Gửi bài:

Chương 15 - Võ Đang ngũ hiệp phong thái dương

May mắn là chúng ta đi theo Trương Tam Phong, được ông ta bảo vệ, cuối cùng cũng bình an tới chân núi Võ Đang. Trên núi tùng bách cổ thụ tầng tầng lớp lớp mọc thành rừng che kín những gì bên trong. Tống Viễn Kiều cũng đã sớm mang theo bốn sư đệ chờ Trương Tam Phong dưới chân núi. Ta từ trước vốn rất thích hình tượng Võ Đang thất hiệp trong truyền thuyết, giờ phút này có thể nhìn thấy con người thật bằng xương bằng thịt của họ quả thực cảm thấy rất hứng thú, đáng tiếc là Trương Thúy Sơn đã không còn, Du Đại Nham lại đang mang thương tật không tiện đi lại, bằng không có thể ngắm đầy đủ hết Võ Đang thất hiệp quả thực rất tuyệt.

Mắt ta vốn tinh tường, từ xa đã nhìn thấy sáu người mang theo môn nhân đệ tử đứng đằng kia. Đứng trước nhất là một người thư sinh râu dài tầm tuổi trung niên, dáng người cao gầy khí độ nho nhã, quần áo bay lượt phượt trong gió. Trong sách đánh giá ông ta phật diện từ tâm, phong phạm ôn văn nho nhã, người khác có việc cầu ông ta luôn cố hết sức giúp đỡ.

Tống Viễn Kiều tính tình ổn trọng, khiêm tốn hòa ái, tuân tuân nho nhã, rất có phong phạm quân tử, võ công cao cường, xử sự lại hợp tình hợp lý, trên giang hồ danh tiếng và địa vị cao vô cùng, địa vị ngang với chưởng môn một môn phái. Đáng tiếc, con trai là Tống Thanh Thư lại bị Trần Hữu Lượng dụ dỗ lừa gạt trở thành phản đồ, giết sư thúc, phản bội sư môn.

Nghĩ lại kết cục truyện Trương Vô Kỵ có thể cùng Triệu Mẫn quy ẩn, nhưng còn Tống Viễn Kiều, đối mặt với nghịch tử đau khổ bao nhiêu, chỉ có thể cả đời nghiên cứu Thái Cực công pháp, lấy khổ luyện võ công an ủi chính mình, cả phần đời còn lại yên lặng thống khổ. Mạc Thanh Cốc và Tống Thanh Thư đều chết, ông ta rốt cuộc không thể thoát ra khỏi ám ảnh. Bất quá hiện tại không có Chu Chỉ Nhược lợi dụng, Tống Thanh Thư dù bụng dạ có hẹp hòi hay không nhưng không có Trương Vô Kỵ trở thành tình địch lợi hại, hẳn cũng có thể yên ổn trở thành một đại hiệp của Võ Đang.

Du Liên Châu là nhị đệ tử của Trương Tam Phong, trong truyện xuất hiện khá ít, có thể nói là không để lại ấn tượng gì, sự thật quả là không phải bình phàm. Chỉ thấy thân hình cao lớn, sắc mặt ngăm đen, không để râu, vẻ mặt nghiêm nghị, y phục gọn gàng, lưng đeo lợi kiếm, nhớ trong truyện miêu tả người này bề ngoài nghiêm túc, nội tâm nhiệt tình, tính cách ung dung, lý trí ổn trọng bình tĩnh, võ công so với các sư huynh đệ có thể coi như cao nhất, sau lại kế thừa ngôi vị chưởng môn phái Võ Đang.

Kế bên Du nhị hiệp là Trương tứ hiệp Trương Tùng Khê, dù ở trong Ỷ Thiên Đồ Long ký là một vai không quan trọng, nhưng người hiện đại lại biết đến ông ta nhiều nhất, bởi vì chính ông ta là người đã đem nội gia quyền pháp Võ Đang truyền lại cho đời sau, làm cho nhiều thế hệ có thể được chứng kiến võ học kỳ tích, cao thủ phong phạm.

Trong truyện miêu tả Trương Tùng Khê đứng đắn ung dung như nhà nho, đối người kính cẩn, nói người này ít nói nhưng cũng là người chính trực hữu dũng, trên kính sư tôn huynh trưởng, dưới dạy dỗ các sư đệ, tư chất võ học cũng rất tốt, xếp kế sau Du Liên Châu hai bậc, lấy cơ trí thiện ứng biến mà nổi danh trên giang hồ.

Lại đến người tiếp theo, chính là đại danh đỉnh đỉnh tình lang đa tình Ân Lê Đình. Võ Đang thất hiệp bảy người, võ công tính cách bất đồng, Tống Viễn Kiều nhân ái, Du Liên Châu nghiêm nghị, Du Đại Nham tinh anh, Trương Tùng Khê cơ trí, Trương Thúy Sơn nho nhã, Mạc Thanh Cốc thẳng thắn, yếu đuối nhu nhược nhất là Ân Lê Đình xếp thứ sáu. Ân Lê Đình đối người nhiệt tình, xử sự lại không có chủ ý, thường nghe theo lời sư huynh, vấn đề nào giải quyết không được thường tìm cách trốn tránh.

Ân Lê Đình đứng đằng kia dung mạo tuấn tú, chỉ là hiển lộ vài phần yếu đuối nhu nhược, khí thế không lại được với mấy vị sư huynh đệ, theo như cách nói của hiện đại thì rất có bộ dáng tiểu thụ, rất ưa nhìn, hấp dẫn ánh mắt người khác. Tuy tính tình yếu đuối, nhưng đối với võ lâm hiệp nghĩa cũng rất kiên trì, đối xử với thân nhân bằng hữu thật tâm thật dạ, chỉ là trong chuyện tình cảm cũng yếu đuối, một lần bị tổn thương liền ủy mị mãi không thoát ra nổi.

Trong truyện, Kỷ Hiểu Phù cùng hắn có hôn ước, nhưng Kỷ Hiểu Phù lại yêu Dương Tiêu, sinh được một con gái, vậy là hiện tại con gái nàng cũng đã sáu bảy tuổi. Tình cảm dĩ nhiên đáng quý, nhưng lại rất ích kỷ, Kỷ Hiểu Phù giấu Ân lê Đình lâu như vậy cũng không giải trừ hôn ước làm hắn sau này phải khổ sở, cho đến sau này Diệt Tuyệt sư thái giết Kỷ Hiểu Phù, Ân Lê Đình lúc nào cũng bị oán hận khổ sở giày vò, sau này gặp Dương Bất Hối lại thương tâm.

Đứng cuối cùng là Mạc thất hiệp Mạc Thanh Cốc nổi tiếng chính trực ngay thẳng, chỉ thấy hắn có vẻ như mới hai mươi mấy tuổi, khuôn mặt như bạch ngọc, mày kiếm mắt sáng, thân như ngọc thụ mặc một bộ y phục màu trắng, lưng đeo trường kiếm, một thân tiêu sái phong độ, là người trẻ tuổi nhất trong thất hiệp, giống như một thiếu niên nhưng tính cách lại sớm trưởng thành. Ta ngắm một lát, thật sự là thưởng tâm duyệt mắt, không khỏi cảm thấy đáng tiếc, một thanh niên ưu tú như vậy nhưng lại chết trong tay tiểu tử Tống Thanh Thư, thật sự đáng tiếc. Chết rất oan uổng, bởi vì hắn muốn giáo huấn tiểu tử đó, khi định đến thăm bệnh Chu Chỉ Nhược lại bắt gặp cảnh Tống Thanh Thư và nữ đệ tử Nga Mi quần áo xộc xệch, dù bị Trần Hữu Lượng đánh lén nhưng cũng là do Tống Thanh Thư gián tiếp giết chết, thật sự là chết rất oan, xem ra làm người cũng không thể quá thẳng.

Ta trong lòng còn đang bình phẩm thì bọn họ đã tiến lên, hành lễ trước Trương Tam Phong, đón chúng ta hướng Tử Tiêu Cung trên núi mà đi. Trương Tam Phong đã thương lượng với cha ổn thỏa, dưới chân núi chiến loạn không yên lắm, cha con ta chỉ sợ cuộc sống không ổn, cũng may trên núi còn có đất hoang, giờ trước tiên chúng ta ở trong phái làm khách mấy ngày, đợi ông ta phân phó đệ tử giúp chúng ta dựng một căn nhà, khai khẩn mấy mẫu ruộng rồi tính, bởi vì ở ngay cạnh phái Võ Đang, an toàn hẳn là không thành vấn đề.

Cha mấy lần từ chối, bất đắc dĩ Trương Tam Phong lấy cớ cha tuổi đã lớn không thể cự tuyệt, cha lại ăn nói không tốt, đành phải y theo. Ta nghĩ cũng không sao, dàn xếp xong mọi thứ có thể tự trồng trọt chăn nuôi, có chút gì đó tặng cho họ cũng gọi là báo đáp ân thu lưu chiếu cố.

Ta cùng cha ở trên đường mua đồ ăn lương thực đầy đủ, trên đường trang sức ta cũng đem bán, đủ để cho ta cùng cha cơm áo tám năm mười năm không cần lo lắng. Bất quá cha vốn chăm chỉ làm lụng là không muốn đụng đến số vàng bạc ấy, cho nên ta bất đắc dĩ phải chậm rãi kiên trì thuyết phục ông. Một đêm khi còn đang trong cuộc hành trình, ta thừa dịp mọi người ngủ say lặng lẽ đem một ít vàng bạc cho Chu Thừa Chí, ngày sau nếu có ai biết cũng chỉ nghĩ rằng đó là của Thường Ngộ Xuân cho nó, không biết sau này cha biết ta đem vàng lá cho Trương Vô Kỵ sẽ nghĩ thế nào.

Vừa đi vừa ngắm phong cảnh Võ Đang sơn, nghe Trương Tam Phong nói mới biết núi Võ Đang lớn như thế nào. Hơn nữa trên núi không chỉ có mình phái Võ Đang, còn có không ít đạo quan, hương khói cường thịnh, xung quanh hàng quán nhàn trọ cũng rất đông đúc, ta nhớ kỹ về sau thiếu thứ gì thì có thể xuống đây mua.

Ở thời hiện đại, hiểu biết của ta về Võ Đang sơn không nhiều lắm, cũng chỉ biết sơ rằng núi Võ Đang thuộc tỉnh Hồ Bắc, thời Bắc Tống cũng đã là thánh địa đạo giáo nổi tiếng thiên hạ. Phạm vi hơn tám trăm dặm, phía đông giáp thành Tương Dương, phía tây dựa vào Xa thành, phía nam là rừng rậm bát ngát, phía bắc sông núi đan xen.

Núi Võ Đang không chỉ có phong cảnh thiên nhiên đẹp, mỗi ngọn núi đều có rừng bao phủ, tổng cộng có bảy mươi hai ngọn, ba mươi sáu nham thạch, hai mươi bốn khe suối.. lấy ngọn Thiên Trụ Phong làm trung tâm, các ngọn núi khác bao bọc xung quanh tạo nên cảnh quan diễm lệ, núi non cung điện đan xen nhau tuyệt đẹp, được xưng là đệ nhất thắng cảnh, thiên hạ đệ nhất tiên sơn.

Trương Tam Phong kể rằng núi Võ Đang non cao hiểm trở, bởi vì trên núi có rất nhiều loại dược vật quý hiếm cho nên thường xuyên có người lên núi hái thuốc. Ở đỉnh Thiên Trụ Phong, phía sau có một mảnh rừng rất cổ quái, có xà trùng rắn rết, mãnh thú dã vật quái dị, ra vào phải cẩn thận.

Dọc đường đi ta nhìn ngắm hoa cả mắt, còn tưởng rằng phái Võ Đang là một đạo quan thanh tĩnh, đến rồi mới biết rằng không phải, cả Võ Đang sơn cổ kiến trúc đàn quy mô bề thế hoành đại, khí thế hùng vĩ, cứ năm dặm lại có một am, mười dặm một cung, kiến trúc điêu khắc tinh tế hoa mĩ. Lầu thai ẩn tôn quý, mỗi nơi đều là kỳ quan, tuy nói là cảnh đạo gia thế nhưng đẹp như tiên sơn quỳnh các.

Quy mô thực lớn, Kim điện, Tử Tiêu cung, Trì Thế huyền nhạc, Thạch Bài phường, Nam Nham cung, Ngọc Hư cung ở sau cùng, mà Tử Tiêu cung chính là nơi ở chính của những người trong phái. Cung điện trong núi, đạo viện, đình thai, lầu các dọc ngang, trải rộng, phong loan u các, tồn tại ngàn năm, đón gió mưa mà không sợ, nghênh giông bão không tổn, như năm tháng không trôi, có thể nói là kỳ tuyệt chốn nhân gian.

Tiên cảnh có tiên ở, đời sau được biết trên núi có tám cung, hai quán, ba mươi sáu am, bảy mươi hai miếu đá, ba mươi chín cầu..

Trải qua dọc đường mỏi mệt, phái Võ Đang tất cả mọi người khinh công cao cường, "Thê Vân Túng" (một môn khinh công của phái Võ Đang) càng nổi tiếng giang hồ, đi trên núi đều không có vấn đề gì, nhưng cha ta vốn cũng đã có tuổi, xương cốt không được tốt như vậy, hoàn toàn nhờ vào Trương Tam Phong giúp đỡ, ta tuy cố gắng cũng có thể cùng đi như bọn họ, nhưng cũng chẳng muốn làm cho mọi người chú ý, đành nhờ Mạc Thanh Cốc cõng mang đi.

Xế chiều cuối cùng mọi người cũng đến được Tử Tiêu cung. Tử Tiêu cung nằm đón gió, phía sau dựa vào vách núi, có phía trước có thể nhìn thấy núi non trùng điệp, rừng già, thác nước.. Bên phải có hang động, bên trái cố hồ nước như một viên ngọc quý. Rừng núi xung quanh quây quần tạo thành cảnh lưỡng long tranh châu.

Phái Võ Đang có thể tọa lạc ở nơi như thế này có thể thấy được kỳ thật thực lực bất phàm. Tiến vào trong điện, chỉ thấy cả tòa chia thành năm gian, đèn nến rực rỡ, quang hoa sáng rọi, phù điêu song long tranh châu, các họa tiết điêu khắc hoa lá động vật hình thái sinh động uyển chuyển. Trong điện ánh sáng rực rỡ khiến cho mọi vật đều như tỏa sáng.

Tử Tiêu điện, Long Hổ điện, Thập Phương đường, Đông cung, Tây cung.. quây quần tạo thành một quần thể kiến trúc tuyệt thế. Tiền điện cao lớn hoành tráng, điêu lan trọng nhiễu, hùng vĩ vô cùng. Trong điện có Ngọc Hoàng, Thực Vũ, Linh Quan, tượng chư thần, hình dáng sinh động, điêu khắc tinh xảo khéo léo. Hậu điện mái ngói vươn cao, tú nhã thanh lệ, sánh cùng Tử Tiêu điện tỏa sáng rực rỡ trong nắng.

Mục lục
Ngày đăng: 20/03/2013
Người đăng: Beoni
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín

Có thể bạn thích

Mục lục