đưa tao trở lên đó coi!

Bà vợ cũng đòi theo:

- Tôi cũng đi nữa!

Ông Lợi gạt ngang:

- Bà không đi được, để tôi đi tìm... Tìm thằng Thuận!

Bà quyết liệt:

- Tôi tìm con gái tôi!

Bà leo đại lên xe, nên buộc lòng ông phải chấp nhận:

- Đi, nhưng lên đó bà không được để ý chuyện gì chung quanh. Chuyện...

Ông định nói gì đó lại thôi. Từ đó lên Vàm Rầy, hầu như cả hai vợ chồng đều im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng...

Khi tới nơi, trước sự ngạc nhiên của bà vợ, ông Lợi bước xuống xe lội băng đồng, tiến vào cái am mà lần trước Sang đã dừng xe chờ Cò mi Thuận. Bà Mỹ Dung có muốn đi theo cũng ngại, bởi bà đi hài nhung thì làm sao băng qua ruộng đầy sình lầy kia được!

Rồi đột nhiên bà gợi ý:

- Nè Sang, mày có dám... cõng tao vào trong đó không?

Sang hơi bất ngờ trước đề nghị đó, nhưng trong lòng anh chàng đang rộn lên ý nghĩ thích thú. Tuy gọi là bà chủ, chứ thật ra bà Mỹ Dung chỉ lớn hơn Sang sáu tuổi... Cơ thể một mệnh phụ như bà ta lại được chải chuốt, ăn diện sang trọng, nên trông chẳng cách biệt tuổi với Sang là mấy. Anh chàng nghĩ nhanh: Cõng thì cõng, như cõng... một nàng nào đó, có sao đâu. Vả lại, suy cho cùng một khi bà chủ lớn mà muốn như vậy thì có cãi cũng không được! Cho nên Sang nói liền:

- Dạ, nếu bà muốn...

Bà Mỹ Dung bá lấy cổ anh chàng tài xế khỏe mạnh ngay và giục:

- Theo ông ấy nhanh lên!

Tuy cõng một người ngót năm chục ký có nặng, nhưng tài xế Sang do thích thú nhiều, nên anh vừa bước nhanh vừa nghĩ:

- Đời tài xế mà kiêm luôn... cõng xế thế này thì mấy ai được như mình!

Khi Sang cõng bà chủ vào tới am thì vừa lúc vị tu sĩ từ trong bước ra, giáp mặt với thẩm phán Lợi. Vừa chợt trông thấy người trước mặt, ông Lợi thảng thốt kêu lên:

- Ông đây là... đây là...

Vị tu sĩ vẫn điềm tĩnh:

- Mời quý đạo hữu ngồi. Dẫu là cố nhân thì cũng ngồi nói chuyện đã chứ!

Thấy giọng điệu bình tĩnh của vị tu sĩ, thẩm phán Lợi càng lúng túng hơn:

- Thì ra... ông ở đây...

Lúc này chủ am mới lên tiếng, mạch lạc hơn:

- Người quân tử trả thù thì mười năm cũng chưa muộn, phải không ngài thẩm phán!

Thẩm phán Lợi tái mặt, giọng run run:

- Anh Lượng... tôi và anh... nên gác qua một bên chuyện cũ...

Vừa trông thấy bà Mỹ Dung vào tới, vị tu sĩ nói lớn:

- Hay quá, có mặt cả người mà tôi tưởng là sẽ không bao giờ gặp lại thì còn gì bằng!

Ông Lợi thấy sự xuất hiện của vợ thì càng quýnh lên:

- Bà... bà không nên... Mà nè anh Lượng, chuyện giữa mình với nhau, đừng để người ngoài...

Vị tu sĩ quay sang phía tài xế Sang:

- Theo cậu thì chuyện lạ về đôi vợ chồng quyền thế mà cậu đang làm công đây có đáng nghe không?

Sang cũng rất tò mò, nhưng đành phải lắc đầu:

- Dạ, để con ra ngoài.

Thẩm phán Lợi lại rất cần có Sang, nên ông cố nói:

- Anh cho nó đưa vợ tôi ra, bà ấy đang bệnh.

Nhưng bà Mỹ Dung lại nói:

- Tôi muốn ở lại!

Bà nói bằng giọng kích động, bởi lúc ấy bà vừa nhận ra người tu sĩ trước mặt mình. Bà không thể bình tĩnh được, nên lại nói:

- Tại sao anh lại...

Bà nhìn chăm chú vào bộ áo nâu sồng của người đàn ông trước mặt. Ông này hướng về phía Sang xua tay:

- Thôi, cậu ra ngoài đi. Hai người này sẽ không hứng thú khi có cậu nghe chuyện của họ lắm đâu. Khi cần tôi sẽ gọi vào.

Sang đi ra rồi thì bà Mỹ Dung lại càng kích động dữ hơn:

- Anh Lượng, xin anh...

Vị tu sĩ mà cả hai người đều gọi là Lượng vẫn bình thản:

- Tôi bây giờ đã khoác áo nâu sồng, vậy hãy gọi tôi là tu sĩ Thành Lượng.

- Anh... à mà thầy Lượng, xin hãy...

- Bà muốn nói tôi hãy bỏ qua chuyện cũ chứ gì? Vậy chuyện cũ đó là gì, bà thử nhắc lại nghe xem, có thể bỏ được không?

Ông thẩm phán lúc này mới lại lên tiếng:

- Xin anh Lượng bỏ qua chuyện cũ, tôi xin chịu tội, tôi sẽ...

Bất chợt vị tu sĩ cất tiếng cười! Giọng cười lúc đầu lớn, sau nhỏ dần và đột nhiên biến thành một tràng tiếng khóc, nghe thê lương lạ thường! Tiếng khóc đó khiến cho cả hai vợ chồng thẩm phán đều rúng động và họ co rúm lại, như biết sắp có chuyện gì đó ghê gớm lắm sẽ xảy ra...

Rồi đột nhiên cả hai vợ chồng ông ta đều quỳ sụp xuống, lạy như tế sao:

- Xin anh Lượng tha tội! Xin lạy anh!

- Tội lỗi! Tội lỗi! Hai người để sức mà lạy người kia kìa, đừng lạy tôi!

Lời ông vừa dứt thì từ nhà sau bước ra một người trùm kín trong chiếc áo tơi, loại áo bằng lá kết thành của những người đi làm nông. Rồi đột nhiên người đó đưa tay gỡ từng mảng lá trên người ra, để lộ... một người khỉ lông xám!

Bà Mỹ Dung hét lên trước tiên rồi bò lăn dưới đất, hồn phi phách tán!

Ông thẩm phán Lợi thì bình tĩnh hơn, chỉ hơi né sang bên khi người khỉ đó bước tới gần!

Giọng của vị tu sĩ trở nên gay gắt hơn:

- Ông bà hãy nhìn kỹ xem đây là ai?

Bà Mỹ Dung luôn là người nhạy cảm hơn, bà nhìn vào đôi mắt con khỉ tỏ như người, bất chợt bà kêu lên:

- Lệ! Ngọc Lệ!

Mục lục
Ngày đăng: 26/03/2014
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên

Mục lục